15 thg 12, 2013

NHỮNG ĐIỀU CẦN PHÊ PHÁN Ở HAI QUYỂN SÁCH VỀ PHONG THỦY VIỆT NAM

     HOÀNG TUẤN PHỔ

Thị trường sách nước ta những năm gần đây bày bán ê hề những ấn phẩm một thời bị xếp vào loại duy tâm, thần bí, mê tín, dị đoan: tử vi, tướng số, bói toán, xem ngày tốt xấu, phong thủy...Cũng có một ít “hàng thật”, đa số “hàng rởm”. Ví dụ sách Tìm hiểu phong thổ học qua quan niệm triết Đông của Mộng Bình Sơn (2) hay sách Nghiên cứu phong thủy và phong thủy Việt Nam dưới góc độ khoa học của Ngô Nguyên Phi (1)...

Sách Tìm hiểu phong thổ học qua quan niệm triết Đông (280 trang, khổ 13x29) thuộc dạng biên khảo, không đề cập vấn đề phong tục và thổ ngơi của một địa phương mà lại xoay quanh chuyện phong thủy của hai thầy địa lý nổi tiếng trong dân gian: Cao Biền (người Tàu) và Tả Ao (người Việt).
Mộng Bình Sơn viết: “Cao Biền là một nhân vật rất giỏi về khoa địa lý”, “đây không phải là truyền thuyết mà là một dữ kiện lịch sử có ghi trong sử liệu” (2.tr27). Sự thật, Cao Biền sinh ra trong gia đình nhiều đời làm tướng. Bản thân Cao Biền tinh thông võ nghệ, ham đọc sách. Biền xuất thân coi giữ cấm binh, có công được phong làm Phòng ngự sứ ở Trần Châu. Năm 864, quân Nam Chiếu đánh cướp Giao Châu (Việt Nam), Cao Biền đang giữ chức Kiêu vệ tướng quân được vua Đường Ý tông sai sang Giao Châu dẹp giặc. Hoàn toàn không phải vì ông ta giỏi phong thủy nên vua Đường Trung tông sai sang Việt Nam để tìm long huyệt lớn kết phát tốt thì yểm phá, và lập bản tấu trình về Tàu cho vua Đường biết, như Mộng Bình Sơn viết. Cao Biền giết hàng vạn dân Nam Chiếu, thu lại Giao Châu, được vua Đường phong làm Tiết độ sứ Giao Châu. Năm 875, vua Đường gia phong Cao Biền chức Kiểm hiệu Thượng thư hữu bộc xạ, gọi về Trung Quốc, sai làm Tiết độ sứ nơi khác. Trong 13 năm ở Việt Nam, Cao Biền chuyên lo chính sự, đắp thành Đại La, mở mang giao thông, đường thủy, giữ cho dân quận một cõi được yên. Chính sử Trung Quốc cũng như Việt Nam không có dòng nào viết về tài phong thủy của Cao Biền và nhiệm vụ nghiên cứu phong thủy mà vua Đường giao cho. Mộng Bình Sơn đã lượm lặt những mẩu chuyện dân gian về Cao Biền rồi lại mập mờ nói là “dữ kiện lịch sử có ghi trong sử liệu” để đánh lừa người đọc không có đủ điều kiện khảo cứu sử sách. Mộng Bình Sơn không hiểu hay cố tình không hiểu việc dân gian nước ta hư cấu một Cao Biền có tài phong thủy với dụng ý tố cáo âm mưu thâm độc của phong kiến xâm lược phương Bắc, đề cao khí thiêng sông núi Việt Nam đã làm cho Cao Biền phải chịu thất bại thảm hại. Điều này có thể thấy rõ trong hai quyển sách cổ: Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái có chép mấy mẩu chuyện về Cao Biền nhưng chỉ chứng tỏ ông là một pháp sư phù thủy, không trừ thủ đoạn tàn bạo nào, để yểm trấn thần thiêng nước ta, kết quả, Biền bị thần núi Tản Viên nhổ nước bọt mà bỏ đi!
Mộng Bình Sơn trong Tìm hiểu phong thổ học qua quan niệm triết Đông, đặc biệt đề cao tập “Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự”, xem là công trình lớn của Cao Biền khảo cứu về phong thủy Việt Nam. Nhưng chúng ta có thể tin chắc cuốn sách nói trên của Cao Biền do người đời sau biên soạn, mượn danh Cao Biền để lòe bịp thiên hạ. Chứng cứ là những địa danh, tên những cuộc đất phong thủy trong cuốn sách, thời Cao Biền chưa hề có. Ví dụ: Thanh Oai, Chương Đức, Sơn Minh,...
-Vùng đất Thanh Oai (Hà Tây) đời Đường là Đỗ Động thuộc huyện Long Biên. Năm 966, sứ quân Đỗ Cảnh Thạc chiếm cứ đất này. Đời Lý, Thanh Oai là tên một hương thuộc châu Quốc Oai. Thời Lê Thánh tông, Thanh Oai là huyện thuộc phủ Ứng Hòa...
-Tên Chương Đức và đơn vị huyện mang tên Chương Đức từ đời Trần trở về trước chưa có. Đời Lê Thánh tông mới đặt huyện Chương Đức, lệ vào phủ Ứng Hòa, nay là huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây.
-Vùng đất Sơn Minh xưa là đất Đường Lâm, thuộc Châu Phong cũ. Tên Sơn Minh xuất hiện đời Lý. Nhà Minh đổi làm Sơn Định. Đời Lê Thánh tông lấy lại tên Sơn Minh thuộc phủ Ứng Hòa, sau là huyện Phúc Thọ, tỉnh Hà Tây,...
Mộng Bình Sơn muốn chứng minh sách Tấu thư địa lý cảo tự chính thực của Cao Biền lại bịa ra chuyện Thượng thư Hoàng Phúc trong đội quân xâm lược nhà Minh, “rất giỏi về địa lý” mang theo quyển Cao Biền tấu thư địa lý kiểu tự sang Việt Nam để xét duyệt lại và tiếp tục hủy phá những cuộc đất có long huyệt lớn, nhằm mục đích “tận diệt phong thổ Việt Nam”, và không cho phát sinh ra những bậc vương tướng, những anh hùng yêu nước chống lại chính sách đô hộ của Trung Hoa (2.tr.54). Hẳn Mộng Bình Sơn cũng biết rằng Thượng thư Hoàng Phúc phải “trói mình nộp thân” (Bình Ngô đại cáo) cho nghĩa quân Lam Sơn, nếu không nhờ chính sách khoan dung của Lê Thái tổ, liệu có thoát khỏi tội chết bỏ xác nơi đất Việt?
Về nhân vật Tả Ao, Mộng Bình Sơn viết: “Cuộc đời hoạt động của cụ Tả Ao về hai ngành y lý và địa lý cũng không thấy một tài liệu nào lưu lại, chỉ thấy những mẩu chuyện vui cười về cụ Tả Ao đi tầm long điểm huyệt trong dân gian do người đời sau sáng trước tác(!) không có giá trị khảo cứu(!)...” (2.tr.65). Thế mà, Mộng Bình Sơn, không rõ lại có tài liệu nào để căn cứ và đưa ra một bản “Thân thế và tiểu sử của cụ Tả Ao” và khẳng định “thân thế và tiểu sử của cụ Tả Ao lưu lại như vậy” !? (2.tr 56-62). Sự thật, cái gọi là “thân thế và tiểu sử về cụ Tả Ao” đó chỉ là một truyện kể dân gian trong “kho tàng truyện cổ tích”. Chính Mộng Bình Sơn cũng tự mình mâu thuẫn với mình: ở trang 57, ông khẳng định Thánh địa lý Tả Ao “sinh vào thời vua Lê chúa Trịnh” nhưng đến trang 257, nói về thành nhà Hồ, ông lại viết: “Thành này do cụ Tả Ao Nguyễn Đức Hiên tìm ra, dựa trên một cuộc đất phát vương, cuộc đất đó nằm trên phủ Quảng Xương” ! Thế nhưng Quảng Xương là huyện và cách xa thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc đến 60 km!)
Mộng Bình Sơn giới thiệu ba tập sách quý của cụ Tả Ao: Địa lý Tả Ao toàn thư, Địa đạo diễn ca, Dã đàm Tả Ao, cũng không có cơ sở nào để tin chắc do chính cụ Tả Ao Nguyễn Đức Hiên soạn. Ngay cả quyển Địa lý Tả Ao chân truyền (khắc in năm 1919) cũng không thể chắc là “chân truyền”. Nói riêng về Địa đạo diễn ca gồm 120 câu thơ Nôm, người viết trình độ rất kém và không có hơi hướng cổ văn. Cả “ba tập sách quý” ấy thực chất chỉ là loại sách “vỡ lòng” của những người mới theo học nghề phong thủy, do thầy địa lý hạng bét biên soạn. Theo tôi, Tả Ao chỉ là cái tên phiếm chỉ, mượn tên làng Tả Ao, xã Tả Ao (Hà Tĩnh) để chỉ về một ông tổ nghề địa lý của làng Tả Ao. Trước năm 1945, trong nhân dân ta, các cụ vẫn truyền tụng thầy địa lý Tả Ao giỏi phong thủy, cũng như thầy đồ Nghệ “hay chữ dữ đòn”. Thực tế thầy địa lý Tả Ao không có ai là thánh sư, thầy đồ xứ Nghệ cũng chẳng có ai làm đại sư hay thần tổ.
Mộng Bình Sơn soạn sách phong thủy nhưng kiến văn rất lơ mơ về khoa phong thủy. Ông viết: “...Sách địa lý rất hiếm, ngay ở trên đất Trung Hoa là nơi sáng tác ra nó cũng khó tìm” (2, tr.20). Rồi ông đổ tội cho vua chúa Trung Quốc, nào là đốt sách chôn sống học trò (Tần Thủy Hoàng) nào là hoàng tộc giữ độc quyền không cho phổ biến, đó là những tội do Mộng Bình Sơn tưởng tượng. Nên biết, Tần Thủy Hoàng không đốt loại sách bói toán và sách bói toán, tướng số phong thủy không hề hiếm ở Trung Quốc. Ở Trung Quốc, qua các triều đại, nhiều học giả công khai tranh luận về phong thủy và có lúc xã hội đầy rẫy yêu ngôn, loạn thư. Đến đây, chúng ta có thể kết luận: Mộng Bình Sơn và sách Tìm hiểu phong thổ học qua quan niệm triết Đông không hề có “triết Đông” hay “triết Tây” gì cả. Thậm chí, cả cái mục “Đất nước Việt Nam, vùng địa linh nhân kiệt”, Mộng Bình Sơn cũng chỉ tập hợp một ít tài liệu “hổ lốn”, văn không ra văn, sử không ra sử. Ví dụ Mộng Bình Sơn viết về Thanh Hóa: “Vị trí Thanh Hóa từ đời Lý Trần cho đến nay hình thể không thay đổi mấy” (2, tr.258). Thế là Mộng Bình Sơn không đọc sử, hay có đọc mà không nhớ? Ông đã không hiểu về núi Chí Linh, về Lam Sơn, nhưng cứ viết bừa rằng “Lam Sơn là nơi khởi nghĩa, nhưng ở đất này cũng như ở một Lũng Nhai không có bài phú, bài văn nào của những tác giả đương thời, riêng Chí Linh được hai bài phú, đủ biết Chí Linh quan trọng như thế nào” (2, tr.260) (Tôi không dám viện dẫn dài dòng những tài liệu thơ văn đương thời viết về Lam Sơn và Chí Linh sơn, xin bạn đọc giở lại Hoàng Việt thi văn tuyển sẽ rõ).
Ngô Nguyên Phi với bộ sách Nghiên cứu phong thủy và phong thủy Việt Nam dưới góc độ khoa học tỏ ra “uyên bác” hơn Mộng Bình Sơn. Tiếc rằng phần lớn sách, Ngô Nguyên Phi không làm việc “nghiên cứu phong thủy” mà chỉ tập hợp, in ra những tài liệu Dịch học, Thiên văn lịch pháp, Độn giáp, Âm dương ngũ hành, La bàn, Lý khí, là những nội dung từ lâu đã không còn xa lạ đối với bạn đọc Việt Nam.
Đáng chú ý nhất của bộ sách là vấn đề Phong thủy Việt Nam dưới góc độ khoa học, cụ thể ở tập II, Ngô Nguyên Phi bàn về “Phong thủy trên đất nước Việt Nam”. Hy vọng đây chính là chỗ người viết sách có ít nhiều đầu tư nghiên cứu và tư duy sáng tạo. Nhưng Ngô Nguyên Phi lại tỏ ra rất hời hợt, non kém, chẳng những ôm đồm, nhầm lẫn về tư liệu mà con đưa ra những suy diễn hết sức chủ quan, nông cạn, những ý kiến kỳ lạ đến kỳ quái !
Ví dụ: về thành nhà Hồ đã có nhiều bài viết và công trình nghiên cứu nhưng Ngô Nguyên Phi cứ nhắm mắt viết bừa:
-“Thành tọa lạc ở động Ân Tôn(?) xưa kia là các ấp Hoa Nhai, Tây Nhai, Phương Nhai, Đông Môn”. Xin hỏi: Ân Tôn hay An Tôn? Xưa kia là thời điểm nào, trước hay sau khi xây thành? Tây Nhai, Phương Nhai, Hoa Nhai là tên phố, sau khi xây thành mới mở phố xá để phục vụ quý tộc, quan lại, binh lính. Còn địa danh Đông Môn cũng phải đến lúc nhà Hồ sụp đổ mới xuất hiện ấp Đông Môn, rồi làng Đông Môn.
-Những địa danh soạn giả viết lầm (khó đổ lỗi cho nhà in) thì nhiều lắm, như mô tả thành Tây Đô, soạn giả viết: “ Phía hữu thành có quận Hoàng Sách, ven bờ sông Mã chạy đến núi Ân Tôn(?) ở hướng đông. Hai phí tả hữu đều dài vài vạn trượng” (1, tr.586-587). Đọc đi đọc lại vẫn không hiểu ý soạn giả muốn nói gì, tại sao động An Tôn hóa thành động Ân Tôn (chữ Ân Tôn nhắc lại nhiều lần). Hay huyện Vĩnh Lộc (và cả tỉnh Thanh Hóa) làm gì có quận Hoàng Sách? Lại còn “tả hữu đều dài đến vài vạng trượng” là thế nào? Tra tìm các sách địa chí, thấy Đại Nam nhất thống chí phần tỉnh Thanh Hóa (biên soạn đời Thành Thái-Duy Tân) chép câu ấy là: “Phía hữu từ tổng Quan Hoàng huyện Cẩm Thủy, theo sông Mã đi sang phía đông, thẳng đến núi An tôn, bao la mấy vạn trượng...”. Phải viết như thế mới đúng!
Nghiên cứu phong thủy thànhTây Đô (thành nhà Hồ), Ngô Nguyên Phi viết: “Kể về địa thế thì có sông Bái ôm phía đông, sông Mã ấp phía tây(?) lại có sông Lương hơi nhỏ chạy từ Ai Lao sang thọc thẳng về hướng thành”. Về núi, “phía ngoài một lớp là Lôi Dương, Đông Sơn, Nông Cống, Ngọc Sơn. Các dãy núi ấy vòng bọc bao quanh như triều phục”! (1,tr.587)
Thế là “nhà nghiên cứu phong thủy” không cho sông Lương gặp sông Mã ở ngã ba Giàng, bắt phải “thọc thẳng về hướng thành”! Ông cũng thay quyền tạo hóa, bắt tất cả các thế núi, hướng núi thiên hình vạn trạng ở tận Đông Sơn, Nông Cống, thậm chí ở xa như Ngọc Sơn-Tĩnh Gia giáp Nghệ An, cách Vĩnh Lộc tới cả trăm cây số đều phải quay đầu triều phục thành nhà Hồ! Không thể tin nổi, Ngô Nguyên Phi còn liều mạng viết: “Đó là Tây Đô, sử gọi là thành nhà Hồ, dựa trên một cuộc đất phát vương, cuộc đất đó nằm trên phủ Quảng Xương”!?. Trong thực tế, Quảng Xương chưa bao giờ là đơn vị “phủ” và nếu “cuộc đất phát vương” “nằm trên phủ Quảng Xương” thì tại sao thành nhà Hồ lại “chạy về” huyện Vĩnh Lộc-nơi cách xa địa danh Quảng Xương tới 60km?
Ngô Nguyên Phi viết tiếp về “Cung sơn” và “Tiễn lộ”:
Khi thành xây xong, Trần Khát Chân là “người tinh thông địa lý” không muốn cho đế nghiệp họ Hồ lâu dài nên bày ra cách đắp một con đường ngay trước Cung Sơn chạy thẳng đến trước Tây Đô như một mũi tên gọi là đường Tiễn lộ. Ngô Nguyên Phi phân tích:
-“Đứng về mặt phong thủy học nhận xét thì tiệc làm “tiễn lộ” đó rất tệ hại”.
-“Trước nhất, mũi tên ấy thọc thẳng ngay điện vua. Mũi tên lại đã được giăng sẵn rồi, chỉ cần bay ra thôi. Ý nghĩa tượng trưng cho sự gấp gáp và nguy hiểm”.
-“Trong phong thủy học, một cuộc đất kết phải có tiền Án, hậu Chẩm (trước án, sau gối): có Án sơn trước mặt thì phía sau phải có Chẩm sơn mới đúng. Chẩm sơn đã có rồi thì cần gì phải tiễn lộ nữa?” (1, tr.585-586).
Trước hết, cần phải nhấn mạnh chuyện Trần Khát Chân đắp đường Hoa Nhai (tiễn lộ) chỉ là truyền thuyết dân gian. Thành nhà Hồ là một đồ án hoành chỉnh do Thái sử Đỗ Tỉnh, một kiến trúc sư có tài phục trách và trong chỉnh thể ấy không thể không có đường phố Hoa Nhai. Đường Hoa Nhai là một trục dài thẳng, đoạn thứ nhất từ điện Hoàng Nguyên (điện Kính Thiên không phải nơi vua ở) đến cửa Đoan Môn; đoạn thứ hai từ cửa Đoan Môn đến thẳng đàn Nam Giao ở núi Đốn Sơn (tên núi Cung Sơn do thầy địa lý đặt). Hai bên đường này vốn là phố xá và có nhiều đường ngõ hẹp cắt ngang. Vì vậy, nếu đường Hoa Nhai nếu là cái tên (Tiễn Lộ) thì nó đã bị chặt đứt từng khúc. Mũi tên ấy không thể bắn thẳng đến tận điện vua ở (điện vua Hồ ở phía sau điện Kính Thiên). Khoa phong thủy từ đời Hán-Đường đã thịnh hành phép yểm trừ “quỷ môn”, “tử huyệt”. Giả sử Đốn Sơn là hình cây cung, đường Hoa Nhai là mũi tên, thì Đỗ Tỉnh với chứ quan Thái sử lệnh (coi thiên văn địa lý), khi dùng đường Hoa Nhai làm đường phố, xây đàn Nam Giao ở Đốn Sơn (tình cờ hoặc hữu ý) đã dùng phép trấn trị (đàn Nam Giao thờ trời đất) khiến cung tên hoàn toàn mất tác dụng. Mặt khác, chúng ta cũng nên nhớ rằng nhà Thượng tướng Trần Khát Chân ở trên núi Đốn Sơn (tức Cung Sơn) đáng nhẽ phải vững như bàn thạch, thế mà nhà Hồ chưa đổ, ông đã bị chém rơi đầu tại chính Đốn Sơn!? Tóm lại, chuyện Cung Sơn-Tiễn Lộ là truyền thuyết do dân gian hư cấu, nói lên trí tưởng tượng phong phú của nhân dân ta xưa, nhằm ca ngợi Trần Khát Chân, chê bai Hồ Quý Ly. Câu chuyện mang màu sắc phong thủy, hoàn toàn không phải nhà Hồ đổ do tính quyết định về mặt phong thủy của Tây Đô. Chỉ có thầy địa lý hạng bét mới tin rằng đó là câu chuyện thật, từng xảy ra trong lịch sử, mới vận dụng nó để lòe bịp người dân thường.
Nhìn chung, Mộng Bình Sơn cũng như Ngô Nguyên Phi đều chung một ngòi bút cẩu thả, thiếu trách nhiệm. Hai soạn giả lại có một số trang giống nhau như in, khiến người đọc không khỏi thắc mắc, không rõ ai “cóp” của ai, hay là họ tuy hai mà một, tuy một mà hai? (Đề nghị bạn đọc xem các trang từ 252 đến 260 của sách Tìm hiểu phong thổ học qua quan niệm triết Đông và các trang từ 584 đến trang 591 của sách Nghiên cứu phong thủy và phong thủy Việt Nam dưới góc độ khoa học. Đặc biệt, những trang sách phụ lục “Bản mệnh tượng đối của cá nhân qua 12 con giáp”, chỉ gây tác dụng xấu, vì đây là vấn đề rất nhạy cảm, khiến con người dễ mất đi niềm tin vào chính bản thân mình, là chỗ dựa để bọn đồng cốt, bói toán nhảm nhí, tán dóc kiếm ăn.
Gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc là giữ gìn tinh hoa văn hóa dân tộc, cố nhiên phải qua chọn lọc và phê phán. Sách Tìm hiểu phong thổ học qua quan niệm triết Đông cũng như sách Nghiên cứu phong thủy và phong thủy Việt Nam dưới góc độ khoa học (và nhiều sách phong thủy khác) đã núp dưới chiêu bài triết lý, khoa học, bảo tồn văn hóa để đánh lừa người đọc, truyền bá các ngón nghề thần bí, mên tín, cả môn “coi đất” mà từ xưa nhân dân ta đã chế diễu: “Hòn đất mà biết nói năng...”!
H.T.P

(Bài đã đăng trên Tạp chí Văn Hóa dân gian-Viện nghiên cứu văn hóa dân gian-Viện khoa học xã hội Việt Nam-số 4-2007)
Chú thích:
1.Ngô Nguyên Phi, Nghiên cứu phong thủy và phong thủy Việt Nam dưới góc độ khoa học. NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002.
2. Mộng Bình Sơn, Tìm hiểu phong thổ học qua quan niệm triết Đông, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2002.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét