26 thg 6, 2014

ĐÔI ĐIỀU VỀ HOÀNG TUẤN PHỔ

Ông bà Phổ ở quê-2013
Ảnh: HTC

               Đặng Ái

Hoàng Tuấn Phổ là một tấm gương tự học đáng khâm phục. Hoàn cảnh không cho phép ông được đến trường để học lên cấp này cấp nọ theo cái lẽ tự nhiên: “Mọi người sinh ra đều có quyền được sống, được học hành, được mưu cầu hạnh phúc...”

Vâng không được học theo cái lẽ tự nhiên, Hoàng Tuấn Phổ bắt tay vào cuộc trường - chinh - tự học đầy vất vả gian lao với sự đỡ đần, hy sinh của người vợ hiền thục, chịu thương, chịu khó để còn hơn chị Dậu của Ngô Tất Tố. Chị Dậu chỉ mong cho chồng con có miếng cơm manh áo, còn bà Phổ, bà cùng phấn đấu để ông có được tăm tiếng, vẻ vang với đời.
Hoàng Tuấn Phổ đã tự học để có được kiến thức của Nhà nghiên cứu. Khi nói điều này tôi nghĩ rằng: không phải nhà nghiên cứu với đầy đủ học hàm, học vị nào cũng có được cái khối kiến thức như của ông Phổ. Ấy là chưa nói sự sống động, linh hoạt, nhuần nhuyễn của nó. Người ta thường thấy ông Hoàng Tuấn Phổ ngồi lì bên bàn, chung quanh ngổn ngang sách vở, chữ ông tròn trịa, nét mực đậm màu. Trước kia ông làm quản bút gỗ, chấm mực tím. Rồi chuyển qua loại bút Trường Sơn, nét vẫn to và đậm. Rốt cuộc, nghĩa là cho đến bây giờ, ông đã xài bút bi. Nét chữ vẫn không thay đổi.
Tôi đồ rằng nét chữ là tính cách, là ý chí con người ?
Hoàng Tuấn Phổ cứ ngồi lì, chép đều đều hết dòng này qua dòng khác, trang này qua trang khác, không nôn nóng, không trễ nải. Bên ngoài phòng ông, người ta cười đùa, người ta trêu chọc nhau, người ta rượu chè và người ta...biết bao bon chen thế sự. Ông cứ ngồi mà viết. Mùa hè cái áo may ô, mùa đông đội mũ, lại cả khăn len trùm mặt.
Hoàng Tuấn Phổ là một nhà nghiên cứu. Ông sáng tác, một thời có nhiệm vụ sáng tác, và sau này, là muốn tận dụng cái “biết” của mình mà thôi.
Hoàng Tuấn Phổ viết gì ?
Ông có thể trò chuyện với người đời về lịch sử, triết học, thần học, văn hóa học...Về sân khấu nữa. Và tất nhiên cả lý luận văn học. Ông tỏ ra am tường những cái thuộc về xưa cũ, truyền thống của phương Đông. Một sự am tường trầm tĩnh, không bốc đồng, không khoe khoang, nhưng nếu ai hiểu một cái gì đó mà ông cho là sai lệch, dẫu nhỏ nhặt, ông cũng sẵn sàng “đọ gươm” để xác định chân lý. Có lẽ vì thế nên, mặc dầu đã hết sức giữ gìn, ông cũng đã vài ba lần vô tình làm đất bằng nổi sóng.
Lần đầu tiên tôi gặp Hoàng Tuấn Phổ cách đây khoảng ba mươi năm.
Ngày ấy các cuộc oanh kích của không quân Mỹ xuống miền Bắc đang rất ác liệt. Gia  đình tôi sơ tán ở Quảng Xương nên tôi xin về học ở trường huyện này. Nhưng ngôi trường cũng phải rời phố huyện vào ẩn náu ở cái làng Bái Trúc um tùm tán che.
Chúng tôi đào đất đắp thành bốn bức tường tránh đạn, lợp lên trên cái mái kè, gọi là lớp học. Thầy chủ nhiệm lớp tôi người Nghệ, lại dạy văn. Thầy hiệu trưởng cũng người Nghệ, lại cũng dạy văn. Có lẽ vì thế, cái sự nghiệp văn học ở trường được coi  trọng. Thầy hiệu trưởng thỉnh thoảng lại bình giảng thơ Bác Hồ, thơ Tố Hữu trên đài truyền thanh huyện. Còn thầy chủ nhiệm thì hay nhắc đến nhà văn bằng những lời kính cẩn. Chúng tôi hay tụ tập ở nhà thầy chủ nhiệm để học hành, trao đổi chuyện văn chương, đồng thời để được thấy cô con gái lớn của thầy. Một cô bé tuổi mười lăm đẹp nõn nà, hiền dịu.
Một hôm thầy chủ nhiệm đưa cho tôi một cuốn “tạp chí văn học” đã cũ và nói: Trong này có bài của Hoàng Tuấn Phổ. Tôi hỏi Hoàng Tuấn Phổ là ai, thầy khá ngạc nhiên: Em không biết à? Người Quảng Xương ta đấy! Thầy không biết rằng với bằng ấy lời, thầy đã vô tình áp đặt cho tôi một ý niệm rằng Hoàng Tuấn Phổ là một cái gì thuộc hàng “Đấng bậc”!
Và hôm ấy, ngay bên hiên căn nhà thầy, mái ngói, vách trát tooc-xi, giữa một khu vườn có hoa hồng và rau cải, tôi đã bị hút hồn về cái bài của Hoàng Tuấn Phổ trao đổi với giáo sư Hoàng Dật Cầu về Truyện Kiều.
Tôi không nhớ rõ nội dung bài viết, chỉ láng máng rằng, ông giáo sư người Trung Quốc kia đã nói những gì đó và ông Hoàng Tuấn Phổ bẻ lại. Ông Phổ bẻ từng điểm, mỗi điểm in cách nhau vài dòng, bằng thứ chữ nhỏ li ti rất...bác học!
Là một thằng học trò lớp 9, với tôi, thầy chủ nhiệm đã là cao siêu rồi, huống hồ ông giáo sư ngoại quốc. Vậy mà ông Phổ “Quảng Xương ta” lại “chơi” rất ngạo nghễ !
Vậy ông Phổ đúng là bậc ghê gớm thật rồi. Ghê quá đi chứ! Quả tình, tôi không tin thầy tôi lại quen được một người ghê như thế. Nhưng ít lâu sau thì mối nghi ngờ ấy bị đánh tan, vì thầy tôi đã mời được Hoàng Tuấn Phổ đến chơi ! Một người đàn ông khoảng tuổi 30, thấp và đen chẳng có dấu hiệu gì về một nhà thông thái. Nhưng đó chính là Hoàng Tuấn Phổ. Hoàng Tuấn Phổ ngồi chuyện với thầy tôi, giọng đều đều chậm rãi. Tôi không nhớ hai người nói gì. Chỉ nhớ cái dáng ngồi của ông Phổ khá đình huỳnh và trong tay ông, cái quạt mo phe phẩy liên tục.
Sau năm 1970, tôi quen Hoàng Tuấn Phổ thực sự. Vì từ thời kỳ đó, hoạt động văn học nghệ thuật trong tỉnh trở nên rộn rịp. Các cuộc họp hành, các trại sáng tác, các cuộc giao lưu với bên ngoài mở ra nhiều. Đây cũng là thời kỳ xuất hiện và khẳng định một đội ngũ viết sáng giá sau này.
Thỉnh thoảng Hoàng Tuấn Phổ kể cho tôi nghe những gì ông đã trải qua, đã chịu đựng. Mới hay sự gian lao vất vả không đời người nào giống đời người nào. Song dẫu sao Hoàng Tuấn Phổ cũng đã vượt qua tất cả, đã thành đạt, đã chiếm được ngôi vị trọng làng văn nghệ.
Nhìn một dãy tác phẩm gồm nhiều thể loại khác nhau của Hoàng Tuấn Phổ, ta có thể hỏi: đâu là tác phẩm chính, là cái nổi trội nhỉ? Đâu là cái đỉnh của ông nhỉ? Thật khó xác định khi ta chưa nghiên cứu kỹ.
Năm nay (1996-HTC chú thích) Hoàng Tuấn Phổ đã ngoại sáu mươi. Ông vẫn ngồi viết đều đều, hết dòng này đến dòng khác, hết trang nọ qua trang kia. Nhưng ông có thuận lợi hơn ngày trước. Bên cạnh bà vợ, ông còn có cả một đàn con đã phương trưởng, dìu dặt đi về. Nỗi lo miếng cơm manh áo đã đẩy lùi. Cái tâm đã tỉnh, kinh nghiệm đã dày. Tôi cứ mong cho Hoàng Tuấn Phổ tạo được cái đỉnh chói lọi ở chặng nước rút này.

               Nhà văn Đặng Ái - Chủ tịch Hội VHNT Thanh Hóa
                                          (Tạp chí văn nghệ Thanh Hóa 8/1996)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét