29 thg 6, 2014

Wikipedia đã sửa đổi gì

     MỤC TỪ NGUYỄN LÂN ?                        

                         Hoàng Tuấn Công

GS.TS Phạm Vũ Luận - Ủy viên BCH Trung ương Đảng
- Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu tại Hội thảo

Cuối ngày 24/06/2014, Bách khoa toàn thư mở Wikipedia mục từ Nguyễn Lân đã được sửa chữa với dòng ghi chú: “Trang này được sửa đổi lần cuối lúc 15:14, ngày 24 tháng 6 năm 2014”.Vậy, Wikipedia đã “sửa đổi” những gì về Nguyễn Lân ? 

Nếu bạn đọc không biết cách xem lịch sử trang sẽ khó so sánh trang Nguyễn Lân cũ (trước 15 giờ 14 phút ngày 24/6/2014) với trang Nguyễn Lân mới (sau 15 giờ 14 phút ngày 24/6/2014) của Wikipedia. Nhìn chung những thông tin về tiểu sử, đánh giá về Nguyễn Lân của Wikipedia đã có sự thay đổi căn bản. Xin đưa ra một số so sánh ví dụ để bạn đọc tiện theo dõi:

-Wikipedia-Nguyễn Lân cũ (Wikipedia-NL cũ):
+Nguyễn Lân (1906-2003) là Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, nhà biên soạn từ điển, Học giả nổi tiếng của Việt Nam.
- Wikipedia-Nguyễn Lân mới (Wikipedia-NL mới):
+ “Nguyễn Lân (14 tháng 6 năm 1906  7 tháng 8 năm 2003) là giáo sư (mang nghĩa thầy giáo - trước 1945, những người làm nghề dạy học đều được gọi là giáo sư), Nhà giáo nhân dân, nhà biên soạn từ điển.”

Ở đoạn này, những phát hiện, khảo chứng và lý giải trong các bài Góp phần tìm hiểu sự thật về giáo sư Nguyễn Lân của Lê Mạnh Chiến và “Giáo sư tự phong bao giờ trống đánh mõ rao...?”  của Hoàng Tuấn Công đã được Wikipedia cập nhật và thay đổi cách hiểu danh từ “Giáo sư” trong “Giáo sư Nguyễn Lân”. Riêng cụm từ danh quá kỳ thực “học giả nổi tiếng Việt Nam” với nghĩa tích cực cũng đã được bỏ đi. Tuy nhiên theo chúng tôi, đoạn mở ngoặc: “giáo sư (mang nghĩa thầy giáo - trước 1945, những người làm nghề dạy học đều được gọi là giáo sư)” lẽ ra Wikipedia nên viết rõ hơn: “trước 1945, những người làm nghề dạy học từ cấp Trung học trở lên đều được gọi là giáo sư”. Bởi như chúng tôi đã nói trong bài “Giáo sư tự phong-bao giờ trống đánh mõ rao ?”, nếu dạy cấp Tiểu học gọi là hương sư (thầy giáo làng) chứ không được gọi là giáo sư.

- Wikipedia-NL cũ:
+ “Năm 1927Ông thi đỗ Thủ khoa vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương.”
- Wikipedia-NL mới:
+ “Năm 1929: Ông thi đỗ vào Trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương.”
Mốc thời gian 1927 đã được thay bằng 1929, cụm từ “đỗ thủ khoa” đã được bỏ.
- Wikipedia-NL cũ:
+Năm 1932: Ông dạy tại Trường Hồng Bàng, sau đó làm giám học và dạy 2 môn văn, sử tại Trường Thăng Long. Tại Trường Tư thục Thăng Long, cùng với các nhà giáo giỏi như Đặng Thai MaiHoàng Minh GiámTôn Thất Bình... , ông đã đào tạo ra những tú tài xuất sắc cho Việt Nam.
- Wikipedia-NL mới:
+ “Năm 1932: Ông dạy tại Trường Hồng Bàng, sau đó làm giám học và dạy 2 môn văn, sử tại Trường Thăng Long”.
Đoạn ông đã đào tạo ra những tú tài xuất sắc cho Việt Nam đã bỏ.
-Wikipedia-NL cũ:
+Năm1956: Ông về dạy tại khoa tâm lý giáo dục của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông cùng với các nhà giáo nổi tiếng và xuất sắc khác như: Tạ Quang BửuTrần Đại NghĩaNgụy Như Kon TumĐặng Thai MaiNguyễn Khánh Toàn... là lớp người đầu tiên được nhà nước Việt Nam phong Học hàm Giáo sư.
-Wikipedia-NL mới:
+Ông về dạy tại khoa tâm lý giáo dục của trường Đại học Sư phạm Hà Nội”.
Toàn bộ phần chữ đỏ gạch chân liên quan đến chuyện là lớp người đầu tiên được nhà nước Việt Nam phong Học hàm Giáo sư” của Nguyễn Lân đã được gỡ bỏ. Đây cũng chính là kết quả bài khảo chứng của Lê Mạnh Chiến.
-Wikipedia-NL mới:
Mục  “Tiểu sử và quá trình công tác” sau khi kể tên một số công trình từ điển của Nguyễn Lân, Wikipedia-NL mới đã đưa thêm một câu rất quan trọng, thể hiện cách nhìn nhận mới về từ điển của Nguyễn Lân: “Tuy vậy hiện nay đang có nhiều nhà nghiên cứu đã cho công bố nhiều sai sót trong các quyển từ điển này”.
v.v...
Như vậy, có thể thấy, những sửa đổi thông tin về Nguyễn Lân của  Wikipedia đã dựa vào kết quả các bài nghiên cứu, phê bình, khảo chứng công phu của hai tác giả Lê Mạnh Chiến và Hoàng Tuấn Công trên các trang mạng xã hội gần đây, mà tiêu biểu là các bài gốc trên Blog Quê ChoaTuấn Công Thư Phòng (dĩ nhiên không thể không kể đến đóng góp của Huệ Thiên trước đây)
Vậy, việc Wikipedia sửa đổi nội dung về Nguyễn Lân theo hướng đúng với sự thật có ý nghĩa như thế nào ? Theo chúng tôi điều này rất có ý nghĩa. Bởi “Wikipedia là một bách khoa toàn thư tự do, là kết quả của sự cộng tác của chính những người đọc từ khắp nơi trên thế giới” (Lời giới thiệu của Wikipedia). Bởi vậy, nội dung mà Wikipedia đề cập chính là phản ánh sự hiểu biết, cách nhìn nhận, đánh giá về vấn đề nào đó của bạn đọc. Nội dung khái niệm ấy không phải “từ trên trời rơi xuống” mà được bạn đọc đóng góp, thảo luận, trích dẫn, chắt lọc từ rất nhiều nguồn tài liệu, sách báo và được quản trị của Wikipedia biên tập, cập nhật (nhiều mục từ khá công phu, khoa học). Hiện nay còn nhiều ý kiến cho rằng: không nên hoặc cần thận trọng khi tham khảo và trích dẫn Wikipedia, vì đây là dạng từ điển mở, không có ai chịu trách nhiệm về những thông tin được đề cập trong đó. Sự thận trọng này là cần thiết. Tuy nhiên chúng ta lại phải thấy rằng, ngay cả loại sách công cụ có tên tác giả, nhà xuất bản, có quy trình biên tập và giấy phép xuất bản hẳn hoi nhưng sai vẫn cứ sai (Từ điển của Nguyễn Lân là ví dụ nhãn tiền). Bởi vậy, sử dụng từ điển xuất bản hay từ điển dạng Wikipedia thế nào cho hiệu quả còn phụ thuộc vào trình độ của người sử dụng(*)

Trở lại vấn đề Nguyễn Lân. Ngay từ năm 1998, khi Nguyễn Lân đang dồn tâm huyết biên soạn công trình “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, Huệ Thiên đã có bài viết chỉ ra một số sai sót trong “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của Nguyễn Lân (Những sai khó ngờ trong «Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam)

. Sau khi Nguyễn Lân xuất bản “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”, (2000) Huệ Thiên tiếp tục góp ý về những sai sót của cuốn từ điển này (khi Nguyễn Lân còn sống). Sau khi Nguyễn Lân mất (2003) Lê Mạnh Chiến lại có loạt bài viết vạch ra những cái sai nghiêm trọng trong “Từ điển từ và ngữ Hán Việt” của Nguyễn Lân. Với Huệ Thiên, sinh thời, Nguyễn Lân tỏ ra không phục, tìm cách chặn lại và cho rằng Huệ Thiên đã “nhận xét sai lệch”“mắc sai lầm”, đồng thời kêu gọi độc giả “ đánh giá khả năng và tư cách” của Huệ Thiên (!) (Đọc lướt từ điển từ và ngữ Việt Nam-Huệ Thiên). Với Lê Mạnh Chiến, tuy các bài viết được công bố sau khi Nguyễn Lân mất nhưng vẫn bị người khác tìm cách ngăn chặn. Các bài viết của Huệ Thiên, Lê Mạnh Chiến vốn đăng ở các tạp chí và sách xuất bản nên mức độ lan tỏa tới độc giả rất hạn chế. Mặt khác người ta vẫn lầm tưởng, sự sai sót, mức độ sai sót của Nguyễn Lân chỉ có vậy (gói gọn trong các bài viết đó). Và cho rằng đó là những sai sót không thể tránh khỏi, sai sót thường thấy trong nhiều cuốn sách khác. Thế nên sách từ điển của “GS Nguyễn Lân” vẫn tiếp tục được tái bản với số lượng ngày càng lớn hơn. Nguyễn Lân và tác phẩm của Nguyễn Lân ngày càng được ca ngợi, đánh giá cao hơn. Đỉnh điểm là cuộc hội thảo “NGND.GS Nguyễn Lân-cuộc đời và sự nghiệp” tổ chức tại Trường Đại học sư phạm Hà Nội (2013) và Thành phố Hà Nội có kế hoạch đặt tên đường Nguyễn Lân.

Năm 2010, Hoàng Tuấn Công bắt đầu viết về Nguyễn Lân với ý định xuất bản sách. Đến cuối năm 2013, sau khi nhiều tạp chí từ chối trích đăng, loạt bài phê bình từ điển của Nguyễn Lân có hệ thống nhất từ trước tới nay (chừng 250 trang viết) bắt đầu đăng trên Blog Tuấn Công Thư Phòng (tháng 9/2013) và Blog Quê Choa (tháng 11/2013), đồng thời Lê Mạnh Chiến cũng đăng lại bài  Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt (cũng trên Quê Choa và một số trang mạng khác). Và ròng rã hơn nửa năm qua, Quê Choa đã đăng hàng chục bài viết phê bình các cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân với hàng trăm trang, mức độ lan tỏa tới độc giả nhanh chưa từng có (đây là cả một công phu, trách nhiệm của Quê Choa). Tin lành đồn xa, tin dữ cũng đồn xa. Hàng triệu lượt người đã đọc hoặc biết tới những bài viết này (Nhân đây cũng xin cảm ơn các Blog và FB đã chia sẻ, đăng lại loạt bài phê bình này của Hoàng Tuấn Công và Lê Mạnh Chiến, góp phần bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt)

 Vậy là đã 26 năm Nguyễn Lân xuất bản sách "Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam", 16 năm kể từ ngày Huệ Thiên có bài viết đầu tiên (1998) tiếp đến Lê Mạnh Chiến rồi hậu sinh Hoàng Tuấn Công, đến nay (2014), nghiệm ra cái chuyện “người lái đò nhỏ chở con thuyền SỰ THẬT” của Bọ Lập đã bắt đầu “cập bến”. Tác dụng của loạt bài phê bình từ điển Nguyễn Lân tới nhận thức của độc giả rất khó cân đong đo đếm. Bởi vậy, sự thay đổi của Wikipedia trở thành biểu hiện cụ thể nhất nhận thức mới của bạn đọc, xã hội về tác giả, tác phẩm của Nhà biên soạn từ điển Nguyễn Lân.

Tuy nhiên, hiện nay các sách từ điển nhiều sai sót của GS Nguyễn Lân vẫn đang được bày bán rộng rãi tại cách Nhà sách lớn trong toàn quốc. Dường như không có ai để ý hay chịu trách nhiệm gì về nó. Do đó, để ngày càng có nhiều độc giả nhận biết, không tiền mất tật mang vì các cuốn từ điển “có hại cho tiếng Việt” này, sự thật cần được tiếp tục lên tiếng.

Mới hay cái sai, cái giả dối bao giờ cũng rất ngoan cố, lì lợm. Và để đến được “bến bờ sự thật”, hành trình sóng gió của những “chuyến đò nhỏ” quả không đơn giản, dễ dàng chút nào !
                                    29/6/2014
                                         HTC
(*) Chúng tôi có thể lấy một ví dụ nhỏ:

Mục từ Lê Trung Nghĩa – Wikipedia tiếng Việt cho biết văn bia ở đền thờ Quận Mãn (tức Lê Trung Nghĩa) do Lê Quý Thuần, con Lê Quý Đôn soạn. Tuy nhiên sách “Đại Nam nhất thống chí” (Quốc sử quán triều Nguyễn-Tổng tài Cao Xuân Dục-Bản dịch Hoàng Văn Lâu-NXB Lao động-2012) lại cho rằng tấm bia ở lăng Quận Mãn là do “Thuần Trung hầu Lê Quý Đôn soạn”. Vậy chúng ta sẽ tin vào tài liệu nào ? Theo lẽ thông thường chúng ta sẽ tin “Đại Nam nhất thống chí” vì đây là “bộ tổng tập địa chí các tỉnh và đơn vị hành chính tương đương của nước Đại Nam cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20” (Lời giới thiệu) được biên soạn, dịch, xuất bản rất công phu. Tuy nhiên, trong trường hợp cụ thể này, theo chúng tôi “anh chàng trẻ tuổi Wikipedia” lại đáng tin hơn “cụ Đại Nam nhất thống chí”, bởi “Đại Nam nhất thống chí” đã nhầm, hay nói đúng hơn người dịch cuốn địa chí này đã nhầm: Người soạn nội dung tấm bia Mãn Quận công Lê Trung Nghĩa là Lê Quý Thuần-con của Lê Quý Đôn chứ không phải Lê Quý Đôn. Chỉ cần nêu một lý do đơn giản: Lê Quý Đôn mất năm 1784, trong khi Lê Trung Nghĩa mất (chết trận) năm 1786. Giả sử tấm bia được lập ngay sau khi Quận Mãn mất thì một người đã chết trước đó hai năm có sống lại để soạn văn bia cho người vừa chết ? (Tại sao người dịch “Đại Nam nhất thống chí” có sự nhầm lẫn này, chúng tôi sẽ có bài viết trên Tuấn Công thư phòng)

Cũng cần nói thêm, với  Wikipedia, chỉ cần một động tác “kích chuột” là có thể bổ sung, sửa chữa những sai lầm khi nhìn nhận, đánh giá về Nguyễn Lân hoặc nhiều vấn đề khác. Trong khi đó, với sách báo đã xuất bản, thật khó có thể nói đến chuyện đi thu hồi hoặc đính chính, sửa chữa cho hết những sai lầm đã trót in ra và phát hành.
Ví dụ nhỏ trên đây cho thấy dù sao chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, nếu biết cách sử dụng, Wikipedia thực sự là một “kênh” thông tin tham khảo nhanh chóng, tiện lợi, bổ ích. (Để xem lại lịch sử biên soạn và sửa đổi trang Nguyễn Lân, bạn đọc có thể vào đường link:  https://vi.wikipedia.org/w/index.php?title=Nguy%E1%BB%85n_L%C3%A2n&action=history-Cảm ơn bạn đọc Khong Xuan Hien đã đóng góp )


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét