Điện Kính Thiên Ảnh: ST |
HOÀNG TUẤN PHỔ
Lý Thái tổ trước khi ban chiếu dời đô, nói với quần thần: “Trẫm nay mở xem địa đồ, Đại La thành, kinh đô cũ của Cao Biền, ở trung tâm đất nước, có hình thế hiểm yếu như rồng bò hổ phục, bốn phương sum họp, người và vật đông nhiều, thực là chỗ kinh đô quý nhất của đế vương”. Nhà vua nói “Kinh đô cũ của Cao Biền” là cách nói cho dễ hiểu. Sự thật lịch sử, thành Đại La xưa đã qua nhiều đời xây đắp, sửa sang, năm 836, Cao Biền tu bổ thêm, đặt là Đại La thành.
Cao Biền chỉ ở Việt Nam 9 năm, và chính Cao Biền đã vô cùng kinh hãi mà than rằng: “Thần linh xứ này rất thiêng, ở lâu tất chuốc lấy tai vạ !”. Chẳng riêng Cao Biền, các viên tướng xâm lược khác sang thay: Cao Tầm, Tăng Cổn, Chu Toàn Dục…,cũng đều không thể yên vị lâu dài. Thành Đại La thời ấy xây dựng nhằm mục đích quân sự, chủ yếu để bảo vệ chính quyền cai trị và đội quân xâm lược. Năm 906, nhân tình hình Trung Quốc loạn lạc, Giao Châu biến động, họ Khúc, một hào trưởng ở Hồng Châu (Hải Dương) mới chiếm lấy Đại La, tự xưng Tiết độ sứ, gây nền tự trị. Được 1 năm, Khúc Thừa Dụ mất, con là Khúc Hạo lên thay. Năm 917, Khúc Hạo qua đời, chính quyền trao lại cho con trai Khúc Thừa Mỹ. Chúa Nam Hán sai tướng Lý Khắc Chính xâm lược. Thừa Mỹ chống cự không nổi bị bắt đem về Trung Quốc. Nhà Nam Hán sai Lý Tiến làm thứ sử cùng Lý Khắc Chính đóng giữ thành Đại La.
Nhưng họ Khúc mất, còn họ Dương, một tướng cũ của Khúc Hạo. Ông Dương Đình Nghệ người Thanh Hoá, cánh tay phải của Khúc Hạo trải mười năm giúp sức Khúc Hạo kiến thiết đất nước, bảo vệ chính quyền tự trị non trẻ. Thành Đại La rơi vào tay quân xâm lược, Dương Đình Nghệ tạm lui về quê nhà, cởi nhung phục, khoác áo nông phu, chuẩn bị lực lượng, tích chứa lương thảo, để năm 931 đem 3.000 con nuôi là 3.000 tráng sĩ dũng mãnh của Thanh Hoá, từ Thanh Hoá tiến đánh Lý Khắc Chính, giết Trần Bảo, giải phóng thành Đại La. Dương Đình Nghệ mở ra thời kỳ độc lập tự chủ lâu dài cho đất nước. Sau Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền, chàng con rể trí dũng hơn người, lại đem quân từ Thanh Hoá giữ vững thành Đại La và làm nên chiến công Bạch Đằng sấm sét. Rồi Lê Hoàn tòng quân tuổi 16, ra đi từ làng quê Thanh Hoá, 50 năm chinh chiến và làm vua, bởi tình hình đất nước còn lắm nỗi lo toan, tuy đóng đô ở Hoa Lư, vẫn đặt Đại La dưới tầm kiểm soát.
Xây dựng thêm một Đại La thành “bốn phương sum họp, người và vật đông nhiều” không phải những tên tướng xâm lược phương Bắc mà chính là họ Khúc, họ Ngô, họ Đinh, họ Lê, in khá sâu đậm dấu ấn Ái Châu-Thanh Hoá. Đó là thời kỳ văn hoá Đại La hay “Tiền Thăng Long”, nếu thiếu nền tảng ấy, nhà Lý không có cơ sở để dời đô.
Dời đô đến Thăng Long, Lý Thái tổ quan tâm văn hoá tinh thần, văn hoá tâm linh trước hết. Bắt đầu hình ảnh rồng vàng hiện lên để Đại La không còn là Đại La, mà hoá thành Thăng Long, kinh đô của Rồng Thiêng, của con cháu Lạc Long Quân – vua Rồng xứ Lạc. Tiếp theo, Lý Thái tổ suy tôn một vị thần rồng – thần Long Đỗ làm Quốc đô thành hoàng chủ kinh đô, đứng đầu các thần linh trong cả nước. Thần thiêng Thăng Long ngoài Long Đỗ còn có thánh Chèm, tức Lý Ông Trọng uy danh chấn động cả nước Trung Hoa, Cao Biền rất kinh sợ phải lập đàn thờ cúng…Nhưng văn hoá tinh thần, văn hoá tâm linh đối với nhà Lý buổi đầu dựng đô hẳn là vẫn chưa đủ để làm chỗ dựa cho tinh thần dân tộc, tạo nên sức mạnh đoạn kết dân tộc, đấu tranh, chiến thắng mọi kẻ thù địch. Năm 1020 (mười năm sau dời đô), Thái tổ nghe theo lời tâu của Thái tử Phật Mã rước thần núi Đồng Cổ ở Đan Nê, Yên Định, Thanh Hoá về thờ phụng trong thành Thăng Long. Năm 1028, Thái tổ mất, ba vương tử nổi loạn, Phật Mã phải nhờ thần núi Đồng Cổ và tướng quân Lê Phụng Hiểu lực sĩ xứ Thanh cứu giúp mới giữ yên được ngôi vị, bảo toàn xã tắc.
Từ đó, hàng năm nhà Lý mở Hội Thề tại đền Đồng Cổ. Thần được tôn là “Thiên hạ minh chủ”, bá quan văn võ triều đình đều phải đến tuyên thệ “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần linh tiêu diệt!”. Hội thề Đồng Cổ thành nét văn hoá mới đặc sắc của nhà nước Đại Việt duy trì từ Lý sang Trần, đến Lê suốt chiều dài lịch sử gần tám trăm năm! Thời Nguyễn, kinh đô chuyển về Thuận Hoá. Đồng Cổ sơn thần vẫn bất diệt với Thăng Long. Ý nghĩa giáo dục “con hiếu tôi trung” thấm sâu vào xã hội, góp phần hình thành một nét tính cách Thăng Long nghìn năm văn hiến.
Một trong những cảnh đẹp nhất Thăng Long là Tây Hồ, với “Bến trúc Nghi Tàm, rừng bàng Yên Thái” với “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương…” Thời Lý, Hoa nương người Ái Châu (Thanh Hoá) kết duyên với Đoàn Thưởng, viên quan coi các nghề thủ công. Bà dạy dân ven hồ Dâm Đàm (hồ Tây) nghề dệt vải lụa. Bà mất, vua Lý truy phong là Thụ La công chúa, cho lập đền thờ ở ven hồ Dâm Đàm, dân địa phương tôn gọi là “Bà chúa dệt vải”. Vùng ven hồ Tây còn còn miếu thờ “Bà chúa nghề tằm” cũng người Thanh Hoá. Đời Lê Thánh tông, ông Trần Vĩ tuổi già nghỉ hưu, mở trường dạy học bên Hồ Tây. Trần Vĩ có cô con gái Quỳnh Hoa, gả cho chàng Liễu Nghị cùng quê làm tri phủ Hà Trung (Thanh Hoá). Sau khi Liễu Nghị mất, bà về nơi cha xưa mở trường dạy học, truyền nghề chăn tằm dệt lụa cho dân địa phương. Bà được tôn làm thần Thành hoàng làng và tên làng Nghi Tàm (kiểu mẫu nghề tằm tang) đặt ra từ đó.
Nếu Hoa nương Quỳnh Hoa đem tài hoa khéo léo “dệt” nên những bức tranh làng quê Yên Thái, Nghi Tàm, soi sáng “mặt gương Tây Hồ”, giữa “mịt mù khói toả ngàn sương”, thì những bàn tay thợ Thanh Hóa cũng góp phần tô điểm cho phố phường Thăng Long như Trọng Nghĩa, ông tổ nghề mộc, Nguyễn Kim, ông tổ nghề khảm trai…
Dệt nên huyền thoại Phủ Tây Hồ linh thiêng và thơ mộng cũng là một phụ nữ xứ Thanh: Liễu Hạnh công chúa! Bà vốn là tiên nữ trên trời thác sinh làm con gái ông Lê Công dòng dõi vua Lê Lợi, hương Lam Sơn. Bà lập đô ở Thanh Hóa, Phố Cát, nhưng tính thích ngao du sơn thuỷ, ưa dạo chơi danh lam thắng tích. Bà ra Thăng Long dựng lầu thơ bên bờ Hồ Tây, hút hồn bao danh sĩ Thăng Long, đem đến cho Thăng Long một thú vui chơi tao nhã.
Đóng góp lớn lao cho văn hoá văn nghệ Thăng Long đời Trần tiêu biểu là Lê Văn Hưu, Lê Bá Quát, Hồ Quý Ly…và một hiện tượng đặc biệt: Lê Thánh tông, ngôi sao sáng rực rỡ trên bầu trời văn chương Đại Việt.
Lê Văn Hưu, nhà sử học đâù tiên nước ta, người chép sử giỏi nhất một thời, cũng là thầy học của Thái sư Trần Quang Khải. Điều thú vị về bộ sử lớn Đại Việt sử ký toàn thư, Lê Văn Hưu là người khởi thảo và Lê Hy-người hoàn chỉnh, cùng sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thiệu Hoá-Đông Sơn bên bờ sông Mã.
Lê Bá Quát quê Phủ Lý cùng làng Lê Văn Hưu. Về chính trị, Lê Bá Quát làm tời chức Á tướng, được xem là bậc “hiền tài”, “cứng cỏi quả quyết”, về văn chương là cây bút “tài khí hùng hồn hơn người”.
Hồ Quý Ly đề cao chữ Nôm, làm sách Thi nghĩa bằng Quốc âm cho sư nữ dạy hậu phi và cung nhân học tập. Sách Minh đạo của ông, tuy vấn đề học thuật còn phải bàn chỗ này, chỗ kia, cũng là một bước đột phá quan trọng chống lối tư duy khuôn sáo “thuật nhi bất tác” của nhà Nho bảo thủ.
Lê Thánh tông, bậc minh quân, cháu nội Thái Tổ Cao hoàng đế Lê Lợi, 40 năm trị nước, đã đưa chế độ phong kiến Đại Việt phát triển đến cực thịnh, là tác gia lớn Việt Nam với kho tàng tác phẩm đồ sộ. Ông tổ chức Hội tao đàn đầu tiên của Thăng Long gồm 28 ngôi sao sáng thủ đô do Thiên Nam Động Chủ làm là Đô nguyên suý. Ở Lê Thánh tông, vị hoàng đế và nhà văn hoá là một “Trống dời canh còn đọc sách – Chiêng xế bóng chửa thôi chầu”, “Lúc rảnh sau muôn việc, trong khoảng nửa ngày, ta mắt xem rừng sách, lòng dạo vườn văn…”. Ông chế ra lễ nhạc, định ra pháp luật. Bộ luật Hồng Đức đến nay còn nhiều điểm giá trị. Ông tuyên bố trước quần thần: “Hình luật là hình luật của cả nước, ta và các ngươi đều cùng phải theo”. Khái niệm mọi người đều bình đẳng trước pháp luật bắt đầu từ ông, một hoàng đế phong kiến trung cổ.
Đời Hồng Đức, trên cở sở kinh tế phát triển, dân số tăng nhanh, làng xóm mở rộng. Làng nào cũng có đình để hội họp, miếu để thờ thần linh, lối hát Cửa Đình phát triển, đến đời Trung hưng trở nên phổ biến.
Hát Cửa Đình còn gọi là hát Ả Đào, Hát Nhà Trò, tên phổ biến hiện nay là Ca Trù. Thần tích “Tổ sư giáo phường Lỗ Khê” (Hà Nội) do Đông Các học sĩ Đào Cử soạn tháng Giêng năm Hồng Đức thứ 7 (1476), cho biết: “Đinh Lễ (quê Thọ Xuân) danh tướng Lam Sơn, vâng lệnh vua Lê Lợi đánh giặc Minh, dựng đồn trại ở Lỗ Khê, có con trai là Đinh Dự 12 tuổi thiên tư dĩnh ngộ, học vấn tinh thông, cầm kỳ thi hoạ, xướng ca đàn phách giỏi hơn người. Một hôm Đinh Dự chơi chùa Thiên Thai (Bắc Ninh) gặp người con gái tài sắc tên là Đường Hoa Tiên Hải từ động Nga Sơn, Thanh Hoá, ra truyền dạy ca hát ở các giáo phường. Hai người ý hợp tâm đầu, nguyện kết duyên cầm sắt rồi cùng về trang Lỗ Khê, Thăng Long mở giáo phường truyền nghề Hát Ả Đào. Sau khi Thái tổ lên ngôi, hai vợ chồng Đinh Dự đến đàn hát chúc mừng (Đinh Lễ là cha Đinh Dự, gọi Lê Lợi là cậu ruột hy sinh năm 1427). Vua Thái tổ ban yến tiệc xong, hai vợ chồng cùng hoá (mất). Xét vợ chồng Đinh Dự là bề tôi trung nghĩa, có công truyền bá nghề hát Ả Đào rất hay, Thái tổ triệu giáo phường các nơi lên kinh rước “Mỹ tự” (sắc phong) vua ban về lập đền thờ, và tứ cho các xã hàng năm tiết xuân thu mở hội kỳ phúc tổ chức để các giáo phường ca hát tế thần. Tới triều vua Hồng Đức (Lê Thánh tông), lại xét gia phong cho Đinh Dự là “Thanh Xà đại vương” và vợ là “Mãn Đường Hoa công chúa”…
Ngày nay, cạnh ngôi đình làng Lỗ Khê, còn đền thờ tổ sư giáo phường, quy mô nghi vệ đầy đủ. Thời Hậu Lê đến đời Nguyễn, giáo phường các nơi thuộc đồng bằng Bắc bộ: Bắc Ninh, Hải Dương, Nam Định, Hà Đông đều cử đại biểu về Lỗ Khê (ngoại thành Hà Nội) làm giỗ Tổ sư nghề hát của mình, vào ngày 13 tháng 11 âm lịch theo quy định trong Điển lễ thờ cúng từ đời Lê Thánh tông. Mới đây, tổ chức UNESCO công nhận “Ca trù Việt Nam là di sản văn hoá phi vật thể thế giới”, một trong những vinh quang của Văn hoá Thăng Long, cũng là vinh dự đóng góp của người Thanh Hoá.
Trong khoảng trên dưới 30 năm, nhà Hậu Lê đóng đô ở Thăng Long đã góp công sức lớn lao khó kể hết đối với Thăng Long và đất nước.
Năm 1427, nghĩa quân Lam Sơn vây chặt thành Đông Quan, theo lệnh Lê Lợi cố gắng bằng mọi cách để giải phóng Đông Quan, vẫn bảo toàn Thăng Long không bị quân Minh tàn phá. Điều không thể tránh khỏi, quân Minh rút về nước để lại hậu quả hết sức nặng nề: về kinh tế kiệt quệ, kho tàng rỗng không, nhà cửa hư hại…Lấp vào khoảng trống vô cùng to lớn ấy, Thanh Hoá đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Họ là vua chúa, quan chức, tướng lĩnh, quân lính, suốt 10 năm không tiếc máu xương, nay lại không quản công sức khôi phục kinh thành. Người Thanh Hoá, từ ông vua đến anh lính gia nhập Thăng Long với cả tài sản văn hoá tinh thần của quê hương mình, góp nên hương sắc Thăng Long nghìn năm văn vật, hình thành bản sắc Văn hoá Thăng Long, như những sợi chỉ hồng xuyên suốt nghìn năm lịch sử… Thời kỳ Văn hoá Thăng Long phồn thịnh nhất dưới triều Lê Thánh tông, riêng họ Nguyễn Gia Miêu, Hà Trung làm quan ở kinh đô đã tới hơn 200 người!
Cuối đời Lê sơ, kinh thành rối loạn, phe phái nổi lên xâu xé. Họ Nguyễn Gia Miêu dẫn đầu là Nguyễn Hoằng Dụ, Nguyễn Kim (con trai) tập hợp lính đánh dẹp bọn phản loạn. Hết lương về Thanh Hoá thu lương, hết quân về Thanh Hoá mộ quân. Các ông còn tổ chức khai hoang ngay tại quê nhà để có thóc gạo nuôi quân. Họ kiên quyết bảo vệ cơ đồ nhà Lê cũng là bảo vệ nhân dân Thăng Long với nền văn hoá lâu đời ấy.
Tiêu biểu cho giới nho sĩ Thanh Hoá thời Lê Trung hưng là Trạng nguyên Trịnh Huệ. Ông trải qua các chức vụ Đông các đại học sĩ, Thượng thư bộ lại, Thượng thư bộ hình, Tham tụng (tể tướng) phủ Chúa rồi suốt 25 năm làm Tế tửu Quốc Tử giám, trường đại học duy nhất Thăng Long – Việt Nam, trông coi việc đào tạo nhân tài cho cả nước. Một trong những học trò nổi tiếng của Trịnh Huệ là Nguyễn Hoàn quê Lan Khê, Nông Cống, đỗ hội nguyên tiến sĩ, làm quan đến Thượng thư bộ lại, Tham tụng (tể tướng) phủ Chúa, tước Hoàn quận công. Trịnh Huệ viết chuyên khảo bàn về “Tam giáo” rất được các nho sĩ tài danh Thăng Long Ngô Thì Sĩ, Phan Huy Ích, Ngô Thì Nhậm, Ninh Tốn…tham gia hưởng ứng, gây không khí học thuật sôi nổi trong giới Nho học kinh kỳ nghìn xưa hiếm thấy.
Đóng góp xây dựng nền Văn hoá Thăng Long là trách nhiệm cũng là vinh quang của Thanh Hoá. Lịch sử không ngừng phát triển theo quy luật của nó: Tây Sơn, Nguyễn rồi 80 năm thực dân Pháp xâm lược, núi Nùng san phẳng, kinh thành đổi tên, nhưng Thăng Long vẫn là Thăng Long! Dấu tích Thanh Hoá vẫn còn đó với thắng cảnh Tây Hồ thơ mộng, phủ chúa Liễu linh thiêng, tượng Lê Thái tổ uy nghiêm, hồ Hoàn Kiếm huyền thoại, chùa Dục Khánh nơi ra đời Lê Thánh tông, đền Tổ sư Ca trù Đinh Dự…Nhưng đó chỉ là dấu ấn nổi, còn những sợi chỉ hoa gấm thì lặn chìm để góp dệt nên nền văn hoá Thăng Long mãi mãi tươi sáng, trường tồn cùng sông núi Việt Nam.
(HOÀNG TUẤN PHỔ - Tham luận Hội thảo “Thanh - Nghệ với 1000 năm Thăng Long-Hà Nội)
Tài liệu tham khảo
-Đại Việt sử ký toàn thư
-Việt sử thông giám cương mục.
-Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn.
-Nhân vật chí cuả Phan Huy Chú.
-Lĩnh Nam chích quái.
-Truyền thuyết các vị thần Hà Nội.
-Truyền kỳ tân phả của Đoàn Thị Điểm.
- Và nhiều tài liệu điền dã của tác giả.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét