Sông Yên
Ảnh: báo Thanh Hóa
HOÀNG TUẤN PHỔ
Thời Hậu Lê cho đến thời Nguyễn, hệ thống hành chính chia tỉnh
Thanh Hóa gồm phủ, huyện, xuống đến tổng, xã, thôn, thường gọi là làng. Bấy giờ
phủ Tĩnh Gia có huyện Quảng Xương, huyện Ngọc Sơn, huyện Nông Cống. Về sau bỏ
đơn vị phủ, huyện Ngọc Sơn mang tên Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn). Huyện
Ngọc Sơn bấy giờ dân số ít, lấy thêm hai tổng lớn: Ngọc Đới, Văn Trinh. Sau này
hai tổng Ngọc, Văn trả về huyện Quảng Xương cho thuận tiện địa dư. Hai huyện
Tĩnh Gia (Ngọc Sơn), Quảng Xương cách nhau dòng sông Ghép. Phía trên sông Ghép
theo quy luật thiên nhiên, bên lở bên bồi:
Khúc sông bên lở bên bồi,
Bên lở lở mãi,
bên bồi bồi thêm.
Bên bồi là bờ Bắc thuộc huyện Quảng Xương.
Làng Hòa Yên ở bờ Nam bị lở mất đất đai nhà
cửa trong khi phía bờ Bắc đất cát bồi thêm càng lớn mạnh thành đồng bãi rộng
mênh mông. Các làng Đa Lộc, Ngọc Trà, Ngọc Giáp không có khả năng sử dụng bỏ
hoang từng cồn đống cao thấp nhấp nhô. Nước thủy triều lên xuống tạo nên bùn
đất sình lầy, các loài chim chóc từ xa kéo đến kiếm chỗ sinh nhai rồi trú đêm
trên những chòm cây bụi, chẳng bao lâu họp thành làng xóm đông vui, ngày ngày
xôn xao, ồn ào...
Bờ Bắc càng vui, bờ Nam càng buồn, buồn cho
người làng Hòa Yên. Mất ruộng đất họ phải chen chúc nhau ở và làm nghề đánh cá
tạm sống qua ngày. Đã có lúc họ họp làng kéo nhau sang bãi bồi phía Bắc chiếm
đất nhưng không xong. Lý dịch lấy cớ đất bãi bồi tuy vô chủ lại thuộc địa phận
làng mình nên chỉ cần hô một tiếng là trống, mõ nổi lên, trai tráng trẻ già kéo
ra đánh đuổi người Hòa Yên ngang ngược cướp đất của Đa Lộc, Ngọc Trà, Ngọc
Giáp. Không ít nhà mất đất mất luôn cả nhà, đành cắm con thuyền nan làm chỗ
nương thân, ngày thả lưới, tối buông câu, kiếm con cá đổi bát gạo, bữa đói, bữa
no. Họ hay dừng thuyền nghỉ ngơi bên bãi bồi để dặm lại thuyền, vá lại lưới,
trẻ con kiếm củi, thèm muốn một miếng đất nhỏ dựng tạm cái lều để che nắng che
mưa và mảnh vườn trồng rau, nhưng ước mong ở ngay trước mắt mà quá xa vời, đành
nhìn đất chán lại trông trời, trách cái ông trời ở trên cao tít sao quá bất
công!
Bấy giờ làng Hòa Yên ở xóm trong còn chưa
bị lở đất có cụ Nhất Quyền nhà giàu có, quyền thế. Cụ thường cưỡi con ngựa
bạch, cổ đeo lục lạc, rong chơi khắp miền Ngọc Sơn, quen thân cả quan Tri phủ
Tĩnh Gia, cai trị ba huyện Ngọc Sơn, Quảng Xương, Nông Cống, phủ lỵ đóng ở Ngọc
Sơn. Cụ Nhất Quyền thương đám dân mất đất, mất nhà nhưng còn phải tính kế sao
cho có lý, có tình. Cụ ngồi thuyền chài qua sông thăm bãi hoang để “mục sở
thị”. Rồi nhân lúc quan tri phủ rỗi việc, cụ mời ngài đi ngựa xuống đò Ghép,
ngược dòng sông qua Ngọc Giáp, Ngọc Trà, Đa Lộc đến bãi bồi, vừa thị sát, vừa
bắn chim chơi. Cụ Nhất Quyền nhân chuyện quan tri phủ bắn trúng một con diệc
xám to, nên rất vui, bàn chuyện cho xóm Ngoài và xóm Giữa làng Hòa Yên mất đất
mất nhà được chuyển sang bãi bồi ở kẻo đám dân ấy sống khổ cực quá thật đáng
thương. Quan phủ thấy chuyện nên làm nhưng tính ngài thận trọng dặn bảo cụ Nhất
Quyền: “Một bên lở mất đất, một bên được đất, cái tội ở dòng sông, quan phủ
trước cảnh bất công không thể làm ngơ nhưng việc dời nhà phải thật khéo, e rằng
sẽ kiện cáo lung tung gây huyên náo bất lợi. Bản phủ sẽ bảo trước tri huyện
Quảng Xương xử lý chuyện này sao cho êm”. Cụ Nhất Quyền vâng lời, đem con diệc
quan phủ bắn được về nhà mình mở tiệc rượu vui. Được phép hầu rượu quan tri
phủ, có tổng lý và mấy cụ bô lão làng Hòa Yên. Họ một vâng hai dạ những lời vị
quan phụ mẫu dạy bảo.
Một đêm không trăng không sao, hàng chục
nhà xóm giữa Hòa Yên, đa số ở mấp mé bờ sông, đã được dỡ xuống bó lại từng bó
chuyên chở qua sông. Người xóm trong cũng góp tay kẻ đào cột, người chốt kèo,
lợp mái, che phên... Khi trời sắp sáng, đã mờ mờ ánh sao mai, tất cả hơn hai
chục nhà đã được dựng xong thành chòm xóm trên gò cao bãi bồi. Dân Đa Lộc thấy
chỉ qua một đêm bãi bồi đã mọc lên nhà cửa, có cả dân cư rộn ràng vào ra, nhộn
nhịp đi lại. Họ ra sông gánh nước, trẻ con chạy nhảy, tiếng gà trống dõng dạc
gáy vang, mấy bếp lửa tỏa khói vươn cao... A! Họ nấu nướng ăn sáng để ra bãi
cuốc đất trồng trọt gì chăng? Táo tợn thật, dám cả gan chiếm đất của làng khác,
huyện khác để ở! Chắc là dân Hòa Yên còn ai khác nữa?
Dân Đa Lộc, Ngọc Trà xôn xao bàn tán, cứ tức anh ách, ai cũng
muốn châm mồi lửa cho cháy trụi cái xóm kẻ cướp kia! Lý dịch Đa Lộc bàn với lý
dịch Ngọc Trà cách xử lý. Kiện lên quan lấy cớ gì họ chiếm đất? Nhưng đất của
trời cho ấy có phải của mình đâu? Cứ lý mà xét, cái bãi ấy thuộc địa phận mình,
tức là trời cho làng mình, huyện Quảng Xương mình. Đành rằng Hòa Yên bị lở đất
nhưng đất ấy lở xuống sông tạo thành bãi bồi hay trôi ra biển? Bãi bồi do đất
thượng lưu được sông Ghép nước cuốn xuống tạo thành. Từ xưa đã có câu ca: “Khúc
sông bên lở bên bồi, bên lở lở mãi, bên bồi bồi thêm”. Cứ bồi mãi mà thành bãi.
Hỏi từ ngàn xưa có địa phương nào theo nước sông mà đòi đất mình? Cho nên nó cứ
bồi vào đâu thì thành của nơi ấy...
Lý dịch Đa Lộc, Ngọc Trà rủ thêm Ngọc Giáp
cho mạnh cánh. Họ kéo nhau lên huyện đường Quảng Xương xin quan tri huyện Quảng
Xương đèn trời soi xét! Quan huyện cười nói vui vẻ:
- Tưởng chuyện gì quan trọng lắm khiến các ông phải nhọc lòng
mệt sức tới cửa quan. Đèn trời đã soi tỏ: Huyện Quảng ta vừa được thêm đất lại
được thêm người, vốn đã vui càng thêm vui, cớ chi mà phải bận tâm?
Lý dịch Đa Lộc thưa:
- Dạ bẩm quan lớn, nhưng mà bọn ấy khinh người ra mặt...
Tri huyện Quảng Xương nói gạt ngang:
- Tuy người hai huyện nhưng cùng một phủ, anh em một nhà cả,
thôi dĩ hòa vi quý để ta bảo chúng nó đáo giang tùy khúc, nhập gia tùy tục, nói
khó với các ông một câu là yên chuyện, việc ai nấy làm. Hẳn các ông biết câu
nói dân gian: “Vô phúc đáo tụng đình, tụng đình rình vô phúc” đừng có bày trò
kiện cáo lôi thôi. Quan phủ Tĩnh Gia ta ngài nghiêm lắm. Thế nhé!
Các ông lý dịch Đa Lộc, Ngọc Trà, Ngọc Giáp
lại dạ dạ, vâng vâng mặc dù hãy còn ấm ức, nhưng quan đã xét xử như thế cũng có
cái lý của nó. Sự đời thiên lý vạn lý, thôi hãy cứ về tính kế khác. Nếu thằng
Hòa Yên lếu láo sẽ...
Tri huyện Quảng Xương mừng thời gian trôi
qua, không xảy ra kiện cáo gì cả. Xóm mới Hòa Yên cũng yên tâm sản xuất, đám
thấp cấy lúa, thửa cao trồng khoai, vụ nối vụ, mùa tiếp mùa, nhà nhà nhờ đất
phù sa tốt, ai cũng siêng năng, không ngại nắng mưa, đồng ruộng xanh tươi,
khoai lúa đầy bồ, tiếng gà gáy vang xa, chó sủa râm ran. Mới qua một năm đã từ
xóm mới thành xóm cũ. Lý trưởng Đa Lộc trước cảnh chướng tai gai mắt không chịu
nổi bàn với Phó tổng xã Thái Các lại vác đơn lên quan kiện dân Hòa Yên ở huyện
khác đến chiếm đất. Quan huyện nhận đơn thân hành về tận bãi bồi cạnh Đa Lộc để
thị sát. Ngài về đình làng đòi hương chức từ thôn đến tổng đều phải có mặt để
quan hiểu dụ. Quan nói:
- Ta vừa thị sát về thấy tận mắt đó chẳng khác một xóm ấp cũ,
mái tranh xám, phên vách thủng, mọi thứ trong nhà ngoài sân đều xưa cả. Đất nào
chẳng phải của vua. Các ông cần yên nghiệp nông gia cũng phải để cho họ an tâm
sinh sống, cớ sao cứ kiện cáo lôi thôi mãi? Hay là có anh nào làm thầy cò, thầy
vạc bày trò kiếm chác xui dại các anh?
Lý trưởng Đa Lộc đánh bạo nói:
- Dạ bẩm quan lớn, chúng con thiển nghĩ: Họ mới ở huyện khác đến
mà nghênh ngang quá, không có chấp bằng cũng chẳng có địa bạ, cho nên lờ tịt cả
thuế má, sưu sai tạp dịch!
Tri huyện thầy cần phải trấn áp ngay gã lý
trưởng quèn cứng cổ, lớn tiếng quát hỏi:
- Thế nhà anh có địa bạ khu đất bồi ấy không? Nếu có địa bạ sao
bấy lâu không nộp thuế? Té ra nhà anh bấy lâu ẩn lậu thuế má của triều đình!
Thầy lý làng Đa sợ tái mặt. Quan bảo các lý
dịch tổng xã: Lần này quan tha tội lừa dối quan trên. Nếu chúng bay còn kiếm
chuyện làng mới làng cũ để gây sự với nhau, tao sẽ bắt bỏ tù.
Dân xóm mới Hòa Yên xin quan tri huyện
Quảng Xương cho cắm mốc phân địa giới với Đa Lộc để đôi bên không được tranh bờ
lấn cõi, xâm phạm lẫn nhau. Quan gật đầu khen phải, liền sai lính hầu cắm cột
tiêu cho xóm mới, phía Tây từ cồn Ông Danh, chếch Tây Bắc giáp làng Đa Lộc có
ao Sa làm ranh giới, phía Đông Bắc là sông Ngọc Giáp tức sông Ghép. Một số nhà
xóm Giữa làng Hòa Yên chuyển sang họp lại thành xóm lớn. Cụ Nhất Quyền cho như
thế là nhìn xa trông rộng: Sông ngòi bên lở bên bồi, bên lở tất sẽ lở thêm, bên
bồi chắc phải bồi bồi thêm, họ chạy trước là hơn. Cụ Nhất Quyền tính số đinh
dân, điền thổ đủ một làng nhỏ, bèn đặt tên Thạch Thán là than đá và làm đơn xin
quan trên cho phép lập làng mới. Tri huyện Quảng nhận đơn để đưa lên cấp trên
xin cho làng mới Thạch Thán từ nay được nộp thuế má sưu dịch. Thế là ổn, chỉ
còn chính thức chấp bằng địa bạ. Không ngờ phía huyện Ngọc Sơn, tri huyện chiếu
theo sổ sách cũ bắt dân Hòa Yên đã di cư vẫn phải nộp sưu thuế. Dân Thạch Thán
không chịu một cổ đôi tròng, một làng hai huyện đệ đơn lên quan khiếu nại. Tri
huyện Quảng Xương bất bình với tri huyện Ngọc Sơn. Tri huyện Ngọc Sơn đòi phải
trả lại dân Hòa Yên, không được nhân đất lở chiếm dân, tranh mối lợi thuế má.
Đôi bên kiện cáo lên quan phủ. Phủ xử không xong lên tỉnh đường. Quan Tổng đốc
hứa xin với Bộ miễn thuế cho dân Hòa Yên đã chuyển cư vì lở bờ sông mất đất,
mất nhà... Quan huyện Ngọc Sơn thua kiện đòi đổi khúc sông Ngọc Giáp – Đa Lộc
thành sông Hòa Yên. Sau người ta gọi tắt là sông Yên cho tiện.
Dân Thạch Thán nhiều người học hành thi cử
đỗ đạt xin quan trên xét chữ Thạch Thán không hay, đổi chữ Mỹ Thạch cho đẹp.
Làng mới lập miếu thờ cụ Nhất Quyền làm thần tổ vì có công di dân lập ấp mở
làng (Mỹ Thạch nay thuộc xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương) – theo Địa chí
huyện Quảng Xương và tài liệu của nhà giáo cao tuổi Đặng Quang Ích.
Hoàng Tuấn Phổ/7/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét