15 thg 1, 2014

Sai lầm mang tính hệ thống trong “TỪ ĐIỂN THÀNH NGỮ, TỤC NGỮ VIỆT NAM” của GS Nguyễn Lân

     
Hoàng Tuấn Công
Dĩ hư truyền hư kỳ 2

"Bò lành đánh bò què", giải thích sai về các sự vật, hiện tượng, kinh nghiệm dân gian, “Tiền hậu bất nhất”.
Thành ngữ, tục ngữ thường có nhiều dị bản, gần nghĩa hoặc đồng nghĩa. Người làm từ điển có thể thu nhận tất cả để độc giả tham khảo và chọn ra dị bản hay nhất, được sử dụng rộng rãi nhất để giải thích. Thế nhưng, không ít trường hợp GS Nguyễn Lân tự chữa từ trong câu thành ngữ, tục ngữ hoặc phỏng đoán theo ý chủ quan của mình, bác đi dị bản hay nhất, khiến thành ngữ bỗng dưng mất đi cái hay, cái đẹp, sự tinh tế trong ngôn từ của dân gian:
Dứt dây động dừng (có người viết và đọc nhầm là rừng) ý nói: chạm đến một việc nhỏ có thể ảnh hưởng đến cả một việc lớn (Như dứt một dây ở bức vách  có  thể làm rung cả bức vách)
Rút dây động dừng (Dừng là cốt để trát bức vách) Ý nói: Đả động đến điều gì thì ảnh hưởng đến điều khác (Có người nói nhầm là: Rút dây động rừng)
-Trong hai mục từ “D” và “R”, GS Nguyễn Lân đều khẳng định “Rút dây động rừnglà nhầm lẫn, phải là “dừng” mới đúng và giải thích “dừng” là “bức vách” hoặc “cốt để trát bức vách”. Trong cuốn “Từ điển từ và ngữ Việt Nam một lần nữa GS lại khẳng định: “Dứt dây động dừng (dừng ở đây là bức vách, có người viết là rừng là không đúng)”. Thế nhưng với “phát hiện” này, GS đã biến nghĩa đen của câu thành ngữ trở nên rất vô lý và tầm thường hoá cách ví von, so sánh rất đắt của dân gian. Mặt khác, dù khăng khăng “có người viết và đọc nhầm” “dừng” thành “rừng”, nhưng GS không đưa ra được lý lẽ chứng minh là họ đã “nhầm” như thế nào.
Nếu theo cách hiểu của GS, xin được hỏi  về nghĩa đen: Thứ nhất, dứt dây gì ở bức vách? Thứ hai: giả sử dây đây là dây buộc ở một bức vách đất bé nhỏ đã long lay (nên lòi cả dây lạt buộc xương vách ra) người ta cầm và giật (dứt) thì việc nó “động” cũng là chuyện thường thôi.  Bởi cái dây đó ràng buộc, liên quan trực tiếp tới bức vách (mà bức vách đã hỏng, đã long lay rồi).
Nghĩa đen thành ngữ này phải được hiểu đúng ý dân gian: “Rút dây động rừng” mới thâm thuý: Rừng là nơi quy tụ nhiều loại cây, chia thành nhiều tầng, nhiều tán: thảm cỏ, cây bụi, dây leo, cây thân gỗ… Ngoài thực vật còn có muôn loài động vật, muông thú lớn nhỏ. Dây leo trong rừng có thể dài đến hàng trăm mét, luồn lách, vấn vít, đeo bám vào cây nọ sang cây kia. Thế nên, “Rút dây động rừng có nghĩa chỉ cần rút, dứt (lấy) một cái dây leo cũng có thể làm động cả một cánh rừng ! Động theo ngh ĩa đen ở đây là làm rung đến cây khác, đụng chạm đến thực thể khác. Dứt dây, cây động, bầy con chim giật mình đập cánh, khiến bầy nai cũng hoảng sợ, náo động... Thế là loạn cả lên, cứ như là như động rừng vậy ! Một hình ảnh ví von không gì sinh động hơn về mối quan hệ chặt chẽ giữa cá thể này với cá thể kia trong tự nhiên và trong quan hệ xã hội của con người. Dứt hay rút một sợi dây mà làm động đến cả cánh rừng ! Đó là mối quan hệ mang tính biện chứng. Tục ngữ lời ngắn mà ý nghĩa lớn !
Tham khảo: Với câu “Tai vách mạch dừng” thì dừng ở đây lại là bức vách. Không phải “Tai vách mạch rừng”. Vì vách và dừng đều thuộc kết cấu của một ngôi nhà-nơi (theo nghĩa đen) hai người trao đổi chuyện bí mật, riêng tư. Sau hiểu theo nghĩa bóng chỉ tất cả địa điểm khác. Nhưng địa điểm nào thì những cái có thể “nghe lén” được đều tập trung ở xung quanh hai người. Nếu nói “Tai vách, mạch rừng” thì một là bức vách, một làcái mạch gì đó tận trên rừng thì nghe thật vô lý. Thậm chí khi ra sau nhà để “thậm thụt”, “thì thào” thì lại “Bờ vách có tai, bờ rào có mắt”. Ý câu thành ngữ: không có chỗ nào an toàn kín đáo, ngay kể cả nơi bốn bề tường, vách vắng vẻ, rào dậu kín đáo.
Đãi cát lấy vàng Ý nói ra công chọn những điều quý báu hiếm hoi trong một đám tài liệu hỗn độn.
Câu thành ngữ vốn có hình thức “Đãi cát tìm vàng”. Từ “lấy” trong dị bản GS đưa ra làm hỏng mất ý nghĩa câu thành ngữ. Vì chữ “lấy” đơn giản, dễ dàng quá. Phải là “tìm” mới nói lên sự hiếm hoi, khó khăn. Mặt khác, thành ngữ không chỉ riêng việc “chọn những điều quý báu, hiếm hoi trong đám tài liệu” mà nói chung việc dày công tìm kiếm, sàng lọc một lượng lớn thứ tầm thường, bỏ đi để hy vọngkiếm tìm thứ quý giá nào đó. Nếu được phép “chọn” như cách giải thích của GS có nghĩa là thứ thì đó rất sẵn, tha hồ “chọn” lấy cái tốt nhất, đẹp nhất. Lúc này, lại phải hiểu đãi vàng cám để lấy vàng thỏi, vàng cục, chứ không phải “Đãi cát tìm vàng” nữa.
Tham khảo: Ở Thanh Hoá có câu “Đãi cứt chó lấy vỏ khoai, đãi cứt gà lấy mẳn”. (Mẳn là hạt tấm, hạt gạo nát). Vỏ khoai, hạt mẳn là thứ phụ phẩm, phế phẩm đã tận dụng cho chó, gà ăn mà vẫn còn tiếc, muốn “tận thu” lại một lần nữa ! Từ “lấy” ở đây lại “đắt”  hơn từ “tìm”. Bởi vì “lấy” thể hiện “ý tưởng”, mục đích rất rõ ràng và phải thực hiện bằng được của anh chàng bủn xỉn, keo bẩn. Ngôn ngữ dân gian rất tinh tế, đâu có tuỳ tiện thay đổi mà được !

Run như dẽ (Dẽ là một con chim hay ăn giun, nên cũng gọi là dẽ giun. Dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này).
Sợ run như dẽ (Dẽ là loài chim hay ăn giun, nên gọi là dẽ giun. Ở đây, với mục đích chơi chữ, đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”).
Hai câu này xuất hiện trong hai mục từ “R” và “S” của cuốn sách. Tuy nhiên, cùng trong một cuốn sách nhưng GS giải thích “tiền hậu bất nhất”. Ban đầu thì cho rằng “Dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này”, đến sau lại giải thích “với mục đích chơi chữ đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”. Lưu ý, lẫn lộn và chơi chữ là hai khái niệm khác nhau. Và điều đáng nói, hai cách giải thích của GS đều không đúng. Theo“Bách khoa toàn thư mở”:Dẽ giun hay rẽ giun hoặc giẽ giun là tên gọi thông thường trong tiếng Việt để chỉ gần 20 loài chim lội nước rất giống nhau trong 3 chi của họ Dẽ (Scolopacidae). Chúng có đặc trưng là mỏ rất thanh mảnh và dài cùngbộ lông kỳ bí”. Riêng tôi đã có nhiều dịp quan sát hình dáng và tập tính của loài chim này. Chim dẽ giun thường tìm ăn ở những thửa ruộng đã cày bừa xong nhưng chưa kịp cấy hoặc ruộng lúa mới cấy, đặc biệt là ở vụ xuân. Thanh Hoá gọi loài chim này là con thọc trùn (do chim dẽ bắt giun bằng cách xọc (thọc) chiếc mỏ dài, thẳng, mảnh khảnh xuống đất bùn). Sắc lông “kỳ bí” mà “Bách khoa toàn thư mở” mô tả về chúng chính là mầu lông xam xám, pha lẫn chút lấm tấm trắng mốc ở ngực và hai bên cánh. Nếu chim dẽ đứng náu mình trên mặt ruộng loáng nước, lô nhô vết giun đùn hoặc bờ cỏ úa thì khó có thể phát hiện ra chúng. Khi ta bước chân đến nơi mới thấy chúng bay cái “vù”. Những ruộng có chim dẽ giun đến ăn thường để lại chi chít các vết mỏ chim trên mặt bùn đặc tựa dấu muôn ngàn que tăm xọc xuống. Đặc biệt, chim dẽ giun có một tập tính kỳ lạ là thân mình liên tục cử động: đầu gật, đuôi giật, mình thì rung rung theo nhịp bước chân, khiến người ta có cảm giác chúng thường run lẩy bẩy. Cũng do đặc điểm thân mình luôn cử động, rung lắc, khi kiếm no mồi thì chạy nhảy, đánh đuổi nhau, nên Thanh Hoá cũng có câu thành ngữ “Nghịch như thọc trùn” để chỉ bọn trẻ con nghịch ngợm, thọc mạch, không lúc nào chịu ở yên.
Như vậy, “Run như dẽ” hoặc “Sợ run như dẽ” là hai dị bản đồng nghĩa. Nghĩa diễn giải của thành ngữ là: “Run như con chim dẽ giun”. Dân gian không nhầm lẫn, cũng chẳng chơi chữ gì ở đây mà trong thực tế có nghĩa đen như phân tích ở trên.
Tham khảo: Trong Truyện Kiều, đoạn Thuý Kiều báo oán, Nguyễn Du viết: Cho gươm mời đến Thúc lang, Mặt như chàm đổ mình dường dẽ run. Ta có thể hiểu Nguyễn Du mô tả Thúc lang run như con chim dẽ giun. Đào Duy Anh giải thích: Dẽ run: Tức là chim dẽ hay rẽ, người ta cho rằng thứ chim này mình thường run luôn”. Khi Đào học giả viết “người ta cho rằng…” chứng tỏ ông cũng chưa có hiểu biết thực tế về loài chim dẽ, nhưng cách giải thích trên là đúng.
Ruộng đầu chợ, vợ đầu làng Đây là lý tưởng của một chàng nông dân lười, ngại đi xa và có tư tưởng thiển cận.
Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng. Đó là lý tưởng của một chị nông dân thiển cận.
-“Ruộng đầu chợ” là “lý tưởng” đối với “anh”,nhưng“ruộng giữa đồng” lại là “lý tưởng” đối với“chị”. Không biết cách làm ruộng của anh chị có gì khác nhau mà lại có cách chọn ruộng khác biệt, đối lập nhau đến vậy ? Mặt khác, cứ cho rằng “Vợ đầu làng"có nghĩa vợ ở cùng làng (rất gần), nhưng “ruộng đầu chợ” đâu có nghĩa là ruộng gần ?
Thực ra “ruộng đầu chợ” là mảnh ruộng hay bị người ta xoi mói, trăm người hai trăm con mắt đều nhìn vào. Nếu canh tác không tốt (lúa xấu, cỏ mọc) thì hay bị chê. Mặt khác ruộng đầu chợ dễ bị xâm phạm (bị vứt rác thải, ăn đòng đòng lúa hoặc ngắt lúa...). Còn “vợ đầu làng” xấu đẹp gì cũng hay bị “người ta” để ý, trêu ghẹo, dòm ngó. Thậm chí ngày xưa đêm hôm tuần đinh lợi dụng tạt vào trêu ghẹo vờ khám xét “tòm tem” nếu ông chồng đi làm ăn phu phen, tạp dịch vắng nhà. Như thế, “Ruộng đầu chợ, vợ đầu làng” đều nói đến hai điều bất lợi, không phải là “lý tưởng” như cách lý giải của GS Nguyễn Lân.
 Với câu “Ruộng giữa đồng, chồng giữa làng” thì sao ? “Giữa” ở đây không chỉ vị trí (địa lý) mà còn có nghĩa là ngay tại, ở chính tại, rất gần. (Ca dao Thanh Hóa: “Thùng thùng trống đánh ngũ liên, Chợ Gia trước mặt, quán Nam giữa đàng”. “Giữa đàng”đây tức là ngay bên cạnh đường, gần đường). “Ruộng giữa đồng” là ruộng gần, ruộng làng (đồng nhà), tiện canh tác, thăm nom, cũng có thể hiểu là mảnh ruộng “giữa đồng” không bị trâu bò xâm phạm; “chồng giữa làng” là chồng gần, ngay ở trong làng, ở giữa làng. Hai bên trai gái đã hiểu nhau, lại tiện đi về thăm nom, chăm sóc bố mẹ. (Trâu ta ăn cỏ đồng tahoặc Có con mà ghả chồng gần, Có bát canh cần nó cũng đem cho). Ngày trước, đầu làng, cuối xóm ban đêm vắng vẻ, hay bị trộm cướp, an ninh không đảm bảo. Bởi thế, lấy chồng cùng làng, lại ở giữa làng thì yên tâm lớn.
Hai câu tục ngữ trên đúc kết kinh nghiệm chọn nơi canh tác, nơi ở, lấy vợ, lấy chồng rất chính đáng của nông dân xưa. Chẳng có gì gọi là “thiển cận”, đáng chê như cách phân tích của GS Nguyễn Lân.
Nhiều trường hợp GS Nguyễn Lân giảng giải, chú thích sai hoặc quá chung chung về các sự vật, hiện tượng, kinh nghiệm dân gian trong câu thành ngữ tục ngữ:
Lờ đờ như đom đóm đực (Người ta cho rằng đom đóm đực không sáng bằng đom đóm cái ?)
-Thực ra chẳng có “ngưởi ta” nào cho rằng “đom đóm đực không sáng bằng đom đóm cái”. Đó là phỏng đoán của chính GS Nguyễn Lân: đom đóm đực chỉ sáng “lờ đờ”, suy ra đom đóm cái phải sáng hơn . Tuy nhiên vì không chắc chắn nên GS mới đánh dấu chấm hỏi (?) sau câu giải thích. Điều này khiến độc giả cảm tưởng chính mình mới là người có nhiệm vụ đưa ra câu trả lời cho soạn giả.
Trong thực tế, đom đóm đực sáng và to hơn đom đóm cái, nhưng bay chậm. Có những con đom đóm đực sáng đến nỗi khiến người ta hồn vía lên mây vì nhầm tưởng tinh đất (ma trơi) đang lừ lừ tiến lại. Câu thành ngữ này có dị bản là “Lừ đừ như đom đóm đực”, nghĩa bóng chỉ người chậm chạp trong hành động, đi đứng, gần nghĩa câu“Lừ đừ như ông từ vào đền”. Câu “Lờ đờ như đom đóm đực” thì “lờ đờ” ở đây cũng có nghĩa là lừ đừ, chậm chạp, (nói tốc độ bay của đom đóm) không phải tả ánh sáng lờ đờ như cách hiểu thiếu thực tế của GS Nguyễn Lân.
Rau bợ là vợ canh cua (Rau bợ là loài dương xỉ mọc ở chỗ đất ẩm, không ai trồng, nhưng ăn được)
Tuy cùng bộ dương xỉ nhưng hình dáng cây rau bợ không hề giống cây dương xỉ. Giải thích như GS rất dễ khiến người ta hình dung rau bợ chính là cây dương xỉ thường mọc ở bờ bụi rậm hay dưới tán rừng.
Cần viết và phân biệt chính xác, cụ thể: rau bợ thuộc họ tần, bộ dương xỉ, không phải“loài dương xỉ”. Rau bợ, hay cỏ bợ thực chất là một loại cỏ mọc hoang dại, thường sinh trưởng ở môi trường nước (không phải ở chỗ đất ẩm như GS nói) còn có tên chữ là tứ diệp thảo (cỏ bốn lá, do mỗi chiếc lá to chia làm bốn mảnh lá nhỏ) điền tự thảo (lá cỏ chia 4 mảnh, hình giống chữ điền ), dạ hợp thảo (cỏ có lá rủ xuống khi về đêm). Theo y học dân gian, canh cua nấu với rau bợ rất hợp bởi không chỉ là món ngon mà còn là vị thuốc chữa viêm nhiệt, mất ngủ. “Rau bợ mà nấu canh cua, Người chết nửa mùa sống lại mà ăn”(Ca dao)
Sầu đông trong héo ngoài tươi, vui là vui gượng, cười là cười khuây (sầu đông là một thứ cây có quả)
Trên đời này ngàn vạn thứ cây có quả. Chú thích “sầu đông là thứ cây có quả” thì ai biết đường nào mà lần ? Hơn nữa đặc trưng của loài cây đã đi vào thơ ca, nhạc hoạ này không phải vì nó là “cây có quả” mà bởi đặc điểm “trong héo ngoài tươi” và là chính cái tên “sầu đông” gợi cảm của nó.
Cây sầu đông (Thanh Hoá gọi là cây xoan đâu, xoan đu, thù đu hoặc cây xoan) có đặc điểm rụng lá theo mùa. Đông về, cây xoan cành nhánh khẳng khiu như đã chết khô. Mùa xuân, xoan nẩy lộc, tưng bừng hoa tím từng chùm, trông rất đẹp mắt. Thế nhưng, nếu đốn hạ xuống, chẻ ra thấy lõi gỗ bên trong mầu nâu nâu, bìa gỗ trăng trắng, khô khốc như khúc củi. Đặc điểm “trong héo ngoài tươi” này của cây xoan mang đến nghĩa đen cho câu ca dao (GS xếp vào tục ngữ là khiên cưỡng).
Nhanh như cái cắt (Cắt là loài chim bay rất nhanh) Khen ai làm gì rất nhanh.
Thứ nhất, giải thích về con chim cắt như vậy là quá chung chung. Thứ hai, bởi hiểu nghĩa đen không rõ ràng nên GS giải thích nghĩa bóng là “Khen ai làm gì rất nhanh” là chưa trúng ý.
 Chim cắt là loài chim dữ săn mồi. Bình thường chúng không thuộc loài chim bay nhanh mà thường liệng tà tà trên bầu trời, khi phát hiện mục tiêu mới lao vút xuống như một mũi tên chộp gọn con mồi. Như vậy “nhanh” ở đây không chỉ tốc độ chim bay nói chung mà là “nhanh” ở động tác săn mồi. Theo đó thành ngữ chỉ hành động cụ thể, không phải việc làm nói chung. Thành ngữ cũng không hẳn chỉ là “khen ai” mà là lời nhận xét, so sánh hành động, cử chỉ của ai đó rất nhanh, mạnh, táo bạo và dứt khoát. Ví như có thể nói: “Nhanh như cắt, tên lưu manh đã móc được cái ví”.
Ba hoa chích choè: (Chích choè là một loài chim nhỏ hay kêu chiêm chiếp) Chê những kẻ hay nói lung tung về những chuyện linh tinh.
-Thế giới loài chim vô số con thuộc lại chim nhỏ, hay kêu chiêm chiếp. Giải thích như vậy khác nào đánh đố ?
Chích choè không phải là loài chim nhỏ, nếu sánh với chim sâu, chim chích (sẻ), chim khuyên, chào mào…Nó cũng không “kêu chiêm chiếp” như gà nhiếp (nhép, gà con) mà nổi tiếng hót hay. Bộ lông vũ của chích choè trống có 3 khoang trắng ở ngực, bụng kéo dài tới phía dưới đuôi và hai bên cánh. Nó thường xuyên kêu “chòe, choè, chi..ích, choè..òe” nên thành tên chích choè. Khi hót, giọng nó thánh thót, líu lo, hót nhiều làn, nhiều giọng, có khi vút lên cao rồi lại hạ xuống rất thấp, bộ dạng vừa hót vừa “đầu gật, đuôi xoè” giống người khoa chân múa tay nên dân gian mượn hình ảnh và đặc điểm giọng hót để chỉ những người ba hoa khoác lác, nói nhiều, không đáng tin. Không phải nói “lung tung về những chuyện linh tinh” như GS giảngVì “nói lung tung” đâu có nghĩa là ba hoa khoác lác ?
Nhất ngon là đầu cá gáy, nhất thơm là cháy cơm nếp Lời khen quá đáng những món ăn không phải là ngon nhất, thơm nhất.
-Bởi không hiểu nghĩa đen câu thành ngữ nên thay vì giải thích, GS quay ra phê phán đó là “lời khen quá đáng”. Tuy nhiên, câu này ý dân gian không khen “đầu cá gáy” ngon nhất trong tất cả các món ăn, mà “đầu cá gáy” là bộ phận ngon nhất của con cá gáy; cũng như “cháy cơm nếp” là phần thơm nhất trong nồi cơm nếp. Chúng ta còn gặp cách nhận xét kiểu này của dân gian như “Nhất phao câu, nhì đầu cánh”, phao câu và đầu cánh là những bộ phận ngon nhất, đặc biệt nhất của một con gà, không phải ngon nhất trong mọi thứ thức ăn. Hoặc “Đầu cá trôi, môi cá mè” là những bộ phận ngon nhất của những con cá ấy. Mặt khác từ “ngon” ở đây phải được hiểu là món ăn đem lại hương vị đặc biệt cho người thưởng thức (mà chỗ khác, phần khác của món ăn đó không có được).
Mạ già ruộng ngấu. Đó là những điều kiện tốt để tăng năng suất lúa.
-Đây không phải là “điều kiện tốt để tăng năng suất lúa”. Ngược lại, theo khoa học, cấy mạ già sẽ không cho năng suất cao. Bởi mạ già khi cấy sẽ đẻ nhánh kém, có khi chỉ sau một tháng cây lúa đã có đòng, khi trổ, bông bé như bông may, hạt lép. Tục ngữ có câu “Mạ già chóng trổ”. Ngày xưa, nếu mạ già đến mức có ống (tức đốt sinh trưởng tạo đòng lúa) nông dân sẽ bỏ không cấy. Hiện nay, có những vụ do hạn hán không có nước cày cấy, mạ phải đợi ruộng nên khi cấy xuống lúa bị trổ sớm. Người ta phải dùng biện pháp kỹ thuật bón nhiều đạm, phun thêm phân bón qua lá, làm cỏ sục bùn, kích thích lúa ra rễ mới để cây lúa “trẻ lại” và đẻ nhánh tiếp tục sinh trưởng đủ ngày, đủ tháng mới cho năng suất.
Vậy, nên hiểu câu “Mạ già ruộng ngấu” như thế nào ? Trong canh tác lúa nước, thường xảy ra hai trường hợp: mạ đợi ruộng hoặc ruộng đợi mạ. Tức là mạ gieo đủ tuổi cấy mà đất chưa làm kịp (do hạn hán, lụt lội hoặc không có trâu bò cày bừa); hoặc đất đã cày bừa, chuẩn bị sẵn sàng mà mạ lại còn non. Dân gian nói “Mạ già, ruộng ngấu” nghĩa là 2 điều kiện: mạ (đã đến tuổi cần phải cấy) và ruộng ngấu (đã cày bừa kỹ, nhuyễn từ lâu), tất cả đã sẵn sàng, không còn lý do gì không tiến hành công việc (cấy).
Nghĩa bóng tục ngữ: Điều kiện tốt có thể đem lại kết quả ngay sau đó (thường nói về khả năng thụ thai của cặp vợ chồng trai gái đã trưởng thành) giống như “mà già, ruộng ngấu” cắm bông lúa xuống là đơm bông ngay; Điều kiện đã chín muồi, cần tiến hành ngay; Công việc cần triển khai ngay vì điều kiện khách quan và chủ quan (yếu tố cần và đủ) đều đã hợp lý.
Săn sóc chẳng bằng góc ruộng Ý nói: Ruộng ở góc thì tốt hơn ruộng ở giữa đồng.
Cấu trúc thành ngữ này là sự so sánh theo công thức: A không bằng B. Theo như cách hiểu của GS, B là góc ruộng, còn A là săn sóc tức “ruộng ở giữa đồng”. Không rõ tại sao từ “săn sóc” lại được hiểu là ruộng giữa đồng rồi đi đến kết luận “Ruộng ở góc thì tốt hơn ruộng giữa đồng”. Mặt khác, cách giải thích “ruộng ở góc tốt hơn ruộng ở giữa đồng”cũng không có cơ sở thực tế và khoa học. Góc ruộng là nơi rất khó cày bừa. Thế nên người ta thường phải dùng cuốc để làm đất ở góc ruộng gọi là cuốc góc, rồi dùng châm dẫm, đất không thể tơi nhuyễn. Đất ở góc ruộng thường rất bất lợi cho sự phát triển của cây lúa. Trường hợp thân đất cao “ruộng bái” thì góc ruộng mỗi khi hạn hán là nơi khô hạn đầu tiên. Nếu tát nước thủ công, nước cũng khó ngập đến góc ruộng. Ruộng ở góc cũng đồng nghĩa với ruộng đầu bờ, hay bị trâu bò ăn, nông dân gọi là “Ruộng đầu bò đầu bướu” (một cách chơi chữ).
Nói tóm lại, ruộng ở góc không phải là ruộng tốt hơn giữa ruộng như cách giải thích của GS Nguyễn Lân.
Vậy, câu “Săn sóc không bằng góc ruộng” được hiểu như thế nào ? “Săn sóc” ở đây nghĩa là nghề chăn nuôi (săn sóc = chăm sóc vật nuôi), “góc ruộng” là nghề cấy lúa. Có một dị bản “Xong xóc không bằng góc ruộng” thì “xong xóc” lại được hiểu là nghề đi buôn bán (chạy vạy, buôn vai  gánh vã ngược xuôi.-Buôn vai gánh vã chẳng đã hà tiện-tục ngữ ). Câu tục ngữ đang xét coi trọng nghề nông (làm ruộng), xem nông nghiệp là gốc (nông vi bản). Có nghĩa, làm nghề chăn nuôi (hoặc buôn bán) cũng không thể bằng cái góc ruộng (chỗ kém nhất, cái nhỏ bé nhất) của nghề trồng lúa. Đây là cách so sánh thậm xưng. Ngược lại với quan điểm này là: “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”: ruộng đất, cấy cày nhiều cũng không bằng có nghề trong tay (làm thợ, buôn bán). Hoặc “Ba mẫu ruộng làng không bằng một hàng chữ anh”, đề cao việc học so với nghề làm ruộng.
Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo Ý nói: Dù là kẻ thù nguy hiểm thế nào nếu mình có mưu mẹo, có phương tiện thì mình cũng thắng.
Câu này GS hiểu sai nghĩa từ vựng của từ “dễ”. “Dễ” ở đây không phải “dễ dàng” (ngược lại với khó) mà có nghĩa là “liệu có thể” “khó có thể”, “chưa chắc”. Truyện Kiều:“Một người dễ có mấy thân”, “Đàn bà dễ có mấy tay” Đào Duy Anh (Từ điển Truyện Kiều) giải thích nghĩa chữ “dễ” trong văn cảnh này là: “Chẳng dễ, khó có thể, khó lòng, có dễ đâu”. Câu “Sắc nanh, chuột dễ cắn được cổ mèo” được hiểu là: Dù nanh có sắc nhưng chuột cũng khó có thể cắn được cổ mèo. Nếu hiểu “dễ” là không khó như GS thì câu thành ngữ này được hiểu: Nếu sắc nanh, chuột sẽ dễ dàng cắn được cổ mèo. Và thay vì viết “mình cũng thắng” như GS, phải viết là mình sẽ dễ dàng thắng đối phương. Và hiểu theo cách của GS là không đúng với thực tế nghĩa đen. Bởi mèo luôn là khắc tinh của chuột. Nghe tiếng mèo là chuột đã hồn xiêu phách lạc, mau mau chạy trốn hoặc nằm náu yên. Chuột nào là chuột dám cắn, và cắn được cổ mèo ? Thực tế có chuyện mèo không bắt chuột cống, vì giống chuột này hôi hám, bẩn thỉu, không phải là món khoải khẩu của mèo. Hơn nữa trong thế giới tự nhiên, khi các con thú ăn thịt đang còn sự lựa chọn thì không bao giờ săn bắt, tấn công những đối tượng “xương xẩu”, có thể gây nên “ẩu đả” nguy hiểm đến tính mạng. Bởi thế, khi thấy chuột cống thì mèo “làm ngơ”. Nhưng không vì thế mà chuột cống không sợ mèo và có thể dễ dàng “cắn được cổ mèo” như cách hiểu của GS.
Ý câu thành ngữ : khẳng định sức mạnh chính nghĩa; sức mạnh của kẻ bề trên.
Sống được miếng dồi chó, chết được bó vàng tâm. Giễu kẻ tham ăn.
Không đúng ! Nếu hiểu như GS thì vế thứ hai “chết được bó vàng tâm” cũng là giễu kẻ “ham chết” hoặc người chết “tham” cỗ quan tài vàng tâm hay sao ? Đây là cách nói, cách so sánh thậm xưng của dân gian, ý muốn ca ngợi món dồi chó (miếng ăn ngon khi sống) và cỗ quan tài bằng gỗ vàng tâm (khi chết). Còn có một dị bản là “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, Chết xuống âm phủ biết có hay không, hoặc “Chết xuống âm phủ chẳng có mà ăn”.
Thịt thối hơn muối bùi Ý nói: Ăn cơm có thịt vẫn hơn là không có (Nhưng thịt thối thì rất hại vệ sinh)
Không phải như vậy ! Ngày trước thực phẩm cá thịt rất khan hiếm. Cơm chủ yếu là rau, muối nên dân gian có những cách nói thậm xưng: “Thịt thối hơn muối bùi” hoặc “Cứt cá hơn lá rau”, nhằm đề cao chất lượng bữa ăn có thịt cá. Nhưng do không hiểu cách nói của dân gian, GS nhầm tưởng nông dân coi món “thịt thối” hơn “muối bùi” thật nên lo lắng cảnh báo: “thịt thối thì rất hại vệ sinh” !
To như hộ pháp (Hộ pháp là bức tượng rất to đặt ở trước bàn thờ Phật trong chùa).
Đúng là ở trong chùa có tượng hộ pháp rất to, nhưng không phải “đặt ở trước bàn thờ Phật”. Viết như GS là không hiểu nơi chùa chiền thế nào. Thực tế, tượng Hộ Pháp thường đặt hai bên gian tiền đường, ở giữa là ban thờ Phật. Cũng có khi tượng Hộ Pháp đặt ở ngay hai bên mái hiên Phật điện. Nhưng chẳng có tượng Hộ Pháp nào lại được“đặt ở trước bàn thờ Phật” (tức đứng quay lưng lại trước mặt bàn thờ Phật) như cách tưởng tượng của GS.
Người trần mắt thịt Lời người mê tín cho rằng người thường không linh thiêng như thần thánh.
GS hiểu nhầm rồi ! Không phải “người thường không linh thiêng như thần thánh”mà không thể nhìn thấy thần thánh, không hiểu hết sự linh thiêng của thần thánh nên dễ phạm sai lầm, tội lỗi với các ngài. Bởi thế, khi khấn khứa, người ta thường nói “chúng con người trần mắt thịt, có điều gì sất sá ( tức không hiểu hết được ý tứ của thần thánh) cúi xin các ngài đánh hai chữ đại xá” là vậy.
Tiếc thay hạt gạo tám xoan, thổi nồi đồng điếu lại chan nước cà (Đồng điếu là đồng nguyên chất, màu đỏ)
Không đúng ! Đồng điếu không phải đồng nguyên chất. Đồng điếu được xem là một trong những phát minh về hợp kim sớm nhất của nhân loại. Từ điểm bách khoa Việt Nam cho biết: hợp kim của đồng điếu bao gồm đồng (Cu) thiếc (Sn) có thể lẫn nhôm (Al), Berili (Be) chì (Pb) tạo nên thứ đồng cứng rất tốt. Thế nên:Chuông già đồng điếu chuông kêu, Anh già anh nói em xiêu tấm lòng (Ca dao). Đồng nguyên chất rất quý, nhưng không ai dùng để đúc nồi nấu cơm như GS lầm tưởng. Bởi đồng nguyên chất mềm, dễ méo, khi đun nấu ở nhiệt độ cao có thể làm vật dụng tan chảy. Từ điển bách khoa toàn thư mở  cho biết: “Đồng nguyên chất mềm và dễ uốn; bề mặt đồng tươi có màu cam đỏ. Nó được sử dụng làm chất dẫn nhiệt và điện, vật liệu xây dựng, và thành phần của các hợp kim của nhiều kim loại khác nhau”.
Như thế, đồng điếu là đồng hợp kim chứ không phải đồng nguyên chất như cách giảng của GS Nguyễn Lân.
Chó già, gà non Ý nói: Thịt chó già không tanh, thịt gà non mới mềm.
Câu này không có ý khen hai món ăn đều ngon như cách hiểu của GS. Ngược lại, chó già, gà non đều là hai thứ không ngon. Chỉ cần xem các quán thịt chó hay trương tấm biển “Cầy tơ bảy món” cũng đủ hiểu. Cầy tơ chính là thịt con chó tơ. Thịt chó già ăn dai nhách. Nếu hầm cho mềm, nhừ thì đã teo tóp, ra hết nước, ăn làm sao ngon được ? Còn gà non chỉ phù hợp để nấu cháo. Nếu dùng để ăn thịt, luộc, rang, ít nhất gà cũng phải ở tuổi trưởng thành. Theo kinh nghiệm dân gian, ngon nhất là gà đang đẻ lứa thứ nhất, thứ hai. Bởi thế nên mới có câu “Cải vòng non, gái một con, gà nhảy ổ đẻ”. Gà nhảy ổ đẻ là con gà đã trưởng thành đến kỳ sinh đẻ.  Hoặc “Gà lấm lưng, chó sưng đồ”. Gà lấm lưng là con gà đã chịu trống (chịu để con trống nhảy lên lưng để đạp mái), chuẩn bị đẻ; “chó sưng đồ” là con chó tơ đã ở độ tuổi thuần thục (đồ ở đây là bộ phận sinh dục của nó), sẵn sàng phối giống thì thịt mới ngon. Thực ra câu “Chó già, gà non” nói về kinh nghiệm chăn nuôi, sản xuất chứ không phải lựa chọn món ăn. Nó chính là dị bản rút gọn của câu “Chó thiến già, gà thiến non”. Cách rút gọn này ngắn gọn đến nỗi chỉ còn tính quy ước. Giống như câu “Khôn chi không trẻ, khỏe chi khỏe già” được rút gọn thành “Khôn trẻ, khỏe già”. Nếu không tìm hiểu kỹ rất dễ sai lầm.
Ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng Ý nói: Phải đi xa ăn cơm, ăn tiệc thì ngại lắm.
Thoạt nghe cũng được. Nhưng thực chất, GS chưa giải thích thành ngữ mà mới nói nôm na về cách dùng với nghĩa hẹp. Hơn nữa, thành ngữ nói ăn “cháo” GS lại giải nghĩa thành “ăn cơm, ăn tiệc” khiến bản chất vấn đề thay đổi. Nếu là được “ăncơm, ăn tiệc” thì cũng bõ công, có gì đáng phàn nàn ? Ở đây, dân gian nói là ăn “cháo” kia mà ? Lại chỉ có “một bát cháo” ! Cháo là đồ ăn nhanh đói, ngày xưa xem là món ăn tầm thường (bát cháo cầm hơi) của nhà thiếu gạo, đói ăn. Cháo lá đa là thứ bố thí cho “ma đói, ma khát”, những kẻ không người thờ cúng. Người ta chửi kẻ lười biếng: “Làm như vậy thì cháo cũng không có mà ăn”. Ngay như câu “Ăn cháo đái bát” thì cháo ở đây cũng được hiểu là bát cháo bố thí, cứu giúp kẻ đang đói lòng. Nay phải vượt ba quãng đường đồng (ý nói lặn lội hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) để ăn một bát cháo, bụng chẳng no thêm mà còn đói mệt hơn. Thế nên dân gian rất hữu ý khi dùng phép tu từ: một với babát cháo, với quãng đồng, ăn vớichạy hoặc“lội” (dị bản “Ăn một bát cháo lội ba quãng đồng”)
  Thành ngữ này nên giải thích theo nghĩa rộng hơn để tùy độc giả vận dụng:Phải bỏ nhiều công sức chỉ để hưởng những cái quá bình thường, không tương xứng.
Nhìn chung, những sai sót na ná như trên xuất hiện rất nhiều trong “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” của GS Nguyễn Lân. Bạn đọc còn thấy nó được “copy” lại để sử dụng vào sách “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” xuất bản sau đó hơn 10 năm, tiếp tục nối dài hành trình “Dĩ hư truyền hư”.
(Bạn đọc có thể tham khảo bài"TỪ ĐIỂN TỪ VÀ NGỮ VIỆT NAM" CỦA GIÁO SƯ NGUYỄN LÂN tại Blog: tuancongthuphong)
                                                                                          H.T.C

2 nhận xét:

  1. Quá hay và chính xác, phân tích dẫn giải rõ ràng. Cám ơn

    Trả lờiXóa
  2. Xin bác gợi ý cho 1 đầu sách hay về thành ngữ, tục ngữ

    Trả lờiXóa