7 thg 6, 2020

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ! (kỳ 1)

Cuốn "từ điển chính tả" sai chính tả
                                 Ảnh: HTC

HOÀNG TUẤN CÔNG

Đó là cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” (PGS.TS. Hà Quang Năng chủ biên - Th.S Hà Thị Quế Hương - NBX Đại học Quốc gia Hà Nội - 2017). Sách có 718 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, in 5000 cuốn, giá bìa 185.000đ; đơn vị liên kết và phát hành: Công ty TNHH 1 thành viên TM và DV Văn hoá Minh Long.
Mặc dù được Nhóm tác giả biên soạn khá công phu, nhưng sách vẫn mắc nhiều sai sót, lầm lẫn rất khó chấp nhận. Ví dụ: nhầm lẫn S với X; X với S; không phân biệt được D hay GI; TR hay CH; N hay NG; IN hay INH, C hay Q, IU hay ƯU, R hay GI, R hay D, ƯU hay IU… Nhầm lẫn giữa cách viết đã từng tồn tại, với chuẩn chính tả hiện hành; giữa từ đồng nghĩa với từ có hai dạng chính tả

31 thg 5, 2020

“NANH NỌC” KHÔNG PHẢI LÀ TỪ LÁY

Răng có nọc độc của rắn hổ mang chúa
Ảnh: VTC

HOÀNG TUẤN CÔNG

Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ-Hoàng Văn Hành Chủ biên) thu thập vài giải nghĩa: “nanh nọc tt. Đanh đá, hung ác và hiểm độc, thường lộ ra một cách đáng sợ. Con người gian ác, nanh nọc”.
          Tuy nhiên, “nanh nọc” là từ ghép đẳng lập. Theo đây, cả “nanh” và “nọc” đều có thể đứng độc lập: “nanh” là nanh vuốt (như: Có nanh có mỏ; Nhe nanh múa vuốt); “nọc” nghĩa là nọc độc (như Có nanh có nọc: Nọc người bằng mười nọc rắn); “Nanh nọc” là nanh sắc và nọc độc, chỉ sự hung ác, hiểm độc:
          -Từ điển tiếng Việt (Vietlex): “nanh • d. 1 răng sắc ở giữa răng cửa và răng hàm, dùng để xé thức ăn: răng nanh ~ nanh cá sấu ~ nanh lợn lòi ~ Con chó nhe nanh, chồm lên sủa dữ dội”;  nọc • d. chất độc do tuyến đặc biệt tiết ra ở một số động vật: nọc rắn”.

21 thg 5, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 24)


 
Dệt chiếu ở Quảng Xương - Thanh Hoá
                                  Ảnh: VOV
HOÀNG TUẤN PHỔ

Quê tôi có nghề dệt chiếu, nhưng lãi lời, công sá rẻ mạt, mỗi đôi chỉ được 5 đồng tiền cũng làm. Gọi là lá rụng góp nhóp, hay nói văn vẻ là “tích tiểu thành đại”.
Từ lúc lên năm, lên sáu, được cắp sách đi học, tôi đã biết nhận thức và ghi nhớ, không phải tất cả mà chỉ những gì ấn tượng sâu sắc nhất. Buổi tối nào các o, các chú tôi cũng phải làm chiếu. Kẻ xe đay, người dệt hoặc xay lúa, giã gạo, làm hàng xáo, kiếm nắm cám nuôi lợn, góp tiền bỏ ống để dành tiêu vào việc nên việc. Trong lúc đó, bà tôi chắp thừng, ông tôi xem sách không biết đến khi nào. Đối với tôi lúc ấy là khuya lắm.

29 thg 4, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 23)



Cây khế tái sinh từ gốc rễ
của cây khế mẹ trồng trước 1945
Ảnh: HTC
Mở đầu hồi ký này, tôi đã viết:
Năm 1953 đói vừa
Năm 1954 đói lắm…”
Từ năm 1955 thế nào?Năm 1955 bắt đầu có người chết đói!
Năm 1956 số người chết đói tăng thêm, tăng thêm mãi…
Kẻ xấu số không thuộc dân nghèo mà ngược đời, lại là địa chủ, phú nông…Chính họ bị cái đói đuổi ra khỏi làng để tha phương cầu thực, nói toạc móng giò, để đi ăn xin, ăn mày, đúng như lời dân gian xưa đã có câu:
Ăn mày là ai/Ăn mày là ta/Đói cơm rách áo hoá ra ăn mày!

20 thg 4, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 22)

Phong cảnh làng quê xã Quảng Hoà
Ảnh: HTC
        HOÀNG TUẤN PHỔ
                 (Kỳ 22)

Đến giờ phát cơm trưa, mỗi tù nhân một nắm không thể gọi là to và một nhúm muối trắng. Ít người có bát, phần nhiều cầm nắm cơm trên tay, bẻ ra ăn dần và chấm với muối trắng đựng trên mảnh lá đa khô do trại phát. Bụng tôi mặc dù đói cồn đói cào, cố gắng lắm cũng chỉ ăn hết nửa nắm cơm, còn nửa nắm cho anh Vinh. Anh ăn cơm tù đã quen nên xơi ngon cả nắm cơm. Anh Vinh chưa kịp ăn thêm đã thấy ông Ha mò lại tụt ngay quần ngồi xuống miệng nồi, hỏi nhỏ tôi:

28 thg 2, 2020

BÌNH LUẬN “CHẠY TỘI”?

Cuốn từ điển đạo văn 

HOÀNG TUẤN CÔNG

Thực ra không cần thiết phải viết riêng một bài chỉ để trả lời một bình luận. Tuy nhiên, xét thấy đây là cách nhìn nhận thiếu trung thực, ý đồ nguỵ biện nguy hiểm, có thể dọn đường hoặc gợi ý cho những kẻ đạo văn hợp lý hoá hành vi của mình, không chỉ trong trường hợp này mà còn nhiều trường hợp khác. Hy vọng kẻ nào lăm le trộm cắp bài trong Thư phòng sẽ đọc được những dòng này mà chùn tay.
                       TCTP

Trong phần bình luận bài “Cộng tác viên báo Người Lao Động lật tẩy nhóm đạo văn đểlàm từ điển” trên báo NLĐ, đáng chú ý có hai ý kiến sau đây:
1.Trí Dũng Đặng (14:45 28/02/2020):
Thành ngữ, tục ngữ, ca dao ... là của chung của người Việt Nam, hiểu và giải thích các tục ngữ, thành ngữ, ca dao ... này cũng tương đối giống nhau, có khác chăng là ngữ cảnh vùng miền làm người đọc, người nghe nói chệch đi, hiểu khác đi một ít. Nhưng nhìn chung về ý tứ thì không hề khác nhau. Từ đó không thể nói vấn đề này của riêng ai được”.

18 thg 2, 2020

ĂN CẮP TƯ LIỆU ĐỂ BIÊN SOẠN TỪ ĐIỂN

Từ điển của Nhóm tác giả
Dương Thị Dung-Đặng Thuý Hằng
Nguyễn Thảo Nguyên
Ảnh: HTC

HOÀNG TUẤN CÔNG


Chiều nay (18/2/2020), tôi ghé qua Nhà sách Việt Lý (TP Thanh Hoá), xem sách vở có gì mới không, thì bắt gặp cuốn từ điển dày dặn, gần ngàn trang, có tên “Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” của Nhóm tác giả DƯƠNG THỊ DUNG-ĐẶNG THUÝ HẰNG-NGUYỄN THẢO NGUYÊN, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội-2019; đơn vị liên kết và phát hành Công ty TNHH 1 thành viên TM&DV văn hoá Minh Long.
Sách 902 trang, in 3000 cuốn, khổ 14,5x20,5, in xong và nộp lưu chiểu quý IV năm 2019; giá bìa 230.000đ.
Không phải mất nhiều thời gian. Sau khi lật giở nhanh một số mục, tôi đã phát hiện ngay Nhóm tác giả DƯƠNG THỊ DUNG-ĐẶNG THUÝ HẰNG-NGUYỄN THẢO NGUYÊN đã đánh cắp, sao chép rất nhiều cách giải thích công phu, độc đáo, lần đầu tiên được công bố của tôi (bút danh Hoàng Tuấn Công) trong khoảng thời gian gần 10 năm qua.

12 thg 2, 2020

PHIẾM CHUỘT PHÚ

Minh hoạ năm Canh Tý-2020
Tranh: Trần Viết Thục (FB Thuc Tran)
             CAO BỒI GIÀ
           
Đón Xuân Canh Tý, bác Cao Bồi Già gửi tới Thư Phòng bài "Phiếm chuột phú"-một bài viết công phu, thú vị, không chỉ thể hiện khả năng diễn đạt và ngôn ngữ phong phú của tác giả, mà còn là kiến văn sâu rộng về loài chuột trong muôn mặt đời sống. Có thể nói, không gì dính dáng tới "ông Tý" mà không được luận bàn.
Xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc và xin gửi lời cảm ơn tới bác Cao Bồi Già.
                                    TCTP

31 thg 1, 2020

XUÂN CANH TÝ NHỚ XUÂN GIÁP TÝ

Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ đang ký tặng
sách "Tinh hoa văn hoá xứ Thanh" mới xuất bản
(Hoàng Tuấn Phổ - NXB Thanh Hoá, 12-2019)
Ảnh: HTC

HOÀNG TUẤN PHỔ

TCTP: Bạn đọc theo dõi Tuấn Công Thư phòng hẳn đã đọc bài "Nhớ một Tết độc lập buồn và ba mươi năm bài thơ chống Đảng" đăng trên TCTP năm 2014. Nay, nhân năm Canh Tý, TCTP xin trân trọng giới thiệu tới bạn đọc bài viết "Xuân Canh Tý nhớ Xuân Giáp Tý" của Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ, nhớ lại vụ án văn chương cách đây 36 năm ở xứ Thanh.

Dân gian Việt Nam có câu “Miếng ngon nhớ lâu, đòn đau nhớ đời”! Để làm gì? Để làm bài học cho suốt cuộc đời mình, sao để tránh được đòn, khỏi bị bị đòn, không bao giờ còn phải ăn đòn nào. Buồn thay! Ở đời, không thứ đòn nào giống đòn nào.

29 thg 1, 2020

Hát đúm ghẹo CHÈO THUYỀN BẮT ỐC

Đầm Chuồn (Huế)
Ảnh: Hương Lan

HOÀNG TUẤN PHỔ


Người nông dân nghèo xứ Thanh thời trước quanh năm làm bạn với con cua cái ốc. Số phận họ hầu như gắn liền với đời cua ốc: “Số khó làm chẳng nên giàu, bắt ốc nước lớn hái rau lở bờ!”.

14 thg 1, 2020

“MỒ CHẲNG CHỐI, NÓI DỐI CHO MỒ”

Sự yên tĩnh vĩnh hằng
                                      Tranh: Levitan

    HOÀNG TUẤN CÔNG


Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TP, HCM-2010) đưa ra dị bản: “Mồ chẳng DỐI, nói dối cho mồ: Mồ vốn chẳng biết nói dối (nên đám thầy địa lý rởm) mới có cơ nói dối thay cho các nấm mồ. Hay dùng để nhắc mọi người chớ có vội tin lời của đám thầy địa lý rởm (vì đó chỉ là những lời nói dối để moi tiền)”.

4 thg 1, 2020

TỪ “PHỒN SINH” TỚI “BÓNG ĐÈ”, NGHĨ ĐẾN HIỆN TƯỢNG ĐỘC QUYỀN CHỮ NGHĨA

Tranh minh hoạ về hiện tượng "bóng đè"
Nguồn: st

HOÀNG TUẤN CÔNG

Trong bài “Đỗ Hoàng Diệu nói gì về phim ‘Bóng đè’ trùng với tên tác phẩm của mình?” (Tiền Phong - 24/12/2019), Đỗ Hoàng Diệu cho biết “Tin đấy dập vào mặt tôi còn rát hơn cả tuyết”. 

3 thg 12, 2019

“CHỞ” TRONG TỪ “CHE CHỞ” NGHĨA LÀ GÌ?

Bài "Trường ca hành" của Lý Bí
Ảnh: ST

HOÀNG TUẤN CÔNG
Trong bài “Nên xem ‘che chở’ là từ láy hay từ ghép” (nguvanthcs.wordpreess.com), ThS. Lê Bá Miên, Khoa Ngữ văn - ĐHSP 2 - Xuân Hòa - Mê Linh - Vĩnh Phúc cho rằng: “chở” chẳng qua chỉ là sự biến dạng của “che”. Tác giả cho biết:

11 thg 11, 2019

VÌ SAO "CHỚ ĐÁNH RẮN TRONG HANG"?

Rắn hổ mang
Ảnh: ST
            HOÀNG TUẤN CÔNG

Tục ngữ Việt Nam có câu “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên núi”. Các nhà biên soạn từ điển giải thích và dẫn thêm nhiều dị bản đồng nghĩa:
-“Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung-Vũ Thuý Anh-Vũ Quang Hào): “Chớ đánh rắn trong hang, chớ đánh đại bàng trên mây [Chớ khua tổ kiến trên cây, chớ đánh cáo cầy ngoài nội]. Không nên đánh kẻ thù khi chúng đang ở thế thuận lợi”.

27 thg 10, 2019

“GÀ” TRONG “GÀ GẬT” NGHĨA LÀ GÌ?


         
Gà gật
                                                             Ảnh: ST
            HOÀNG TUẤN CÔNG 

Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện ngôn ngữ-Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập và giải nghĩa: “GÀ GẬT đgt. (kng.). Ngủ lơ mơ, không say, đầu thỉnh thoảng lại gật nhẹ, do ở tư thế ngồi hoặc đứng. “Có người mệt quá, vừa đi vừa gà gật” (Vượt thời gian)”.
          Căn cứ cách giảng của nhà biên soạn từ điển, thì “gật” trong “gà gật” là tiếng gốc, còn “gà” chỉ là yếu tố “láy”. Tuy nhiên, “gà gật” là từ ghép đẳng lập, vốn là một cách nói tắt của “ngủ gà ngủ gật”, hay là sự hợp nghĩa của hai từ ghép chính phụ “ngủ gà” và “ngủ gật” được giản hoá.

21 thg 10, 2019

NGHĨA CỦA “LÕNG” TRONG TỪ “LẠC LÕNG”

Đàn sói đi theo lõng
Ảnh: ST

HOÀNG TUẤN CÔNG


Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập và giải nghĩa:
“LẠC LÕNG tt. (hoặc đgt.). Lạc nhau, không còn ở cùng một chỗ. Chạy loạn, gia đình lạc lõng mỗi người một nơi. “Mấy chú nhện lạc lõng nơi nào tới đã chăng mạng kín cả cửa ngõ” (Tô Hoài). Chơ vơ, lẻ loi do bị rơi vào một môi trường tách biệt hoặc hoàn cảnh hoàn toàn xa lạ. Lạc lõng nơi đất khách quê người. Một làng lạc lõng nằm trong rừng sâu. Không phù hợp với chung quanh, không ăn khớp với những cái khác. Bài văn có nhiều ý lạc lõng xa đề. Lối sống lạc lõng”.

“GÁI GIẾT CHỒNG, ĐÀN ÔNG AI GIẾT VỢ”

"Cửu Thúc giấu xương chờ khách hiệp;
Võ Tòng giết chị tế hồn anh"
Tranh minh hoạ Trung Quốc

      HOÀNG TUẤN CÔNG

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Gái giết chồng, đàn ông ai giết vợ”, dị bản: “Gái giết chồng, đàn ông ai nỡ giết vợ”; “Gái giết chồng chứ, đàn ông không ai giết vợ”; “Đàn bà mới hay giết chồng; chứ đàn ông ít ai lại nỡ giết vợ”; “Gái giết chồng chứ, đàn ông không ai giết vợ”.
Tuy có khác nhau chút ít về từ ngữ diễn đạt, nhưng những dị bản trên đều đồng nghĩa. Vấn đề là tại sao dân gian lại có sự nhận định mang tính đúc kết này?
-Sách “Kho tàng tục ngữ người Việt” (Nguyễn Xuân Kính-Nguyễn Thuý Loan-Phan Lan Hương) chỉ thu thập các dị bản, chứ không trích dẫn giải thích, hoặc đưa ra lời giảng giải nào.

6 thg 10, 2019

“HẰNG HÀ”, “HÀ SA” VÀ “HẰNG HÀ SA SỐ”

Hằng Hà
Ảnh: ST

HOÀNG TUẤN CÔNG

Từ điển từ láy tiếng Việt”  (Viện ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chù biên) cho rằng “hằng hà” là từ láy, nên đã thu thập và giải nghĩa: HẰNG HÀ tt. Nhiều đến mức không thể đếm được. “Phố phường kéo đến hằng hà, Đua mang cá thịt rượu trà tiến dâng” (Phạm Công Cúc Hoa)”. 
Thực ra, “Hằng hà” 恆河, hay “hà sa   một cách nói tắt thành ngữ “Hằng hà sa số恆河沙數 (Nhiều như số cát sông Hằng), ý nói rất nhiều, không thể đếm hết: 
          -Hán ngữ đại từ điển giải thích:
1.“hằng hà: Phạn ngữ. Tên một con sông lớn ở Nam Á, phát nguyên từ Nam sườn núi Hi Mã Lạp Nha (Hymalaya), chảy qua Ấn Độ (India), Mạnh Gia Lạp (Banglades), rồi đổ vào biển cả. Người Ấn Độ xem Hằng Hà là con sông Thánh, sông Phúc. “Kim Cương kinh Vô vi phúc thắng phần”: “Cát ở sông Hằng Hà đã là nhiều vô số, huống chi số cát của Hằng hà sa số sông Hằng” [恆河: 梵語. 南亞 大河. 發源於 喜馬拉雅山 南坡, 流經 印度, 孟加拉國 入海. 印度 人多視為聖河, 福水. “金剛經無為福勝分”: “但諸 恆河 尚多無數,何況其沙Hằng hà: Phạn ngữ. Nam Á đại hà. Phát nguyên ư Hi Mã Lạp Nha sơn nam ba, lưu kinh Ấn Độ, Mạnh Gia Lạp quốc nhập hải. Ấn Độ đa nhân thị vi Thánh hà, Phúc thuỷ. “Kim Cương kinh Vô vi phúc thắng phận”: “Đản chư Hằng hà thượng đa vô số, hà huống kỳ sa.”].

30 thg 9, 2019

“TỨ TUNG” LÀ GÌ?

Thủ ấn trong "Tứ tung ngũ hoành"
Ảnh: ST

HOÀNG TUẤN CÔNG

Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ biên) xem “tứ tung” là từ láy, và giải nghĩa: “TỨ TUNG tt. Khắp mọi nơi mọi chỗ, không theo một trật tự nào. Nhà dột tứ tung”.
Thực ra, “tứ tung” là nói tắt từ thành ngữ “Tứ tung ngũ hoành” 四縱五橫. Sách “Ngọc Hạp thông thư (tác giả Hứa Chân Quân; Đam Liên dịch - NXB Hồng Đức, 2017) viết: “gặp việc cấp bách không thể đợi được ngày tốt đến thì chọn một giờ cát lợi để làm, gọi là phương pháp Tứ tung ngũ hoành.”.

7 thg 9, 2019

LỌT VÀO “MẮT XANH” HAY “MẮT ĐEN”?

Tranh chì của Hoạ sĩ Nguyễn Quang Thắng
Nguồn: myidol.com.vn

HOÀNG TUẤN CÔNG

“Mắt xanh” do hai chữ “thanh nhãn” 青眼.
-Hán Việt từ điển (Đào Duy Anh) giải thích: “thanh nhãn 青眼 – mắt xanh – Trọng thị người ta”.
-Hán Việt tự điển (Thiều Chửu): “thanh nhãn 青眼 coi trọng, Nguyễn Tịch 阮籍 nhà Tấn tiếp người nào coi là trọng thì con mắt xanh, người nào coi khinh thì con mắt trắng, vì thế nên trong lối tờ bồi hay dùng chữ thùy thanh 垂青 hay thanh lãm 青覽 đều là nói cái ý ấy cả, cũng như ta nói, xin để mắt xanh mà soi xét cho vậy”.