27 thg 10, 2019

“GÀ” TRONG “GÀ GẬT” NGHĨA LÀ GÌ?


         
Gà gật
                                                             Ảnh: ST
            HOÀNG TUẤN CÔNG 

Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện ngôn ngữ-Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập và giải nghĩa: “GÀ GẬT đgt. (kng.). Ngủ lơ mơ, không say, đầu thỉnh thoảng lại gật nhẹ, do ở tư thế ngồi hoặc đứng. “Có người mệt quá, vừa đi vừa gà gật” (Vượt thời gian)”.
          Căn cứ cách giảng của nhà biên soạn từ điển, thì “gật” trong “gà gật” là tiếng gốc, còn “gà” chỉ là yếu tố “láy”. Tuy nhiên, “gà gật” là từ ghép đẳng lập, vốn là một cách nói tắt của “ngủ gà ngủ gật”, hay là sự hợp nghĩa của hai từ ghép chính phụ “ngủ gà” và “ngủ gật” được giản hoá.

Có thể lấy dẫn chứng điển hình qua cách giảng sau đây:
-“Từ điển tiếng Việt (Trung tâm từ điển học Vietlex): “ngủ gà • đg. ngủ lơ mơ, mắt khép không chặt, thỉnh thoảng lại choàng tỉnh, giống như gà ngủ: “Độ cố mở mắt, tay ghì chặt lấy vai Na. Hai mắt ríu lại, lơ mơ như ngủ gà.” (Nguyễn Đình Thi).”; ngủ gật • đg. ngủ ở tư thế ngồi hoặc đứng, đầu thỉnh thoảng lại gật một cái : ngủ gật trong lớp ~ “Một ông già loắt choắt ngồi ngủ gật lim dim trước đống lửa đã vạc.” (Nguyễn Đình Thi)”.
Qua cách giảng trên, chúng ta thấy sự phân nghĩa rất rõ của “ngủ gà” (“ngủ lơ mơ, không say”); và “ngủ gật” (“đầu thỉnh thoảng lại gật nhẹ”).
Tiếp tục xét cách giảng của “Từ điển tiếng Việt” (Vietlex), chúng ta sẽ thấy “gà gật” là từ đồng nghĩa hoàn toàn với “ngủ gà ngủ gật” và ngược lại: gà gật • đg. [kng] ngủ lơ mơ, không say, đầu thỉnh thoảng lại gật xuống, do ở tư thế ngồi hoặc đứng: Tàu bắt đầu vào ga, hành khách đang gà gật bỗng choàng tỉnh ~ Không khí tĩnh lặng khiến cô bé vừa đọc sách vừa gà gật. Đn: ngủ gà ngủ gật.”; “ngủ gà ngủ gật • [kng] ngủ lơ mơ ở tư thế ngồi hoặc đứng, đầu thỉnh thoảng lại gật một cái : “Bà chủ quán đang ngồi ngủ gà ngủ gật ở trên một chiếc ngế gỗ đặt nơi góc nhà.” (Nguyễn Huy Thiệp; 2). Đn: gà gật”.
"Ngủ gà ngủ gật"
                                                                  Ảnh: ST

Tham khảo thêm một vài cuốn từ điển, chúng ta thấy cách giảng tương tự:
-“Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “ngủ gà • đt. Ngủ không say, mắt hơi mở.”; ngủ gật • đt. C/g Ngủ gục, X. Ngủ gà ngủ gật”; ngủ gà ngủ gật • đt. Đang ngồi hoặc đứng mà ngủ, mắt khi nhắm khi mở, đầu thỉnh-thoảng gật xuống”.
-“Việt Nam tự điển (Hội khai trí Tiến Đức): ngủ gà • Nói ngủ không say, mắt không nhắm kín, giống như con gà”; “ngủ gật • Ngủ ngồi, đầu gật xuống”.
Trong khi cách giảng của  “Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS. Nguyễn Lân) thiếu chính xác vì cho rằng “ngủ gà ngủ gật” đồng nghĩa với “ngủ gà”. Cụ thể: “ngủ gà ngủ gật • ng. Như Ngủ gà, thỉnh thoảng lại gật đầu <> Ngả lưng dựa vào cái cột sắt ngủ gà ngủ gật (Thế-lữ)”. Theo đây, “ngủ gà ngủ gật” không đồng nghĩa với “ngủ gà”, mà chỉ có thể đồng nghĩa với “gà gật”, hay “ngủ gà ngủ vịt”, một cách “biến tấu” của “ngủ gà” mà thôi.
Trong thực tế, có khi người ta chỉ “ngủ gà”, chứ không “ngủ gật”. Ví như đứa trẻ con, hoặc người ốm ngủ không say giấc mà chỉ “ngủ lơ mơ, mắt khép không chặt, thỉnh thoảng lại choàng tỉnh, giống như gà ngủ” (vì người ta nằm trên giường nên không “gật”). Cũng có khi “ngủ gật” (tư thế ngủ ngồi, đứng), chợp mắt theo từng giấc ngắn, thỉnh thoảng đầu lại gật xuống. Lại cũng có khi ở tư thế ngồi, người ta vừa “ngủ gà” vừa “ngủ gật”, gọi là “gà gật”, đúng như Từ điển Vietlex giải thích: “ngủ lơ mơ, không say, đầu thỉnh thoảng lại gật xuống, do ở tư thế ngồi hoặc đứng”.
Như vậy, “gà gật” là từ ghép đẳng lập, một sự hợp nghĩa của “ngủ gà” và “ngủ gật”, hay một cách nói tắt của “ngủ gà ngủ gật”, chứ không phải là từ láy.

                                                         HTC/10/2019




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét