Đàn sói đi theo lõng Ảnh: ST |
HOÀNG TUẤN CÔNG
“Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện ngôn ngữ - Hoàng Văn Hành chủ
biên) thu thập và giải nghĩa:
“LẠC LÕNG tt. (hoặc đgt.). ① Lạc
nhau, không còn ở cùng một chỗ. Chạy loạn,
gia đình lạc lõng mỗi người một nơi. “Mấy
chú nhện lạc lõng nơi nào tới đã chăng mạng kín cả cửa ngõ” (Tô Hoài). ② Chơ vơ,
lẻ loi do bị rơi vào một môi trường tách biệt hoặc hoàn cảnh hoàn toàn xa lạ. Lạc lõng nơi đất khách quê người. Một làng lạc
lõng nằm trong rừng sâu. ③ Không phù hợp với chung quanh, không ăn khớp
với những cái khác. Bài văn có nhiều ý lạc
lõng xa đề. Lối sống lạc lõng”.
Có lẽ nhà
biên soạn từ điển cho rằng, “lạc” là “tiếng gốc”, còn “lõng” chỉ là yếu tố “láy
âm” của “lạc”, chứ không có nghĩa từ vựng cụ thể.
Vậy, trong tiếng Việt, “lõng” có
nghĩa gì không?
-“Từ
điển điển tiếng Việt” (Vietlex)
thu thập và giải nghĩa: “lõng 1
lối đi quen của thú rừng: lần theo lõng để bắt thú ~ dồn cho thú chạy đúng
lõng. 2 [kng] lối đi lại quen thuộc : “(...) trung đoàn chúng tôi
thì dừng lại ở hướng này, cách Sài Gòn khá xa về phía bắc, sẵn sàng đón lõng
những đường bay địch (...)” (Vũ Cao Phan)”.
-“Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến đức):
“lõng • Lối hươu nai đi ở trên rừng <> Người đi săn phải đón lõng mới bắt được hươu.”.
-“Tự
điển Việt Nam” (Ban tu thư Khai trí - Sài Gòn): “lõng 2. Lối hươu nai đi trong rừng: Theo lõng bắt nai”.
-Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên) “lõng •
d. lối đi của hươu nai trong rừng <> đón
lõng đặt bẫy bắt hươu”.
-“Đại tự điển
tiếng Việt”: “lõng • dt. 1 Lối đi quen thuộc của thú
rừng: lần theo lõng để săn thú 2
Lối đi lại quen thuộc của kẻ địch: đón
lõng”.
Trong thực tế, nhiều loài muông thú thường chọn một
lối đi lại quen thuộc để kiếm ăn, hoặc trở về hang ổ, gọi là “lõng”. Đặc
biệt với những loài sống theo bầy đàn, khi đi kiếm ăn hàng ngày, hay trong các
cuộc “thiên di”, chúng luôn giữ tập tính di chuyển có trật tự theo một lối
mòn hoặc địa hình phù hợp, do con đầu
đàn dẫn đường. Bất kể con non hay con già, đều phải cố gắng “bám sát đội hình”
để nương tựa vào nhau. Nếu chẳng may bị thú dữ tấn công, cả bầy chạy tan tác,
nhưng sau đó từng thành viên đều phải tìm cách nhập đàn. Với những con có thể vì quá
hoảng hốt mà “sa chân lỡ bước”, chúng sẽ bị “lạc lõng”, nghĩa là không còn giữ
được khoảng cách với bầy đàn, bị lạc mất lối di chuyển của bầy đàn, và trở nên
lẻ loi, bơ vơ, một mình “lạc lõng”.
Một bài viết trên trang “Đại kỷ nguyên” có tựa đề: “Khi động vật bị lạc lõng, gặp nguy hiểm thì những người hùng đời
thực xuất hiện và kết quả thật ấm áp”, kể lại chuyện người yêu động vật đã kịp thời cứu hộ những con
vật “bị lạc lõng” trong tình trạng
đói khát, bơ vơ. Theo đó, có thể ban đầu nghĩa của từ “lạc lõng” là chỉ những con
thú bị lạc khỏi lối đi quen thuộc, lạc mất dấu chân di chuyển của bầy đàn, sau
được dùng với nghĩa rộng, chỉ sự “lẻ loi”, “chơ vơ một mình”, rồi lại có thêm nghĩa
mới chỉ sự “không phù hợp”, “không ăn nhập” giữa cái
này với những cái khác:
-Việt Nam tự điển: “lạc lõng •
tt. Tản-mác đi: Chạy lạc-lõng mỗi người một nơi. • (thth) Nh. Lạc-loài :
Lạc-lõng giữa chợ đời.
-Việt
Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến
đức): “lạc-lõng • Tản-mác đi <> Chạy lạc-lõng mỗi người một nơi.”.
-Việt
Nam tân tự điển (Thanh Nghị): “lạc-lõng • đt. Mất mát, lạc <> Lạc-lõng trong đám đông”.
-Từ điển Việt Nam phổ thông: “lạc lõng • Chơ vơ một mình <> mới sang đất nước người, tôi cảm thấy mình
lạc lõng quá!”.
-Từ
điển tiếng Việt (Vietlex): “lạc
lõng • t. hoặc đg. 1 bị tản mát đi mỗi người một ngả,
tất cả đều lạc nhau: lạc lõng mỗi người một ngả. 2 bơ vơ, lẻ loi
một mình, do bị ở vào một hoàn cảnh hoàn toàn xa lạ : lạc lõng nơi đất khách
quê người ~ Chị thấy mình lạc lõng giữa những người xa lạ. 3 không
ăn nhập, không hoà hợp được với xung quanh, với toàn thể: một câu hỏi lạc
lõng ~ lối sống lạc lõng ~ Hình như câu nói của tôi lạc lõng không hợp với tình
thế lúc này. Đn: lạc điệu”.
Vì “lõng” là lối đi lại quen thuộc, hoặc ưa thích của thú rừng, nên người
thợ săn có kinh nghiệm “tương kế tựu kế”, lần theo dấu vết của “lõng” để đặt
bẫy, đánh bắt muông thú, gọi là “đón lõng”.
Ngữ liệu do Trung tâm từ điển học Vietlex cung cấp cho chúng tôi,
có đoạn viết như sau: “Khi
đi săn, người ta phán đoán các lõng (đường con thú thường đi hoặc bị đuổi sẽ
phải chạy qua). Lưới dăng ở đó và phân công người khoẻ, nhanh, thiện xạ cầm vũ
khí đón cạnh đó (gọi là đón
lõng). Mọi người cùng chó săn
dăng ra thành vòng vây, miệng hô "ô huầy" và đánh thanh la khua
chiêng để dồn đuổi con thú chạy vào đúng lõng”.
Báo Dân Trí (12/4/2017) có bài “Cảnh sát giao thông đón lõng bắt người đàn ông chở 2
bao tải khỉ”, viết: “…nhận
được tin báo về một đối tượng khả nghi vận chuyển, buôn bán trái phép động vật
hoang dã quý hiếm đi trên đường mòn HCM để tiêu thụ. Lập tức, tổ công tác đã tổ
chức đón lõng bắt giữ”.
Trong bài báo trên, “lõng” được hiểu cụ thể là đường
đi lối lại mà kẻ buôn bán động vật hoang dã buộc phải đi qua, hoặc nhiều
khả năng sẽ đi qua để tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.
Như vậy, “lạc
lõng” là từ ghép chính phụ (Hán + Nôm): “lạc”
nghĩa là đi sai đường, mất đi sự liên
hệ với bầy đàn, tập thể; “lõng” là lối đi lại, lối di chuyển theo bầy đàn của
thú rừng, về
sau nghĩa rộng được dùng để chỉ đường đi lối lại quen thuộc, hay con
đường mà đối phương buộc phải đi qua. Và từ “đón lõng” cũng không chỉ được dùng cho việc bẫy bắt thú rừng, mà
còn được hiểu với nghĩa rộng hơn, là phục kích, đón đường (bất kể thuỷ, bộ hay đường không), chờ đối phương
vào tròng, giống như người thợ săn “đón lõng” để bẫy bắt thú rừng vậy.
HTC/10/2019
Bài hay!
Trả lờiXóaĐọc cả bài tưởng tác giả muốn giải thích từ "lạc lõng". Theo tôi hiểu ngắn gọn xin tranh luận như sau: "lạc lõng" là thói quen, tập quán quen thuộc của chủ thể không còn phù hợp với điều kiện, bối cảnh hiện tại của chủ thể. HTC có cách hiểu của riêng mình chưa?
Trả lờiXóaLạc lõng có nhiều nghĩa, Unknown09:12 12 tháng 6, 2020 chỉ mới giải thích được một khía cạnh của từ Lạc lõng thôi.
Trả lờiXóa