29 thg 1, 2020

Hát đúm ghẹo CHÈO THUYỀN BẮT ỐC

Đầm Chuồn (Huế)
Ảnh: Hương Lan

HOÀNG TUẤN PHỔ


Người nông dân nghèo xứ Thanh thời trước quanh năm làm bạn với con cua cái ốc. Số phận họ hầu như gắn liền với đời cua ốc: “Số khó làm chẳng nên giàu, bắt ốc nước lớn hái rau lở bờ!”.


Huyện Hà Trung là xứ sở của loài ốc. Có đến gần mười giống ốc, nhiều nhất là ốc quắn, ốc lồi. Ốc quắn nấu cháo, ốc lồi nấu bung” hai món ăn bình dân vừa ngon vừa bổ. Đặc điểm đất Hà Trung chủ yếu đồng chiêm trũng, bùn nước đến đùi, nhiều làng xóm phổ biến nghề “bẫy ốc”. Muốn đánh bẫy ốc, chủ yếu ốc lồi có giá trị kinh tế, phải dùng mồi “rau sấm”. Rau sấm là rau gì? Người ta giải thích là rau súng, lá cây súng dưới đồng. Lại có người dùng lá sắn (cây sắn củ) giống ốc cũng thích ăn. Họ buộc mồi lá thành từng bó thả xuống dọc bờ ruộng, cách xa bờ khoảng vài mét. Đêm đêm, ốc lồi mò đi kiếm ăn. Chúng ta ai cũng nhớ thơ Hồ Xuân Hương: “Thân em như cái ốc lồi – Đêm ngày trằn trọc đám cỏ môi”. Cỏ môi mọc rìa bờ ruộng nước. Thức ăn của ốc lồi là rêu, cỏ. Nó khoái nhất món rau súng, rau sắn, đêm đêm kéo đàn, kéo lũ đến đông vui như đám hội. Chừng gà gáy, lũ ốc no mồi, bỏ đi tản mát khắp đồng, tìm nơi đánh giấc ngủ ngon cho đến tối, cái bụng đói lép kẹp mới thức dậy bò đi kiếm bữa. Vùng Bái Đô, Đô Mỹ, xã Hà Tân nổi tiếng nghề bắt ốc lồi.
Anh ơi gà đã gáy dồn
Dậy đi xúc ốc đồng Tròn, đồng Quang
Rổ sề, rổ sảo, rổ sàng
Vợ bưng, chồng gánh kịp hàng chợ phiên.
Giống ốc đi ăn đêm, nhiều con đến muộn, gà gáy cái bụng còn vơi, những con đến sớm tiệc tùng no say, ngủ luôn tại chỗ, người đi xúc ốc phải thật khéo, chân lội ruộng nhẹ nhàng tránh động nước, tay bưng rổ khẽ luồn xuống dưới bó lá mồi, rồi bất ngờ nâng lên rất nhanh, lũ ốc giật mình rơi lả tả xuống rổ. Xúc xong tổ này, tiếp tục xúc đến tổ khác...
Ốc lồi ngon, to, béo, ít nhiều tùy theo xứ đồng. Trong tổ ốc, có cả cua đồng đến ăn, nâng bẫy lên thường người ta tóm được chúng, tất nhiên phải bỏ vào giỏ riêng đeo lủng lẳng bên hông, đã chuẩn bị sẵn.
Đất huyện Hà Trung lắm núi đồi, nhiều đồng chiêm trũng. Ngoài ra còn đồng sông, đồng triều, đồng nào cũng mênh mông bể sở, dấu tích của biển cả, cách đây nhiều nghìn năm, lớp lớp sóng cồn ngày đêm ầm ì không ngớt. Người ta chỉ cấy trồng được một ít lúa thông, lúa cờn chỗ cạn ven bờ. Đồng sông, đồng triều quanh năm phó mặc chim trời cá nước và loài ốc, mùa nước lớn nổi lên lênh đênh theo làn sóng. Nhà nông đất đồng chiêm trũng, nhiều gia đình sắm sẵn thuyền mui, thuyền thúng, vụ chiêm chở lúa mạ, vụ mùa chèo ra đồng sông, đồng triều bắt ốc. Đó là cơ sở xuất hiện loại thể dân ca: Hát đúm ghẹo chèo thuyền bắt ốc.
Hát đúm giống hát ghẹo nam nữ, cho nên cách gọi địa phương là “đúm ghẹo”, lối hát đối đáp đổi trao tình cảm của đôi bên nam nữ hoặc giả như nam nữ giao duyên. So sánh Hát Ghẹo Thanh Hóa thường diễn ra trong vụ mùa gặt hái, những đêm làm lúa giữa phường này với phường khác, nội dung phong phú hơn, nhưng Hát đúm ghẹo chèo thuyền bắt ốc Hà Trung không thể nói kém thi vị mà đượm chất tình tứ, pha màu vui nhộn, như bao cuộc trai gái hát giao duyên khác...
Ở huyện Hà Trung, vụ lúa chiêm là mùa vụ chính trong năm vì thời tiết mưa ít, đồng chiêm trũng mới có thể cấy hái cho lúa tốt bông sây. Đến cuối hè sang thu mưa nhiều, gây ngập lụt là mùa nước nổi, nước lớn, đồng sông, đồng triều thực sự hóa thành biển hồ mênh mông nối liền biển cả bao la nước trời một sắc. Nước lụt nổi, ốc lồi cũng nổi. Cuộc đời nó, thân phận nó không cửa không nhà, lênh đênh phiêu bạt, cũng “bảy nổi ba chìm với nước non”. Sẵn thuyền mui, thuyền thúng, bà con nông dân đội vác ra đồng sông, đồng triều chèo đi bắt ốc, tay chèo, miệng hát, tay nhặt ốc ném lên lòng thuyền. Chợt vẳng đâu đây một vài tiếng hò hát cất lên, nơi này giọng nữ cao vút trời mây, chỗ kia giọng nam trầm cũng lên tiếng, xen giọng khê nồng thuốc lào lẫn khàn khàn vịt đực. Rồi con gà tức nhau tiếng gáy, nghe rộn ràng gần xa gió đưa vang vọng khắp sông nước. Có cả những thanh âm thoang thoảng đâu đâu, đôi lúc nghe mơ hồ không rõ tiếng hát từ chốn trời nước xa xăm hay tiếng sóng đồng sông gọi đồng triều...
- Tiếng ai tha thiết bên triều
Có phải nhân ngãi thì chèo sang sông
- Tiếng ai âu yếm bên đồng
Có phải nhân ngãi sang sông cùng chèo.
Mở đầu cuộc hát thường là những câu ví hò bâng quơ. Bạn tình lần theo tiếng hát tiến gần lại nhau nhưng vẫn giữ khoảng cách nhất định, vì vui duyên gặp bạn mới không quên nhiệm vụ thực tế cuộc sống. Khi đã quen biết hay còn mới lạ, người ta vẫn thăm hỏi nhau một cách khách sáo. Người hỏi khách sáo, người đáp cũng khách sáo, một công thức trước lạ sau quen:
- Ở đâu anh mới tới đây
Cớ sao anh biết đồng này đồng kia?
- Quê anh vốn ở Trường Yên
Anh đang dạy học ở bên xã nhà
Phận anh chưa có đàn bà
Cho nên mới hỏi cửa nhà sâu nông.
Trường Yên thuộc Ninh Bình bên kia đèo Ba Dội, hay Nam Định, Hà Nội cũng chỉ là địa danh phiếm chỉ, một cách mở đầu, vào đề câu chuyện mang tính công thức để dọn đường cho nội dung chèo thuyền bắt ốc. Khác các loại nam nữ giao duyên, “chèo thuyền bắt ốc” không chỉ là chuyện trai gái tình tứ yêu đương mà xoay quanh chủ đề con ốc.
Anh không giấu giếm thì em cũng chẳng cần úp mở. Nhưng cái gì cũng phải có điều kiện. Anh đã học nhiều tất biết lắm. Anh dám đi bắt ốc chắc thông thạo xứ sở quê hương con ốc Hà Trung:
- Ốc đồng nào, ốc ngon, ốc béo?
Đam đồng nào, đam béo, đam ngon? (1)
Anh trả lời được vẹn toàn
Tiện thuyền chèo lái gái son theo về!
- Ốc béo thì có đồng Quan
Đồng Chùa thì có đam ngon bốn mùa(2)
Vân vi anh có lời thưa
Sẵn thuyền tiện nước anh đưa em về!
Anh đưa em về ngay bây giờ ư? Lấy được gái son Phủ Hà đâu có dễ dàng thế? Phải thử thách tài năng còn mệt! Ốc Hà Trung cực kỳ phong phú, chuyện ốc có thể kéo dài vô tận: “Bao giờ cạn nước bể Đông, mới hết chuyện ốc đồng sông, đồng triều!”. Cho nên tiếng hát đúm ghẹo chèo thuyền bắt ốc, cô gái còn cất lên tiếp tục hỏi chuyện:
- Ai đi thuyền ấy hỡi ai
Dừng chèo em có đôi lời hỏi thăm:
Ở đâu mà có đồng Quan,
Ở đâu mà lắm Nồn Nàng, Nồn Anh?
Chuyện đùa bỡn đến mức “nói lỡm” nhau sao? Không! Không phải. Đó là những địa danh có thực trăm phần trăm, những tên xứ đồng ngày xưa có lẽ đến nay vẫn còn dùng. Câu hỏi hóc búa đến thế, không ngờ:
- Em hỏi thật rõ rành rành
Chánh Lộc(3) có lắm Nồn Anh, Nồn Nàng,
Lại còn Nồn Bái, Nồn Hang
Nồn Hoa té bẹ, Nồn Giàng tênh hênh(4) .
Hát đúm ghẹo dĩ nhiên không chỉ có hai người mà còn nhiều người góp lời chung vui đối đáp. Bởi không thể đứng nguyên một chỗ như hát Xoan Phú Thọ, hát Ví phường vải, hát ghẹo Quảng Xương... Hát đúm bắt ốc, con thuyền luôn luôn di động, người này đi, người khác tới, hết câu đố này đến câu đố khác:
- Đồn anh học trò ngoài Nam
Đố anh kể được “sáu năm” cái đầm?
Đồn anh kinh sử nhập tâm
Đố anh đếm được cái đầm “sáu năm”?
O thôn nữ Phủ Hà mò cua bắt ốc cũng “chơi chữ” kia đấy, thực tế đất đồng chiêm, nước lợ làm gì có đến “sáu năm” hay “sáu lăm” cái đầm? Anh học trò Nam (Nam Định, Hà Nam) hiểu ý tứ đáp:
- Thứ nhất là đầm Ông Thang
Đi qua đầm Giữa bước sang đầm Trường
Trông lên đầm Chạch cũng thương
Đầm Dù đã trải, đầm Giang lại từng
“Sáu năm” (5) đầm anh đã kể xong
Đôi ta kết ngãi vợ chồng tri âm.
Làm gì mà đã vội vàng tri âm tri kỷ? Lấy anh liệu có khỏi mò cua bắt ốc không? Hay là vẫn “số khó làm chẳng nên giàu – Bắt ốc nước lớn hái rau lở bờ?”. Hãy cứ chèo thuyền hát đúm bắt ốc cùng em và trả lời cho hết chuyện con ốc nó thế nào? Một người từ đâu chèo thuyền vội vàng lướt tới cất lên giọng hát nghịch ngợm giở trò phá đám:
Ốc nào mà chả tròn tròn...
1.   nào mà chả... (sơn son thế này).
Nhưng chuyện đố vui lập tức cắt ngang:
Đố anh: Ốc lồi, ốc quắn, ốc biêu...
Bao nhiêu thứ ốc đồng triều, đồng sông?
- Ốc quắn thì mút tòe môi
Ốc biêu lể miệng, ốc lồi khe trôn
Ốc lác chùn chụt cái mồm
Ốc khe, ốc đá... chi hơn ốc đồng...
Trên đây, chúng ta đã hình dung một cuộc hát đúm hay hát đúm ghẹo chèo thuyền bắt ốc mang rõ đặc điểm Hà Trung nơi có đồng sông, đồng triều, không nặng về chuyện tình yêu lứa đôi, lối hát nam nữ giao duyên phổ biến mà chủ đề là con ốc. Những tri thức dân gian về phong vị đồng quê, những món ăn dân dã đơn giản mà ngon, cũng là những bài thuốc dân gian bổ ích:
Ốc lồi bung với chuối xanh
Giã cơn say rượu, vừa lành vừa ngon
Ốc quắn nấu cháo cũng thơm
Ăn vào giải cảm còn hơn cháo gà.
Đôi chân mắc bệnh to phù
Bìm Bìm xào ốc lồi to thái đều
Chua me ốc quắn ăn nhiều
Táo bón nấu dấm cũng liều thuốc hay
...
Từ chuyện đánh bẫy ốc đến hát đúm ghẹo chèo thuyền bắt ốc, tưởng đơn sơ dân dã, bà con nông dân Hà Trung cũng lồng vào được triết lý dân gian, lịch sử địa phương không kém ý nghĩa sâu sắc:
Chim khôn mắc bẫy vì người
Ốc khôn ốc cũng vì mồi chết oan
Ta về hái nắm sắn non
Rau sấm rau sét bẫy con ốc lồi
- Chim khôn chết mệt vì mồi
Anh đây chết chắc vì người đa đoan
Người đa đoan lòng dạ đa đoan
Như con thuyền bắt ốc lắm nan ít hồ
Đồng triều lắm ốc sóng to
Thuyền anh trôi dạt sang nhờ thuyền em
Hóa thành con ốc đồng chiêm
Cái thân mốc thếch như thuyền chở phân?
- Trông lên núi Ôc xây vần
Cớ sao Ốc lại hóa thành núi cao?
Đó là câu đố hóc búa nhất của Hát đúm ghẹo chèo thuyền bắt ốc. Núi Ốc xa trông hình dáng giống một con ốc lồi khổng lồ, di tích vỏ ốc hến của người nguyên thủy từ nghìn vạn năm trước. Cho đến thời nay nông dân Hà Trung vẫn bắt nhiều ốc hến để làm thức ăn. Núi Ốc như một tượng đài ốc tưởng nhớ Nguyễn Hoàng và hàng ngàn con em Tống Sơn (Hà Trung) trong các cuộc Nam tiến, mở đất mở cõi phương Nam.
Hát đúm ghẹo chèo thuyền bắt ốc góp vào kho tàng dân ca Việt thêm phong phú, một thể loại đặc sắc độc đáo xứ Thanh.
                                             HTP/1/2020

Chú thích:
(1). Đam là con dam, còn gọi cua đồng.
(2). Đồng Quan, đồng Chùa đều ở xã Hà Lâm, nay là xã Yến Sơn (Hà Trung) đồng chiêm cua béo, đồng Chùa nước lợ cua ngon. Dân gian có câu “ốc đồng Quan, đam đồng Chùa”.
(3), (4). Chánh Lộc: Làng Chánh Lộc nay thuộc xã Hà Giang. Từ xã này kéo dài sang xã Hà Lĩnh có các xứ đồng: Nồn Nàng, Nồn Bái, Nồn Anh, Nồn Hoa, Nồn Giàng (Nồn Dìn), Nồn Hang...
(5). Tức năm, sáu.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét