20 thg 4, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 22)

Phong cảnh làng quê xã Quảng Hoà
Ảnh: HTC
        HOÀNG TUẤN PHỔ
                 (Kỳ 22)

Đến giờ phát cơm trưa, mỗi tù nhân một nắm không thể gọi là to và một nhúm muối trắng. Ít người có bát, phần nhiều cầm nắm cơm trên tay, bẻ ra ăn dần và chấm với muối trắng đựng trên mảnh lá đa khô do trại phát. Bụng tôi mặc dù đói cồn đói cào, cố gắng lắm cũng chỉ ăn hết nửa nắm cơm, còn nửa nắm cho anh Vinh. Anh ăn cơm tù đã quen nên xơi ngon cả nắm cơm. Anh Vinh chưa kịp ăn thêm đã thấy ông Ha mò lại tụt ngay quần ngồi xuống miệng nồi, hỏi nhỏ tôi:

-Cơm mi ăn chắc không thể hết, còn lại ở mô rồi?

Anh Vinh đưa cả nắm cơm của tôi cho ông Ha. Ông đón ngay lấy, xoay mặt úp vào tường, một tay ôm bụng, một tay cầm nắm cơm vừa rên hừ hừ vừa nhai nhồm nhoàm…
          Sau bữa cơm sáng, từ 12 giờ đến 1 giờ chiều, tù nhân được phép ngủ trưa 60 phút. Tất cả lại phải ngồi im lặng bên nhau, có miệng như câm, không được hé răng nói với nhau nửa lời!
          Năm giờ chiều, Ban trực rúc còi cho phép đi đổ nồi. Ban ngày ít hơn ban đêm, chỉ có chừng nửa nồi, một mình tôi có thể bưng bê đi được. Anh Vinh nhắc tôi nhớ lấy quần áo. Đổ nồi xong đến giờ phát cơm chiều. Vẫn như bữa trưa. Theo lời anh Vinh, đến chủ nhật mới đổi bữa: mỗi người một suất rau muống độ mươi ngọn già, luộc đầy hơi khói thâm sì, dai ngoách và một quả chuối tiêu to bằng ngón chân cái. Anh em trong này ăn cả vỏ, nhiều người khỏi bệnh kiết nhờ cách ăn của kẻ ăn mày ăn mót này.
          Bụng tôi đói veo đói vắt, cứ ào ào sôi từng cơn một, nhưng cầm nắm cơm với nhúm muối trắng lại thấy đắng chát trong cổ họng, lòng càng xót xa cay đắng. Rồi cũng phải ăn, không ăn chết đói ai thương tôi? Chỉ có mẹ tôi thương tôi nhất và đang đỏ mắt mong chờ con, đứa con độc nhất của bà.
Anh Vinh bảo tôi:
-Thôi ăn đi, nghĩ ngợi mà làm gì? Chúng ta phải sống chứ!
Tôi vâng, tay trái gạt nước mắt, tay phải cầm lấy nắm cơm. Đang lúc sắp bẻ nắm cơm, bỗng thấy có tiếng gọi tên tôi ngoài hè. Cánh cửa buồng mở, một khuôn mặt ló vào, sau khi nghe tiếng dạ to của tôi. Tôi nhận ra ông cán bộ trực văn phòng Toà án tỉnh. Ông bảo tôi mang theo tư trang ra ngoài. Tôi mừng quýnh, nhưng lại ngờ tai mình nghe lầm, đứng sững người. Ông cán bộ văn phòng vẫy tay về phía tôi. Anh Vinh cầm bộ quần áo mới giặt của tôi và đẩy nhẹ tôi một cái: “Đi đi!”. Tôi liền ném nắm cơm vào lòng anh Vinh, cùng cái quần lót của tôi chưa kịp thay để trả lại quần anh tôi mượn hồi sáng. Tôi cố len bước qua các bạn tù, khôn xiết cảm động, không nói nổi lời chào từ biệt.
          Ông cán bộ văn phòng dẫn tôi đến một nhà dân và căn dặn: Cấp trên cho tại ngoại, không được bỏ trốn về nhà hay đi đâu xa, để có lúc các ông ấy cần gọi đến phải có mặt ngay! Rồi ông cán bộ gọi một người chừng hơn 30 tuổi: “Tên này là Hoàng Tuấn Phổ tại ngoại ở đây với các anh. Các anh có 5 người, thêm tên này là sáu. Từ mai đến nhà bếp lĩnh thêm một suất ăn. Nếu thấy hắn đi đâu vắng phải báo cáo ngay với cán bộ”.
          Tôi biết mình chưa được tha, lòng cảm thấy buồn thiu, nhưng lại nghĩ thế này cũng sướng gấp vạn lần cái nhà giam tù nhân hay phạm nhân kia! Tuy vậy, vốn tính cả nghĩ, hay lo xa, tôi nghĩ, tôi lo biết đâu có ngày mình lại trở lại…Tôi không dám nghĩ tiếp nữa. Chợt nhớ lời ông Ha, vụ án Liên tôn do Tuệ Quang, Tuệ Chiếu cầm đầu sắp kết thúc, ông Ha sẽ được tha, huống chi kẻ chưa ráo máu đầu như mình…Tôi tạm yên tâm. Vâng, tất cả đều tạm thời, ở đời có gì mãi mãi được đâu! “Chữ nhẫn là chữ tương vàng”, đã biết là “tạm” thì phải “nhẫn”, phải chịu đựng để vượt qua vạn trùng ba của bể khổ!
          Người được cán bộ giao trách nhiệm bảo tôi: “Tao là Hà Công Cận trước làm Phó Chủ tịch huyện Bá Thước, bị đấu tố nên bị bắt giam một thời gian rồi được tại ngoại. Mày ở đây với tao là tốt rồi. Đêm nay mày ngủ chung một giường với tao. Tất cả có 6 người, chỉ một cái giường, 3 người nằm giường, 3 người trải chiếu ngủ đất, ăn thì ăn chung, chia đều, không phân biệt…À mày đã ăn gì chưa? Chưa ăn thì còn ít cơm nguội với một con cá khô mắm”.
          Còn hai miệng bát cơm nguội với một con cá khô ướp muối, tôi chén tất rồi ra vại uống một gáo nước lã, thế là cái bụng no căng! Người ta nói: “No cơm ấm cật, rậm rật mọi nơi”, còn tôi lúc này buồn ngủ quá chỉ muốn lăn quay ra giường. Tôi chợt nhớ mình chắc khác con bọ hung chui ra từ đống phân, ngửi tất cả quần áo thấy cái gì cũng khai thối, hôi hám. Tôi nói rõ lý do với anh Cận xin được nằm riêng dưới đất. Nhưng anh Cận cười: “Thì chính tao cũng từng phải như mày, cũng đã từng làm cái con bọ hung thôi!” Tôi cảm ơn lòng tốt của anh Cận, xin được trải chiếu nằm dưới đất. Thế này còn sướng bằng vạn đêm qua ngủ trên nền đình bê bết phân người trộn nước tiểu, không một manh chiếu rách! Anh gật đầu: “Thôi kệ mày!”.
          Năm người ở chung một nhà, toàn anh em dân tộc thiểu số: 3 Thái, hai Mường, thuộc các huyện Quan Hoá, Bá Thước. Đa số họ ít nói, lầm lỳ cả ngày. Khi nói chuyện, anh em dùng tiếng dân tộc, tôi cứ như “chó Tàu nghe kèn”! Có một người cùng lứa tuổi với tôi. Anh tự giới thiệu với tôi: Mình tên là Hà Văn Tam ở chòm Sãi, xã Phú Lệ, huyện Quan  Hoá. Anh bị bắt vì có một người Thái bị Tây bắt cóc, huấn luyện mấy tháng làm biệt kích thả dù xuống Phú Lệ. Nó bị bộ đội truy lùng, sợ chết chạy trốn vào nhà anh xin ẩn nấp. Bộ đội khám xét bắt được nó, bắt luôn cả anh giải lên tỉnh…Anh bị bỏ tù một thời gian rồi được tại ngoại hậu cứu.
          Vậy thì anh Hà Văn Tam được “tại ngoại hậu cứu”, tôi được “tại ngoại” có lẽ cũng để “hậu cứu”…Tôi tắc lưỡi: “Lo nghĩ xa hay gần cũng chả được việc gì. Thôi “mưa lúc nào mát mặt lúc ấy”, đêm nay hãy ngủ thông một giấc đến sáng cho mặn này bõ lúc nhạt xưa…Những tưởng sẽ đánh một giấc ngon, nào ngờ đêm ấy tôi cứ mơ mơ tưởng tưởng mình đang nằm bên nồi vệ sinh, hết người đái vào lưng lại có kẻ ỉa cả lên đầu mình, rồi cuối cùng phải đầu thai làm kiếp con bọ hung! Nhiều người tin chắc tôi kiếp trước phạm tội tày đình như Lý Thông chẳng hạn. Có ai tò mò  muốn biết tội gì thì bọ hung tôi lắc đầu. Quả tình cũng không biết đầu xuôi đuôi ngược thế nào cả!
          Cơn ác mộng ấy sao mà nghiệm thế. Tôi không tin rồi cũng phải tin, vì nó dần dần thành hiện thực, không đội phân thì đội đất, đất sạch hay đất bẩn đều phải đội tất! Thì “Đời là thế” nên “đầu tôi là thế!”. Nói cho cùng, làm trai ở đời phải “đầu đội vai vác” có gì lạ?
          Ở đây dậy sớm hay dậy muộn chẳng hai bắt. Nhưng anh em dậy cả, mình không thể nằm liều, cứ lù lù một mình một chiếc chiếu dưới đất, chướng lắm! Anh Cận xuống bếp lĩnh thêm gạo, rau, mắm. Bốn anh ra sông mò hến. Tôi không biết bơi lội, ở lại trông nhà. Chừng quá nửa buổi, mọi người về, vào bếp nấu cơm ăn với canh hến. Bữa cơm chiều cũng vậy. Hôm sau trời mưa, các anh bắt cóc làm canh. Tôi không quen món này, nghĩ đến cóc đã thấy nôn mửa, trong khi ai nấy đều ăn uống ngon lành.
Anh Cần hỏi tôi:
-Ở dưới xuôi nhà mày ăn thịt cóc thế nào?
Tôi lắc đầu:
-Nhà tôi không ăn bao giờ. Vì “con cóc là cậu ông trời”, trời nắng lâu, nó chỉ cần nghiến răng kêu mấy tiếng kèn kẹt, ông trời phải làm mưa ngay!
Anh Cận cười:
-Lạ nhỉ! Tao ở nhà gác. Hễ thấy con cóc nào trèo thang lên đều bị đuổi xuống hết. Chúng sống ở dưới góc chuồng trâu bò, những chỗ tối om tha hồ ăn muỗi.
          Cứ sống cảnh nhàn nhã như vậy, toàn nói chuyện rừng suối, bắn gà rừng, săn hươu nai, bắt ốc núi…
          Tuần sau, tôi được cấp trên gọi. Một ông độ ngoài năm mươi, mặt to, đen, ngồi bàn giấy, hỏi giọng nghiêm khắc:
-Mày biết tội mày chưa?
Tôi không cần suy nghĩ, đáp ào đi cho xong:
-Dạ thưa ông, tôi biết rồi ạ!
Ông ấy vặn:
-Mày nói biết cái gì?
Tôi không úp mở:
-Dạ thưa tôi biết tội ạ!
Ông ấy gật đầu:
-Được! Tạm tha cho mày về quê, khi cần sẽ gọi. Muốn đi đâu phải xin phép chính quyền xã.
          Rồi ông ấy đưa cho tôi một cái giấy đi đường.

                                                                 HTP/2019
(còn tiếp)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét