21 thg 5, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 24)


 
Dệt chiếu ở Quảng Xương - Thanh Hoá
                                  Ảnh: VOV
HOÀNG TUẤN PHỔ

Quê tôi có nghề dệt chiếu, nhưng lãi lời, công sá rẻ mạt, mỗi đôi chỉ được 5 đồng tiền cũng làm. Gọi là lá rụng góp nhóp, hay nói văn vẻ là “tích tiểu thành đại”.
Từ lúc lên năm, lên sáu, được cắp sách đi học, tôi đã biết nhận thức và ghi nhớ, không phải tất cả mà chỉ những gì ấn tượng sâu sắc nhất. Buổi tối nào các o, các chú tôi cũng phải làm chiếu. Kẻ xe đay, người dệt hoặc xay lúa, giã gạo, làm hàng xáo, kiếm nắm cám nuôi lợn, góp tiền bỏ ống để dành tiêu vào việc nên việc. Trong lúc đó, bà tôi chắp thừng, ông tôi xem sách không biết đến khi nào. Đối với tôi lúc ấy là khuya lắm.

Ông bà tôi thường bảo mọi người: “Làm cũng ăn, không làm cũng ăn, không nên đi ngủ sớm quá, hư người!”. Cho nên làm chiếu, nhiều khi không đủ tiền dầu đèn. Bấy giờ, giá dầu rất đắt, vẫn theo cách giải thích của ông tôi, phải làm việc đều đặn, nền nếp tạo thành tính siêng năng, quen công việc, thích công việc, ở nể không chịu nổi!
Buổi tối, bố mẹ tôi làm gì? Bố tôi lang thang nay đây mai đó, lúc ở Trần Cầu làm giúp thơ tiên; khi ra phủ Thanh Lâm, tay đàn, miệng hát, mắt liếc đưa tình cô Bơ Thoải đền Bông, cô Chín đồi Dâu Chín Giếng…Bị bạn bè rủ rê, ông cũng sau mê cầm chầu nơi ca lâu tửu quán, hoặc đổ bác - cái chốn ông cũng như thằng! Vì thế, bố tôi là con trai trưởng, nhưng những thứ được chia như mấy sào ruộng tốt ông cũng đem bán sạch, chỉ còn đất hương hoả bị luật nghiêm cấm không thể bán, dù công nợ như chúa Chổm! Bố tôi phải đâm đầu vay lãi nhà ông Từ Đệp trong làng, lãi mẹ đẻ lãi con, lãi cháu, lãi chắt, lãi chút, lãi chít…không biết bao nhiêu mà tính!
Ông bà nội tôi ghét mặt, tống cổ vợ chồng con cái ra ở riêng. Nhưng những khi có đình đám cúng lễ lớn nơi xa mời, lại sai người đi tìm bố tôi về, vì chỉ người thầy cả này mới đủ khả năng làm nổi đình nổi đám, xứng danh “Đem chuông đi đánh nước người”.
Bố tôi, con người lãng tử này có khả năng gì? Ông làm “sớ tấu” rất hay, văn vẻ được các vị Nho học từng vác lều chõng cũng phải khen ngợi. Ngồi trước đàn tràng, mặc áo cà sa mầu đỏ, đội mũ toà sen sáu cánh, múa bài Lục cúng rất đẹp, ai xem cũng phải hết lời tán thưởng. Đặc biệt, ông đóng vai Mục Liên phá ngục cứu mẹ, hay vai Huyền Trang thỉnh kinh trong tích Đường tăng đi Tây Thiên Trúc quốc, của Pháp khúc bộ Phật giáo thời cổ, làm cho khán giả quên mất cả thời gian, dù tiếng gà làng Nam Ngạn bên sông Mã đã gáy báo triều nước lên vào khoảng canh ba…
Bây giờ thời thế đổi thay, mẹ tôi bàn: Làng xóm người ta “mằn chiếu” cả, nhà mình cũng phải “mằn”, “thày  mi” không biết thì phải tập, cứ chịu khó rồi “mằn” được cả. Mẹ tôi đã vay được vài đồng bạc của dì Phú ở tận làng Phương Khê, Nông Cống (nay thuộc xã Nông Trường, huyện Triệu Sơn) để mua đay, cói, nhưng còn go chưa thuê đóng xong, nên chưa thể tiến hành. Tôi nói: “Xóm ta nhiều người đi mua cói Nga Sơn về để làm chiếu, giá cói rẻ mà đẹp hơn lác Văn Giáo, Hồi Cù. Nếu không dùng thì bán lấy tiền cũng tốt”. Mẹ tôi đồng ý, bảo: “Được, để mẹ nói với anh Nậu cho theo đi, có việc chi anh giúp đỡ biểu ban em…
Nhưng xóm tôi, nhóm đi buôn cói Nga Sơn có anh Rậy không muốn cho thành phần lớp trên, lại là một tên phản động tham gia. Mẹ tôi phải đến tận nhà nhờ anh Rậy giúp đỡ. Vợ anh Rậy, chị Hoàng Thị Mậu cũng họ hàng anh em chi trưởng, chi thứ với nhà tôi. Chị Mậu (đúng ra tôi gọi là o) nói với chồng: “Thì cho hắn đi, mất cơm mất gạo chi nhà ông?” Anh Rậy thủng thẳng: “Để rồi coi…
Thế là khó khăn rồi!
Mẹ tôi mua được một bó lác về làm chiếu. Go đã thuê đóng xong. Đay sợi, mẹ tôi đã xe về sẵn. Nhờ anh Nậu đóng cho bốn cái cọc tre, các thứ lặt vặt khác, tự mình làm được cả. Cây lụi đưa cói từ đời ông bà nội tôi, gác giàn bếp đã lâu, xông bồ hóng càng bền đẹp, nay đem xuống dùng vẫn tốt.
Làm cây lụi tốt nhất bằng gỗ cau, cứng, thẳng, thớ mịn, nổi vân dọc, chất gỗ nhẹ. Dáng cau mọc thẳng cao vút, chĩa thẳng lên bầu trời cao, bất chấp nắng mưa, bão tố. Nhiều trận cuồng phong làm cau nghiêng ngả, phải cúi rạp thân mình xuống, tưởng chừng đổ gãy đến nơi. Thế mà sau đó, cau lại đứng lên vươn cao thẳng tắp, với tán lá xanh biếc, không hề bong tróc một cái vảy rêu phong hoá sừng. Bởi thế, người xưa ca ngợi cau là “nhất trụ kình thiên”. Chữ “kình” ở đây không phải là chống đối, mà chính là chống đỡ, như cột trụ trời. Người xưa cho rằng, phong cảnh làng quê không gì đẹp bằng cảnh cau. Chỉ có cây cau nổi bật hơn tất cả, ngày đêm in bóng trên nền trời, dù lẻ tẻ một vài gốc hay đầy vườn. “Chim gà, cá lạch, cảnh cau”, phong vị ăn chơi thích thú nhất của người bình dân ngàn vạn năm xưa.
Tôi cầm cây lụi bằng gỗ cau già vườn nhà trong tay, nhớ ngày thơ bé đi học vỡ lòng, bị thầy giáo nghiêng thước cau dần vào bàn tay như dần chạch, đau điếng người, buốt tận xương! Tôi nghiệm thấy thước cau đau hơn thước lim, cũng không giòn dễ gãy như thước lim. Mấy anh lớn tuổi thù ghét cây thước lim, từ loại nhỏ vuông góc kẻ dòng đến loại to bẹt để thầy giáo đập bàn ra hiệu “yên lặng”, “liệu hồn”,…đến các hành vi gõ vào đầu hoặc vụt thẳng vào vai lưng những cậu nghịch ngợm, đều bị các anh bẻ trộm. Chỉ cần ghé thước kẻ kê vào đầu gối, bẻ mạnh một cái là gẫy đánh rắc!
Lụi làm bằng lim dễ gãy, để lâu càng giòn, vì thân hình bé nhỏ chỉ bằng cái ngón tay. Nếu không có lụi tre, người ta buộc dùng cành trúc hoặc vót bằng tre. Nhược điểm của tre, trúc nhiều mắt, hay bị vênh, khi đưa lụi dễ vướng vào sợi đay khiến nó bị đứt, phải dừng tay nối lại, rất mất công, gây phiền phức.
Cái go dệt đơn giản, dài 2m để làm chiếu đôi. Go chiếu cá nhân ngắn chừng 1,2m. Cái go dùng gỗ xoan đâu, chất gỗ nhẹ, mềm, không bị mối mọt, thường sẵn có ở vườn nhà, mọc ven đường làng. Răng go làm bằng loại tre gõ màu vàng ngà, bền đẹp, cứng mà nhẹ, không nặng tay dệt. Muốn chiếu dày, thưa, răng go cũng phải nhặt thưa để xâu, mắc được ít, nhiều hàng sợi đay tuỳ ý.
Mỗi ngày chỉ dệt được khoảng hai chiếc chiếu đôi, cả các khâu đổ cói, ghim bờ, chặt rìa, lắt bỏ sợi cói lông lá, sợi đay lầm lỗi, cho mặt chiếu bằng phẳng, trơn lì, đẹp mắt.
Người dệt thường là đàn ông suốt buổi ngồi co chân trên cái ghế nhỏ dài, thấp để lót phía trước, tay luôn cầm cái go, đưa ra đẩy vào đều đặn. Người đưa lụi cói nhanh, người dệt chiếu cũng phải dệt nhanh. Những động tác này liên tục, nhịp nhàng với hai cánh tay, bàn tay, ngón tay bẻ bờ, trong khi đôi chân co, xếp một chiều khiến người ta dễ bị tê chân, đau gối, lưng hông mỏi nhừ! Ai cũng phải qua một quá trình lâu dài rèn luyện mới chịu đựng nổi.
Việc quấn cói đưa lụi thích hợp với phụ nữ hơn. Thân hình họ mềm mại, trải mảnh chiếu cũ, ngồi tư thế vuông góc thước thợ, “hai hàng chân ngọc duỗi song song” suốt buổi. Nắm cói trải đều trên đôi bắp đùi, quấn từng ngọn cói vào cái núm vót nhỏ đầu cây lụi và tay phải cầm thân lụi sải cánh thật dài đưa lụi kèm theo ngọn cói chẻ lao thẳng vào go, luồn giữa hai hàng sợi đay, rồi nhanh chóng rút ra. Vừa lúc ấy, người dệt cầm chắc go, dựng đứng go để hai hàng đay khép chặt cây cói, rồi kéo dập vào.Tiếp theo, người dệt đẩy go ra, nếu vừa nghiêng sấp, giờ lại nghiêng ngửa, để mở hai hàng đay, đón nhận cói khác…
Làm chiếu đơn giản, nhưng trở ngại nhất khi sợi đay bị đứt. Ai cũng ngại đứng dậy để nối lại mối đứt. Người đưa cói ngoảnh mặt ra sân xem như trách nhiệm thuộc người dệt. Người dệt vươn vai đứng dậy, vặn mình răng rắc rồi đi hút thuốc lào hoặc ra ngoài vườn tiểu tiện. Lườm nguýt, cáu gắt vô hiệu thì thường là đổ lỗi cho nhau, buộc phải lần tìm sợi đứt mà nối lại. Nếu tại anh dệt không đều tay, hoặc do cả ả vấp mũi lụi vào dây làm sợi đay bị đứt, thì không khéo xảy ra chuyện giật go thật mạnh để đứt hết sợi đay cho bõ cơn tức giận, hai là thượng cẳng tay hạ cẳng chân, bỏ cuộc!
Khi “sóng gió” trên lá chiếu trở lại trời yên bể lặng, thì thôi thì, trời không chịu đất, đất phải nghe trời. Thông thường chị em phụ nữ chịu khó “nối lại sợi tơ duyên” để cuộc đời được ấm êm, hạnh phúc cho mọi gia đình, đôi lứa…
Mẹ tôi hai tay hơi chậm, đưa cây lụi lóng ngóng, bố tôi ngồi chờ sốt ruột, mới ngồi đã thấy mỏi chân đau lưng, gắt ầm lên. Mẹ tôi cố nhanh tay, mũi lụi vấp, đứt hai sợi đay một lúc! Bố tôi cáu tiết, đổ cơn nóng lên cái go, thế là đay sợi bị đứt hàng loạt! Mẹ tôi cũng nổi giận đay đả lại: “Được! Không muốn động cái thân cái xác thì treo mồm lên!” 
Bố tôi bỏ lên giường nằm. Mẹ tôi giận chồng, thương con, moi móc tội bố tôi ra: “Ông ăn đất vô mồm hay răng mà theo Tuệ Quang Tuệ Chiếu xui thằng Tây bắn phá Bàn Thạch? Bây chừ cả nhà sắp chết đói, hỏi có ai thương ông hay thằng Tây hắn thương ông?” 
Bối tôi cố nén giận nói: “Tôi không đời mô dại dột như rứa! Nhà tôi mấy đời theo đạo Phật chứ theo thằng mô con mô, chẳng qua người ta bốc lửa bỏ bàn tay cho tôi, rồi “chủng qua đắc qua, chủng đậu đắc đậu” nhân mô quả nấy…lậy trời phật cho sống qua cơn đói khát, rồi bà sẽ thấy! Mà Tây hắn biết tôi là thằng mô? Hắn cai trị Việt Nam những 80 năm, có điều chi mà hắn không biết, chính cái Ba ra Bàn Thạch cũng do hắn xây nên”. Mẹ tôi vặn lại: “Cái án 5 năm tù còn sờ sờ ra đó, ông không có tội, răng mà lại chịu tội?” Bố tôi điên tiết: “Nhận cái mả cha đứa vu oan giá hoạ! Dùng cực hình tra tấn như rứa, không nhận mà được à? Bà thử chịu một đêm như tôi coi”. 
Mẹ tôi thở dài: “Rõ đường quang không đi lại quàng vô bụi rậm! Đã trót rồi thì phải trét, phải biết thương vợ thương con chứ!

                                         HTP/2019
(Còn nữa)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét