Bản in 2018 |
Năm 2018, sách “Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân-Phê bình và khảo cứu” (Hoàng Tuấn Công) tiếp tục được Nhà xuất bản Hội nhà văn và Công ty sách Phương Nam tái bản lần thứ 1 có bổ sung, sửa chữa (sau khi in 3 lần năm 2017). Bản 2018 bổ sung thêm gần 100 trang so với bản in năm 2017 (bản in 2017 có 561 trang, bản 2018 có 656 trang). Sách in 1.500 cuốn, khổ 26x24, giấy trắng và tốt hơn bản 2017, bìa được trình bày lại, và cán láng.
Nội
dung bổ sung đáng chú ý trong bản in 2018 gồm có:
1-So sánh, trích dẫn cụ thể
những sai sót mà GS. Nguyễn Lân đã chép lại từ cuốn từ điển này (in trước) sang
cuốn từ điển khác (in sau), thay vì chỉ ghi chú “sai giống từ điển Từ và ngữ Việt
Nam”, hoặc “sai giống Từ điển từ và ngữ Hán Việt” như bản in 2017 trước đây.
Nếu
một mục từ nào đó, “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” của GS. Nguyễn Lân có sửa chữa,
bổ sung so với cuốn “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam”, cũng sẽ được so
sánh, phân tích, để thấy việc sửa chữa ấy đúng hay sai. Nội dung này nằm rải
rác trong các phần của cuốn sách.
2-Bổ sung thêm những sai sót
mới phát hiện trong từ điển của GS. Nguyễn Lân. Nội dung này nằm rải rác trong
nhiều phần của cuốn sách.
3-Cập nhật trao đổi: Sau khi
sách xuất bản (2017), có nhiều ý kiến trao đổi, góp ý, phê bình cụ thể cho các
mục từ. Trong bản in 2018, tác giả Hoàng Tuấn Công đã trao đổi lại và cập nhật,
tích hợp vào cuốn sách, mục đích để bạn đọc hiểu rõ hơn vấn đề. Tuy nhiên, do
phía đối tác e ngại sách tăng trang quá nhiều, nên tác giả HTC cũng chỉ cập nhật
được một phần nhỏ những ý kiến trao đổi này.
4-Bổ sung thêm mục mới: Tiểu
mục 7 “Cách vận dụng từ ngữ, thành ngữ, tục ngữ của GS. Nguyễn Lân” được viết mới
và bổ sung vào mục “Tiếng mẹ đẻ”. Đây là nội dung bổ sung nhiều nhất, với tổng
số 27 trang in (từ trang 587 đến trang 614).
4-Sửa chữa một số lỗi trích
dẫn, lỗi văn bản trong bản in 2017 (phần này chiếm tỉ lệ không đáng kể).
Sau đây, chúng tôi xin trích
phần đầu của tiểu mục 7 mới bổ sung, thuộc mục “Tiếng mẹ đẻ”:
7. Cách vận dụng từ ngữ,
thành ngữ, tục ngữ của GS. Nguyễn Lân.
GS. Nguyễn Lân rất coi trọng phần ví dụ về cách vận dụng từ ngữ, thành
ngữ tục ngữ trong từ điển. Trong “Đôi lời
tâm sự thay lời tựa” (Từ điển từ và
ngữ Việt Nam), GS. Nguyễn Lân viết: “Từ
ngày “Từ điển tiếng Việt” (do Văn Tân chủ biên, xuất bản năm 1967, GS.
Nguyễn Lân là thành viên ban biên soạn-HTC)
của chúng tôi ra đời, càng ngày chúng tôi càng thấy sách đó còn thiếu nhiều từ
và không cập nhật, nhiều từ lại không có thí dụ, mặc dầu anh em đều nhớ lời một
học giả Pháp đã nói là một quyển từ điển
không có thí dụ chỉ là một bộ xương” (HTC nhấn mạnh).
Theo đó, ông cho biết: “Khác
với quyển từ điển cũ của chúng tôi, trong quyển này, chỉ trừ các từ tục, còn tất cả các từ và các ngữ đều có thí dụ. Một
phần lớn các thí dụ đó, tôi đã lấy trong các tác phẩm văn học từ xưa đến nay và
nhất là trong lời văn của chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Trong sách “Trí thức tinh
hoa Việt Nam đương đại, một số chân dung” (Hàm Châu-NXB Trẻ, 2014), GS. Nguyễn Lân cũng khẳng định, ví dụ là một phần
quan trọng trong Từ điển từ và ngữ Việt
Nam: “để bạn đọc hiểu màu sắc, âm
hưởng, khả năng biểu cảm của từ, ở mỗi mục từ, tôi còn đưa vào những câu ca dao,
tục ngữ có liên quan đến từ đó, cũng như những cách dùng từ rất tài tình, sáng
tạo của các nhà văn, nhà thơ nổi tiếng cổ, kim, chứ không tự nghĩ ra các thí dụ vụng về”. (HTC nhấn mạnh).
Thực tế cho thấy, GS. Nguyễn Lân đã cố gắng trích dẫn ví dụ trong các
tác phẩm văn học từ cổ chí kim, để làm rõ thêm nghĩa và làm mẫu cho người sử
dụng từ điển vận dụng từ ngữ. Với những từ ngữ không tìm được nguồn để trích
dẫn, soạn giả đã tự đặt ra ví dụ để minh hoạ (GS. Nguyễn Lân nói “không tự nghĩ ra các thí dụ vụng về” là
không đúng). Đó là việc làm hoàn toàn bình thường và cần thiết. Điều không bình
thường ở chỗ, ông đã không bám sát vào thực tế đời sống ngôn ngữ, lời ăn tiếng
nói hàng ngày của nhân dân để đặt nên ví dụ. Ngược lại, nhiều ví dụ GS. Nguyễn
Lân đưa ra cốt cho xong chuyện, quá chung chung, hoặc không đúng với sự tình,
thậm chí là được đặt ra để hợp lý hoá cách giảng sai trong phần giải nghĩa từ
vựng của soạn giả.
Bản in 2018 |
Sau đây, chúng tôi xin đưa ra một số phân tích
và dẫn chứng. Một số ví dụ trong các tác phẩm văn học, chúng tôi dùng làm ngữ liệu để chứng minh cho cách vận dụng đúng thành ngữ tục ngữ trong phần này, là trích dẫn theo
“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam
trong hành chức” và “Thành ngữ tiếng
Việt” của Nhóm Nguyễn Lực-Lương Văn Đang (NXB Khoa Học Xã Hội-1978):
o “anh
mù dạy anh loà • ng. Cùng dốt như nhau mà lại dạy nhau <> Người hướng dẫn đã khiêm tốn nói: Tôi trình
bày với các đồng chí, chẳng qua chỉ là anh mù dạy anh loà”.
Viết đúng phải là “anh mù dẫn anh loà”, chứ
không phải “anh mù dạy anh loà”. Anh mù và anh loà chỉ không nhìn thấy đường đi,
chứ không hẳn là dốt. Theo đó, “anh mù dạy
anh loà” là chuyện hoàn toàn bình thường. Thậm chí, nếu là truyền đạt kinh
nghiệm (mà chỉ những người cùng bị khiếm thị mới hiểu rõ), thì “anh mù dạy anh loà” còn tốt hơn so với người
bình thường.
“Anh mù dẫn
anh loà” có nghĩa anh loà đã không
thấy gì, người dẫn đường cho anh loà
lại là một anh mù, sẽ chẳng giúp gì
được cho nhau. Mặt khác, người hướng dẫn “khiêm
tốn”, có thể tự ví mình như “anh mù”,
nhưng lại xem người được mình hướng dẫn giống như “anh loà”, thì khác nào chửi thẳng vào mặt người ta!
Bản in lần thứ 3, năm 2017 |
o “ăn cắp giật • đgt. Nói kẻ cắp giật một thứ gì đeo trên người đi đường <>
Một đứa đi xe máy ăn cắp giật cái dây
chuyền trên cổ chị ấy”.
Soạn giả sai ngay từ công đoạn lựa chọn mục từ,
dẫn đến ví dụ về cách dùng hoàn toàn xa lạ trong tiếng Việt.
Đã gọi là
“ăn cắp” (lấy một cách lén lút, vụng trộm, không cho ai biết) sao lại còn gọi
là “ăn cắp giật”? Cứ theo cách giảng
của soạn giả, thì một thằng “kẻ cắp”,
nó “giật một thứ gì đeo trên người đi
đường” nên gọi là “ăn cắp giật”
chăng? Nhưng, “cướp giật”, “giết người cướp của” hay “trộm cắp”, “móc túi”,
“lừa đảo” là căn cứ vào hành vi cụ thể để định danh, chứ không ai “tích hợp” cả
lí lịch, nghề nghiệp trước đó rồi đặt thành tội danh như soạn giả. Theo đó,
hành động mà soạn giả mô tả, gọi là “cướp giật”, tức ngang nhiên giật lấy, cướp
lấy tiền bạc, tài sản của người khác mới đúng.
o “ba ba ấp bóng • ng. (ba ba đẻ trứng trên cạn và vùi dưới cát, không ấp như gà)
Làm một việc chẳng có ích lợi gì <> Nó
quyết tâm ra đi, anh có khuyên nó cũng chỉ là ba ba ấp bóng”.
Quả tình, “ba
ba đẻ trứng trên cạn và vùi dưới cát, không ấp như gà”. Theo đó, nhờ hơi
nóng trong cát, khoảng 50-60 ngày sau (tuỳ điều kiện nhiệt độ) trứng ba ba sẽ
nở thành con. Dù không phải ấp trứng, nhưng sau khi đẻ trứng (vào ban đêm) và
vùi trứng xuống cát, theo bản năng, hàng ngày ba ba (bố mẹ) vẫn lên bờ nằm hàng
giờ liền phơi nắng và bảo vệ bảo vệ ổ trứng. Dân gian quan sát thấy hiện tượng
này và cho rằng, ba ba “ngờ ngệch”, lên “ấp bóng” (ấp mà không có trứng) và đặt
nên thành ngữ “ba ba ấp bóng”, ám chỉ hành động việc làm ảo tưởng, tự huyễn
hoặc chính mình (không phải “làm một việc chẳng có ích lợi gì” như
GS. Nguyễn Lân giảng). Bởi vậy, không có lí do gì đem thành ngữ này ra để so
sánh với lời khuyên của người này,
đối với người khác (trong tình huống
người khác đã quyết tâm ra đi).
o “bãi tha ma • dt. Nơi có nhiều mồ mả ở giữa cánh đồng <> Nơi nào có nghĩa trang thì không còn bãi tha
ma”.
Trong thực tế không hề có quy luật “nơi nào có nghĩa trang thì không còn bãi tha
ma”, bởi người ta xây dựng khu nghĩa trang mới, nhưng bãi tha ma (cũ) vẫn
được giữ nguyên (ngay bên cạnh) là chuyện bình thường.
o “bất học diện tường • ng. (H. diện: mặt; tường: cái tường) Không có học như đứng trước
bức tường <> Tránh cái cảnh bất học
diện tường cho đồng bào”.
“Bất học diện tường” 不學面墻 có nghĩa: không
học thì chẳng khác nào người đứng trước bức tường (không học thì không biết
gì). Theo đó, ví dụ “Tránh cái cảnh bất
học diện tường cho đồng bào” của GS. Nguyễn Lân được hiểu với nghĩa rất trái
khoáy: “Tránh cảnh không học thì không
biết gì cho đồng bào” [Có nghĩa làm
sao để đồng bào không học mà vẫn biết!]. Trong khi, vận dụng đúng phải là: Người xưa có câu bất học diện tường, bởi vậy chúng ta phải tránh để đồng bào bị thất
học.
o “chiến tranh lạnh • dt. tình trạng căng
thẳng và thù địch dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước này với nước
khác <> Cuộc chiến tranh lạnh giữa
các nước đế quốc đi đến chỗ giành giật các nguyên liệu chiến lược”.
Làm
gì có “chiến tranh lạnh giữa các nước đế
quốc” (cùng phe phái) với nhau!
o “cờ bạc về sáng • ng. ý nói: Việc đã đến
lúc sắp tàn rồi <> Người ta đã mua
hết cái đẹp rồi, anh đến muộn thì cờ bạc về sáng còn ăn thua gì”.
“Cờ bạc về
sáng” có
nghĩa cờ bạc thua hay được phải đến chung cuộc, tàn cuộc mới biết (dị bản cờ bạc ăn thua về sáng). Theo đó, với
những hoạt động như chợ búa, mua bán, hội
họp…, khi đến muộn, đi muộn, không ai đem thành ngữ “cờ bạc về sáng” ra để vận dụng.
o “dùi đánh đục, đục đánh chạm • ng. Tác động đến người
này thì ảnh hưởng đến người kia <> Nó
trêu em anh ta, bị anh ta đánh, dùi đánh đục, đục đánh chạm mà!”.
Một
ví dụ không ăn nhập gì với câu tục ngữ, nội dung thông báo hoàn toàn phi logic.
Vì theo cách nói của tục ngữ: A [dùi] đánh B [đục]; khiến B [đục]
lại đánh C [chạm]; không phải A [dùi] đánh B [đục]; nhưng A (dùi) lại bị kẻ thứ
ba là C (chạm) đánh lại (để trả thù cho B)
như cách ví dụ của soạn giả.
o “đặc cán thuổng • trgt. Như Đặc cán mai (thtục) <> Kể gì đến anh chàng dốt đặc cán thuổng ấy”.
Sở dĩ người ta nói “dốt đặc cán mai”, vì cán mai
làm bằng gỗ (thế nên Từ điển Đào Văn Tập
còn thu thập dị bản “dốt đặc cán táu”). Còn cán
thuổng, cán cuốc, cán xẻng làm bằng thân tre, làm sao mà “đặc” hoàn toàn
được. Bởi vậy, không nên thu thập, giải thích và cho ví dụ về cách sử dụng một
dị bản thiếu chính xác là “đặc cán thuổng”.
o “đấm bùn sang ao • ng. Làm một việc vô ích <> Nó giàu rồi, cho nó thêm tiền chỉ là đấm bùn sang ao”.
Nếu đã giàu rồi, mà lại cho thêm tiền, thì là
việc làm không cần thiết, chứ không
phải là chuyện “đấm/đánh bùn sang ao” (việc làm luẩn quẩn, không có kết quả,
tác dụng, đâu lại hoàn đấy).
o “ném bùn sang ao” • ng. Làm một việc tốn công vô ích <> Nó rất chăm chỉ sao anh lại chê nó là ném bùn sang ao thôi”.
“Đấm bùn
sang ao”, hay “ném bùn sang ao”
là hai dị bản đồng nghĩa. Tuy nhiên, cả hai lần soạn giả lấy ví dụ về cách dùng
đều không chính xác. Theo đó, ví dụ về cách sử dụng “ném bùn sang ao” mâu thuẫn với nội dung lời giảng thành ngữ. “Chăm chỉ” hoàn toàn không có nghĩa làm
một việc không “tốn công vô ích”. Bởi
vậy, dù “nó rất chăm chỉ”, nhưng lại
chăm chỉ vào một việc “tốn công vô ích”,
thì “anh” vẫn có thể “chê nó là ném bùn sang ao” như thường.
o “đầu chày đít thớt • ng. Nói người trong một cơ quan bị sai phái, đã không có quyền
lợi gì, lại bị trách mắng <> Anh ấy
không có cương vị gì trong cơ quan, nhưng lại là đầu chày đít thớt”.
Thứ nhất, thành ngữ này không “nói người trong một cơ quan”, mà có thể
là người trong một làng, một xã, hay một tập thể nào đó; cũng không hàm ý
chuyện quyền lợi hay không.
Sau đây là cách giảng đúng của Từ điển Vietlex: “đầu chày đít thớt • [thgt] ví địa vị thấp kém
của người chỉ chuyên làm những việc người khác sai bảo, vất vả khó nhọc nhất: bọn
đầu chày đít thớt”; Từ điển Vũ Dung: “Đầu chày đít thớt. Địa vị của những người
chỉ chuyên làm những việc thừa hành vất vả khó nhọc; Người ở vào cái thế bị
trên ép xuống, dưới ép lên. Khổ thay cái kiếp làm tôi/Đầu chày đít thớt ngồi
xơi một mình (cd)”.
Thứ hai, do địa vị thấp kém,
nên kẻ “đầu chày đít thớt” mới bị sai
phái, thừa hành đủ mọi công việc vất vả khó nhọc. Thế nhưng, ví dụ “Anh ấy không có cương vị gì trong cơ quan,
nhưng lại là đầu chày đít thớt” của soạn giả lại có ý nói: đáng lẽ người “đầu chày đít thớt” phải là người có “cương vị” trong cơ quan, chứ không phải
“anh ấy” (một người “không có cương vị gì”). Nghĩa là soạn
giả đã sai khi dùng “nhưng” (trong cấu trúc A nhưng B), để
biểu thị ý điều B ngược lại với điều A; trong khi đúng ra phải là quan hệ
nguyên nhân và kết quả (vì A không có
cương vị gì nên A là đầu chày đít thớt)
mới đúng.
o “đường cày dt Từng đường lưỡi cày đã rạch: Chim khách nhảy theo đường cày để bắt giun”.
Loài chim hay nhảy theo luống cày bắt
giun dế, là chim sáo, không phải chim khách. Còn chim khách có hai loại, chim khách (Crypsirina temmia) và chim
khách đuôi cờ (Crypsirina temnura)
thuộc họ Quạ (Corvidae) chân ngắn, đuôi dài, không nhảy dưới đất mà hay đậu vắt
vẻo trên cành cao, vừa bay vừa bắt mồi, hoặc sà xuống bắt mồi rồi lại vút lên
cành cao. Bởi vậy, “Chim khách nhảy theo
đường cày để bắt giun” chỉ là một ví dụ cho xong chuyện của soạn giả, miễn
sao có hai chữ “đường cày” trong câu
là được.
o “đứt tay hay thuốc • ng. Nhiều khi phải thông qua kinh nghiệm có thể đau xót mới đi
đến thành công <> Cuộc kháng chiến
thần kì của dân tộc ta là một bài học đứt tay hay thuốc”.
Tục ngữ có câu “Nhà giàu đứt tay bằng ăn mày sổ ruột”. Theo đó, “đứt tay” hiểu theo cả nghĩa đen, nghĩa bóng đều chỉ những vết
thương, tai nạn nho nhỏ. Đem chuyện kinh nghiệm tích luỹ được sau những khó
khăn, vấp ngã (thường của một cá nhân nào đó), để ví với “cuộc kháng chiến thần kì của dân tộc ta” là gượng ép, vô tình tầm
thường hoá “cuộc kháng chiến thần kì”
ấy.
Chúng tôi sẽ tiếp tục trích dẫn nội dung bổ sung của bản in 2018 trong các bài giới thiệu sau.
HTC/9/2018
Tham khảo thêm về chủ đề: từ điển anh việt
Trả lờiXóa