Bụng đói cật rét Ảnh: ST |
Hoàng Tuấn Công
“Bụng đói” thì có lẽ khỏi
phải bàn, nhưng “cật” trong “cật rét” là gì? Vấn đề tưởng đơn giản, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều cách
hiểu rất khác nhau, kể cả nghĩa của “cật” trong các bản trái nghĩa “no cơm, ấm cật”, “ấm cật, no lòng”. Sau đây, xin tạm chia thành ba cách hiểu về “cật”:
1-“Cật” là phần lưng, thắt lưng (được ghi nhận
nhiều nhất):
- “Từ
điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Nhóm
Vũ Dung).: “Bụng đói cật rét (cật:
phần lưng chỗ ngang bụng) Ngđ: Đã đói lại rét. Ngb: Nghèo khổ thiếu thốn”.
-Nhóm Vũ Dung tái
khẳng định: “được
bụng no, còn lo cật ấm (cật: phần lưng ở chỗ ngang bụng). Phải lo toan có
đủ ăn đủ mặc”.
- “Từ
điển tiếng Việt” (Vietlex): “cật [cũ] phần lưng ở chỗ ngang bụng: (…)
“Đói thì đầu gối biết bò, No cơm ấm cật còn lo lắng gì.” (Cdao)”.
-“Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí tiến đức): “cật • Lưng
<> No thân ấm cật (…) Văn-liệu: Đói
trong không ai biết, rách ngoài cật nhiều kẻ hay (T-ng)”.
2-“Cật” là quả thận: “Từ điển thành ngữ-tục ngữ ca dao Việt Nam” (Việt Chương): “Bụng đói cật rét: “Cật là cơ quan có tác động làm cho bộ phận sinh lý hoạt động. Do đó khi
bụng đói thì người ta chỉ nghĩ đến cái ăn, chứ không còn ham muốn sinh thú gì
nữa. Nghĩa bóng: nghèo khổ thiếu thốn”.
3-“Cật” là “hai vai”
người ta. “1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm”
(Lê Gia) giảng: “Đây là chữ “cật”
có nghĩa ngang bằng. Ta gọi cái vai, phần ngang bằng trên thân thể, là “cái
cật” như “ấm cật no lòng” và “chung lưng đấu cật”. “Cật rét” là cái vai bị rét.
Khi ta mặc quần áo hay đắp chăn mền thì phải mặc, phải đắp trùm che hai vai thì
mới đủ ấm, nếu không thì dù mặc gì, đắp gì nữa cũng vẫn cảm thấy còn lạnh. Khi
tắm nếu ta xối nước lạnh vào vai trước tiên thì ta sẽ cảm thấy lạnh…”
Chúng tôi
cho rằng, các nhà biên soạn từ điển đều chưa hiểu đúng nghĩa chữ “cật” trong “bụng đói cật rét”, cũng như “cật” trong
“no cơm, ấm cật”. Theo đó, “cật” ở
đây có nghĩa là phần da thịt bên ngoài (không kể là lưng, hay vai), đối với
“bụng” (lục phủ ngũ tạng) bên trong. Đây chính là nghĩa của “cật” trong “lạt
cật” (lạt được chẻ ra từ phần ngoài cùng cây tre, nứa), “lạt bụng” (được chẻ ra
từ phần bên trong cây tre nứa).
Ăn giúp cho cái bụng được no; mặc giúp cho thân
mình được ấm. Dù cật có thiếu áo mặc, nhưng bụng được ăn no, thì sẽ đỡ rét hơn.
Ngược lại, nếu cật đã rét, mà bụng lại đói nữa, thì đã rét, lại càng thêm rét,
đã đói lại càng thêm đói. “Bụng đói, cật rét”, hay “no cơm, ấm cật” chính là
nói đến nhu cầu tối thiểu ăn và mặc. Ví dụ:
-“Đói
trong không ai biết, rách ngoài cật nhiều kẻ hay”. “Rách ngoài cật” ở đây không thể hiểu là “rách” ở phần “lưng chỗ ngang bụng”, hay ở “hai vai”, mà là rách quần áo che thân.
Theo đây, có thể loại bỏ luôn cách giải thích “cật” là quả thận, “cơ quan có tác động làm cho bộ phận sinh lý
hoạt động” (ham muốn “sinh thú”) của Việt Chương.
-“Được bụng no còn lo ấm cật”. “Lo ấm cật” ở đây, là lo cái mặc, cái che
ngoài thịt da (ngoài cật) của con người nói chung, chứ không riêng gì phần “lưng”, hoặc “phần lưng chỗ ngang bụng”, hay lo cho “quả thận” được ấm.
-“Xưa kia kén lấy con
dòng, Bây giờ ấm cật no lòng thì thôi”. “Ấm cật no lòng” chẳng
qua là cách diễn đạt khác của “No cơm ấm áo”. Mà “ấm áo” ở đây có nghĩa là quần
áo lành lặn, đầy đủ nói chung, chứ không riêng gì quần áo rét, hoặc chỉ che
phần “thắt lưng”, hay “hai vai”.
-“Ngoài cật có một manh
áo vải, nào đợi đeo bao tấu bầu ngòi.” (Nguyễn Đình Chiểu). “Ngoài cật”, ở đây cũng có nghĩa là thân mình chỉ có “một manh áo vải”, không được trang bị
giáp trụ, vũ khí gì đáng kể.
Để làm rõ thêm nghĩa của “cật”, xin trích dẫn một số ngữ liệu:
-“Nhớ hồi
bé đi úp nơm, đến gần ngọ, bụng đói, cật
rét, bỗng mò bắt được con tôm càng, liền bóc vỏ ăn sống” (Trần Giang
Nam-baoquangninh.com.vn).
-“Em bé
đáng thương bụng đói cật rét vẫng
lang thang trên đường.” (“Cô bé bán diêm”- Hans Christian Andersen).
-“Bụng đói cật rét: Không những đói mà còn
rét, bụng càng đói thì lại càng rét.” (“Cái
đói không thể nào quên được của thời bao cấp”-Minh Tiệp-Đại Kỷ Nguyên).
-“Đời sống vốn thiếu thốn, quần áo không đủ, chăn mền hiếm
hoi, ăn uống ít, bụng đói cật rét,…”
(“Nhớ mùa đông xứ Bắc”-Xuân Quỳnh-Một
thế giới).
-Đại Nam Quấc âm tự vị: "cật: lưng; sấp cật: sấp lưng; ấm cật: bận ấm; đâu cật: hiệp sức, đâu lưng nối lấy nhau; tre cật: tre lưng, tre chắc, lấy ở phía gần vỏ nó, phía trong kêu là ruột tre; bề cật: bề lưng, bề ở gần vỏ (nói về về tre, mây, v.v...); mây cật: mây lưng, mây chắc ở phía gần vỏ nó; nang nghiêng, nan cật: nan chẻ có lưng có ruột kêu là nan nghiêng, lấy lưng không kêu là cật; Đói trong ruột không ai biết, rách ngoài cật nhiều kẻ hay: đừng cho người ta biết tâm sự mình"
-Đại Nam Quấc âm tự vị: "cật: lưng; sấp cật: sấp lưng; ấm cật: bận ấm; đâu cật: hiệp sức, đâu lưng nối lấy nhau; tre cật: tre lưng, tre chắc, lấy ở phía gần vỏ nó, phía trong kêu là ruột tre; bề cật: bề lưng, bề ở gần vỏ (nói về về tre, mây, v.v...); mây cật: mây lưng, mây chắc ở phía gần vỏ nó; nang nghiêng, nan cật: nan chẻ có lưng có ruột kêu là nan nghiêng, lấy lưng không kêu là cật; Đói trong ruột không ai biết, rách ngoài cật nhiều kẻ hay: đừng cho người ta biết tâm sự mình"
Như vậy, “cật” trong “bụng đói cật rét” được hiểu là da thịt,
thân mình. “Bụng đói, cật rét” có nghĩa cùng lúc người ta phải
chịu đựng cả đói và rét; đã đói, lại rét; bên trong thì đói, bên ngoài thì rét.
Thế nên, thành
ngữ Hán cũng có câu đồng nghĩa “Cơ hàn giao bách” 飢寒交迫 (cùng lúc phải chịu đựng cả cái đói và
cái rét rất khốn khổ).
Cũng cần nói thêm rằng, “bụng đói cật rét” thường
được dùng để chỉ tình thế, cảnh ngộ đói rét cụ
thể, nhất thời nào đó, chứ không phải chỉ nói hoàn cảnh “nghèo khổ, thiếu
thốn” (về kinh tế) nói chung, như cách giải thích của nhiều nhà biên soạn từ
điển.
HTC/9/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét