HOÀNG TUẤN CÔNG
Trong số 95 trang bổ sung cho tái bản lần thứ nhất của sách “Từ
điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân-Phê bình và khảo cứu”, nhiều nội dung nằm rải
rác trong các phần của cuốn sách. Ví dụ một số mục từ thuộc tiểu mục “3. Từ
ngữ chỉ màu sắc, dáng vẻ.”:
o “đỏ gay tt Nói mặt đỏ lên vì uống rượu: Mới uống có một cốc mà mặt đã đỏ gay; Trời
say mặt cũng đỏ gay, ai cười? (Tản-đà)”.
Không
phải chỉ “đỏ lên vì uống rượu” mới được
gọi là “đỏ gay”. Vậy “Ông ấy tức
giận, mặt đỏ gay”, “Thằng bé đi chơi nắng về, mặt đỏ gay” thì sao? Nên hiểu
nghĩa rộng và khái quát như Từ điển
Vietlex: “đỏ gay• t. đỏ khắp mặt
mũi, do uống rượu, nóng nực hoặc do tức giận điều gì: mặt đỏ gay vì rượu
~ “Mặt Bịch đột nhiên đỏ gay lên. Hai tai hắn trông như hai cục tiết”
(Nam Cao)”.
o “đỏ hỏn • tt. Nói trẻ mới lọt lòng,
toàn thân còn đỏ <> Người bố vui
mừng đỡ đứa con đỏ hỏn”.
Thực ra, “đỏ
hỏn” là đỏ với vẻ non nớt của da
thịt, hình hài trẻ sơ sinh, không nên giới hạn nghĩa của “đỏ hỏn” là “nói trẻ mới lọt lòng”. Ví như người ta hoàn toàn có thể nói “ổ chuột
con hãy còn đỏ hỏn”, hay “những chú lợn con đỏ hỏn”.
Vậy, ít nhất cũng nên giảng như Từ điển Vietlex: “đỏ hỏn • t. đỏ như
màu da của trẻ mới đẻ: đứa bé mới đẻ đỏ hỏn ~ “Cái cối thuốc giữa cụm
râu rậm che kín miệng lão vẫn đỏ hỏn như mọi đêm, nhả khói ra sau” (Anh
Đức)”.
o “đỏ mọng • tt. Đỏ mơn mởn
<> Cặp môi đỏ mọng của anh đẹp như
hai múi quít (Ng-hồng)”.
o “đỏ mơn mởn tt • tt. Đỏ rất tươi
<> Quả gấc đỏ mơn mởn”.
Cách
giải nghĩa hai mục từ này của soạn giả đều không ổn.
“Đỏ mọng” là
màu đỏ của quả chín mọng như có nước sau lớp vỏ mỏng. Trong khi “mơn mởn” thường gắn với vẻ non tơ, căng
tràn sức sống (đang còn sức lớn), thường gắn với “xanh mơn mởn”, “non mơn mởn”.
Nếu miêu tả “đỏ mơn mởn”, là nói về
chồi, lá non của loài cây mà khi ra lá mới thì có màu đỏ tươi non (như lá non của cây bằng lăng chẳng hạn). Theo đó, “đỏ
mơn mởn” phải được hiểu là đỏ với vẻ non tơ, đầy sức sống, chứ không phải là “đỏ rất tươi”. Về quả, người ta cũng chỉ
dùng “mơn mởn” để ví với quả non tơ, hãy
còn sức lớn, chứ không ví “mơn mởn”
với quả đã chín. Quả gấc chín thì gọi là đỏ
ối, đỏ lựng, đỏ ửng, chứ không phải “quả
gấc đỏ mơn mởn”.
“đỏ như mắt cá chày • ng. Rất đỏ
<> Lúc đó cặp mắt của ông ta đỏ như
mắt cá chày”.
Thực ra thành ngữ này dùng để chỉ màu đỏ ngầu của đôi mắt
khi tức giận, hoặc do khóc nhiều, chứ không chỉ màu “rất đỏ” nói chung. Thế nên, dù quả cà chua chín “rất đỏ” nhưng không ai ví với màu đỏ của
mắt cá chày; chiếc áo “rất đỏ”, nhưng
không ai ví áo đỏ “như mắt cá chày”.
o “đỏ hồng hồng tt Nói má đỏ đẹp: Những người má đỏ hồng hồng, răng đen nhưng
nhức thì chồng chẳng yêu (cd)”.
Người
ta hay dùng “đỏ hồng hồng” để miêu tả
đôi má cô gái đẹp: “Hỡi cô má đỏ
hồng-hồng. Dừng đây tôi hỏi có chồng hay chưa (Cd); Ai xui má đỏ hồng-hồng, Để anh nhác thấy đem lòng thương yêu (CD).
Nhưng, “hồng hồng”, hay “đỏ hồng hồng”
còn chỉ chung sắc màu hơi đỏ, đỏ phớt hồng, hoặc hồng phớt đỏ, chứ không dành
riêng để chỉ “má đỏ đẹp”. Thế
nên (tương truyền), Đoàn Thị Điểm mới đưa ra vế thách đối Trạng Quỳnh: “Thằng
Quỳnh ngồi trên cây cậy, dái đỏ hồng hồng”
là vậy!”.
HTC/9/2018
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét