Bài "Trường ca hành" của Lý Bí Ảnh: ST |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Trong bài “Nên xem ‘che chở’ là từ láy hay từ ghép”
(nguvanthcs.wordpreess.com), ThS. Lê
Bá Miên, Khoa Ngữ văn - ĐHSP 2 - Xuân Hòa - Mê Linh - Vĩnh Phúc cho rằng: “chở” chẳng
qua chỉ là sự biến dạng của “che”. Tác
giả cho biết:
“Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số 9 (123) tháng 9/2006 có bài trả lời
của nhà giáo Đình Cao cho câu hỏi của em Vũ Ánh Dương về việc xác định kiểu cấu
tạo của từ che chở. Sau khi phân tích, câu trả lời đi đến khẳng
định: “Vậy có thể kết luận che chở là từ ghép đẳng lập, như đáp án A mà
Phòng Giáo dục chọn, chứ không phải từ láy bộ phận như đáp án D mà bạn Ánh
Dương chọn. Tuy nhiên, ta cũng không thể bác bỏ ý kiến thứ ba rằng che chở là hình
thức trung gian giữa tự ghép đẳng lập và từ láy đôi…”.
ThS. Lê Bá Miên
cho rằng cách giải thích của Nhà giáo Đình Cao không đúng: “Xét về ý nghĩa của các tiếng, “che” có nghĩa “làm cho người
ta không còn nhìn thấy được bằng cách dùng một vật ngăn hoặc phủ lên” (Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học,
2000) còn “chở” không có nghĩa. Vì theo cơ chế láy, “chở” chẳng qua chỉ là sự
biến dạng của “che” do tác động của phương thức láy như đã nói ở trên. Còn như
cho rằng “chở” cũng có nghĩa thì đó là nghĩa gì, chứ nghĩa ấy không giống với
“chở” trong từ chuyên chở”.
Quả thật,
không riêng ThS. Lê Bá Miên. “Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện ngôn ngữ -
Hoàng Văn Hành chủ biên) đã thu thập và giải thích: “CHE CHỞ đgt. Che chở
để bảo vệ chống lại sự xâm phạm từ phía khác tới. “Chỉ hiềm có lớp mái hiên quá hẹp, nó không đủ sức che chở mưa nắng, cho
khỏi làm lạt màu vàng son.” (Ngô Tất Tố).
Tuy nhiên, chúng tôi lại cho rằng Nhà giáo Đình Cao đã
đúng. “Che chở” là từ ghép đẳng lập: “che” nghĩa là che chắn, làm cho không bị xâm hại; làm cho lấp đi… (như che mưa; che nắng; che đậy; “Gió chiều nào
che chiều ấy”; Màn thưa che mắt thánh…); “chở” nghĩa là chuyên chở; vận tải, chở đi bằng phương
tiện xe cộ, thuyền bè…, nghĩa bóng là nâng
đỡ, giúp sức, ví như thành ngữ “Trời
che đất chở”.
Nguyên trong “Lễ Ký - Trung Dung” có câu “Thiên chi sở phú, địa chi sở tái - 天之所覆, 地之所載”. Về sau, câu này được sử dụng như một thành ngữ dân
gian và diễn đạt ngắn gọn
thành “Thiên phú
địa tái - 天覆地載” (Trời che đất chở).
“Thiên phú địa
tái” 天覆地載 được Hán điển giảng hai nghĩa: “① trời cao che vạn vật; đất rộng chở muôn loài. Chỉ trời đất rộng lớn,
không gì không che chở; ② ví với ân trạch rộng
lớn, ca tụng đức chính của đế vương.” [天覆地載: 1.上天覆蓋著萬物,大地承載著一切. 指天地廣大, 無所不包; 2. 比喻恩澤廣布,用來頌揚帝王德政 - Thiên phú địa tái: ① thượng thiên phú cái trước vạn vật,
đại địa thừa tái trứ nhất thiết. Chỉ thiên địa quảng đại, vô sở bất bao. ② tỉ dụ ân trạch quảng bố, dụng lai
tụng dương đế vương đức chính]”. Hán ngữ đại từ điển có cách giảng tương
tự.
Bài “Trường ca hành” 長歌行 của Lý Bí 李 泌 (722-789) đời Đường có câu: “Thiên phú ngô, địa tái ngô/Thiên địa sinh
ngô hữu ý vô” 天覆吾, 地載吾/天地生吾有意無 (Trời che ta, đất
chở ta/Trời đất sinh ta hữu ý chăng?). Sau này, bài “Nợ công danh” của Nguyễn Công Trứ (1778-1858) cũng có câu: Thiên phú ngô, địa tái ngô/Thiên địa sinh ngô
nguyên hữu ý - 天覆吳地載吳/天地生吳原有意 (Trời
che ta, đất chở ta/Trời đất sinh ta nguyên hữu ý).
Mục “chở”, Đại
Nam quấc âm tự vị chỉ giảng nghĩa
đen: “chất để lên, vận đem đi (thường
hiểu về ghe, xe)”, nhưng có ghi nhận:“chở
che hoặc che chở: phò trì ủng hộ”;
mục “che” giảng: “bao phủ làm cho khuất”, và ghi nhận “che chở: binh vực, ủng hộ; Trời che đất chở: Công ơn Đứng tạo hoá”. Trong Truyện Kiều
có câu “Chở che đùm bọc thiếu chi, Trăm năm danh
tiết cũng vì đêm nay!”.
Các cuốn từ điển
tiếng Việt chúng tôi có trong tay, duy chỉ “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân) thu thập nghĩa bóng của
“chở” như sau: “chở • đgt. ủng
hộ; Bênh vực (ít dùng) <> Trời che,
đất chở (tng)”. Soạn giả cũng dành
riêng một mục cho “Trời che đất chở”,
và giải thích: “trời che đất chở •
ng. ý nói: Việc mình làm tốt thì chẳng sợ thất vọng đâu <> Anh cứ thẳng thắn làm việc, trời che đất chở
có ngại gì”. Tiếc rằng, cách giải
thích này không chính xác.
“Che chở” đồng
nghĩa với chở che; cùng cấu trúc đẳng
lập và gần nghĩa với “che chắn” (chắn = ngăn lại, không cho xâm lấn, như “Chắn trước rào sau”; Che chắn, giấu giếm
khuyết điểm cho nhau).
Như vậy, “che chở”
là từ ghép đẳng lập, trong đó cả hai thành tố “che” và “chở” đều có nghĩa từ vựng
rõ ràng, có thể đứng độc lập và hoàn toàn đảm bảo nguyên tắc đồng đại.
HTC/12/2019
Bạn có bao giờ nghĩ có khi nào lại là "che trở” không nhỉ? Ở vùng nông thôn khi phơi nông sản như lúa, ngô, rơm rạ... Để nhanh khô họ phải "trở" thứ đang phơi liên tục. Vì vậy có khi nào "che trở" lại là "mưa che nắng trở" không?. Còn "trời đất che chở” là đúng rồi mì vạn vật đều "đầu đội trời, chân đạp đất" mà.
Trả lờiXóa