HOÀNG DŨNG
(Lưu Bài gốc trên Báo Phụ Nữ TPHCM)
PNO: 2000 cuốn thuần học thuật với giá không hề rẻ mà chỉ trong vòng một tuần bán hết veo và nhà xuất bản phải tính đến chuyện tái bản. Đấy là một sự kiện chưa từng có.
Hai người cách nhau 64 tuổi. Một được đào tạo về dân tộc học, làm công tác khuyến nông ở một tỉnh lẻ, gần như vô danh trong chuyên ngành từ điển, nghiên cứu là chuyện tay trái, sau khi hoàn thành công việc tại cơ quan. Một dạy đại học, nổi danh trong giới nghiên cứu, với danh hiệu Nhà giáo nhân dân, giải thưởng Nhà nước về khoa học và công nghệ, suốt đời cặm cụi làm từ điển, là tác giả và đồng tác giả của gần 10 cuốn từ điển.
2000 cuốn thuần học
thuật với giá không hề rẻ mà chỉ trong vòng một tuần bán hết veo và nhà xuất
bản phải tính đến chuyện tái bản. Đấy là một sự kiện chưa từng có. Người ta háo
hức tìm đọc cuốn Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân – Phê bình và
khảo cứu, một trong những lý do có lẽ là sự “bất đối xứng” khổng lồ giữa
hai tác giả. Hơn nữa, trong sinh hoạt học thuật ở nước ta, lần đầu
tiên mới có một công trình dày dặn, tới gần 600 trang, do một người viết phê
phán một người. Ngày xưa, Ngô Tất Tố có cho xuất bản Phê bình Nho giáo
của Trần Trọng Kim (Hà Nội: Mai Lĩnh, 1940), nhưng tuổi tác và vị trí
học thuật giữa Ngô Tất Tố và Trần Trọng Kim không chênh lệch nhau đến thế và
cuốn sách của Ngô Tất Tố cũng tương đối mỏng, chỉ 74 trang.
Nhưng công trình của Hoàng Tuấn Công sẽ nhanh chóng là một xì-căng-đan học thuật nếu nó không có một giá trị khoa học vững chắc. Đọc Hoàng Tuấn Công, phải thừa nhận tác giả có một cách làm việc minh bạch, khoa học: mỗi luận điểm đều được biện giải, dẫn chứng nguồn tư liệu của chính tác giả hay của các công trình đi trước; độc giả hoàn toàn có thể tự kiểm tra.
Những ai từng đọc các giai thoại về “Vua
chính tả” Nguyễn Lân sẽ sửng sốt khi thấy chỉ trong cuốn sách mỏng (chỉ hơn 100
trang) Muốn đúng chính tả, mà Hoàng Tuấn Công trưng ra được đến 22
lỗi, trong đó có những lỗi khó tưởng tượng được ở một học giả chuyên về từ
điển, như quyến dũ, xàm xỡ, trạnh lòng, sun
soe, (ngã) xóng xoài, xặc sỡ, dây trun,
…
Mà đâu chỉ là chính tả. Làm từ điển tiếng
Việt, thì tiếng Việt của tác giả phải ở mức điêu luyện và uyên bác. Đằng này,
Hoàng Tuấn Công đưa ra những bằng chứng cho thấy tiếng Việt của cụ Nguyễn Lân
quả có vấn đề. Vài ví dụ: (1) Nguyễn Lân: “phá lên cười đgt Nói
đám đông đồng thời cười rộ lên: Cả nhà phá lên cười (NgTuân)”.
Hoàng Tuấn Công: “Đó chỉ là nghĩa của “phá lên cười” trong câu văn của
Nguyễn Tuân. Một người bất ngờ bật lên tiếng cười to, sảng khoái vẫn có thể gọi
là “phá lên cười”, hoặc cười phá lên, không dứt khoát phải
là “đám đông đồng thời cười rộ””. (2) Nguyễn Lân: “thổn thức đgt Khóc
nức nở: Cô thổn thức, cố nén tiếng khóc (NgĐThi)”.
Hoàng Tuấn Công: “Đã “khóc nức nở” làm sao còn gọi là “thổn thức”?
Thực ra, cách hiểu từ “thổn thức” đã nằm ngay trong câu văn của Nguyễn
Đình Thi mà GS Nguyễn Lân lấy làm ví dụ: “Cô thổn thức, cố nén
tiếng khóc””. Bao nhiêu lỗi loại này? Hơn 70!
Làm từ điển, nhất thiết
phải có một vốn tri thức nhất định về ngôn ngữ học. Hoàng Tuấn Công dành 14
trang để chứng minh cụ Nguyễn Lân không phân biệt được cụm từ, danh
ngữ, thuật ngữ, quán ngữ với thành ngữ; tục
ngữ với ca dao; thành ngữ, tục ngữ với
câu đố; từ và cụm từ tự do. Điều này
sẽ làm nhiều người ngạc nhiên nếu nhớ rằng ngay từ 1956, cụ đã là tác giả bộ
sách Ngữ pháp Việt Nam từ lớp 1 đến lớp 7.
Làm từ điển tiếng Việt
mà không có vốn tiếng Hán, thì đó là chuyện liều lĩnh. Hoàng Tuấn Công dành hẳn
phần II với hơn 50 trang để phê phán hơn 100 lỗi
loại này trong cuốn Từ điển từ và ngữ Hán Việt. Đó là chưa kể những
lỗi ở cuốn này lặp lại ở cuốn Từ điển từ và ngữ Việt Nam mà
Hoàng Tuấn Công cũng phải dành hẳn phần III với hơn 200 trang để
phê phán trên 500 lỗi!
Làm từ điển đòi hỏi phải
có kiến thức bách khoa, chứ không chỉ những hiểu biết liên quan đến ngôn ngữ.
Hoàng Tuấn Công khẳng định qua rất nhiều dẫn chứng cụ Nguyễn Lân thiếu hụt kiến
văn. Như khi cụ cho rằng rắn hổ mang là “loài rắn độc, đầu hình tam giác, hàm
dưới bạnh ra như hai cái mang”, thì Hoàng Tuấn Công đính chính: “Có vẻ
như soạn giả chưa bao giờ nhìn thấy con rắn hổ mang, cũng chưa tìm hiểu qua tài
liệu sách vở xem hình thù nó ra sao: 1. Đầu rắn hổ mang
rộng, hơi dẹp, không phân biệt rõ so với cổ, mõm tròn, chứ
không phải “hình tam giác”. 2. Phần “bạnh ra” của hổ
mang là cổ chứ không phải “hàm dưới””.
Hoặc khi cụ giảng vịt già gà to là “Ý nói: vịt có già, gà có
to thì thịt mới ngon”, thì Hoàng Tuấn Công phản biện: “Chép sai câu tục ngữ rồi
giảng sai luôn nghĩa. Hình thức đúng của câu này là “Vịt già, gà
tơ”, nghĩa là vịt phải già tháng nuôi một chút; gà phải là gà tơ, nhảy ổ đẻ
mới ngon”.
Và sau hết, hay trước
hết, làm từ điển phải có một phương pháp khoa học. Hoàng Tuấn Công cho thấy cụ
Nguyễn Lân thiếu hẳn một cách làm như vậy: sách của cụ không hề ghi thư mục
tham khảo, hay bất cứ tài liệu, sách báo tra cứu, tham khảo nào; và trên thực
tế, rất nhiều lỗi hoàn toàn có thể tránh được nếu cụ cẩn thận tra cứu, chứ
không phải suy diễn, phỏng đoán. Mặt khác, có rất nhiều khi cụ lấy từ điển làm
nơi để giảng giải quan điểm giai cấp hoặc chính trị, mà quên đi nhiệm vụ của
người làm từ điển là giải thích một cách khách quan, đúng như nó được dùng
trong thực tế.
Đọc những dòng tự tin
chắc nịch “Sai”, “Không đúng”, “Không chính xác”, “Giảng sai”, “Sai hoàn toàn”,
“Nhầm”, “Nhầm lẫn”, … người ta thấy thú vị vì cách viết không kiêng nể của một
người trẻ đối với một lão trượng. Xấc láo chăng? Năm 1928, ông tú Phan Khôi 41
tuổi, trẻ hơn Hoàng Tuấn Công bây giờ, viết bài bút chiến trên Đông
Pháp thời báo với một tên tuổi như Mính Viên Huỳnh Thúc Kháng, tiến
sĩ, nhà cách mạng đi tù Côn Đảo 13 năm, đương kim Viện trưởng Viện Dân biểu
Trung Kỳ. Cụ Huỳnh nhanh chóng trả lời, nói thẳng tâm phục lời chỉ trích của
Phan Khôi! Lẽ nào chúng ta còn thua cách ứng xử cách đây gần một thế kỷ?
Có người vin vào tuổi
tác của cụ Nguyễn Lân (Từ điển từ và ngữ Việt Nam viết năm 90 tuổi
và hoàn thành năm 95 tuổi) để xác quyết những ý kiến phê phán công trình của cụ
là “thật nhẫn tâm với một người suốt đời chăm lo cho sự trong sáng của tiếng
Việt”. Đó là là cách nói ngụy biện, đánh vào lòng thương (argumentum ad
misericordiam), thay vì trả lời thẳng vào vấn đề. Chưa kể thực ra, không
phải đến Từ điển từ và ngữ Việt Nam năm 2000 mới có lỗi, mà dễ
dàng chứng minh những sai sót của cụ ngay từ cuốn đầu tiên Muốn đúng
chính tả, xuất bản năm 1949, lúc cụ 43 tuổi, xuyên suốt cho đến cuốn cuối
cùng. Nói như An Chi, “Học giả hoặc nhà văn, dù đã quá cố, vẫn phải vĩnh viễn
chịu trách nhiệm về những gì họ đã viết” (“Về thái độ của ông Vũ Đức Phúc trong
tranh luận học thuật”, Kiến thức ngày nay, số 318, 10/6/1999).
Tuy không phải là người
đầu tiên viết về những sai sót trong từ điển của cụ Nguyễn Lân, nhưng Hoàng
Tuấn Công có lẽ sẽ là người cuối cùng căn bản khép lại vấn đề đã kéo dài hàng
chục năm qua với nhiều tranh cãi. Nhìn theo một chiều hướng khác, cuốn sách
vượt ra ngoài khuôn khổ cuộc tranh luận với một cá nhân. Nói như tác giả, “nội
dung sách thực chất là những Phê bình và khảo cứu về việc giải nghĩa tiếng
Việt”. Đó là một đóng góp lớn cho khoa Từ điển học của nước ta.
Hiện tượng
Hoàng Tuấn Công là điều đáng mừng cho học thuật nước nhà. Và nhà xuất bản Hội
Nhà văn cho in cuốn sách, là đã vượt qua cái cấm kỵ vô hình, đem đến một làn
gió mới cho ngành xuất bản và giới nghiên cứu. Nó cho thấy mọi tượng đài đều
phải chịu thử thách của lý trí và mọi vinh danh trong hiện tại không có gì đảm
bảo bền vững trong tương lai.
Cuốn sách
của Hoàng Tuấn Công đặt một câu hỏi nghiêm túc về cơ chế quản lý khoa học hiện
hành: Làm thế nào mà những công trình đầy rẫy sai sót như vậy lại có thể vượt
qua lớp lớp kiểm định để nghiễm nhiên được trao Giải thưởng Nhà nước?
Hoàng Tuấn Công sinh năm
1970, con trai nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ. Quê quán: Quảng Hoà, Quảng Xương,
Thanh Hoá. Tốt nghiệp đại học 1992. Năm 1994 làm hợp đồng cho Trung tâm Khuyến
Lâm Thanh Hoá, phụ trách công tác thông tin tuyên truyền (năm 1995, nhập ba
trung tâm Khuyến Lâm, Khuyến Nông, Khuyến Ngư làm một, thành Trung tâm Khuyến
Nông Thanh Hoá hiện nay).
Công việc hàng ngày,
hàng tuần là trực tiếp xuống với nông dân, ra ngoài ruộng đồng, đến với những
trang trại chăn nuôi trồng trọt, để thực hiện những phóng sự truyền hình về các
mô hình sản xuất, những thước phim kỹ thuật nông lâm ngư nghiệp để hướng dẫn,
khuyến cáo nông dân sản xuất, trồng trọt, phòng trừ dịch bệnh… theo từng mùa
vụ.
Mỗi tháng, thực hiện sáu
chuyên mục “Khuyến nông” trên Đài PTTH Thanh Hoá, mỗi chuyên mục 10 phút; bốn
chuyên mục Phát thanh, mỗi chuyên mục 10 phút. Phụ trách tờ tập san Nông nghiệp
nông thôn Thanh Hoá (1 quý/số). Ngoài ra, chuyên viết cho chuyên mục “Nhà nông
cần biết” của báo Thanh Hoá, mỗi tháng hai kỳ.
Hoàng Dũng
Bài này cho thấy Viện Hàn lâm Việt Nam chứa toàn những người khiếm thị và khiếm thính
Trả lờiXóa