30 thg 3, 2019

CHIỀU NHƯ CHIỀU VONG

Cô gái được cho là bị "vong nhập" ở chùa Ba Vàng
(Ảnh cắt từ clip)
HOÀNG TUẤN CÔNG

Tìm kiếm trên Google, người ta bắt gặp nhiều tít bài vận dụng câu thành ngữ như: “Muốn chồng ‘chiều như chiều vong’ phụ nữ hãy làm điều này mỗi tối” (phunutoday); “Chuyện ngược đời: Chủ nhà chiều osin như “chiều vong” (giaoduc.net.vn); “Chiều Nhân viên như chiều vong mà cũng không xong”… Điển hình, bài “Mang thai hộ: Chiều như chiều vong” (antg.cand.vn) có đoạn:

Ngoài việc tốn kém, nhiều cặp vợ chồng còn phải chịu đựng tính khí bất thường của người mang thai hộ, thậm chí "chiều như chiều vong” (…) Tới hồi thai được 2 tháng, cô ta yêu cầu tôi phải gắn máy lạnh vì nóng quá, quạt máy càng thêm nóng, không ngủ được”. Chưa hết, tới tháng thứ 3, cô ta đòi đi Đà Lạt 2 tuần để dưỡng thai cho khỏe. K. cười như mếu: “Nó dọa tôi là nếu không lo cho sức khỏe của nó, nó sẽ trục thai ra, chẳng cần tiền công nữa". Qua sông phải lụy đò, vợ anh K. đành sắp xếp công việc, đưa "thai nhân" lên Đà Lạt 2 tuần”.
          Vậy, vì sao dân gian lại ví “Chiều như chiều vong”?
-Từ điển tiếng Việt (Vietlex) giải thích: chiều như chiều vong • [kng] chiều hết sức, kể cả trong những việc nhỏ nhặt hoặc vô lí: chiều như chiều vong mà nó vẫn không bằng lòng”.
-Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên): chiều như chiều vong • Chiều chuộng quá”.
-Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS Nguyễn Lân): chiều như chiều vong • ng. (vong là hồn người chết). Hết sức chiều chuộng một người khó tính <> Được chiều như chiều vong mà vẫn không muốn ở”.
-Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung): chiều như chiều vong (vong: hồn người chết, theo mê tín). Chiều chuộng, cung kính hết mức”.
-Thành ngữ tiếng Việt (Hoàng Văn Hành): “Chiều như chiều vong: (vong: hồn người chết [quan niệm cũ]). Nuông chiều quá mức. “Bà cụ chiều cậu như chiều vong, việc gì mà sợ!” (Nguyễn Công Hoan, “Truyện ngắn chọn lọc”).
          -“Từ điển thành ngữ, tục ngữ ca dao Việt Nam (Việt Chương) giải thích cụ thể: “Chiều như chiều vong (thành ngữ) Vong: hồn người chết. Khi làm ma, làm chay cho người chết, người ta thường thực thi những nghi lễ rất đầy đủ, không thiếu sót một khoản nào. Một phần do thầy cúng bầy vẽ ra, một phần tang chủ quá thương người đã khuất nên dù có tốn kém cũng không ngại, một phần nữa nếu cúng kiến sơ sài quá sợ bị thiên hạ nói ra nói vào…
Nghĩa bóng câu này nói đến sự chiều chuộng một người nào đó trong nhà đến mức quá đáng, muốn gì  được nấy”.
Qua sáu cuốn từ điển, chúng ta đã biết được nghĩa bóng và cách dùng thành ngữ. Tuy nhiên, về nghĩa đen, “vong” ở đây không phải “hồn người chết” nói chung, mà phải hiểu cụ thể là “hồn người chết” nhập vào người sống theo nghi thức gọi hồn.  
Quan niệm từ cổ xưa cho rằng, con người ta có hồn và phách. Khi chết, phách bị tiêu tan cùng thể xác, nhưng còn hồn thì “lìa khỏi xác”, phiêu du vô định, “đi mây về gió” ở thế giới bên kia. Tuy nhiên, kể từ đây, giữa người chết và người sống vĩnh viễn chia lìa, “âm dương cách biệt”. Bởi vậy, được “giao tiếp”, “gặp lại” vong hồn người thân từ thế giới bên kia, hỏi điều này, chuộc lỗi điều kia… luôn là nỗi khát khao của người sống.
Khi lìa khỏi xác, “vong hồn” vẫn có khả năng nhận biết tất cả, nhưng không còn các giác quan mắt, mũi, chân, tay... làm chỗ dựa. Muốn nói năng, “vong hồn” phải tạm thời nương nhờ vào thể xác người sống. Ấy chính là phép “gọi hồn” mà trong “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính đã ghi chép:
Cô hồn là người lấy nghề gọi hồn cho người ta mà kiếm ăn. Cô hồn phụng thờ ông Chiều bà Dí, không rõ điển tích thần ấy thế nào, nhưng chắc là thần hay đi chiêu âm hồn.
Cô hồn cầm cơi trầu khấn khứa ông Chiều bà Dí để nhờ thần xuống âm phủ tìm âm hồn người mất về. Một lát âm hồn về nhập vào cô hồn kể lể khóc lóc, nói những tình cảnh biệt ly. Người nhà xúm xít vào hỏi, hỏi đâu nói đấy, nào ai là cha mẹ, nào ai là vợ là chồng, ai là anh em chú bác, con cái cháu chắt; lúc mất đem những gì, bởi sao mà mất, mất về ngày tháng nào, bây giờ ở dưới âm phủ làm gì, hễ nói câu gì trúng thì người nhà thưởng tiền cho cô hồn, mà nói sai thì trút tiền lại”.
Trong thực tế, không chỉ có “cô hồn” (người làm nghề gọi hồn), như Phan Kế Bính viết, mà còn có cả người nhà (hoặc bất cứ ai đó), đều có thể trở thành người được vong “mượn” thể xác để giao tiếp, nói năng với người sống, thông qua phép thuật của thầy phù thuỷ.
Trường hợp ông bà, cha mẹ sống hết tuổi trời, “mồ yên mả đẹp” thì không sao, nhưng với những người chẳng may chết oan, chết trẻ, tai nạn, bệnh tật, thậm chí chết mất xác…luôn để lại cho người sống nỗi ám ảnh, xót thương khôn cùng. Rồi chuyện “âm trạch” bất yên, “động mồ động mả”, …mà “người trần mắt thịt” không biết ý tứ ra sao mà tránh.
Một buổi gọi hồn diễn ra nhanh chậm, thành công hay thất bại tuỳ thuộc vào thời gian “vong nhập”, hoặc vong có “nhập” hay không. Không khí đậm đặc màn sương huyền hoặc của buổi gọi hồn khiến người ta vừa xót thương vừa sợ hãi khi chứng kiến giây phút “người chết sống lại”.
Có khi vong hiện lên đấm ngực nghẹn ngào, khóc than, trách móc, kể lể về nỗi đói khát, lạnh lẽo dưới cõi âm; có khi vong (đời thường chỉ là đứa trẻ con) nhảy tót lên bàn thờ ngạo nghễ, xưng là “tổ bà”, “tổ cô”, hay người này người kia… rồi chỉ tay quát mắng, sai bảo, đòi thứ nọ thứ kia rất hỗn phép, bình thường khó có thể chấp nhận. Nhưng bởi kêu cầu, nài nỉ, “Giỗ như giỗ vong” suốt cả buổi, vong mới “nhập”, trong khi gia đình lại đang gặp vận đen, hoặc ốm đau chết chóc, tâm trạng vô cùng bối rối, hoang mang, nên vong đòi gì, quát nạt ra sao cũng phải một lòng cung kính, sợ sệt, chiều theo răm rắp…Một cử chỉ, một lời không khéo cũng có thể khiến “vong thăng”, mà chưa kịp hỏi gì thêm.
Nếu vong đòi uống rượu, uống chè, đòi miếng trầu, điều thuốc...thời phải mau mau có ngay. Có vong đòi lập riêng bàn thờ, bát hương, hoặc ngang ngược đòi “ngồi” ngang hàng với bậc bề trên, thì dù khó khăn hay vướng mắc điều gì, cũng phải cố gắng đáp ứng, chiều theo; bằng không cũng sợ sệt trình bày, vái lạy xin xỏ, để vong bớt giận, bởi hồn có “mát mẻ”, thì gia đình mới mong được hưởng “âm phù”, tai qua nạn khỏi.
Xuất phát từ tâm lý “Chiều như chiều vong”, mà xưa kia “gọi hồn” có khi trở thành nghề ăn nên làm ra, đúng như Phan Kế Bính đã nhận xét: “Cô hồn nào nói hay, mỗi đám cũng kiếm được một vài đồng bạc; mà tiếng hay đồn đi, hết nhà này đón rước lại đến nhà khác, kiếm tiền cũng tốt lắm”.
Trong bài này chúng tôi chỉ đề cập đến vấn đề dưới góc độ ngôn ngữ. Tuy nhiên, cũng nên nói thêm, ngay từ hồi đầu thế kỷ 20, Phan Kế Bính đã cho biết: “Có người thử thách, gọi hồn người sống cũng lên, cũng nói được việc cửa việc nhà, cho nên tục lại cho là ông Chiều bà Dí tra hỏi Táo quân mà nói”.
Phan Kế Bính cũng đặt dấu hỏi và phê phán: “Tục gọi hồn này cũng lạ. Đã cho là gọi được hồn người dưới âm, sao lại gọi được vía sống? Thế ra vía người sống cũng bị ông Chiều bà Dí lôi đi, phải lìa xác thịt mà nhập vào cô hồn ư? Bảo rằng ông Chiều bà Dí tra hỏi Táo quân mà nói, vậy sao hơi động hồn lên thì khóc than kể lể, thế ra thần cũng biết khóc giả dối để lừa người ư? Xét cho kỹ, chẳng qua cũng là thuật giả trá kiếm tiền mà thôi”!
Như vậy, “vong” trong “Chiều như chiều vong”, phải hiểu cụ thể là “vong hồn” hiện lên nhập vào người sống, nói năng, giao tiếp với người sống, trong nghi lễ gọi hồn, chứ không phải “vong” là “hồn người chết” nói chung. Và “chiều” ở đây là “chiều” theo yêu cầu của vong, đáp ứng vô điều kiện đòi hỏi của “vong”, chứ không phải chuyện sắm sửa đồ lễ trong tang ma, “do thầy cúng bầy vẽ ra, một phần tang chủ quá thương người đã khuất nên dù có tốn kém cũng không ngại, một phần nữa nếu cúng kiến sơ sài quá sợ bị thiên hạ nói ra nói vào…”, như Việt Chương giải thích. Chính cách vận dụng câu thành ngữ và ví dụ cụ thể trong bài Mang thai hộ: Chiều như chiều vong” của Báo Công An Nhân Dân mà chúng tôi trích dẫn ở phần đầu bài viết đã nói lên điều đó. Về sau, thành ngữ “Chiều như chiều vong” được dùng với nghĩa rộng hơn: chiều chuộng, cung phụng quá mức, muốn gì được nấy, cho dù là sự “chiều” này là tự nguyện hay bắt buộc.

                                            HTC/3/2019



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét