Cảnh bèo lưu lạc, trôi nổi trên mặt nước Ảnh: St |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Sách “Từ
điển từ láy tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ học - Hoàng Văn Hành chủ biên - NXB
Khoa học xã hội, 2011), thu thập và giải nghĩa các từ láy:
- “BÌNH BỒNG đgt. (id.). Như bồng bềnh. “Họ vẫn bình bồng trên mặt nước” (VHọc)”.
- “BỒNG BỀNH tt. 1. Ở trạng thái trôi nổi khi
lên khi xuống nhẹ nhàng trên mặt nước. Đám
bèo trôi bềnh bồng trên sông. “Cánh bèo nhỏ bồng bềnh trên sóng biếc”. 2.
Trông như những cục bông xốp nhẹ, có thể thổi bay lên. Mái tóc bồng bềnh. “Bản em trên chóp núi, Sớm bồng bềnh trong
mây” (Nguyễn Thái Vận)”.
- “BỀNH BỒNG tt. X. bồng bềnh. “Mây trắng xốp bềnh bồng tràn xuống”.
Xét dưới cái nhìn đồng đại, thì bình và bồng, không có khả năng độc lập trong hành chức. Tuy nhiên, xét nghĩa lịch đại, thì đây từ Việt gốc Hán, cấu tạo đẳng
lập: “bình” 萍 nghĩa là bèo,
loài thực vật sống trôi nổi trên mặt nước sông hồ; “bồng” 蓬 là cỏ bồng, một loại cỏ thuộc họ Cúc, còn gọi
là tai hùm, ngải dại, cổ bồng.
“Hán ngữ đại từ điển” giải thích: “bình
bồng 萍蓬: cánh bèo nổi trôi, cỏ bồng gió thổi. Ví như hành
tung chuyển dịch vô định. Lý Tồn (đời Nguyên) viết: “Đời người vô định, lưu lạc như cánh bèo, cỏ bồng.” [nguyên văn: 萍蓬 píng péng. 萍浮蓬飄. 喻行蹤轉徙無定. 元李存: “人生難定期,往往如萍蓬”].
Thành ngữ
Hán cũng có câu “Bình phiêu bồng chuyển”,
Hán điển giải thích: “Cánh bèo trôi nổi theo dòng nước, cỏ bồng
phiêu lưu theo ngọn gió. Tỉ dụ cuộc sống phiêu bạt bất định.” [萍飄蓬轉: 浮萍隨水漂流,蓬草隨風飛轉.比喻飄泊不定的生活].
Cỏ bồng, còn gọi ngải dại, tai hùm Khi hoa nở, muôn vàn hạt hoa bé xíu, nhờ mào lông bay theo gió, gieo hạt khắp muôn nơi. Ảnh: ST |
-Đại Nam Quấc âm tự vị không thu thập "bình bồng", nhưng trong thành ngữ "Quân trôi sông lạc chợ" được Huình Tịnh Paulus Của giải thích là "Đứa bình bồng, không có căn cước"; mục "căn cước" giảng: "gốc, chưn đứng, dân không căn cước thì là dân bình bồng, không có tịch quán".
Nghĩa của “bình” và “bồng” cũng được 7 cuốn từ điển tiếng Việt chúng tôi có trong tay ghi nhận rõ ràng như sau:
-“Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập):
“bình bồng • Cánh bèo và cỏ bồng, trôi lênh đênh trên mặt nước. • Chỉ cảnh
đời phiêu bạt <> bình bồng mặt nước
chân mây”.
-“Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí tiến đức):
“bình bồng • Cánh bèo và cỏ bồng, trôi lênh-đênh trên mặt nước, dùng để
ví người lưu-lạc <> Bình bồng còn
chút xa-xôi (K)”.
-“Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): “bình-bồng
•
bt. Bèo và cỏ bồng, chỉ ý nói trôi-nổi, lênh-đênh <> Bình-bồng còn chút xa-xôi (Ng-Du). || Bình-bồng thảo”.
-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức): “bình bồng • dt. Bèo và cỏ bồng, loại cỏ nổi • tt.
X. Bềnh-bồng”;
“bềnh bồng • trt. Trôi tới lui và bị nhồi lên xuống: Bềnh-bồng
theo lượn sóng. • (B) Lênh-đênh, không nơi nương-tựa, không việc làm: Bềnh-bồng
mấy tháng nay”.
-“Từ điển tiếng Việt” (Văn Tân chủ biên):
“bình bồng • 1 d. Cánh bèo và cỏ bồng. 2 t. Lênh đênh trôi
giạt nay đây mai đó: <> Bình bồng
còn chút xa xôi, Đỉnh chung sao nỡ ăn ngồi cho an (K)”.
-“Từ điển truyện Kiều” (Đào
Duy Anh): “bình bồng: Bình là bèo, bồng
là một thứ cỏ hễ gặp gió thì lốc lên mà lăn tròn trên mặt đất, hai thứ ấy người
ta dùng để tỷ dụ cảnh lưu ly không có định sở. Vd. Bình bồng còn chút xa xôi”.
-Từ điển Vietlex đã đúng khi chú chữ Hán
cho mục từ này: “bình bồng • 萍蓬 d. [cũ, vch] cánh bèo và cỏ bồng trôi lênh
đênh trên mặt nước; dùng để ví thân phận lênh đênh, phiêu bạt nay đây mai đó: “Bình
bồng ở giữa giang tân, Bên tình bên nghĩa bên thân thế nào?” (Cdao)”.[*]
Phân biệt với bình bồng thảo, một loại thực vật ở môi trường bán thuỷ sinh, giống như hoa súng, hoặc nắp ấm. Ảnh:ST |
Tuy nhiên, cần
lưu ý, cách giải
thích “cánh bèo và cỏ bồng trôi lênh đênh
trên mặt nước” (Từ điển Vietlex), “Cánh bèo và cỏ bồng, trôi lênh đênh trên mặt nước” (Từ điển Đào Văn Tập), “Bèo và cỏ bồng,
loại cỏ nổi” (Từ điển Lê Văn Đức)…khiến người ta lầm tưởng, cả
cánh bèo và cỏ bồng đều có môi trường sống là mặt nước, sông hồ. “Từ điển truyện Kiều” tuy không đồng
nhất môi trường sống của bèo và cỏ bồng, nhưng cách giải thích “bồng là một thứ cỏ hễ gặp gió thì lốc lên mà
lăn tròn trên mặt đất”, lại khiến người ta hình dung gió “lốc” cả cây cỏ bồng lên, rồi thổi “lăn tròn trên mặt đất”. Kỳ thực, chỉ phần quả thuôn dài có mào lông của cỏ bồng
là bay theo gió mà thôi.
Như đã nói ở trên, “bồng” 蓬 là một loài cỏ họ Cúc (Asteraceae), tên khoa học:
Conyza canadensis (L.) Cronq, sống trên cạn, nơi đất hoang, đồi trọc, phát tán
rộng rãi khắp toàn cầu.
Hoa của cây cỏ bồng
khi nở thì bung ra, hình như quả cầu. Trong mỗi bông cỏ bồng có nhiều cánh thon
dài, chứa hạt, một đầu hạt có túm bông trắng. Mỗi khi gió thổi, những hạt cỏ bồng
nhờ mào lông mà bay lơ lửng trong không trung; có khi vương xuống ngọn cỏ, lá
cây, mặt đất, rồi lại tiếp tục theo gió “phiêu du” vô định. Nhờ rong ruổi cùng
gió, mà cỏ bồng (cũng như nhiều loài thực vật khác có cùng đặc điểm) được phát
tán, gieo hạt đi khắp muôn nơi.
Như vậy,
với “bình phù” 萍浮, thì
đúng là “trôi lênh đênh trên mặt nước”,
nhưng “bồng phiêu” 蓬飄, phải hiểu
là gió thổi cỏ bồng, phiêu du khắp đó
đây mới phải. Chữ “phiêu” 飄, trong
“bồng phiêu” 蓬飄, hay “phiêu bồng” 飄蓬, đều có nghĩa là “thổi” (Kinh Thi 經詩: “phong kì phiêu nhữ 風其飄汝 - gió thổi mày đi”).
“Bình” 萍, tượng trưng cho sự luân lạc, trôi nổi lênh
đênh trên mặt nước (“Nghĩ
mình mặt nước cánh bèo, Đã nhiều lưu lạc, lại nhiều gian truân.” (Truyện Kiều); “bồng” 蓬, điển hình cho sự phiêu du vô định trên mặt
đất. Một cách nói ẩn dụ, hình tượng của dân gian về kiếp người luân lạc, thân
phận phiêu dạt vô định, tưởng không gì có thể đắt hơn, hay hơn![**]
HTC/3/2019
Chú thích:
[*] Cần phân biệt với một loại thực vật người Trung Quốc
gọi là “bình bồng thảo” 萍蓬草 (mà từ điển của Thanh Nghị đã ghi nhận ở nghĩa 2), sống ở môi trường nước cạn, ao hồ, có hoa vàng, rễ
bám xuống đất, mọc cố định, chứ không nổi trôi như bèo.
[**] Hiện nay, “bình bồng”, hay “bềnh bồng” với nghĩa “Lênh
đênh trôi giạt nay đây mai đó” ít còn được dùng, mà “bềnh bồng”, “bồng bềnh” chủ
yếu được hiểu như Từ điển Vietlex giảng: “bồng bềnh • t.
hoặc đg. từ gợi tả dáng chuyển động lên xuống nhẹ nhàng theo làn sóng, làn gió
: thuyền bồng bềnh trên mặt nước ~ mây trôi bồng bềnh ~ “Mây trắng
xốp như băng tuyết trải bồng bềnh khắp nền trời xanh sáng.” (Ngọc Giao; 1).
Đn: bập bềnh, bập bồng, bềnh bồng, dập dềnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét