Con lừa Ảnh: ST |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Tục ngữ Việt Nam có câu “Già lừa mắc dưa thối”.
Tuy nhiên, phần lớn các nhà nghiên cứu và biên soạn từ điển lại thu thập dị bản
“Già lừa ĐẠP dưa thối” và giải thích:
-“Từ
điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Vũ Dung): “Già lừa đạp dưa thối (lừa: thú cùng họ với ngựa, nhưng nhỏ hơn,
tai dài, nuôi để kéo xe). Già rồi, khôn ngoan lọc lõi mà còn mắc phải việc dại
dột (ví như con lừa già mà dẫm phải dưa thối)”.
-“Thành
ngữ tục ngữ Việt Nam” (Nhóm Bùi Hạnh Cẩn): “Già lừa đạp dưa thối (già lừa: con lừa già): Già rồi, tưởng khôn
ngoan lọc lõi mà còn mắc phải việc dại dột”.
-“Từ
điển tiếng Việt” (Ban biên soạn chuyên từ điển New Era): “Già lừa
đạp dưa thối: Già rồi, khôn ngoan lọc lõi mà còn vướng mắc
phải việc dại dột, ví như con lừa già giẫm phải dưa thối”.
-“Từ
điển thành ngữ-tục ngữ-điển tích Việt Nam” (Nhóm Lê Văn Đức-Lê Ngọc Trụ): “Già lừa
đạp dưa thúi tng. Lừa lọc nhiều,
mắc phải người xấu hay vật xấu”.
Cũng
với dị bản này, nhưng trong sách “1575
Thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm”, Lê Gia không đồng ý với cách giải thích của
Nhóm Vũ Dung (cũng là quan điểm của nhiều tác giả khác), và “bàn lại” như sau:
“Già lừa đạp dưa thối: Nghĩa câu: Con lừa già không ngoan nhưng sức
yếu nên đạp phải quả dưa thối bị trơn trợt mà té ngã. Nghĩa bóng: Tính già tính
non quá, lừa lọc lắm (già lừa) cuối cùng gặp phải cái xấu. Lừa lọc kén chọn quá
mức thì dễ rơi vào sự hư hỏng. Gần giống nghĩa câu “Già kén kẹn hom”. Thí dụ:
“Đúng là ‘già lừa đạp dưa thối’, nó kén vợ mãi cuối cùng lại lấy phải con vợ chẳng
ra gì”.
Nhiều sách từ điển giảng: 1/(Lừa là con lừa)
Chê người già không có tài năng gì nên chẳng làm được việc gì tốt. (?). 2. (Lừa:
Thú cùng họ với ngựa nhưng nhỏ hơn, tai dài, nuôi để kéo xe) Già rồi, khôn
ngoan lọc lõi mà còn mắc phải việc dai dột (ví như con lừa già mà dẫm phải dưa
thối) (?)”.
Lê Gia lý giải: “Ở đây ta lại cần hiểu là “lừa” có hai nghĩa, con lừa và lừa lọc. Còn
như cho rằng “con lừa già đạp phải quả dưa thối” là kẻ già đời mà dại dột và chẳng
làm nên việc gì thì hình tượng này không lột hết ý nghĩa ấy. Nếu muốn hiểu theo
ý này thì ta nên dùng câu “Bợm già mắc bẫy cò ke” hoặc “To đầu mà dại, bé dái
mà khôn”…
Theo chúng tôi, tuy đặt vấn đề “bàn lại”,
nhưng Lê Gia không đưa ra được cách giải thích gì mới so với các ý kiến chúng
tôi đã trích dẫn. Quan trọng hơn, cả Lê Gia và các nhà biên soạn từ điển đều nhầm
lẫn khi hiểu hai chữ “già lừa” nghĩa là lựa
chọn quá kỹ, thành “già lừa” nghĩa là con
lừa già. Chúng ta có thể tìm thấy nghĩa chính xác của "lừa già" qua các nguồn tư liệu sau đây:
-“Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị) giải
thích: “già • quá độ thường, quá mức thường,
hơn”; “lừa • đt. Lựa <> Năm
lừa bảy lọc. || Lừa cơ. Lừa dịp. Lừa khi nht. Lừa cơ.”
-“Việt
Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến đức) giải thích rõ: “lừa” là “Do tiếng “lựa” đọc trạnh đi”.
Có lẽ chính
vì chưa hiểu nghĩa của chữ “lừa”, mà sách “Từ
điển từ láy tiếng Việt” (Viện Ngôn ngữ học-Hoàng Văn Hành chủ biên) đã thu
thập và giải nghĩa từ “lọc lừa”, xem đây là từ láy: “lọc lừa đgt. (cũ). Chọn đi chọn lại quá kỹ càng, cẩn thận. Lọc lừa từng li từng tí”. Tuy nhiên, đây
là từ ghép đẳng lập: “lọc” có nghĩa là “lựa chọn”, mà “lừa” cũng có nghĩa là “lựa
chọn”:
-Từ
điển Lê Văn Đức: “lọc •
đt. Gạn lấy cái tốt, dùng được, bỏ cái xấu, dùng không được: Lọc cà-phê, lọc
dầu, lọc máu, lọc nước, bình lọc, bột lọc; Hoài mâm bánh lọc để ngâu vày (HXH).
• (R) Chọn-lựa kỹ: Chọn-lọc, lừa-lọc; Mẹ em năm lọc bảy lừa, Mua gà hoá quốc
mua dưa phải bầu (CD)”.
-Từ
điển Vietlex: “lọc lừa • đg.
[cũ] lựa chọn quá cẩn thận, quá kĩ càng”.
-Từ điển Thanh Nghị: “lọc-lừa • đt. Lựa chín-chắn cẩn thận <> Năm lọc bảy lừa”.
-Việt Nam tự điển: “lừa-lọc • Chọn đi lọc lại <> Khuôn xanh lừa-lọc đã đành có nơi (K).”.
Trong câu ca
dao: “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa/Miệng nhai
cơm búng lưỡi LỪA cá xương”, thì “lừa” đây cũng có nghĩa là “lựa” (vừa nhai
vừa dùng lưỡi để “lựa” lấy xương cá rồi “lìa” ra, giữ lại phần thịt). Chúng
ta cũng có thể thấy “già lừa” có nghĩa là “lựa chọn kỹ” mà cách sách sau đây
ghi nhận như:
-“Tục
ngữ phong dao” (Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc): “Già lừa nhỡ lứa”.
-“Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS. Nguyễn Lân): “già lừa nhỡ lứa •
ng. (Lừa là lựa chọn) Chê người phụ nữ khó tính nên không lấy được chồng
<> Cô ta đã bốn mươi tuổi, nên già
lừa nhỡ lứa rồi”.
Dị bản đúng “Già lừa MẮC dưa thối” và cách giải thích nghĩa bóng chính xác trong
sách “Đại nam Quấc âm tự vị” (Huình
Tịnh Paulus Của) như sau: “Già lừa mắc
dưa thúi. Kén chọn lắm thì sao cũng có lầm. (Nói về sự kén vợ kén chồng)”.
Dị bản đồng nghĩa với “Già lừa mắc dưa thúi”
là “Già lừa nhỡ lứa” hoặc “già kén kẹn hom” (“nói
trường hợp kén chọn kĩ quá để đến nỗi tình duyên lỡ làng, cuối cùng vẫn gặp
phải cảnh không như ý.” (Từ điển Vietlex).
Giả sử con lừa già có đạp phải những quả dưa thối trên đường đi như thế này, thì cũng rất khó có thể bị "té ngã". Ả nh:St |
Do hiểu lầm “già lừa” (lựa chọn/kén chọn quá kỹ) thành “già lừa” (con lừa già), nên các nhà sưu tầm, biên soạn (hoặc chính
dân gian sau này) đã sửa “MẮC dưa thối” thành “ĐẠP dưa thối” cho “hợp” nghĩa. Tuy
nhiên, con lừa không phải là loài vật điển hình cho sự tinh khôn, càng già càng
lọc lõi. Về mặt này, người ta đánh giá cao con ngựa già hơn. Thế nên có câu tục
ngữ gốc Hán “Lão mã thức đồ” 老馬識途- Ngựa già thì thuộc đường/giỏi nhớ đường(*). Vả lại, con lừa có bốn chân, chẳng may nó có
“đạp phải quả dưa thối”, thì cũng khó
có thể “bị trơn trợt mà té ngã” như
Lê Gia giải thích. Hơn nữa, nếu do “Con lừa
già không ngoan nhưng sức yếu”, thì việc “đạp phải quả dưa thối”, hay “dưa lành”, thì “té ngã” vẫn là “té ngã”,
đâu khác gì nhau?
Như vậy, “Già lừa mắc dưa thối” nghĩa
là lựa chọn khắt khe, kĩ tính quá cuối cùng có khi lại mắc (bị/phải) quả dưa thối.
Sở dĩ dân gian lấy quả dưa ra ví dụ, bởi dưa hấu (và nhiều loại dưa khác) vỏ
dày, cứng, nên đôi khi nhìn bên ngoài còn lành lặn, nhưng bên trong thì ruột đã
úng, lũn, rất khó phát hiện. Hiểu rộng hơn, khi lựa chọn quá kĩ, cuối cùng buộc
phải đưa ra quyết định, thì lúc này con người ta đã bị “nhiễu” bởi quá nhiều
thông tin, hình ảnh, khiến sự lựa chọn không còn sáng suốt, tinh tường nữa. Hoặc
lựa chọn mãi, về sau không còn cái tốt (mà trước đó đã bỏ qua), cuối cùng có
khi sự “già lừa” đành phụ thuộc vào sự may rủi, hoặc bất đắc dĩ mà phải quyết định
cho lấy có.
HTC/4/2019
Chú thích:
(*)-Thời Xuân Thu, Tề Hoàn
Công cùng Quản Trọng đi chinh phạt Cô Trúc. Khi đi đương mùa xuân, cây cỏ xanh
tươi, lúc khải hoàn đã là mùa đông, chỉ thấy một màu tuyết trắng mênh mông. Quân
Tề không còn nhận ra đường về nữa.
Đang bối rối không biết phải
thế nào, thì Quản Trọng nói với Tề Hoàn Công: “Thần nghe nói ‘Lão mã thức đồ’,
có thể thả mấy con ngựa già ra để chúng tự tìm đường về”.
Quả nhiên, sau khi thảo bỏ
dây cương, được tự do đi lại, thì những con ngựa già đã dẫn cả đoàn quân chiến
thắng trở về. Sau, “Lão mã thức đồ” chỉ người nhiều kinh nghiệm, có thể tìm
được hướng giải quyết trong tình thế khó khăn, mê loạn.
Câu tục ngữ “Ngựa quen đường
cũ” có lẽ vốn xuất phát từ nghĩa đen tích cực (Con ngựa có khả năng nhớ đường
cũ/nhớ đường về rất tốt), khi dùng sang nghĩa bóng, lại được hiểu theo nghĩa tiêu cực: lặp
lại hành động sai lầm đã mắc, do thói quen khó bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét