18 thg 9, 2015

"SÁCH LỪA" CỦA NXB ĐỒNG NAI

Thêm chú thích
                    HOÀNG TUẤN CÔNG

Cuối năm 2014, TCTP đã có bài viết phản ánh về cuốn "sách lừa" của NXB Đồng Nai. Đến nay, "sách lừa" vẫn tiếp tục ngang nhiên hành hoành, móc túi độc giả. Gần đây nhất là hai đồng nghiệp của tôi đã mua phải "sách lừa".  Dưới đây là nội dung đã đăng trên Báo Nông nghiệp Việt Nam số ra ngày 18/9/2015:

Từ cuối năm 2014 đến nay, nhiều độc giả (phần lớn làm việc trong các cơ quan Nhà nước) phản ánh, kêu ca về những cuộc điện thoại gọi đích danh, chào mời, thuyết phục mua cuốn sách  “Tôn vinh những người con làm rạng danh trong các dòng họ nổi tiếng Việt Nam” (Thùy Linh-Việt Trinh-NXB Đồng Nai-2014, sau đây gọi tắt là "Tôn vinh"). Nếu người mua mang họ Lê, người bán sẽ nói đây là cuốn sách viết về dòng họ Lê toàn quốc, nếu là họ Nguyễn, người bán lại giới thiệu sách viết về họ Nguyễn...do các GS, TS tên tuổi biên soạn. Xuất phát từ tâm lý muốn tìm hiểu về dòng của họ mình trong nước ra sao, nhiều người sẵn sàng chi 335.000 đồng để mua sách. Tuy nhiên, khi xem nội dung sách mới biết bị lừa.


          Sách "Tôn vinh" có hai phần:

          Phần I Đôi nét về các dòng họ Việt Nam:

          Phần này chỉ có 75 tr, gồm một số bài viết khai thác từ nguồn vanhoadongho.vn. Trong đó GS Trần Quốc Vượng (1 bài), TS Nguyễn Xuân Kính (1 bài), GS Vũ Khiêu (nhiều bài, nguồn copy từ nguồn langmotrach.com) Trịnh Khắc Mạnh (Hannom.org.vn)...Một số bài không có tên tác giả, chỉ chú thích “theo vanhoadongho.vn

          Phần II Những người con ưu tú trong các dòng họ Việt Nam:

          Đa số các bài viết cóp nhặt từ các trang mạng, sách báo đã xuất bản, “thượng vàng, hạ cám”, đủ các nguồn như: Hồ Chí Minh (Chính phủ Việt Nam-1945-1998. NXB Chính trị Quốc Gia, 1999); Lê Đức Thọ (Theo báo Nam Định); Lý Tự Trọng (Theo doanthanhnien.vn); Võ Nguyên Giáp (vov.vn); Ngô Bảo Châu (Theo toantieuhoc.vn); Lê Trọng Tấn-Bộ môn Lý luận chính trị (Không biết “Bộ môn...” này thuộc Trường, Viện nào?). Phần tên tác giả nhiều bài viết được mở ngoặc kiểu như: trianlietsi.vn; (Nghĩa trang liệt sĩ Trị An?)  caoxuan.com (Họ Cao Xuân?)

          -Sách không có phần “Phàm lệ” nên cũng không biết các tác giả căn cứ vào tiêu chí nào để chọn ra “các dòng họ nổi tiếng” với “những người con làm rạng danh” ? Ví dụ, họ Giang ở Việt Nam có nổi tiếng không? Nếu nổi tiếng tại sao sách chỉ chọn được mỗi “một người con” là Giang Văn Minh-văn thần đời Lê Thần tông?

          -Phần họ Đinh, căn cứ vào đâu, các tác giả “tôn vinh” 3 “người con” là Đinh Tiên Hoàng, Đinh Công Tráng và Đinh Xuân Lâm (GS Sử học đương đại)? Và lý do gì xếp chung 3 “cụ” vào cùng một “chiếu”?

          -Nghe tên sách, độc giả cứ ngỡ sách biên soạn có hệ thống, khoa học. Ví dụ cùng họ Nguyễn, nhưng sẽ phân biệt các nhân vật lịch sử, danh nhân thuộc dòng Nguyễn nào. Thế nhưng thực tế trong sách cứ “Nguyễn” là được xếp chung vào một “mâm”. Ví dụ căn cứ vào đâu, và tại sao lại xếp chung Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng, Nguyễn Huệ... vào một dòng Nguyễn? Nguyễn Huệ làm rạng danh Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng bằng cách đánh cho Nguyễn Ánh phải chạy dạt ra tận đảo Thổ Chu chăng? Hay hậu duệ của Nguyễn Kim, Nguyễn Hoàng là Nguyễn Ánh có công làm "rạng danh" dòng Nguyễn Huệ bằng cách diệt Nhà Tây Sơn rồi quật mồ mả, giam hài cốt từ cha đến con vào ngục tối?

          Đọc kỹ một chút bài về hai nhân vật quê Thanh Hóa: Lê Lợi và Lê Văn Hưu đã phát hiện ngay những cái sai rất sơ đẳng:

          -Bài “Lê Lợi”, viết: “Ông là con út của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Hương (anh lớn của ông tên Học, anh thứ là Trư)” Tuy nhiên, "Đại Việt sử ký toàn thư"  "Lam sơn thực lục", cùng nhiều sách khác chép rõ: Lê Lợi là con của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Thương chứ không phải “Hương”. Anh thứ của Lê Lợi tên “Trừ” chứ không phải là “Trư”. Về cái sai thứ 1, tôi nhớ ra ngay lỗi đánh máy của sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” (Nguyễn Q.Thắng-Nguyễn Bá Thể-NBX Văn hóa thông tin-1999) khi viết về Lê Lợi:“Ông là con út của Lê Khoáng và Trịnh Thị Ngọc Hương (anh lớn của ông tên Học, anh thứ là Trừ)”. Cái sai thứ 2: Có lẽ khi chép lại sách "Từ điển nhân vật lịch sử", các tác giả sách "Tôn vinh..." của NXB Đồng Nai chép lấy cái sai do lỗi đánh máy của người khác, rồi góp thêm một cái sai nữa: "Trừ" viết thành "Trư" (!)

          -Bài về Lê Văn Hưu, khi giới thiệu làng Phủ Lý, sách chú thích: “...nay thuộc xã Triệu Trung, huyện Thiệu Hóa...” Tuy nhiên, Thanh Hóa không có xã nào là “Triệu Trung” (chỉ có xã Thiệu Trung thuộc huyện Thiệu Hóa). Lỗi này không phải lỗi văn bản, vì “Triệu Trung” được nhắc lại trong đoạn văn khác: “đất Triệu Trung vốn là trang trại của vị tổ khai sáng dòng họ Lê”. Bài này, phần tên tác giả thấy mở ngoặc: “(Theo GS Đặng Đức Siêu)”. Không rõ GS Đặng Đức Siêu viết như vậy hay trong khi các vị xào xáo món "sách lừa", chữ tác lại thành chữ tộ ?

          Bài “Hồ Chí Minh”, (2 trang, kiểu gạch đầu dòng) nguồn từ cuốn “Chính phủ Việt Nam-1945-1998”- NXB Chính trị Quốc Gia, 1999) nên mang tính chất liệt kê theo trình tự thời gian những chức vụ, công việc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đảm nhiệm trong chính phủ. Như vậy gọi là “tôn vinh”sao?

          Bài “Võ Nguyên Giáp” lại càng cẩu thả. Với 2 trang thưa thớt chữ, độc giả thấy Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ tham gia công tác chính quyền, chứ không hề chỉ huy một trận đánh hay chiến dịch nào. Thậm chí, bài viết không hề nhắc đến chiến thắng Điện Biên Phủ làm nên tên tuổi, sự nghiệp lẫy lừng của Đại tướng.
          -Về vấn đề bản quyền, các tác giả biên soạn sách thừa nhận: “Đây là cuốn sách được biên soạn trên cơ sở sưu tầm, chọn lọc từ các nguồn tư liệu khác nhau đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng. Do điều kiện khách quan, chúng tôi chưa trực tiếp liên hệ để xin phép trước, thành thật xin sự lượng thứ của các tác giả!” Hóa ra xin phép được "vi phạm bản quyền” chỉ đơn giản thế thôi ư? 

          -Cuối cùng, về chuyện chế bản, in ấn, có lẽ sách “Tôn vinh...” cũng đáng được độc giả “tôn vinh” bằng danh hiệu "cẩu thả bậc nhất", bởi lỗi chính tả do phát âm tràn lan trong sách. Toàn bộ chú thích trong “Phần II Những người con ưu tú trong các dòng họ Việt Nam” bị lỗi phông chữ, không đọc được.

           Không hiểu sao, một cuốn sách vi phạm bản quyền, biên soạn theo kiểu  xào xáo, cẩu thả, sai sót tràn lan như vậy vẫn được phát hành và ngang nhiên đem rao bán lừa độc giả? 

                                                                                   Hoàng Tuấn Công


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét