24 thg 3, 2014

Thử lý giải những sai sót để đời


của Nhà biên soạn từ điển-GS Nguyễn Lân

   Hoàng Tuấn Công
                                                  Kỳ 6 Tiếng mẹ đẻ

Trong loạt bài vừa qua, chúng tôi đã nói nhiều đến những sai sót do trình độ, kiến thức sách vở của GS Nguyễn Lân. Như: cách hiểu thành ngữ, tục ngữ, từ Hán Việt; phương pháp luận, kiến thức ngôn ngữ học, kiến văn,v.v...Phải thừa nhận đó là những vấn đề không đơn giản. Tuy nhiên kỳ này, mời bạn đọc cùng chúng tôi nói đến một lĩnh vực dễ hơn nhiều. Đó là: tiếng mẹ đẻ - thứ tiếng mà đa số chúng ta có thể làu làu qua cách học truyền khẩu.



Tiếng mẹ đẻ là gì? Đó là ngôn ngữ đầu tiên, thứ tiếng chúng ta được cảm nhận, lắng nghe từ khi còn trong bụng mẹ. Qua cách học truyền khẩu, tiếp thu và sử dụng bằng trực giác, kinh nghiệm, một người không cần đi học vẫn có thể sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ, gọi tên chính xác, diễn đạt lưu loát những gì diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Bởi vậy, dẫu chẳng được học hành gì, nhưng ngôn từ trong ca dao, hò vè, thành ngữ, tục ngữ, ... của các cụ ta xưa vô cùng phong phú, chính xác, gợi tả... đến mức ngày nay ta muốn nói khác đi, diễn đạt khác đi cũng chẳng được. Ấy là do các cụ thừa hưởng vốn ngôn ngữ dân tộc-tiếng mẹ đẻ truyền khẩu-từ đời này sang đời khác. Dĩ nhiên, tiếng mẹ đẻ vẫn phụ thuộc vào khả năng tiếp thu, cảm nhận và sự tinh tế trong sử dụng của mỗi người.

Vậy, tiếng mẹ đẻ của Nhà biên soạn từ điển, GS Nguyễn Lân thế nào?

1. Tiếng cười, tiếng khóc, tiếng nói, cảm xúc:

Vừa mới chào đời, ta đã nghe tiếng khóc của chính ta. Cái hé mắt đầu tiên, ta nhìn thấy chan hoà ánh sáng, nụ cười, ánh mắt, cảm xúc... của ông bà, cha mẹ... Lớn lên, muôn vẻ tiếng khóc, tiếng cười, tiếng nói... ngày nào cũng vang lên quanh ta. Đến tận lúc trở về với đất, thanh âm cuối cùng ta nghe, lại là tiếng khóc... Người ta bảo có tới Ba sáu điệu cười (Dĩ nhiên đây là con số tượng trưng, ước lệ, ý nói sự phong phú của tiếng cười). Theo chúng tôi, tiếng khóc, kiểu khóc cũng không ít hơn con số đó. Cười, khóc phong phú là thế, nhưng tiếng mẹ đẻ của ta cảm nhận, gọi tên, phân biệt rất rõ ràng.

Vậy, GS Nguyễn Lân cảm nhận, phân biệt ra sao?

○ “cười hô hố Cười thành tiếng to, tỏ ý rất vui: Nghe bạn khen thơ của mình, anh ấy cười hô hố”.
Cười hô hố” đúng là kiểu “cười thành tiếng to”, nhưng không phải “tỏ ý rất vui”, mà cách cười: ngửa mặt, há to mồm, từ trong vòm họng bật ra tiếng cười to một cách thô lỗ, khiếm nhã, thiếu ý tứ, khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu. “Hô hố” cũng có khi là kiểu cố tình cười một cách khả ố với vẻ nhạo báng, mỉa mai. Cứ theo trích dẫn và văn cảnh mà GS Nguyễn Lân lấy ví dụ, chúng ta đành “cố hiểu” thế này: bài “thơ” nào đó vốn không phải của “anh ấy” và thuộc diện “không ngửi” được. Thế mà anh “bạn” lại khen, khiến “anh ấy” phải bật cười lên “hô hố”!

Nếu sử dụng từ điển của GS Nguyễn Lân, các cô cậu học trò sẽ viết trong bài Tập làm văn Về thăm ông bà như sau: “Vừa thấy em về, ông (bà) đã ôm chầm lấy và “cười lên hô hố, tỏ ý rất vui”(?).

Chỉ với từ đầu tiên, chắc hẳn bạn đọc đã nhận ra khả năng sử dụng tiếng mẹ đẻ của soạn giả thế nào. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, chúng tôi vẫn xin trích dẫn Từ điển Vietlex: “hô hố t. từ mô phỏng tiếng cười tothô lỗ.”; Từ điển từ láy tiếng Việt: “hô hố: (Tiếng cười) to, phát ra những tiếng thô, không một chút giữ gìn ý tứ, biểu lộ vẻ thô lỗ.” (HTC nhấn mạnh).

○ “cười hà hà đgt Cười một cách hồn nhiên: Ông cụ chơi với đứa cháu nhỏ cứ cười hà hà”.

○ “cười hề hề đgt Như cười hà hà: Ai trêu anh ta, anh ấy cũng chỉ cười hề hề”.

Hề hề” và “hà hà” không phải hai từ đồng nghĩa, không phải hai tiếng cười giống nhau. “Cười hà hà” là tiếng (kiểu) cười đôn hậu, hiền từ, tỏ ra gần gũi, thân thiện của người bề trên. Còn “cười hề hề” là kiểu cười trừ của người có tính xuề xoà, đôi khi tới mức dễ dãi (thường là với người bằng vai, phải lứa). Cũng nên nói thêm về câu ví dụ của GS Nguyễn Lân, không biết “anh ta” và “anh ấy” là một hay hai người? Hình như ý GS muốn diễn đạt: Ai trêu, anh ấy cũng chỉ cười hề hề, nhưng rốt cuộc lại thành... “ai trêu anh ta, anh ấy cũng chỉ cười hà hà”(!).

○ “cười toe toét đgt Cười to và há to miệng một cách không đứng đắn: con gái mà gặp ai cũng cười toe toét”.

Cười “toe toét” là kiểu không “cười to” thành tiếng; miệng rộng hết cỡ ra hai bên, chứ không “há to miệng”. Thế nên, người ta mới có thể vừa nóivừa cười toe toét. Nếu “há to miệng”còn nói cười thế nào? Và cười “toe toét” thường để chỉ kiểu cười của con gái mới lớn, vô tư hoá vô duyên, thiếu ý tứ; hoặc kiểu cười hồn nhiên, thoải mái của trẻ con, chứ không phải “không đứng đắn”. “Đứng đắn hay “không đứng đắn” lại liên quan đến tư cách.

○ “cười đứt ruột đgt Cười nhiều quá, không thể nhịn được”.

Cười rũ ra, cười bò ra cũng có thể gọi là “cười nhiều quá, không thể nhịn được chứ? Chính xác, “cười đứt ruột” phải được giảng là: cười đến mức đau cả bụngruột thắt lại từng cơn, tưởng có thể “đứt” đi được. Thế nên kiểu cười “đứt ruột” này, trong tiếng Hán gọi là tiếu đoạn trường - cười đứt ruột (tiếu = cười; đoạn = đứt; trường = ruột).

○ “cười rộ lên đgt Tức là: Cười rộ và to tiếng”.

Không đúng. Từ điển mà lại dùng “cười rộ” để diễn tả chính từ “cười rộ” là thế nào? “Cười rộ” là nhiều người bỗng cất lên tiếng cười to cùng lúc, tỏ vẻ thú vị, với nhiều âm điệu khác nhau mới đúng.

○ “phá lên cười đgt Nói đám đông đồng thời cười rộ lên: Cả nhà phá lên cười (NgTuân)”.

Không đúng. Đó chỉ là nghĩa của “phá lên cười” trong câu văn của Nguyễn Tuân. Một người bất ngờ bật lên tiếng cười to, sảng khoái vẫn có thể gọi là “phá lên cười”, hoặc cười phá lên, không dứt khoát phải là “đám đông đồng thời cười rộ”. Ví dụ: Ông ta cười phá lên, hoặc Ông ấy phá lên cười. Báo Vietnamnet (24/10/2015) đưa tin “Bị tăng gấp đôi án tù vì phá lên cười tại toà”, trong đó viết: Sau khi nghe tuyên án, Ochoa đã phá lên cười. Ochoa nói anh ta cười vì quá ngạc nhiên, nhưng Thẩm phán ONeill cho rằng Ocha đã phạm tội phỉ báng toà án và tăng hình phạt lên hai năm”. [Đáng chú ý, trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, GS Nguyễn Lân thu thập “cười phá lên” và giải thích: “Tức là: Cười rộ và to tiếng”. Theo đây, ngoài việc thu thập một đơn vị không không phải thành ngữ, tục ngữ, soạn giả còn giải thích sai (giống như giải thích “phá lên cười”), khi cho rằng, phải là kiểu “cười rộ” (tiếng cười của nhiều người) mới được gọi là “cười phá lên”!].

○ “đầm đìa tt Đầy những giọt nước: Đầm đìa lá liễu hạt sương gieo (Hồ Xuân Hương) Nước mắt đầm đìa Khóc nhiều: Vợ Lưu dứt câu thường nước mắt đầm đìa (Nguyên Hồng).
Diễn đạt tối nghĩa. “Đầy những giọt nước” đâu có nghĩa là “đầm đìa”? “Đầm đìa” phải là trạng thái ướt sũng mà thấm đẫm. Bởi thế Từ điển Vietlex mới giảng: “đầm đìa t. ướt nhiều đến sũng nước: “Hai hàng nước mắt Bính đã lại ròng ròng trên má, lã chã đầm đìa xuống cả mặt đứa bé” (Nguyên Hồng). Đn: dầm dề, đầm đầm, giàn giụa.”; Từ điển Lê Văn Đức: “đầm đìa tt. Dầm-dề, đọng nước ở trên, thấm ướt nhiều: Đầm-đìa lá liễu hột sương gieo (HXH).”; Việt Nam tự điển: đầm-đìa Ướt sũng, ướt nhiều <> Mầu hoa lê hãy đầm-đìa giọt sương (K)”.

○ “ngằn ngặt đgt Nói trẻ em khóc hét lên rồi lặng đi một hồi lâu: Cháu bé đói sữa, khóc ngằn ngặt”.

Kiểu “trẻ em khóc hét lên rồi lặng đi một hồi lâu” là do trẻ bị ngã đau, bất ngờ khóc thét lên, rồi lặng đi một lát, mồm vẫn há to nhưng không thành tiếng gì, sau đó mới là những tiếng khóc rất to tỏ vẻ đau đớn, sợ hãi, (ở Thanh Hoá gọi là “khóc đắt”). Còn khóc “ngằn ngặt” lại là kiểu khóc quấy dai dẳng, lúc thành tiếng nhỏ lè nhè, lúc nghèn nghẹt trong cổ họng (ngặt - nghẹn), thường để gợi tả trẻ con đói, khát sữa, (như GSNL đã lấy ví dụ). Từ điển Vietlex giải nghĩa đúng: “ngằn ngặt t. [khóc] không thành tiếng và kéo dài từng cơn rồi lặng đi, nghe như bị nghẹt hơi [thường của trẻ con]: đứa bé khóc ngằn ngặt”.

○ “thổn thức đgt Khóc nức nở: Cô thổn thức, cố nén tiếng khóc (NgĐThi)”.

Đã “khóc nức nở” làm sao còn gọi là “thổn thức”? Thực ra, cách hiểu từ “thổn thức” đã nằm ngay trong câu văn của Nguyễn Đình Thi mà GS Nguyễn Lân lấy làm ví dụ: “Cô thổn thức, cố nén tiếng khóc”. Nghĩa là cảm xúc ngẹn ngào, xúc động cứ chực trào lên, muốn bật lên thành tiếng khóc, chứ không khóc hẳn thành tiếng “nức nở”. “Thổn thức” còn dùng để tả cảm xúc rung động, rạo rực, xao xuyến tận đáy lòng trước tình, cảnh nào đó: Thổn thức trong lòng; Trái tim thổn thức... (Lưu Trọng Lư: “Em không nghe mùa thu, Dưới trăng mờ thổn thức”). Từ điển Vietlex giảng nghĩa như sau: “thổn thức đg. khóc thành những tiếng nhỏ và ngắt quãng như cố nén mà không được do quá đau đớn hoặc quá xúc động.”; Từ điển Đào Văn Tập: “thổn thức Trong lòng buồn bực khóc không thành tiếng <> nàng càng thổn thức gan vàng.”; Việt Nam tự điển: “thổn-thức Bực-dọc ấm-ức <> Trong lòng thổn-thức. Văn-liệu: Nàng càng thổn-thức gan vàng (K).”; Từ điển Thanh Nghị: “thổn-thức đt. ấm-ức, bức rức trong lòng <> Tôi thổn-thức với lòng cô thổn-thức (Thế Lữ)”.

Trong khi “nức nở” được Từ điển Vietlex giảng: “nức nở đg. hoặc t. từ gợi tả tiếng khóc nấc lên từng cơn, không thể kìm nén được [thường do quá xúc động]: khóc nức nở ~ “Hỏi sao ra sự lạ lùng, Kiều càng nức nở nói không ra lời.” (TKiều)”. Và Từ điển từ láy tiếng Việt giải thích: “nức nở Khóc lên thành tiếng to, tiếng nhỏ, với từng cơn nấc ngắt quãng”.

○ “lạnh gáy tt Có cảm giác sợ sệt: Câu nói của hắn làm anh ta lạnh gáy”.

Sợ “lạnh gáy” là nỗi sợ tột độ, vụt đến từ ý nghĩ, tác động mạnh vào hệ thần kinh khiến người ta cảm giác như ớn lạnh phía sau gáy. Còn “sợ sệt” là nỗi sợ đến từ từ, tồn tại lâu, khiến ta mất đi nhuệ khí và có tâm lý phải dè chừng bởi một mối đe doạ nào đó hiện diện ngay trước mắt. Thế nên, sợ sệt có thể biểu hiện rất lâu qua ánh mắt, cử chỉ. Một đứa trẻ đã biết sợ sệt, nhưng nó không hề biết thế nào là “sợ lạnh gáy”. Dùng từ “sợ sệt” để miêu tả từ “lạnh gáy” khác nào mô tả con trâu để giúp người khác mường tượng ra con ngựa? Từ điển Lê Văn Đức: lạnh gáy trt. C/g. Sởn gáy, sợ đến nghe lành-lạnh nơi gáy: Thấy bắt đầu lạnh gáy.” Từ điển Vietlex: “lạnh gáy t. [khẩu ngữ] sợ tới mức cảm thấy ớn lạnh ở gáy”.

○ “liến thoắng tt, trgt Từ thường dùng để chê một đứa trẻ hay nói nhanh và nói nhiều: Nó đi chơi về, mẹ nó hỏi, nó đã liến thoắng kể hết chuyện này đến chuyện kia”.

Ngay người lớn vẫn nói “liến thoắng”, cứ gì “đứa trẻ”? Mặt khác, liến thoắng còn nói về cử chỉ, chứ không riêng lời nói. Từ điển Vietlex: “liến thoắng t. 1 [nói năng] nhiều và quá nhanh, không chịu ngớt miệng: nói liến thoắng ~ mồm mép liến thoắng ~ “Ông ta nói thế một cách liến thoắng trôi chảy như nước suối (...)” (Vũ Trọng Phụng). Đn: tía lia. 2 rất nhanh, với những động tác lặp đi lặp lại không ngớt: tay viết liến thoắng”.

Như vậy, GS Nguyễn Lân vừa giảng sai, vừa giảng thiếu nghĩa. Mặt khác, ví dụ của soạn giả cũng có vấn đề, bởi cách đặt câu, dùng từ rất vô lý. Nếu viết “nó đã liến thoắng kể hết...”, thì phải sửa “mẹ nó hỏi” thành “mẹ nó chưa hỏi” mới đúng: “Nó đi chơi về, mẹ nó chưa hỏi, nó đã liến thoắng kể hết chuyện này đến chuyện kia”.

○ “ông ổng  tht Nói tiếng ồ ồ, không rõ: Tiếng loa ông ổng suốt cả buổi sáng.”

Ông ổng” là kiểu nói “rất rõ” chứ không phải “không rõ”. Có điều “ông ổng” hàm ý chê bai, chửi rủa ai có tiếng gọi, giọng nói không thanh, nghe rất thô và khó chịu, tựa như tiếng chó sủa “ông ổng” vậy. Vì “ông ổng” mang hàm ý chê bai, nên dân gian mới chửi: “Anh hát hay là anh hò, Mà anh ông ổng như bò đái đêm.” [Xưa, “cổng” (chuồng) trâu, chuồng bò làm sát cạnh nhà ở. Giống bò khi đã đái thì tồ tồ một trỗ dài, trong đêm thanh vắng nghe chối tai; càng chối tai hơn khi nó gợi cho người ta nghĩ đến mùi khai nồng nặc]. Giải nghĩa như GS Nguyễn Lân, nếu có người ông nói “tiếng ồ ồ, không rõ”, đứa cháu sẽ ghé tai: “Ông nói “ông ổng” như vậy cháu nghe không rõ”(!) Từ điển Vietlex giảng “ông ổng t. [thgt] từ gợi tả tiếng chó sủa hay tiếng nói tuôn ra thành chuỗi to, trầm, nghe khó chịu: chó sủa ông ổng ~ hát ông ổng ~ “Tiếng lão ồm ồm, ông ổng nghe nhức tai.” (Tô Hoài)”. Khi GS Nguyễn Lân lấy ví dụ: Tiếng loa ông ổng suốt cả buổi sáng là có ý chê tiếng loa nghe thô, gây khó chịu cho người nghe, chứ không có nghĩa chê tiếng loa “ồ ồ, không rõ”.

○ “nói leo đgt Nói trẻ con khi nghe người lớn nói chuyện cũng chen vào nói: Em ấy nhiều lần bị bố mẹ mắng vì tội nói leo”.

Không phải chỉ “trẻ con” mới có thói xấu nói leo (thế nên mới có câu chửi “ăn theo, nói leo”).

○ “ngúng nguẩy đgt Cảm thấy như muốn sốt: Hôm nay trở trời, trong người ngúng nguẩy”.

Cái sai này của GS Nguyễn Lân rất lạ, và từng xuất hiện trong Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam: “Vang mình sốt mẩy Nói những lúc ngúng nguẩy, cảm thấy khó chịu trong người, như sắp ốm đau.” Tra cứu mới thấy Việt Nam tự điển có ghi nhận “ngúng”, nhưng trong từ “ngúng ngẩy” (ngẩy, không có chữ u) và giải nghĩa: “nói người hơi mệt nhọc khó ở: hôm nay trở trời, người ngúng ngẩy.” Từ điển Lê Văn Đức: “ngúng ngẩy tt. Bẻ mình, khó ở, muốn bịnh: Hôm nay trở trời, trong mình ngúng-ngẩy”.

Rất có thể GS Nguyễn Lân đã tham khảo Việt Nam tự điển, và phạm tới 3 sai lầm:
1. Chép sai “ngúng ngẩy” thành “ngúng nguẩy”.
2. Đem nghĩa của từ “ngúng ngẩy” (đầu thế kỷ XX) ghán cho từ “ngúng nguẩy”(đầu thế kỷ XXI), kiểu “hồn trương ba, da hàng thịt”.
3. Ghi nhận từ “ngúng nguẩy” (đúng ra là ngúng ngẩy) với nghĩa không còn được dùng trong ngôn ngữ hiện đại. Trong khi đó, lại bỏ qua từ “ngúng nguẩy” với nghĩa thông dụng hiện dùng.

Chắc bạn đọc đều hiểu “ngúng nguẩy” nghĩa là gì, và không đồng ý với cách hiểu, cách dùng tiếng mẹ đẻ của GS Nguyễn Lân. Tuy nhiên, chúng tôi cũng xin trích cách giải nghĩa của Từ điển Vietlex: “ngúng nguẩy t. từ gợi tả bộ điệu vùng vằng, tỏ ra không vừa lòng hay giận dỗi, bằng những động tác như vung vẩy tay chân, lắc đầu, quay ngoắt người đi...”. Cách giải thích sai của GS Nguyễn Lân giống Từ điển Văn Tân: ngúng nguẩy cảm thấy khó chịu trong người như sắp ốm <> người ngúng nguẩy muốn sốt”.

Tham khảo: Từ gần nghĩa với “ngúng nguẩy là nguây nguẩy. Ở Thanh Hoá có thành ngữ: “Nguây nguẩy như đẩy (đĩ) quẩy đoi (đoi = đít, trôn, mông đít). Ý nói, ai đó giận dỗi, vùng vằng bỏ đi, bộ dạng giống kiểu đi đứng “khoe hàng” của hạng gái đĩ: mông đít cong tớn như người đang quẩy ngược cái đoi (đít) lên, ngúc ngắc theo nhịp bước tạo vẻ khêu gợi (quẩy: dùng đòn gánh đặt ngang vai, đầu đòn gánh phía sau ngoắc vào giắng (quang) để nâng vật gì nặng mà đi. Khi quẩy gánh, ngực người ta luôn đổ về phía trước; trong khi mông lại cong lên và chổng về phía sau tạo thế thăng bằng cho lực đòn bẩy. Nhưng đó là quẩy gánh. Đằng này đẩy (đĩ) mà chủ ý quẩy chính cái đoi ngược lên phía sau mà đi thì phải biết!). Tả điệu bộ nguây nguẩy mà thành câu chửi rất thâm. Cách dùng tiếng mẹ đẻ của các cụ nhà ta thật đáng nể!

○ “động cỡn tt Nói phụ nữ có đòi hỏi về tình dục: Váy bà động cỡn tốc bay lên (Tú-mỡ)”.
    GS Nguyễn Lân đưa chúng ta từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác! Từ “động cỡn” vốn nói biểu hiện sinh lý bị kích thích ở thời kỳ động dục (thường là) của trâu bò. Chúng hay có động tác nhảy cỡn (nhảy cẫng) lên, hoặc nô giỡn bất thường với nhau. Sau đó, từ “động cỡn” dùng để mắng chửi vỗ mặt những người đàn bà có hành động, cử chỉ, lời nói giống như biểu hiện “động cỡn” vậy. Ví dụ: Đồ động cỡn!; Động cỡn hay sao mà...! Từ điển Vietlex giải nghĩa “động cỡn đg. (loài thú) có những động tác biểu hiện đòi hỏi sinh lý bị kích thích mạnh khi có đòi hỏi về tính dục: lợn động cỡn ~ đồ động cỡn (tiếng mắng thông tục).”; Việt Nam tự điển: “Cỡn. Nói về giống vật động tình: Lợn động cỡn.”; Từ điển Lê Văn Đức: “động cỡn đt. C/g. Động-giựt, nổi tình dục, muốn việc giao-cấu: Mùa chó động-cỡn.” Ở mục từ “cỡn”, chính GS Nguyễn Lân cũng đã giảng như sau: “cỡn đgt Tình trạng động vật bị kích thích về sinh lý: Con chó động cỡn chạy loăng quăng.” Như vậy, “động cỡn” trong câu thơ của Tú Mỡ mà GS Nguyễn Lân trích dẫn là tiếng chửi, hoàn toàn không có nghĩa “phụ nữ có đòi hỏi về tình dục” (nhu cầu sinh lý nam nữ) nói chung.

○ “cuộc say dt Quá trình ngồi uống rượu với nhau rất lâu: cuộc say của nhà thơ kéo dài hàng giờ”.

Cuộc say” có thể là say tình, say cờ, say bạc, say hát, say đờn ca tài tử... Đâu chỉ có say sưa uống rượu mà giải nghĩa là quá trình ngồi uống rượu với nhau rất lâu? Thế nên, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mới viết: “Biết bao bướm lả ong lơi, Cuộc say đầy tháng, trận cười suốt đêm”.

○ “khò khử trgt Nói tiếng ho như có đờm trong cuống họng: Những hôm giở giời lại ho sù sụ, khò khử quá cụ già (Ng-hồng)”.

Không đúng. “Khò khử” không phải “nói tiếng ho” mà là tiếng thở nặng nhọc như bị viêm phế quản, có đờm chèn trong cổ họng mới đúng. Ví dụ mà GS trích trong tác phẩm của Nguyên Hồng “ho sù sụ” và “khò khử” là hai biểu hiện khác nhau của căn bệnh liên quan đến phế quản, không phải là một.

2. Âm thanh, tiếng động:

Các nhà khoa học cho rằng, khi còn nằm trong bụng mẹ, con người đã nghe, thậm chí cảm nhận được tính chất một số thanh âm, đặc biệt giọng nói của người mẹ. Như vậy, quá trình: nghe, nói, đọc, viết tiếng mẹ đẻ không phải đợi đến lúc ta cất tiếng chào đời mới bắt đầu. Khi còn tuổi bú mớm, tiếng võng đưa kẽo kẹt, tiếng gió, tiếng mưa, tiếng xào xạc của cây lá ngoài vườn, tiếng ve sầu kêu râm ran đầu ngõ... Lớn lên, những đêm chớp bể mưa nguồn, trong giấc ngủ chập chờn ta còn phân biệt rõ hoà tấu của tiếng gió đập cành tre, tiếng mưa trên tàu chuối, tiếng sấm ì ầm từ xa vọng về... Muôn vẻ thanh âm cuộc sống với mỗi chúng ta không hề xa lạ.

Vậy GS Nguyễn Lân lắng nghe, cảm nhận, gọi tên thế nào?

○ “ì ầm đgt Phát ra tiếng vang kéo dài: Sóng bể ì ầm (NgTuân)”.

    Giải nghĩa không đúng. “Ì ầm” là tiếng động trầm đục và dài, từ xa vọng lại lúc to, lúc nhỏ không đều nhau. Những “tiếng vang kéo dài” không thể gọi là “ì ầm”, mà nó như tiếng tù và hay tiếng còi hú tan tầm thì đúng hơn. Từ điển Vietlex giải nghĩa: “ì ầm t. từ mô phỏng tiếng động trầm và kéo dài, lúc to lúc nhỏ không đều nhau từ xa vọng lại: sóng biển ì ầm, súng nổ ì ầm suốt ngày”.

○ “ì oạp đgt, trgt Nói tiếng sóng đập vào khe núi”.

    Không đúng. Nói thế hoá ra, sóng nước vỗ vào mạn thuyền, vỗ vào bờ sông, bờ kè, bờ ruộng của đồng chiêm trũng mùa mưa lũ... không thành tiếng “ì oạp” hay sao? Từ điển từ láy giải nghĩa: “ì oạp (Tiếng sóng nước đập) mạnh và liên tiếp vào vật cứng, lúc to, lúc nhỏ không đều nhau. Sóng vỗ ì oạp vào mạn thuyền”.

○ “xào xạc đgt Nói tiếng động của nhiều thứ chạm vào nhau: Em không nghe rừng thu, Lá thu kêu xào xạc. (Lưu Trọng Lư)”.

    Sỏi đá, gạch, ngói, gỗ, sắt cùng va chạm với nhau cũng là “nhiều thứ chạm vào nhau”, nhưng không bao giờ âm thanh của chúng được gọi là “xào xạc”. Thuộc tính của “xào xạc” phải là thanh âm của thiên nhiên, tiếng của cành lá giao nhau, chạm nhau khi có gió lay, nghe mơ hồ và rất êm nhẹ (như chính câu thơ của Lưu Trọng Lư). Từ điển Vietlex: xào xạc t. từ mô phỏng tiếng như tiếng lá cây lay động va chạm nhẹ vào nhau: “Em không nghe rừng thu, Lá thu kêu xào xạc, Con nai vàng ngơ ngác, Đạp trên lá vàng khô?” (Lưu Trọng Lư). Đn: xạc xào”. Từ điển từ láy: “xào xạc Có tiếng như tiếng lá cây va chạm vào nhau khi lay động...”.

○ “cút kít1 dt Xe một bánh gỗ to dùng để tải đồ.”
○ “cút kít2 tht Tiếng cọ xát của những vật bằng gỗ, bằng tre hoặc bằng thừng: tiếng võng đưa cút kít ban đêm”.

    Thật ngạc nhiên khi GS Nguyễn Lân nghe, gọi tiếng kẽo kẹt ra “cút kít”. Nếu cút kít là âm thanh đặc trưng của xe cút kít trong chuyển động trònchu kỳ lặp lại nhanh, gấp gáp; thì kẽo kẹt lại là âm thanh như đã mặc định trong tiếng Việt, để chỉ tiếng võng kêu - sự cọ xát giữa dây thừng buộc hai đầu võng với tre, gỗ trong giao động của con lắcchậm hơnêm hơnchu kỳ lặp lại kéo dài hơn, gợi cảm giác đều đều, thiu thiu, buồn buồn...

Ngày nay, tiếng võng “kẽo kẹt” hầu như đã biến mất khỏi cuộc sống hiện đại. Nếu có cô cậu học trò nào ngưỡng mộ GS Nguyễn Lân, giở Từ điển từ và ngữ Việt Nam để tìm lại tiếng võng kêu, các em sẽ tìm đâu cho thấy để hình dung tiếng võng kêu thích thú dường nào?

Nói thêmxe cút kít là cách đặt tên rất độc đáo của người Việt Nam, gọi theo âm thanh phát ra khi chuyển động của nó (bên Tàu gọi là độc luân xa   - xe một bánh - tên gọi theo đặc điểm cấu tạo). Ngày nay, cũng cái xe một bánh ấy, tính năng như vậy, nhưng được cải tiến, làm bằng bánh lốp, trục bánh có bi, vận hành êm ru. Nó không còn kêu “cút kít” nữa, nên người Việt Nam cũng không gọi là xe cút kít mà gọi theo hình dáng mới của nóxe rùa (do xe thấp, bên trên có máng chở hàng khum khum như hình con rùa). Cái tên xe cút kít giờ đây chỉ được dùng để giải thích cho ai đó chưa biết cái xe rùa là gì mà thôi. Điều đó càng cho thấy “cút kít” là âm thanh rất đặc trưng của vật cứng (gỗ) cọ xát với nhau trong chuyển động động tròn. Cụ thể là của xe cút kít.

○ “kêu ran đt Phát ra tiếng to và kéo dài: Tiếng ve sầu kêu ran”.

 ○ “kêu rống đgt Kêu lên thành tiếng to và kéo dài: Tiếng kêu rống như bò (NgHTưởng)”.
Hai từ “kêu ran” và “kêu rống” GS giải thích gần giống nhau, đều là “tiếng to và kéo dài”. Thực ra “kêu rống” là tiếng kêu to, trầm, phát ra từ cổ họng của loài thú thành một hồi dài, hoặc tiếng kêu thảm thiết kéo dài. Còn ran hay “kêu ran” dứt khoát phải là tiếng do nhiều âm thanh cường độ cao thấp khác nhauđồng loạt và liên tiếp vang lên cùng lúc, lan toả trong không gian. “Tiếng ve sầu kêu ran mà GS đưa ra làm ví dụ, chính là tiếng kêu như vậy. Thế nên, trong Truyện Kiều, Nguyễn Du mới viết: “A hoàn trên dưới dạ ran”; “Binh uy từ ấy sấm ran trong ngoài”.

○ “bong bong tht Tả tiếng kêu nhỏ và thanh: Sóng dồn mặt nước vỗ bong bong (HXHương)”.
Câu thơ của Hồ Xuân Hương GS trích dẫn trong bài “Kẽm Trống”: “Gió đập cành cây khua lắc cắc, Sóng dồn mặt nước vỗ long bong”. Thơ Hồ Xuân Hương thường có nhiều dị bản. Tuy nhiên trong trường hợp này GS Nguyễn Lân đã trích dẫn sai: “vỗ long bong” thành “vỗ bong bong”. Nếu GS Nguyễn Lân chịu tư duy một chút sẽ thấy câu trên là “khua lắc cắc” chứ không phải “khua cắc cắc”? Hơn nữa phải là từ “long bong” mới tinh tế và phù hợp với âm thanh rất khó tả của nước dội vào Kẽm Trống. Còn “cắc cắc” hay”bong bong” nghe khô cứng và có vẻ như tiếng gõ của tay người (âm thanh nhân tạo) chứ không phải tiếng gió, tiếng nước, âm thanh của thiên nhiên. Trong trường hợp này, sở dĩ GS Nguyễn Lân trích dẫn sai, ngoài lầm lẫn do trí nhớ, thiếu tra cứu, còn có nguyên nhân: thiếu sự tinh tế khi sử dụng tiếng mẹ đẻ.

Nói thêm: Hàng loạt tính từ chỉ mức độ, tính chất âm thanh như: Kêu ran, ì ầm, ì oạp, xào xạc... GS Nguyễn Lân xếp vào “động từ” là không chính xác. Hoặc lý do gì lại xếp “bong bong”, cút kít”, ông ổng” vào loại “thán từ”? Kiểu phân loại trái khoáy, có một không hai này “hằng hà sa số” trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam”. 

3. Từ chỉ màu, vẻ:

Việt Nam là đất nước cây xanh, bốn mùa hoa lá, cỏ cây muôn màu khoe sắc. Mở mắt ra đã thấy xanh biếc cây lá; xanh rờn luống rau, mơn mởn chồi non lộc biếc... Ra ngõ, ra đồng lại thấy xanh rì bờ cỏ, xanh mướt nương dâu, xanh ngắt cánh đồng, xanh biếc sông quê... Thế nên, từ chỉ màu vẻ của tiếng mẹ đẻ ta vô cùng phong phú, đa dạng. Đa dạng, phong phú mà rất tinh tế, chính xác, không hề lẫn lộn màu này với màu kia, vẻ này với vẻ khác.

Vậy GS Nguyễn Lân cảm nhận những màu vẻ ấy thế nào?

○ “xanh biếc tt Xanh cả một vùng: Từ những chiến khu, rừng tre xanh biếc (Lê Anh Xuân)”.

    Thực ra, GS Nguyễn Lân mới hiểu từ “xanh biếc” trong ngữ cảnh “rừng tre xanh biếc”, không phải hiểu nghĩa khái quát của từ. Bởi nếu “xanh biếc” dứt khoát phải là “xanh cả một vùng” thì: chiếc lá xanh biếc, vòm lá xanh biếccon cánh cam xanh biếc sẽ không được hay sao? (Bài tập đọc “Cánh cam và cóc tía có mấy câu: “Mặc bộ áo xanh biếc, Cánh cam vào vườn chơi, Màu tươi bên hoa lá...). Chúng tôi đồng ý với cách giải nghĩa của Từ điển Vietlex: “xanh biếc t. xanh đậm và tươi ánh lên”.

○ “xanh mét tt Nói nước da tái nhợt: Anh ấy xanh mét như thế là vì ốm đã lâu”.
○ “xanh mướt tt Như xanh mét: Thứ con giai gì mà xanh mướt ra (Ng-hồng”.

Giải nghĩa “xanh mét” như vậy là được. Tuy nhiên, GS đồng nghĩa “xanh mét” với “xanh mướt” lại không ổn. Bởi nếu “xanh mét” chỉ dành để nói về màu da, thì “xanh mướt” lại nói về sắc màu xanh tươi, mượt mà của thiên nhiên cây cỏ (Như: “Suối dài xanh mướt nương ngô, Bốn phương lồng lộng thủ đô gió ngàn”-Tố Hữu). “Xanh mướt biểu hiện của sức sống, còn “xanh mét” lại biểu hiện sự ốm yếu, thần thái nhợt nhạt, thiếu sức sống, làm sao chúng đồng nghĩa được? Với câu văn của Nguyên Hồng mà GS Nguyễn Lân lấy làm ví dụ, nếu không phải là in sai, thì đó cũng là cách dùng từ mang dấu ấn riêng của Nhà văn, chứ chưa thể trở thành nghĩa thông dụng của “xanh mướt”.

○ “xanh ngắt tt Nói nền trời xanh đậm một màu: Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao (NgKhuyến)”.
Đây cũng chỉ là cách hiểu từ “xanh ngắt” trong văn cảnh cụ thể của câu thơ Nguyễn Khuyến “Trời thu xanh ngắt mấy tầng cao”, bởi “xanh ngắt” không chỉ dành riêng để chỉ màu xanh của nền trời. Người ta còn nói: cánh đồng lúa xanh ngắt (thời kỳ lúa con gái), bãi dâu xanh ngắt (Ví dụ: Ngàn dâu xanh ngắt một màu, Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai - Chinh phụ ngâm).

○ “xanh rì tt Có màu xanh lá cây đậm: Cửa son đỏ loét tùm hum nóc, Bậc đá xanh rì lún phún rêu (HXHương); Trắng phau ngựa trắng, xanh rì rừng xanh (Tản Đà)”.
○ “xanh rờn tt Như màu xanh của cỏ tươi: Nắng vàng mát và cỏ xanh rờn (NgTuân)”.

Thực ra, cả hai từ “xanh rì” và “xanh rờn” đều dành để mô tả màu xanh sống động của thiên nhiên, gắn với màu xanh và tính chất của cỏ cây chứ không phải màu sắc của các đồ vật. “Xanh rì” thường dùng cho màu xanh hơi tối của lá cỏ rậm rạp (có từ rậm rì là như vậy). Giải thích như GS dễ khiến người dùng từ điển lấy từ “xanh rì” để mô tả một chiếc áo, hay bất cứ vật gì “có màu xanh lá cây đậm”. Trong khi không ai nói cái áo màuxanh rì”. Vì tính chất của cái áo là một vật thể chết. Nó chẳng có trạng thái của sắc màu gắn liền với rậm rạp hay thưa thoáng của cây cỏ. Còn xanh rờn lại là màu xanh non mơn mởn của cây cỏ khi có ánh nắng chiếu vào, chứ không phải chỉ riêng màu xanh “của cỏ tươi”. Vậy nói luống rauxanh rờn” thì sao? Từ điển Lê Văn Đức: xanh rờn Xanh và non mượt <> ruộng lúa xanh rờn”.

○ “mơn mởn tt 1. Nói cây cỏ xanh tươi: Hải đường mơn mởn cành tơ (K) 2. Tươi tắn:Gái tơ mơn mởn, rượu ngon nồng nàn (Tú mỡ)”.
○ “mởn mơ tt Tươi tắn: Nõn nà tay ngọc, mởn mơ má đào (Tú mỡ)”.

Giải nghĩa từ “mơn mởn” dứt khoát phải bằng tươi tốt, non tơ, đầy sức sống mới lột tả được nghĩa của từ. “Mơn mởn”, mởn mơ” mà chỉ hiểu là “cây cỏ xanh tươi”, “tươi tắn” thì thật nông cạn! Từ “mơn mởn” trong hai câu thơ của Nguyễn Du và Tú Mỡ chính là vẻ đẹp non tơ, hấp dẫn, đầy sức sống của người con gái trẻ đẹp. Nó giống như cây lá đang thời kỳ phát triển, tràn trề sức sống, cảm giác cái vẻ mơn mởn đó có thể ăn được vậy. Trong khi “tươi tắn” thường chỉ hiểu theo nghĩa hẹp: màu sắcvẻ mặt, làn môi tươi tắn” mà thôi.
Cũng cần nói thêm: Câu “Hải đường mơn mởn cành tơ” ví vẻ đẹp đầy sức xuân của nàng Kiều tựa đoá hải đường đang mơn mởn trên cành tơ, chứ không nhằm nói “cây cỏ xanh tươi” như GS Nguyễn Lân giảng giải.

○ “ngồn ngộn­1. Rất nhiều: Tiền của ngồn ngộn. (Ng-hồng)”.

    Thực ra, “ngồn ngộn” đây không chỉ là số lượng: “rất nhiều”; tính chất: rất ngon, mà còn gợi cho ta hình dung về khối lượngrất đầy (Ngồn ngộn sân phơi khoai giát nắng - Tố Hữu). Thế nên câu văn gợi tả của Nguyên Hồng “tiền của ngồn ngộn” phải được hiểu là tiền của nhiều chất đống. Từ điển Lê Văn Đức: ngồn ngộn tt. Sồ-sộ, cao lớn cách cân-đối: Cao ngồn-ngộn.”

○ “ngồn ngộn­2. Nói người phụ nữ trắng và đẹp: Cô ta mới lớn lên trông ngồn ngộn”.
Ví dụ về cách dùng của GS không có gì sai. Tuy nhiên đó là cảm nhận của cái nhìn thẳng, hút mắt vào bộ ngực (có khi lộ liễu, căng tràn, đầy vẻ khêu gợi) của cô gái nào đó, chứ không phải cảm nhận chung về “người phụ nữ trắng và đẹp” (nếu bạn đọc không tin, hãy gõ hai từ ngồn ngộn, google sẽ cho kết quả hình ảnh là hàng loạt những bộ ngực... “ngồn ngộn”). Chắc soạn giả không lạ gì Thị Nở, và càng biết rõ “nhan sắc” của thị ở mức nào. Thế nhưng, hình ảnh thị nằm hớ hênh, lồ lộ dưới ánh trăng trong vườn chuối, “nó” vẫn ngồn ngộn lên trong mắt Chí Phèo như thường. “Nhà thơ từ láy” Nguyễn Duy nói hộ: “Kính thưa Thị Nở tuyệt trần, Trăng ngồn ngộn trắng khoả thân với người...”.

    Khi nhìn phụ nữ mà thốt lên hai từ “ngồn ngộn” chỉ có thể là cái nhìn chằm chằm vào bộ ngực lồ lộ, căng đầy lên chứ không phải cách cảm nhận sắc đẹp nói chung. Nói cách khác, đó là cái nhìn thiên về nhục dục hơn là sự rung động trước vẻ đẹp của một phụ nữ hay cô gái “mới lớn trắng và đẹp”. Thế nên cũng cần nói thêm: Người ngoại quốc hay Việt kiều và các chàng trai Việt hậu sinh, khi sử dụng cuốn từ điển của GS Nguyễn Lân nên cẩn thận nếu có nhã ý dùng từ “ngồn ngộn” để ngợi khen người”phụ nữ trắng và đẹp nào đó rằng: Em (, chị) đẹp thật, trông ngồn ngộn!. Trong văn cảnh này, chị em sẽ giật mình, đỏ mặt nhìn xuống ngực, luống cuống quay đi và quy ngay cho các vị cái tội “có máu dê” chứ chẳng chơi! Cách cảm nhận thiếu tinh tế của GS Nguyễn Lân giống với Từ điển Văn Tân: ngồn ngộn t. to, trắng và đẹp <> người trông ngồn ngộn

○ “trắng ngồn ngộn ng Vừa trắng vừa mập mạp: Ngực anh ta trắng ngồn ngộn”.

    Người Việt rất khó chấp nhận dùng từ “mập mạp” (béo chắc, khoẻ nói chung) để hình dung sự “ngồn ngộn” (đầy lên, trông sướng mắt). Thứ hai, trước đó Giáo sư Nguyễn Lân cho rằng từ “ngồn ngộn đã bao hàm nghĩa “trắng”: “nói phụ nữ trắng mà đẹp”. Thế nhưng ở mục “trắng ngồn ngộn” GS lại dẫn bạn đọc đi theo cuộc “phiêu lưu” ngôn từ khác. Đó là “nhan sắc” đàn bà bỗng thành vẻ đẹp đàn ông: “Ngực anh ta trắng ngồn ngộn”. Chúng tôi cố lý giải: Có thể đây là bộ ngực của nhà vô địch thể hình “hạng nặng”. Bởi thế, GS e rằng nếu không dùng “ngồn ngộn” sẽ không lột tả hết được sự “vạm vỡ” của bộ ngực. Tuy nhiên, dùng “ngồn ngộn” để cảm nhận về bộ ngực kiểu Lý Đức hay Phạm Văn Mách sợ rằng không “lành mạnh”. Vả lại, ngực các vị này thường có màu đồng hun, bóng nhẫy, cuồn cuộn những múi cơ chắc nịch. Đâu có ngồn ngộn trắng, căng đầy, vẻ mềm mại, “ngon ăn” khêu gợi như của giới nữ? Có lẽ hợp lý hơn cả: Hình như GS đang nói đến bộ ngực trần của “người đẹp chuyển giới”. Về hình thức đã là “cô” hoàn hảo với “núi đôi” “trắng ngồn ngộn”, chỉ mỗi cái tên trong chứng minh thư vẫn còn là “anh ta” mà thôi!

4. Nấu nướng, ăn uống, cảm nhận hương vị:

Người ta hay dùng từ cơm bữa để nói những gì diễn ra thường xuyên, quá quen thuộc. Bởi thế, dẫu không bao giờ vào bếp, nhưng khi ăn uống, ta vẫn biết gọi tên những món mình ăn là gì. Vậy sự nhận biết từ bếp nấu đến bàn ăn của GS Nguyễn Lân thế nào ?

○ “xào xáo đgt Nấu thức ăn bằng dầu mỡ và mắm muối: Tính anh ấy dễ dãi, vợ xào xáo thứ gì thì ăn thứ ấy”.

Dầu mỡ, mắm muối là cách nói khái quát những gia vị thiết yếu. Thế nên có rất nhiều món ăn nấu “bằng dầu mỡ mắm muối”, cứ gì phải “xào xáo? Hơn nữa, Việt Nam không có món ăn nào gọi là món “xào xáo”. Việc đưa ra định nghĩa “xào xáo” nấu bằng những gia vị gì là không đúng.

Xào xáo” theo nghĩa “vợ xào xáo thứ gì ăn thứ ấy” là kiểu nấu qua loa, tuỳ tiện, nấu cho nhanhkhông thành món xào cũng chẳng phải món xáo. Ví như cần dầu mỡ mà không cho dầu mỡ; cần cả mắm, muối nhưng lại chỉ có muối. Hoặc món xào bao giờ cũng chỉ tạo một ít nước cốt, khi múc ra thì đọng một chút ở lòng đĩa để món ăn thêm đậm đà. Đằng này do vụng về hoặc làm ẩu lại đổ “chõm” nước vào. Thế là canh chẳng ra canh, xáo chẳng ra xáo, mà xào lại càng không phải. Bởi vậy, chỉ có anh chồng nào tính “dễ dãi”, (hay quá “yêu vợ”?) thì “vợ xào xáo thứ gì” mới “ăn thứ ấy”.

○ “xáo đgt Nấu thịt với các gia vị: Ông ơi ông vớt tôi nao, Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng (cd); Mười voi không được bát nước xáo (tng)”.

Giống như “xào xáo”, từ “xáo” GS cũng giải thích rất mơ hồ! Thịt kho tàu, kho nghệ hay nấu với cà chua, thêm mắm muối, hành, tỏi gì đó đều có thể gọi là cách “nấu thịt với các gia vị”. Trong khi tính chất của món “xáo” phải có nhiều nước. Thế nên hai câu tiếp theo trong bài ca dao mới là: Có xáo thì xáo nước trong, Đừng xáo nước đục đau lòng cò con”. Câu “Ba voi không được bát nước xáo” cũng nói về món nấu phải có nhiều nước đấy, thưa GS! Từ điển Vietlex giải nghĩa như sau: “xáo đg. nấu thịt với nhiều nước và các loại rau, gia vị riêng”.

○ “béo mầm tt Béo và khoẻ: Chồng con là cái nợ nần, chẳng thà ở vậy nuôi thân béo mầm (cd)”.

Chưa chính xác. Từ này không hàm ý béo khoẻ. “Béo mầm” = béo mềm và mũm mĩm những thịt mới đúng. “Béo mầm” là kiểu béo cho sản phẩm thịt ngon của vật nuôi; và béo do an nhàn sung sướng; béo chỉ để sướng bản thân (chứ không phải để có sức khoẻ lao động) trong câu ca dao: “Chồng con là cái nợ nần, thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm” mà chính GS Nguyễn Lân đã dẫn.

○ “béo ngấy tt Nói thức ăn có nhiều mỡ quá: Bát canh béo ngấy”.
○ “béo ngậy tt Như Béo ngấy”.

Béo ngậy” không thể đồng nghĩa (như) “béo ngấy”. “Béo ngậy” = béo có vị ngọt, bùi, dậy mùi thơm ngon quyện lẫn nhau (1). Còn “béo ngấy” = béo khiến người ta không muốn ăn nữa vì quá nhiều mỡ (2). Cùng là “béo” cả nhưng nó khác nhau căn bản ở chỗ “ngậy” hay ngấy. “Béo” (1) khiến cho ta muốn ăn, còn “béo” (2) lại khiến ta ngán đến tận cổ.

Việt Nam tự điển giảng: “ngấy. Chán vì mỡ, vì béo: Trông thấy mỡ mà ngấy; ngậy. Nói món đồ ăn béo thơm: Chân giò ăn béo ngậy”; Từ điển Vietlex phân biệt rõ ràng giữa “ngấy” và “ngậy”: “ngấy t. có cảm giác sợ đối với một loại thức ăn nào đó [thường là chất béo hay chất ngọt]; ngậy t. [món ăn] béo và thơm, ngon: lạc ăn vừa ngậy vừa bùi ~ mùi cá nướng thơm ngậy”.

○ “nốc đgt Uống nhanh một cách tham lam: Rượu nốc lời ra hăng hái lạ (Tú Mỡ)”.

Chưa chính xác. Uống ừng ực, tu ừng ực cũng là kiểu uống nhanh, có vẻ tham lam. Ở đây “nốc” phải được hiểu là cách uống thô tục, vô độ; uống để thoả mãn cơn nghiện thèm chứ không phải để thưởng thức.

○ “lạ miệng tt Nói món ăn mới được ăn lần đầu: Đến Vịnh Hạ Long được ăn sò, lạ miệng ăn nhiều”.

GS hiểu không đầy đủ từ “lạ miệng”. Nếu đổi món khác không thường được ăn, hoặc đã lâu không ăn, “lạ miệng” lại ăn được nhiều. Thế nên, nếu hiểu “lạ miệng” là món mới “ăn lần đầu” như GS Nguyễn Lân là phiến diện. Từ điển Vietlex giải nghĩa “lạ miệng t. không thường được ăn hoặc lần đầu được ăn, cho nên có cảm giác lạ, cảm thấy thích thấy ngon”.

○ “phổng phao tt To béo: Ốm dậy ít lâu, người đã phổng phao”.

Không chính xác. “Phổng phao” chỉ thời kỳ đang lớn phổng (nhanh), có vẻ khoẻ mạnh, căng đầy sức sống. Mặt khác, “phổng phao” thường nói về tuổi dậy thì, chứ không chỉ “to béo” hay tả người ốm hồi phục sức khoẻ. Cách giải thích thiếu chính xác của GS Nguyễn Lân giống Từ điển Văn Tân: “phổng phao Béo mập <> Thân thể phổng phao”.

○ “phơi phới trgt Nói bay nhẹ nhàng: Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay (NgBính); Phơi phới bay cờ đỏ sao vàng (Tố-hữu); Ngô đầu mùa phơi phới đâm bông (Huy Cận)”.

Có lẽ GS Nguyễn Lân nhầm lẫn “phơi phới” với “phấp phới” nên mới giải nghĩa là “bay nhẹ nhàng? Mặt khác, từ “phơi phới” gợi tả vẻ vui tươi, hưng phấn tràn đầy sức sống của sự vật gì đang trong trạng thái phát triển, chứ không dừng ở nghĩa đen. Ví dụ: Tuổi xuân phơi phới; Trong lòng phơi phới niềm vui. Chính ba ví dụ GSNL nêu đã nói lên điều đó. Từ điển Thanh Nghị: phơi-phới tt. Tiếng phới-phới đọc trạnh. Hoan hỉ, nhẹ-nhàng <> Lòng xuân phơi-phới chén xuân tàng-tàng (Ng. Du)”.

5. Động tác, tư thế, hành động, tính chất:

Có thể nói, không gì liên quan trực tiếp, gần gũi với ta bằng những động tác, tư thế hàng ngày do chính ta cảm nhận. Ngay từ khi lọt lòng, ta đã cảm nhận được vòng tay ôm”, ôm ấp”, ôm hôn”, ôm choàng của mẹ cha, ông bà; chập chững biết đi, ta đã phải thực hành”: ngã sấp, ngã ngửa, ngã bổ chửng... Suốt chặng đường đời, đến khi về già lắm lúc cũng phải ôn lại”. Những hành động như lẵng nhẵng chạy theo mẹ, ngồi vắt vẻo, lắt lẻo trên cành cây, khều”, chọc ổi cũng đã quen từ bé. Chính mẹ ta là người đầu tiên dạy cho ta gọi tên, phân biệt chính xác những cử chỉ, tư thế, động tác ấy.

Vậy, GS Nguyễn Lân?

○ “ôm ấp đgt Ẵm chặt lấy một cách chiều chuộng: Đừng ôm ấp quá, đừng suồng sã con (GHC)”.

Ẵm chặt” có thể hiểu là bế vào lòng và ghì chặt lấy, chứ không có nghĩa là “ôm ấp”. Từ điển Vietlex giải nghĩa: “ôm ấp đg. ôm vào lòng với tình cảm tha thiết, âu yếm”. Từ điển Lê Văn Đức: ôm ấp đt. Ôm và ủ vào lòng: Ôm-ấp con cho ấm đặng nó ngủ ngon giấc. • Nuôi-dưỡng, chứa trong lòng: Ôm-ấp chí lớn”. Từ điển Đào Văn Tập: “ôm ấp Ôm và ủ vào trong lòng <> ôm ấp con. ngb. Mang ở trong lòng <> ôm ấp chí lớn”.

○ “ôm choàng đgt Vội nắm lấy người nào: Một bà già ôm choàng lấy tôi âu yếm (Sơn-tùng)”.

Giải nghĩa như vậy là “chộp” lấy, “bợp” lấy tay người ta, chứ đâu phải “ôm choàng”? “Ôm” nghĩa là phải dùng cả cánh tay vòng qua người, vật nào đó và kéo áp sát vào mình. “Ôm choàng là dang hai cánh tay ôm mạnh và áp chặt vào lòng bằng một động tác rất nhanh và đột ngột (đồng nghĩa “ôm chầm”). Từ điển Lê Văn Đức: “ôm đt. Quàng tay cặp sát vào mình: Gối ôm, ôm con, ôm cổ; Ước gì anh được vào phòng, Loan ôm lấy phụng, phụng bồng lấy loan (CD)”; Từ điển Đào Văn Tập: ôm Vòng tay ra mà giữ vào lòng <> ôm con.” “Ôm” có nghĩa là vậy, trong khi nắm” (chỉ được hiểu là dùng bàn tay, ngón tay) cầm, nắm một phần của vật gì mà không áp vào người. Từ điển Đào Văn Tập: “nắm Đưa bàn tay ra túm lấy vật gì <> giơ tay nắm lấy cành đào.” Nắm” khác “ôm” như vậy, nên mới có câu ca dao: “Tiện đây anh nắm cổ tay, Anh hỏi câu này có lấy anh không?”.

○ “ôm hôn đgt Nắm lấy thân người khác mà hôn: Mẹ đi chợ về ôm hôn đứa con”.

Tiếp tục không chuẩn khi dùng “nắm” để miêu tả động tác “ôm”. “Ôm hôn” là dùng cánh tay vòng qua thân, vai người khác rồi kéo áp sát vào mình để hôn, thể hiện tình cảm nồng thắm, thân mật. “Thân người” mà dùng tay để “nắm lấy” được, thì vòng eo thon chỉ bằng chét tay chăng?.

○ “ngã bổ chửng đgt Ngã đâm đầu xuống trước: Bị trượt chân, ngã bổ chửng”.

Giáo sư Nguyễn Lân hiểu sai hoàn toàn kiểu ngã “bổ chửng”, cụ thể: ngã ngửa thành ngã sấpTục ngữ Mường có câu: “Đã bổ chửng còn gác chân lên gốc rù rì” [Đành bổ cón cạc chân lênh cố rí rí]”. Ý nói, đã bị trượt ngã ngửa người còn sĩ diện, vờ như người đang nằm nghỉ thảnh thơi gác chân lên gốc cây. Từ điển Vietlex: bổ chửng đg. [ngã] ngửa người ra vì bất ngờ bị trượt: trượt chân bổ chửng giữa nhà ~ “Lập tức, anh bị giật cổ ra bực hè, suýt ngã bổ chửng xuống sân.” (Nguyễn Công Hoan)”.

○ “ngã chúi đgt Ngã đầu đập xuống trước”.

Không chính xác. “Ngã chúi” là kiểu ngã về đằng trước nhưng đầu lộn, cắm, chúi từ trên cao xuống đất, hoặc sông, suối, ao hồ... Còn “ngã đầu đập xuống trước” thì ngã về trước, sau, hai bên, tứ phía đều có thể dẫn đến... “đập đầu xuống trước”.

○ “lẵng nhẵng trgt, tt Cứ kéo dài, không giải quyết được: công việc lẵng nhẵng thế này, sốt ruột lắm”.
○ “lẵng nhà lẵng nhẵng ng Lôi thôi kéo dài, không giải quyết được: Công việc cứ lẵng nhà lẵng nhẵng mãi, chưa xong”.

Hình như soạn giả nhầm từ “lẵng nhẵng” với lằng nhằng? Bởi nếu ta thay “lẵng nhẵng” trong cách diễn đạt của GS: “công việc lẵng nhẵng thế này, sốt ruột lắm bằng: công việc lằng nhằng thế này, sốt ruột lắm, lúc này mẹ đẻ ta mới thực sự hiểu ý ta muốn nói gì.

Hãy xem Việt Nam tự điển phân biệt: “lẵng nhẵng: Theo lẽo đẽo vướng víu: đàn con theo lẵng nhẵng”; lằng nhằng: Lôi thôi dai dẳng: Việc lằng nhằng mãi không xong. Văn liệu: Lằng nhằng như cưa rơm.”; Từ điển Thanh Nghị: “lẵng-nhẵng đt. Lẽo-đẽo theo, vướng-víu <> Đàn con lẵng-nhẵng theo mẹ”; “ lằng-nhằng 1 đt. Kéo dài dai-dẳng <> Việc thưa kiện còn lằng-nhằng. 2 tt. Thường thường, không có gì đáng chú ý <> Buôn bán lằng-nhằng”; Từ điển Vietlex: “lẵng nhẵng t. ở tình trạng không chịu rời ra, dứt ra, làm vướng víu mãi: lẵng nhẵng chạy theo sau”.

○ “nằm đgt Đặt mình trên một vật dài: Ăn cơm nguội, nằm nhà ngoài”.

Giải thích từ “nằm” sao mà cầu kỳ, nguyên tắc đến thế? Và quan trọng nó không đúng! Nếu chỗ nằm dài rộng thì nằm ườn, nằm thẳng cẳng; chỗ nằm ngắn, hẹp, tròn thì nằm co, nằm cong. Không có gường chiếu thì nằm xuống đất. Nằm mèo xó bếp; Nằm đất với mụ hàng hương, hơn nằm giường với mụ hàng ruốc”,... đều là nằm cả mà thôi.

○ “lắt lẻo tt, trgt Lung lay, không vững: Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc (HXHương): Ngồi lắt lẻo thế này ngã bây giờ”.

Một cái cọc chôn dưới đất dù “lung lay, không vững”, nhưng không bao giờ được gọi là”lắt lẻo”. “Lắt lẻo” (hay vắt vẻo) có sự hình dung về độ cao, tư thế chênh vênh, dễ rơi, dễ ngã. Từ điển Vietlex giảng đúng: “lắt lẻo t. trạng thái đung đưa trên cao do không được cố định chắc vào điểm tựa: Ngồi lắt lẻo trên cành cây ~ “Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi” (Cd)”.

○ “khều đgt: 1. Lấy cái gì từ trong ra ngoài: Khều ốc 2. Lấy cái gì từ trên xuống dưới: khều ổi; khều táo 3. Lấy cái gì từ ngoài vào: Khều bèo”.

Giáo sư Nguyễn Lân giải thích rõ ràng, mạch lạc, có vẻ rất thạo tiếng mẹ đẻ. Nhưng thực chất đó là sự lúng túng trong mô tả, hiểu nghĩa của từ. “Khều” là cách lấy vật gì đó ngoài tầm tay với. Đã “lấy” (cầm lấy vật gì trong tầm tay) sao còn gọi là “khều”? Vậy, lấy điện thoại “từ trong” túi quần ra; lấy cuốn sách “từ trên” giá xuống; lấy đôi giầy “từ ngoài” cửa vào, có gọi là “khều”được không thưa GS? Sau đây là giải thích của Từ điển Lê Văn Đức: khều đt. C/g. Kều, dùng ngón tay quẹt nhẹ hay dùng que hoặc cây dài kéo hay móc hoặc bươi: Khều tay, khều vai; Lấy sào khều chiếc lá trên mái nhà cho nó rớt xuống”; Từ điển Đào Văn Tập: khều Dùng que dài mà lấy vật ở đằng xa lại <> khều quả cầu mắc ở ống máng”; Từ điển Vietlex: “khều đg. dùng que, sào hoặc chân cho mắc vào một vật rồi đưa, kéo vật đó về phía mình: lấy que khều ổi ~ khều quả bóng vào bờ”.

○ “phang đgt Đánh thật mạnh: Mẹ la đã phang cho lão một cái đòn kê gỗ nghiến (Ng-hồng).”

Không đúng! Đâu phải cứ “đánh thật mạnh” thì gọi là “phang”? Vậy dùng tay không, nắm chắc “đánh thật mạnh” có được gọi là “phang” không? “Phang” phải được hiểu là: dùng gậy gộc, đòn gánh hay vật gì dài mà rắn chắc [phân biệt với “quất” bằng roi nhỏ, mềm dẻo], vung lên lấy đà đập thật mạnh vào. Ví dụ GS Nguyễn Lân trích dẫn: Mẹ la đã phang cho lão một cái đòn kê gỗ nghiến (Ng-hồng)” đã chứng minh điều đó. Từ điển Đào Văn Tập giải nghĩa: “phang Cầm vật gì nặng đập vào người ta <> phang vào đầu”; Việt Nam tự điển: phang Cầm dao gậy đập mạnh vào người ta <> Phang cho mấy gậy.” Từ điển Thanh Nghị: phang 1 đt. Cầm cây gậy đánh mạnh vào ai <> Phang vào lưng. 2 dt. Cái đánh bằng gậy <> Phang cho mấy phang.” Đáng tiếc, cái đúng trong Từ điển Văn Tân đã không được GS Nguyễn Lân kế thừa: phang đg. Đánh mạnh bằng dao, gậy <> Bị phang mấy đòn gánh”.

○ “cứa đgt Cắt bằng cách đưa đi đưa lại nhiều lần một con dao không được sắc: Cứa mãi mà không đứt được cái chão”.

Cứa” có khi do cả hai nguyên nhân: con dao thì cùn mà vật cần cắt, cứa lại quá dai! Ví như dao sắc đến mấy mà dùng để cắt sợi dây da bò thì vẫn phải “cứa” đi, “cứa” lại như thường. Ngược lại, con dao tuy cùn nhưng với những thứ như sống chuối, tàu dọc mùng, vẫn có thể cắt xoẹt một cái, mà không cần phải cứa. Mặt khác, mục đích “cứa” có khi còn do cả nguyên nhân thứ ba: cần cắt chính xác điểm nào đó. Thế nên, ban đầu “cứa”(đưa đi đưa lại từ từ) cho lưỡi dao bám vào điểm cần cắt rồi mới “xoẹt” một cái. Lại nữa: không dứt khoát cứ phải dùng “một con dao” mới là “cứa”. “Cứa” là động tác tối cổ loài người. Trước khi biết đến kim loại, người nguyên thuỷ đã dùng các công cụ ghè đẽo thô sơ bằng đá như mảnh tước, troppơ để cứa, cắt xẻ thịt thú rừng. Cho đến bây giờ, khi không có dụng cụ (dao, kéo), ta vẫn học cách sử dụng các công cụ thô sơ của tổ tiên như mảnh sành, mảnh chai, cật nứa mỏng hoặc bất cứ vật gì có cạnh sắc để “cứa”. Từ điển Lê Văn Đức: “cứa đt. Dùng vật bén như dao, miểng chai, ... mà cắt bằng cách đẩy tới kéo lui nhiều bận không mạnh tay”; Từ điển Vietlex: “cứa đg. làm đứt bằng vật có cạnh sắc, thường bằng cách day đi day lại nhiều lần trên bề mặt”.

6. Một số ngôn từ giao tiếp hàng ngày:

Ban đầu, chúng ta học tiếng mẹ đẻ theo cách của một con vẹt. Nhắc lại nguyên xi lời mẹ nói mà không hiểu gì. Chính cách học bản năng, học theo kinh nghiệm này khiến khi lớn lên, tiếng mẹ thấm sâu vào máu thịt. Những từ ta thốt lên đầu tiên trong đời, chính là ngôn từ giao tiếp. Bởi vậy, đối với bất cứ ngôn ngữ nào, tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ thứ hai, trình độ giao tiếp hàng ngày được xem là cơ bản, phổ thông, dễ dàng nhất, trước khi đến với ngôn ngữ chuyên ngành, nâng cao.

Vậy GS Nguyễn Lân đã hiểu hết những từ thông dụng này?

○ “chơi gái đgt Có quan hệ sinh lý với phụ nữ (thông tục): Hắn có học hành gì đâu, chỉ nghĩ đến chuyện chơi gái mà thôi.”

    “Gái” ở đây không thể hiểu là “phụ nữ” nói chung, mà là hạng gái điếm, kỹ nữ (gần đây còn gọi bớp, ca ve, gái gọi, gái bao, v.v...) Còn “quan hệ sinh lý” là nói nhu cầu chính đáng của đời sống tình dục và hàm chứa hoạt động duy trì nòi giống của con người. Trong khi “chơi gái” lại nói về kiểu chơi bời trác táng, thiên về trải nghiệm nhục dục, thoả mãn xác thịt. Kẻ đi “chơi gái” thì phải có “gái chơi”. Thế nên, gái điếm, kỹ nữ còn được gọi là “gái làng chơi” là vậy. Việt Nam tự điển giải nghĩa thứ tư của “chơi”: “nói về cách du đãng: chơi cờ bạc, chơi gái”. Về từ “chơi gái” trong bài “Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam của Nguyễn Lân”, Huệ Thiên (An Chi) đã bình luận ngắn gọn như sau: “Cứ như lời giảng trên đây của ông Nguyễn Lân thì, trừ những đàn ông bất lực, có ông chồng nào lại chẳng chơi gái (Mỗi lần... với vợ là một lần có quan hệ sinh lý với phụ nữ”)”.

○ “chơi hoa đgt Giao thiệp với phụ nữ: Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa (Kiều)”.

Ở đây có sự “ngây thơ” trong ý nghĩ hay là sự thiếu hụt về tiếng mẹ đẻ? “Hoa”thường được ví với phụ nữ, nhưng “hoa”, trong “chơi hoa” lại ám chỉ gái lầu xanh, kỹ nữ, đĩ điếm. Và “chơi” ở đây không phải “giao thiệp”, hay “quan hệ” giao tiếp, mà là “chơi gái” đó, thưa soạn giả. Từ điển Truyện Kiều - Đào Duy Anh chú giải cụ thể: “chơi hoa: Lấy hoa làm vui; nghĩa bóng là chơi gái. Vd: Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa”; Từ điển Lê Văn Đức: chơi hoa đt. Trồng nhiều thứ hoa để thưởng-ngoạn • (B) Lấy đàn-bà con gái cho biết, không chắc ở đời: Chơi hoa từ thuở hoa còn trên cây; Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa”.

Giáo sư Nguyễn Lân là tác giả cuốn sách “Tôi yêu tiếng Việt” (NXB Khoa học xã hội - 1995). Đáng thương cho anh chàng nào đi tán gái, lại học được hai từ “chơi hoa” trong từ điển của GS Nguyễn Lân, rồi tự tin buông lời “có cánh”: Anh chơi hoa đã nhiều, nhưng em mới là bông hoa đẹp nhất mà anh từng...(!). Thật là “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau”!

Tham khảo: Có ý kiến cho rằng: Nguồn gốc từ “hoa”, trong “chơi hoa”, “bán hoa”, xuất phát từ cách mời khách của gái làng chơi xưa kia bên Tàu. Có khách đến “chơi”, một nhóm các cô gái lầu xanh, quần áo, trang điểm thướt ta, niềm nở ra chào. Mỗi cô cầm trên tay một cái khay. Mỗi khay đựng một bông hoa, màu sắc, chủng loại hoa khác nhau. Thế rồi múa hát vòng quanh, đong đưa, uốn éo, đầu mày cuối mắt đưa tình. Khách cảm thấy ưng cô nào, sẽ đưa tay chọn lấy bông hoa để trong khay của cô đó. Chủ khách hiểu ý, cùng lui vào “hậu trường”. Kiểu “giới thiệu”, “chọn hàng” tao nhã này đã sinh ra hai từ cũng rất “tao nhã” là kẻ “bán hoa” và người “chơi hoa”. (điều này HTC đọc được từ hồi nhỏ, nay không còn nhớ ở tài liệu nào. Xin chép lại đại khái nội dung hầu bạn đọc).

○ “dáng vóc dt Thân hình khoẻ mạnh: Ông ấy có dáng vóc đẹp”.

Sai! “Dáng vóc” chỉ ngoại hình cao thấp, gầy, béo. Ai cũng có dáng vóc của người đó, không cứ gì người “thân hình khoẻ mạnh”. Từ điển Vietlex giảng như sau: “dáng vóc d. dáng người, nhìn về mặt thân hình to nhỏ, cao thấp”.

○ “lạ nhà tt Đến một nơi chưa bao giờ đến: Lạ nhà, cả đêm không sao ngủ được”.

Lạ nhà” có khi là chỗ đã từng đến, thậm chí đến nhiều lần, nhưng ít khi, hoặc lần đầu tiên ngủ lại. Một số tác động như: không gian, giường chiếu, mùi vị, âm thanh lạ xung quanh, sự gò bó, thiếu tự do thoải mái, khiến người ta cảm thấy khó ngủ, gọi là “lạ nhà”. Ít nhất cũng nên giải nghĩa khái quát như Từ điển Lê Văn Đức: lạ nhà tt. Trong nhà khác hơn nhà mình: Lạ nhà, ngủ không được”; Từ điển Vietlex: “lạ nhà t. không quen nhà, không quen chỗ: lạ nhà không ngủ được”.

○ “lên mâm đgt Đến lượt mình phải làm việc gì trước quần chúng (thtục) Sắp đến lượt mình phải lên mâm rồi”.

Đúng ra là “lên thớt”, chứ sao lại “lên mâm”? Được “lên mâm” lại sướng quá! Từ điển Lê Văn Đức giải nghĩa: lên mâm đt. Dọn ăn có mâm có dĩa hẳn-hòi: Về trễ thì đi lục ăn, chớ đợi người lên mâm sao?”. “Lên thớt” là khẩu ngữ thông tục, ý nói bản thân sắp phải trải qua, đối mặt một thử thách, khó khăn thực sự (tựa như con cá nằm trên thớt). Các bạn trẻ hay dùng từ này để nói về việc thi cửphỏng vấn tìm việc.v,v... So sánh, chúng tôi thấy có mối liên hệ với Từ điển Văn Tân: lên mâm Đến lượt phải ra mắt trước quần chúng (thtục).”

○ “lắng đọng đgt Dồn góp dần dần lại một nơi: Những tình cảm sâu đậm, lắng đọng trong lòng”.

Hiểu như GS Nguyễn Lân thành vun lại, hoặc dồn lại, chứ không phải “lắng đọng”. Vì “lắng đọng” theo nghĩa đen, là những vật nhỏ lắng xuống đáy nước theo chiều đứng, chứ không phải sự “dồn góp” đa chiều về “một nơi”. Từ điển Vietlex: “lắng đọng đg. 1 lắng dần xuống và đọng lại: phù sa lắng đọng. 2 lưu lại, lắng lại trong chiều sâu tình cảm: hình ảnh lắng đọng trong tâm tưởng ~ “(...) những kỷ niệm và mơ màng thơ ngây, trong sáng hồi xưa vẫn nguyên vẹn thế, vẫn thiết tha lắng đọng tận đáy lòng” (Nguyễn Kiên)”.

○ “mù trời tt Nói trời nhiều mây đen kịt: Mù trời mới bắt được két. Hiện nay mù trời, có lẽ sắp mưa”.

Giáo sư nhầm “mù trời” với kiểu trời động giông, “mây đen kịt” kéo đến báo hiệu “sắp mưa”. “Mây” và “” là hai hiện tượng khác nhau. “Mù trời” là kiểu sương mù giăng phủ khắp không gian (Thế nên, người ta mới lợi dụng màn sương này để đánh bắt, bẫy con két). Khi sương mù dày đặc, có thể sẽ rơi xuống thành hạt như mưa, nhưng đó là “quá mù ra mưa”. Còn động giông, “mây đen kịt” kéo đến mới báo hiệu một trận mưa lớn. Từ điển Lê Văn Đức giải nghĩa: mù trời trt. Đầy trời những gì che áng (như sương, khói, mưa, cát): Sương sa mù trời; Cát bay mù trời”.

Sự lệch lạc trong tiếng mẹ đẻ của Nhà biên soạn từ điển, khiến cho những từ rất phổ thông trong tiếng Việt cũng trở nên “bất đồng” như vậy đó.

○ “lụng thụng tt Nói quần áo rộng quá”.

Thực ra”lụng thụng” là nói quần áo vừa rộng, vừa dài mới đúng. Nếu chỉ là rộng thôi, phải là “thùng thình” chứ không phải”lụng thụng”. Từ điển Đào Văn Tập: lụng thụng Chỉ quần dài rộng quá khổ <> lụng thụng như lễ-sinh”.

○ “quần ống sớ dt (Ống sớ là vỏ hình hộp rất phẳng dùng để đựng sớ cúng trước khi đốt) Quần là có nếp rất phẳng”.

Không hề có loại quần nào có ống “hình hộp” (lập phương). Giáo sư đã hình dung sai hình dáng cái “quần ống sớ”. Bởi “ống sớ” tức là cái ống quần ta ngày xưa tựa cái sớ gấp thành nếp, chứ không phải quần hình cái “ống sớ”, ống đựng sớ. Giống như “quần ống loe” (quần có ống phía dưới loe rộng), “quần ống tuýp” (quần có ống bó phía dưới), “ống” ở đây là ống quần, chứ đâu phải cái “ống” gì đó loe... Còn hộp đựng sớ tấu chiếu chỉ thời xưa có nghĩa khác.

○ “chằn chặn tt Từ dùng sau từ bằng và từ vuông để tỏ ý tuyệt đối: Đôi đũa bằng chằn chặn; Cái bàn vuông chằn chặn”.

Không hẳn chỉ đứng sau từ bằng và từ vuông. Vậy, đều chằn chặn thì sao? Mặt khác, lấy ví dụ “Cái bàn vuông chằn chặn” là chưa chính xác.Vì từ “chằn chặn” ý chỉ những vật gì đó có cùng hình dáng, kích thước, khi đặt cạnh nhau thì thấy bằng, đều chằn chặn. Từ điển Lê Văn Đức giảng như sau: chằn chặn trt. Ăm-ắp, khít-rim, ăn nhau vừa-vặn: Hai cánh cửa ăn nhau chằn-chặn”; Từ điển Văn Tân: chằn chặn ph. Rất đều nhau: <> Bó đũa xếp bằng chằn chặn.” Như vậy, từ Từ điển Văn Tân đúng, nhưng GS Nguyễn Lân lại không theo, tự ý “sáng tạo”, thành thử “bò lành đánh bò què”.

○ “đượm tt Dễ cháy: Củi đượm”.

Không đúng. Giấy, hoặc lá cây dễ cháy hơn nhiều, nhưng không “đượm” (thông thường, càng dễ cháy, cháy nhanh thì càng không đượm). “Đượm” trong “củi đượm” có nghĩa là cháy được lâu, giữ được sức nóng ngay cả khi đã thành than, lâu tàn, chứ không phải “dễ cháy . Ví dụ: củi bằng gộc tre, gốc cây, tuy khó nhóm lửa, nhưng một khi đã bắt lửa thì cháy rất “đượm”, than bền và có sức nóng lâu. Thế nên mới có câu ca dao: “Ai về ai ở mặc ai, Thiếp như dầu đượm thắp hoài năm canh”. “Đượm” trong câu ca dao có nghĩa là cháy lâu, bền bỉ.

○ “lây lất tt lộn xộn và bừa bãi: Sống lây lất ở vỉa hè”.

Sống ở nhà đường hoàng, chỉ tội đồ đạc “lộn xộn, bữa bãi” không ai có thể gọi là”lây lất”. Từ điển Vietlex: “lay lắt đg. hoặc t. ở trạng thái tồn tại một cách yếu ớt, mỏng manh, không ổn định kéo dài: lay lắt như ngọn đèn trước gió ~ sống lay lắt qua ngày”.

○ “thúng thắng đgt Nói ho từng cơn một: Cả đêm ông cụ thúng thắng ho”.

Sai. Ho từng tiếng một khác hẳn với “ho từng cơn một”. Hiểu chính xác, ho”thúng thắng”, hay húng hắng, là thỉnh thoảng ho từng tiếng ngắt quãng, chứ không thành cơn. Từ điển Đào Văn Tập: “thúng thắng ý nói ho nhẹ, thỉnh thoảng mới ra một hai tiếng <> ông già thúng thắng ho”; Từ điển Vietlex: “thúng thắng p. như húng hắng; húng hắng p. [ho] từng tiếng nhẹ, ngắn và thưa”.

○ “ngắn gọn tt Nói bài văn không dài và không rườm rà: Văn của người thường ngắn gọn (TrChinh)”.

Giáo sư Nguyễn Lân quen kiểu giải nghĩa từ vựng sai lầm, đó là chỉ căn cứ nghĩa của từ trong văn cảnh, hoặc ví dụ cụ thể nào đó. Cách làm này đã triệt tiêu sự phong phú, đa dạng nghĩa của từ ngữ. “Ngắn gọn” đâu phải dành riêng để nói về bài văn ngắn gọn? Vậy cuộc họp “ngắn gọn”, câu chuyện “ngắn gọn”, câu hỏi “ngắn gọn”, câu trả lời “ngắn gọn thì sao?

○ “nghiện ngập đgt Nghiện thuốc phiện: Vì nghiện ngập anh ta phải bán cả nhà”.

Nghiện ngập cũng không phải chỉ nói “nghiện thuốc phiện”. Chúng tôi đồng ý với cách giải nghĩa ngắn gọn, chính xác của Từ điển Vietlex: “nghiện ngập đg. nghiện nói khái quát: nghiện ngập rượu chè”.

○ “xâu chuỗi đgt Từ dùng trong phong trào cải cách ruộng đất là bắt liên lạc với nhiều bần cố nông sau khi đã bắt rễ với một người cốt cán”.

Đó là cách hiểu từ “xâu chuỗi” do trải nghiệm, hoặc được dùng trong văn cảnh cụ thể nào đó của Giáo sư Nguyễn Lân. Còn “xâu chuỗi” trong tiếng Việt được hiểu là: “tập hợp liên kết lại thành một chuỗi, một tuyến: xâu chuỗi các sự kiện (Từ điển Vietlex). Chúng tôi thấy có mối liên hệ giữa cách giải thích của GS Nguyễn Lân với Từ điển Văn Tân: “xâu chuỗi Bắt liên lạc với nhiều bần cố nông sau khi đã bắt rễ với một người cốt cán, trong cải cách ruộng đất”.

○ “cầy dt 2 Con chó dùng để ăn thịt: Chén một bữa thịt cầy”.

Cầy không phải “chuyên dùng” để gọi “con chó dùng để ăn thịt”. Cách hiểu của soạn giả xuất phát từ các tấm biển ở cửa hàng “Cầy tơ” hoặc “Thịt cầy 7 món” chăng? Thế nhưng, người ta vẫn gọi các món từ”con chó dùng để ăn thịt là dồi chó, chả chó, chứ không gọi là dồi cầy, chả cầy. Thực ra cày (cầy) là cách gọi khác, chỉ con chó (bất kể để nuôi hay làm thịt) ở nhiều địa phương. Riêng vùng nông thôn Thanh Hoá như các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, người ta gọi con chó là con cày. Mãi đến khoảng vài chục năm gần đây, cách gọi con chó mới phổ biến. “Việt Nam tự điển”: “cầy: một loài thú ở hang, tức loài chồn, như cầy hương, cầy bạc má, cầy bông lau,v.v... Có khi gọi loài chó là cầy, như nói thịt cầy. Văn liệu: Dại như cầy - Run như cầy sấy - Đi tu Phật bắt ăn chay, thịt chó ăn được, thịt cầy phải kiêng”.

○ “tháng ba ngày tám ng Nói thời kỳ nhà nông bận rộn quá vì là thời kỳ giáp hạt: Tháng ba ngày tám mà làm nhà thì thở không kịp.”

Một thành ngữ thuộc loại dễ hiểu nhưng vẫn bị GS Nguyễn Lân giải thích sai. “Tháng ba ngày tám” là thời kỳ “nông nhàn”, cấy cày đã xong, thóc lúa vụ trước đã hết, trong khi lương thực của vụ thu hoạch mới chưa đến. Nếu có “bận rộn” là bận đi “chạy ăn”, chứ đâu bận vì công việc? Ví dụ trích dẫn: “Tháng ba ngày tám mà làm nhà thì thở không kịp của soạn giả nếu có, phải được hiểu là đang lúc đói kém mà làm nhà thì vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Từ điển Vũ Dung giảng như sau: “Tháng ba ngày tám. Những ngày tháng giáp vụ đói kém, thóc gạo mùa trước đã hết, mùa sau chưa được ăn.” Thành ngữ VN: “tháng ba ngày tám Như ngày ba tháng tám Thời kỳ giáp hạt, giá lúa gạo rất đắt, nên thường khó khăn, túng đói (Tháng ba và tháng tám là thời kỳ ở giữa hai mùa lúa, lương thực của mùa trước thì đã cạn nhưng lại chưa đến vụ thu hoạch mới)”.

Tất cả những từ, ngữ chúng tôi nêu ra trên đây có tới gần trăm phần trăm là từ rất thông dụng trong đời sống hàng ngày, người không được học hành, cũng có thể sử dụng chính xác, thành thạo. Thế nhưng, sự thiếu hụt về vốn từ tiếng mẹ đẻ không chỉ khiến GS Nguyễn Lân hiểu sai hàng loạt từ ngữ trong Từ điển từ và ngữ Việt Nam, mà còn trở thành nguyên nhân chính trong việc giải thích sai rất nhiều thành ngữ, tục ngữ trong sách Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam mà chúng tôi từng nêu.

Một ngàn năm độ hộ giặc Tàu, Một trăm năm đô hộ giặc Tây (Trịnh Công Sơn). Tiếng mẹ đẻ của ta mười phần, đã mất tới hơn nửa chẳng còn thuần hậu. Những từ, ngữ ta vừa nói trên thuộc số ít ỏi “đồ tư trang” vô cùng quý báu của Mẹ Việt Nam. Thế mà “Của riêng còn một chút này, Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan”.


Giống như Mẹ, tiếng mẹ đẻ mỗi người chỉ có một. Tiếng mẹ đẻ là nền tảng ngôn ngữ, hành trang vô cùng quan trọng để chúng ta bước vào thế giới tri thức, trước khi đến với ngôn ngữ thứ hai. Giáo sư Nguyễn Lân chưa hiểu hết tiếng mẹ đẻ, chưa dùng đúng tiếng dân tộc, việc GS trong biên soạn ra các loại Từ điển “rất có hại cho tiếng Việt­” là điều hoàn toàn dễ hiểu.

Hết phần I Tiếng mẹ đẻ
Một số tài liệu tham khảo:
1.Từ điển tiếng Việt-Hoàng Phê chủ biên-NXB Đà Nẵng-2013
2.Từ điển từ láy tiếng Việt-Hoàng Văn Hành chủ biên-NXB khoa học xã hội-2011.
3.Ngữ pháp tiếng Việt-Diệp Quang Ban-NXB Giáo dục-2013.
4.Việt Nam tự điển-Hội Khai trí Tiến đức-vietnamtudien.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét