30 thg 3, 2014

Thử lý giải những sai sót để đời của Nhà biên soạn từ điển-GS Nguyễn Lân


         Hoàng Tuấn Công
Kỳ 6 Tiếng mẹ đẻ
(Phần 2)
Phần I Tiếng mẹ đẻ, bạn đọc còn nhớ GS Nguyễn Lân giải thích từ Ngồn ngộn: “Nói người phụ nữ trắng và đẹp: Cô ta mới lớn lên trông ngồn ngộn”. Chúng tôi không đồng ý với cách giải thích này và cho rằng: Khi nhìn phụ nữ mà thốt lên hai từ “ngồn ngộn” chỉ có thể là cái nhìn chằm chằm vào bộ ngực lồ lộ, căng đầy lên chứ không phải cách cảm nhận sắc đẹp nói chung. Nói cách khác, đó là cái nhìn thiên về nhục dục hơn là sự rung động trước vẻ đẹp của một phụ nữ hay cô gái “mới lớn” “trắng và đẹp”.
Sau đây, câu chuyện Tiếng mẹ đẻ của GS Nguyễn Lân xin được tiếp tục:

 -Trắng ngồn ngộn Vừa trắng vừa mập mạp: Ngực anh ta trắng ngồn ngộn.
Người Việt rất khó chấp nhận dùng từ “mập mạp” (béo chắc, khỏe nói chung) để hình dung sự “ngồn ngộn” (đầy lên, trông sướng mắt). Thứ hai, trước đó Giáo sư cho rằng từ “ngồn ngộn” đã bao hàm nghĩa “trắng”: “nói phụ nữ trắng mà đẹp”. Thế nhưng ở mục “trắng ngồn ngộn” GS lại dẫn bạn đọc đi theo cuộc “phiêu lưu” ngôn từ khác. Đó là “nhan sắc” đàn bà bỗng thành vẻ đẹp đàn ông: “Ngực anh ta trắng ngồn ngộn”. Chúng tôi cố lý giải: Có thể đây là bộ ngực của nhà vô địch thể hình "hạng nặng". Bởi thế, GS e rằng nếu không dùng “ngồn ngộn” sẽ không lột tả hết được sự “vạm vỡ” của bộ ngực. Tuy nhiên, nghĩ đi rồi cũng nghĩ lại. Dùng “ngồn ngộn” để cảm nhận về bộ ngực kiểu Lý Đức hay Phạm Văn Mách sợ rằng không “lành mạnh”. Vả lại, ngực các vị này thường có màu đồng hun, bóng nhẫy, cuồn cuộn những múi cơ chắc nịch. Đâu có ngồn ngộn trắng, căng đầy, vẻ mềm mại, “ngon ăn” khêu gợi như của giới nữ ? Có lẽ hợp lý hơn cả: Hình như GS đang nói đến bộ ngực trần của “người đẹp chuyển giới”. Về hình thức đã là “cô” hoàn hảo với “núi đôi” “trắng ngồn ngộn”. Chỉ mỗi cái tên trong chứng minh thư vẫn còn là “anh ta” mà thôi !
4.Nấu nướng, ăn uống, cảm nhận hương vị:
Người ta hay dùng từ "cơm bữa" để nói những gì diễn ra thường xuyên, quá quen thuộc. Bởi thế, dẫu không bao giờ vào bếp, nhưng khi ăn uống, ta vẫn biết gọi tên những món mình ăn là gì. Vậy sự nhận biết từ bếp nấu đến bàn ăn của GS Nguyễn Lân thế nào ?
-Xào xáo Nấu thức ăn bằng dầu mỡ và mắm muối: Tính anh ấy dễ dãi, vợ xào xáo thứ gì thì ăn thứ ấy.
Dầu mỡ, mắm muối là cách nói khái quát những gia vị thiết yếu. Thế nên có rất nhiều món ăn nấu "bằng dầu mỡ mắm muối", cứ gì phải “xào xáo” ?  Hơn nữa, Việt Nam không có món ăn nào gọi là món “xào xáo”. Việc đưa ra định nghĩa “xào xáo” nấu bằng những gia vị gì là không đúng.
"Xào xáo" theo nghĩa "vợ xào xáo thứ gì ăn thứ ấy" là kiểu nấu qua loa, tùy tiện, nấu cho nhanh, không thành món xào cũng chẳng phải món xáo. Ví như cần dầu mỡ mà không cho dầu mỡ; cần cả mắm, muối nhưng lại chỉ có muối. Hoặc giả món xào bao giờ cũng chỉ tạo một ít nước cốt. Khi múc ra thì đọng một chút ở lòng đĩa để món ăn thêm đậm đà. Đằng này do vụng về hoặc làm ẩu lại đổ “chõm” nước vào. Thế là canh chẳng ra canh, xáo chẳng ra xáo, mà xào lại càng không phải. Bởi vậy, chỉ có anh chồng nào tính "dễ dãi", (hay quá “yêu vợ” ?) thì “vợ xào xáo thứ gì” mới “ăn thứ ấy”.
 -Xáo Nấu thịt với các gia vị: Ông ơi ông vớt tôi nao, Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng (cd); Mười voi không được bát nước xáo (tng).
Giống như “xào xáo”, từ “xáo” GS cũng giải thích rất mơ hồ ! Thịt kho tàu, kho nghệ hay nấu với cà chua, thêm mắm muối, hành, tỏi gì đó đều có thể gọi là cách "nấu thịt với các gia vị". Trong khi tính chất của món "xáo" phải có nhiều nước. Thế nên hai câu tiếp theo trong bài ca dao mới là: Có xáo thì xáo nước trong, Đừng xáo nước đục đau lòng cò con". Câu "Ba voi không được bát nước xáo" cũng nói về món nấu phải có nhiều nước đấy, thưa GS !
Tham khảo: TĐTViệt (1): “Xáo: nấu thịt với nhiều nước và các loại rau, gia vị riêng”.
-Béo ngấy. Thức ăn có nhiều mỡ quá.
-Béo ngậy. Như béo ngấy.
“Béo ngậy” không thể đồng nghĩa (như) “béo ngấy”. "Béo ngậy" = Béo có vị ngọt, bùi, dậy mùi thơm ngon quyện lẫn nhau (1). Còn “béo ngấy”  = béo khiến người ta không muốn ăn nữa vì quá nhiều mỡ (2). Cùng là “béo” cả nhưng nó khác nhau căn bản ở chỗ “ngậy” hay ngấy. “Béo” (1) khiến cho ta muốn ăn, còn “béo” (2) lại khiến ta ngán đến tận cổ.
Việt Nam tự điển (2): Ngấy. Chán vì mỡ, vì béo: Trông thấy mỡ mà ngấy; Ngậy. Nói món đồ ăn béo thơm: Chân giò ăn béo ngậy”
TĐTViệt: Ngấy: Có cảm giác sợ đối với một loại thức ăn nào đó [thường là chất béo hay chất ngọt]. Ngậy: [món ăn] béo và thơm, ngon. lạc ăn vừa ngậy vừa bùi; mùi cá nướng thơm ngậy.
-Béo mầm. Béo và khoẻ.
Chưa chính xác. Từ này không hàm ý béo khỏe. "Béo mầm" = Béo mềm và mũm mĩm những thịt mới đúng. Nó là kiểu béo cho sản phẩm thịt ngon của vật nuôi; và béo do an nhàn sung sướng; béo chỉ để sướng bản thân (chứ không phải để có sức khỏe lao động) trong câu ca dao: "Chồng con là cái nợ nần, Thà rằng ở vậy nuôi thân béo mầm".
-Nốc: Uống nhanh một cách tham lam (Rượu nốc lời ra hăng hái lạ (Tú Mỡ)
Chưa chính xác. Uống ừng ực, tu ừng ực cũng là kiểu uống nhanh, có vẻ tham lam. Ở đây "nốc" phải được hiểu là cách uống thô tục, vô độ; uống để thỏa mãn cơn nghiện thèm chứ không phải để thưởng thức.
-Lạ miệng Nói món ăn mới được ăn lần đầu: Đến Vịnh Hạ Long được ăn sò, lạ miệng ăn nhiều.
GS hiểu không đầy đủ từ "lạ miệng". Người ốm đắng miệng không muốn ăn. Nếu đổi món khác không thường được ăn, hoặc đã lâu không ăn, “lạ miệng” lại ăn được nhiều. Thế nên, nếu hiểu “lạ miệng” là món mới "ăn lần đầu" như GS là phiến diện. TĐTViệt giải nghĩa "Lạ miệng: Không thường được ăn hoặc lần đầu được ăn, cho nên có cảm giác lạ, cảm thấy thích thấy ngon".
5.Động tác, tư thế, hành động, tính chất:
Có thể nói, không gì liên quan trực tiếp, gần gũi với ta bằng những động tác, tư thế hàng ngày của chính ta. Ngay từ lúc chập chững, ta đã phải "thực hành": ngã sấp, ngã ngửa, ngã bổ chửng...Suốt chặng đường đời, đến khi về già lắm lúc cũng phải  "ôn lại". Những hành động như “lẵng nhẵng” chạy theo mẹ, ngồi vắt vẻo, “lắt lẻo” trên cành cây, “khều”, chọc ổi cũng đã quen từ bé. Chính mẹ ta là người đầu tiên dạy cho ta gọi tên, phân biệt những tư thế, động tác ấy.
Vậy, GS Nguyễn Lân ?
-Ngã bổ chửng: Ngã đâm đầu xuống trước: Bị trượt chân, ngã bổ chửng.
Giáo sư hiểu sai hoàn toàn kiểu ngã "bổ chửng": ngã ngửa thành ngã sấp ! TĐTViệt: "Bổ chửng [ngã] ngửa người ra vì bất ngờ bị trượt. ngã bổ chửng; trượt chân bổ chửng".
-Ngã chúi Ngã đầu đập xuống trước.
Không chính xác. "Ngã chúi" là kiểu ngã về đằng trước nhưng đầu lộn, cắm, chúi từ trên cao xuống đất hoặc sông, suối, ao hồ... Còn “ngã đầu đập xuống trước” thì ngã về trước, sau, hai bên, tứ phía đều có thể dẫn đến... “đập đầu xuống trước”.
-Lẵng nhẵng Cứ kéo dài, không giải quyết được: công việc lẵng nhẵng thế này, sốt ruột lắm.
-Lẵng nhà lẵng nhẵng Lôi thôi kéo dài, không giải quyết được: Công việc cứ lẵng nhà lẵng nhẵng mãi, chưa xong.
Hình như soạn giả nhầm từ “lẵng nhẵng” với lằng nhằng thì phải ? Bởi vì nếu ta thay “lẵng nhẵng” trong cách diễn đạt của GS: “công việc lẵng nhẵng thế này, sốt ruột lắm” bằng : công việc lằng nhằng thế này, sốt ruột lắm, lúc này mẹ đẻ ta mới thực sự hiểu ý ta muốn nói gì.
Hãy xem Việt Nam tự điển phân biệt:
- “Lẵng nhẵng: Theo lẽo đẽo vướng víu: đàn con theo lẵng nhẵng”.
-“Lằng nhằng: Lôi thôi dai dẳng: Việc lằng nhằng mãi không xong”.
 TĐTViệt giải nghĩa: "Lẵng nhẵng: Ở tình trạng không chịu rời ra, dứt ra, làm vướng víu mãi. Lẵng nhẵng chạy theo sau".
-Nằm. Đặt mình trên một vật dài: Ăn cơm nguội, nằm nhà ngoài.
Giải thích từ “nằm” sao mà cầu kỳ, nguyên tắc đến thế ? Và quan trọng nó không đúng ! Nếu chỗ nằm dài rộng thì nằm ườn, nằm thẳng cẳng. Chỗ nằm ngắn, hẹp, tròn thì nằm co, nằm cong. Nằm mèo xó bếp; Nằm đất với mụ hàng hương, hơn nằm giường với mụ hàng ruốc,... đều là nằm cả mà thôi.
-Lắt lẻo Lung lay, không vững: Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc (HXHương) Ngồi lắt lẻo thế này ngã bây giờ.
Một cái cọc chôn dưới đất "lung lay, không vững" nhưng không bao giờ được gọi là "lắt lẻo". "Lắt lẻo" (hay vắt vẻo) có sự hình dung về độ cao, tư thế chênh vênh, dễ rơi, dễ ngã. TĐTViệt: “Lắt lẻo: Trạng thái đung đưa trên cao do không được cố định chắc vào điểm tựa. Ngồi lắt lẻo trên cành cây. Ví dầu cầu ván đóng đinh, Cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi (Cd)”.
-Khều đgt: 1. Lấy cái gì từ trong ra ngoài: Khều ốc 2. Lấy cái gì từ trên xuống dưới: khều ổi; khều táo 3. Lấy cái gì từ ngoài vào: Khều bèo.
Giáo sư giải thích có vẻ rất thành thạo, rõ ràng, mạch lạc. Nhưng thực chất đó là sự lúng túng trong mô tả, hiểu nghĩa của từ. Đã “lấy” (cầm lấy vật gì trong tầm tay) sao còn gọi là “khều” (cách lấy vật gì ngoài tầm tay với). Vậy, lấy điện thoại “từ trong” túi quần ra; lấy cuốn sách “từ trên” giá xuống; lấy đôi giầy “từ ngoài” cửa vào có gọi là “khều” được không thưa GS ? Sau đây là giải thích của TĐTViệt: “Khều: Dùng que, sào hoặc chân cho mắc vào một vật rồi đưa, kéo vật đó về phía mình: Lấy que khều ổi, Khều quả bóng vào bờ”.
          -Cụng đầu Ngoài nghĩa đen, còn có nghĩa như chạm trán: Hai chàng tình địch cụng đầu nhau ở nhà cô ả.
Có vẻ như Giáo sư lại nhầm từ cụng đầu” với đụng đầu” ? Vì “chạm trán” hay “đụng đầu” chỉ trạng thái đối kháng, thù địch. Còn động tác “cụng đầu” giữa hai người lại là cách thể hiện tình cảm yêu thương, hoặc yêu đương giữa người với người. Thế nên trong bài “Khoảnh khắc nồng thắm của vợ chồng Obama” mới đăng bức ảnh hai vị này “cụng đầu” nhau và chú thích: “Vợ chồng Obama cụng đầu nhau trước khi ông phát biểu trước đám đông ủng hộ ở Bang Michigan” (Theo Vietbao.vn).  Bởi vậy, "hai chàng tình địch” gặp nhau ở "nhà cô ả", thay vì "đụng đầu", “chạm trán” mà lại trở ra cụng đầu” với nhau, nhiều khả năng là “GAY” rồi !
-Cứa Cắt bằng cách đưa đi đưa lại nhiều lần một con dao không được sắc. Cứa mãi mà không đứt được cái chão.
          “Cứa” có khi do cả hai nguyên nhân: con dao thì cùn mà vật cần cắt, cứa lại quá dai ! Ví như dao sắc đến mấy mà dùng để cắt sợi dây da bò thì vẫn phải “cứa” đi, “cứa” lại như thường. Ngược lại, con dao tuy cùn nhưng với những thứ như sống chuối, tàu dọc mùng, vẫn có thể cắt xoẹt một cái mà không cần phải cứa. Mặt khác, mục đích “cứa” có khi còn do cả nguyên nhân thứ ba: cần cắt chính xác điểm nào đó. Thế nên, ban đầu “cứa” (đưa đi đưa lại từ từ) cho lưỡi dao bám vào điểm cần cắt rồi mới “xoẹt” một cái. Lại nữa: không dứt khoát cứ phải dùng "một con dao" mới là “cứa”. Đây là động tác tối cổ loài người. Trước khi biết đến kim loại, người nguyên thủy đã dùng các công cụ ghè đẽo thô sơ bằng đá như mảnh tước, troppơ để cứa, cắt xẻ thịt thú rừng. Cho đến bây giờ, khi không có dụng cụ (dao, kéo), ta vẫn học cách sử dụng các công cụ thô sơ của tổ tiên như mảnh sành, mảnh chai, cật nứa mỏng hoặc bất cứ vật gì có cạnh sắc để “cứa”. Thế nên, chúng tôi đồng ý với cách giải nghĩa tổng quát của TĐTViệt: “Cứa: làm đứt bằng vật có cạnh sắc, thường bằng cách day đi day lại nhiều lần trên bề mặt”.
Nói thêm: Cắtcứa là hai từ Hán-Việt đã được Việt hóa hoàn toàn. Cắt vốn là chữ cát =cắt đứt (trong từ cát cứ 割据-chia cắt, chiếm giữ). “Cứa”- biến âm của (hoặc cứ) nghĩa là: cưa- cái cưa (theo quy luật biến âm thành lừa-con lừa; cự thành cựa-cựa gà...). Đáng chú ý, tuy vay mượn nhưng mẹ đẻ chúng ta rất sáng tạo trong quá trình Việt hóa. Đó là dùng chữ trong cưa gỗ biến âm thành “cứa” để diễn tả động tác “cứa” (đưa đi đưa lại công cụ như thể là cưa, mà lại không phải cưa). Qua đó phân biệt rõ giữa hai động tác cưa, cắtcứa. Trong khi tiếng Hán, động tác cứa được dùng bởi từ ghép đẳng lập cát thiết 割切(cát=cắt đứt; thiết=cắt). Còn cắt nói chung thì gọi là thiết ; cắt bằng kéo thì gọi là tiễn thiết (tiễn=cái kéo).
          6. Một số ngôn từ giao tiếp hàng ngày:
          Ban đầu, chúng ta học tiếng mẹ đẻ theo cách của một con vẹt. Nhắc lại nguyên xi lời mẹ nói mà  không hiểu gì.Chính cách học bản năng này khiến khi lớn lên tiếng mẹ thấm sâu vào máu thịt. Những từ ta thốt lên đầu tiên trong đời chính là ngôn từ giao tiếp. Bởi vậy, đối với bất cứ ngôn ngữ nào, tiếng mẹ đẻ hay ngôn ngữ thứ hai, trình độ giao tiếp hàng ngày được xem là cơ bản, phổ thông, dễ dàng nhất, trước khi đến với ngôn ngữ chuyên ngành, nâng cao.
Vậy GS Nguyễn Lân đã  hiểu hết những từ thông dụng này ?
-Cho vay Chuyển tiền hay thóc của mình cho người khác dùng trong một thời gian và đòi phải trả lãi.
Thực ra trong ngôn ngữ hàng ngày, chúng ta vẫn nói đi vay gạo về nấu mà không nói đi mượn gạo. Hoặc nói vay tiền của nhau với nghĩa chỉ phải hoàn trả bằng giá trị tương đương đấy thôi. Cách hiểu của GS Nguyễn Lân chỉ đúng khi đó là cụm từ cho vay lấy lãi chứ không phải hai từ “cho vay” đơn thuần.
Việt Nam tự điển:Vay: mượn tiền hay vật gì của ai để rồi phải trả lại nguyên số: Vay tiền, vay gạo”
TĐTViệt: “Vay: mượn tiền hay cái gì của người khác để sử dụng với điều kiện sẽ trả lại bằng cái cùng loại có số lượng hoặc giá trị tương đương. Vay tiền; vay tạm mấy cân gạo”.
Từ điển học sinh (NXB Giáo dục 1971) Vay. Mượn tạm (tiền; đồ vật) để dùng sau sẽ trả lại thứ tương đương: Vay ít tiền mua sách”.
Thế nên trong phần lời giới thiệu băng nhạc Chế Linh Tình bơ vơ (còn gọi Chế Linh 18 ca khúc) mới có đoạn: “...Tình bơ vơ, một nhạc phẩm của nhạc sĩ Lam Phương được vay làm chủ đề”. Từ vay ở đây là vay mượn, vay đồng nghĩa mượn.
-Chôn chặt. Để sâu vào trong đất:Chôn chặt văn chương ba thước đất (HX Hương)
“Để sâu vào trong đất” mà không lấp đất lại thì sao được gọi là chôn ? Như thế gọi là "để" dưới hố sâu thì đúng hơn. Huống gì ở đây là “chôn chặt” cơ mà ? Từ điển cần chính xác đầy đủ: Chôn chặt = chôn sâu và lèn chặt. Ngoài ra từ “chôn chặt” còn được hiểu theo nghĩa bóng “chôn chặt trong lòng” với ý giấu kín, không bao giờ để lộ.
Tham khảo: Việt Nam tự điển: “Chôn: đào đất mà vùi vật gì xuống: chôn xác, chôn của, chôn cột...”
TĐTViệt: “Chôn: đặt xuống lỗ đào dưới đất và lấp đất lại
-Chơi gái. Có quan hệ sinh lý với phụ nữ (thông tục): Hắn có học hành gì đâu, chỉ nghĩ đến chuyện chơi gái mà thôi.
 “Gái” ở đây không thể hiểu là “phụ nữ” nói chung mà là hạng gái điếm, kỹ nữ (mà gần đây còn gọi bớp, ca ve, gái gọi, gái bao, v.v...) Còn “quan hệ sinh lý” là nói nhu cầu chính đáng của đời sống tình dục và hàm chứa hoạt động duy trì nòi giống của con người. Trong khi “chơi gái” lại nói về kiểu chơi bời trác táng, thiên về trải nghiệm nhục dục, thỏa mãn xác thịt. Kẻ đi “chơi gái” thì phải có “gái chơi”. Thế nên, gái điếm, kỹ nữ còn được gọi là “gái làng chơi” là vậy.
Về từ “chơi gái”, trong bài  
Đọc lướt «Từ điển từ và ngữ Việt Nam» của Nguyễn Lân
 An Chi bình luận ngắn gọn như sau: “Cứ như lời giảng trên đây của ông Nguyễn Lân thì, trừ những đàn ông bất lực, có ông chồng nào lại chẳng “chơi gái” (Mỗi lần...với vợ là một lần “có quan hệ sinh lý với phụ nữ”)
- Chơi hoa. Giao thiệp với phụ nữ. Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa (Kiều)
Ở đây có sự “ngây thơ” trong ý nghĩ, hay là sự thiếu hụt về vốn từ tiếng mẹ đẻ ? “Hoa” thường được ví với phụ nữ. Nhưng “hoa” trong “chơi hoa” lại ám chỉ gái lầu xanh, kỹ nữ, đĩ điếm. Và “chơi” ở đây không phải “giao thiệp” hay “quan hệ” giao tiếp mà là “chơi gái” đó thưa soạn giả.  Việt Nam tự điển giải nghĩa thứ tư của “chơi”: “Nói về cách du đãng: chơi cờ bạc, chơi gái. Từ điển Truyện Kiều - Đào Duy Anh chú giải cụ thể: “Chơi hoa: Lấy hoa làm vui; nghĩa bóng là chơi gái. Vd: Chơi hoa đã dễ mấy người biết hoa”(Kiều)
Giáo sư Nguyễn Lân là tác giả cuốn sách “Tôi yêu tiếng Việt” (NXB Khoa học xã hội-1995). Thật đáng thương cho anh chàng nào đi tán gái, lại học mót được hai từ “chơi hoa” trong từ điển của GS Nguyễn Lân rồi tự tin buông lời “có cánh”: Anh chơi hoa đã nhiều, nhưng em mới là bông hoa đẹp nhất mà anh từng... (!)
 Thật là “Yêu nhau như thế bằng mười phụ nhau” !
Tham khảo: Có ý kiến cho rằng: Nguồn gốc từ “hoa”  trong “chơi hoa”, “bán hoa” xuất phát từ cách mời khách của gái làng chơi xưa kia bên Tàu. Có khách đến “chơi”. Một nhóm các cô gái lầu xanh quần áo, trang điểm thướt ta, niềm nở ra chào. Mỗi cô cầm trên tay một cái khay. Mỗi khay đựng một bông hoa, màu sắc, chủng loại hoa khác nhau. Thế rồi múa hát vòng quanh. Đong đưa, uốn éo, đầu mày cuối mắt đưa tình. Khách cảm thấy ưng cô nào sẽ đưa tay chọn lấy bông hoa để trong khay của cô đó. Chủ khách hiểu ý cùng lui vào “hậu trường”. Kiểu “giới thiệu”, “chọn hàng tao nhã” này đã sinh ra hai từ cũng rất “tao nhã” là kẻ “bán hoa” và người “chơi hoa” (điều này HTC đọc được từ hồi nhỏ, nay không còn nhớ ở tài liệu nào. Xin chép lại đại khái nội dung hầu bạn đọc. Rất mong các bậc cao minh chỉ bảo, phản hồi)
-Dáng vóc. Thân hình khỏe mạnh.
Sai ! "Dáng vóc” chỉ ngoại hình cao thấp, gầy, béo. Ai cũng có dáng vóc của người đó, không cứ gì người "thân hình khỏe mạnh". TĐTViệt: “Dáng vóc Dáng người, nhìn về mặt thân hình to nhỏ, cao thấp”.
-Lạ nhà Đến một nơi chưa bao giờ đến: Lạ nhà, cả đêm không sao ngủ được.
"Lạ nhà" có khi là chỗ đã từng đến, thậm chí đến nhiều lần, nhưng ít khi hoặc lần đầu tiên ngủ lại. Một số tác động như: không gian, giường chiếu, mùi vị, âm thanh lạ xung quanh, sự gò bó, thiếu tự do thoải mái khiến người ta cảm thấy khó ngủ, gọi là lạ nhà. TĐTViệt giải nghĩa "Lạ nhà: Không quen nhà, không quen chỗ. Lạ nhà không ngủ được".
-Lên mâm: Đến lượt mình phải làm việc gì trước quần chúng (thtục) Sắp đến lượt mình phải lên mâm rồi.
Cái tính hay nói ngược của Giáo sư thiệt lạ ! Đúng ra là "lên thớt" chứ, sao lại “lên mâm” ? Được “lên mâm” lại sướng quá ! "Lên thớt" là khẩu ngữ ý nói bản thân sắp phải trải qua, đối mặt một thử thách gì đó khó khăn thực sự. Các bạn trẻ hay dùng từ này để nói về việc thi cử, phỏng vấn tìm việc.v,v...
-Lắng đọng: Dồn góp dần dần lại một nơi: Những tình cảm sâu đậm, lắng đọng trong lòng.
Hiểu như GS thành vun lại hoặc dồn lại, chứ không phải "lắng đọng"."lắng đọng" theo nghĩa đen là những vật nhỏ lắng xuống đáy nước theo chiều đứng, chứ không phải sự "dồn góp" đa chiều về "một nơi". TĐTViệt: "Lắng đọng: 1.Lắng dần xuống và đọng lại. Phù sa lắng đọng. 2.Lưu lại, lắng lại trong chiều sâu tình cảm. hình ảnh lắng đọng trong tâm tưởng".
-Xăm xắp Nói nước gần đến miệng vật đựng hoặc đến gần mặt đê: Đổ nước xăm xắp miệng nồi. Nước lụt đã đến xăm xắp mặt đê.
Nếu "nước gần đến miệng vật đựng" hoặc gần mặt đê người ta nói ngấp nghé chứ không nói nước "xăm xắp". Khi nói nước "xăm xắp" có nghĩa nó đã ngập lên rồi nhưng chỉ ở độ vừa lút nhiều vật gì đó đang nằm trong vùng (hoặc dụng cụ) chứa nước. Ví dụ nước xăm xắp mặt ruộng là nước chỉ vừa ngập các hòn đất nhấp nhô và cây cỏ trong ruộng (có chỗ chưa lút hẳn). Với mặt đê, nếu nói nước "xăm xắp" thì có nghĩa nước đã bắt đầu tràn lên đê rồi, nhưng chưa đủ ngập sâu và chảy mạnh. TĐTViệt: "Xăm xắp: (nước) ở mức không đầy lắm, chỉ  đủ phủ kín khắp bề mặt. Nước xăm xắp mặt ruộng.
-Mù trời Nói trời nhiều mây đen kịt: Mù trời mới bắt được két. Hiện nay mù trời, có lẽ sắp mưa.
Giáo sư nhầm "mù trời" với kiểu trời động giông, "mây đen kịt" kéo đến báo hiệu "sắp mưa". “Mây”“mù” là hai hiện tượng khác nhau. "Mù trời" là kiểu sương mù giăng phủ khắp không gian (Thế nên, người ta mới lợi dụng màn sương này để đánh bắt, bẫy con két) Khi sương mù dày đặc có khi cũng sẽ rơi xuống thành hạt như mưa, nhưng đó là "quá mù ra mưa". Còn động giông “mây đen kịt” kéo đến mới báo hiệu một trận mưa lớn.
Sự lệch lạc trong tiếng mẹ đẻ của Nhà biên soạn từ điển khiến cho những từ rất phổ thông trong tiếng Việt cũng trở nên “bất đồng” như vậy đó.
-Lụng thụng. Nói quần áo rộng quá.
Thực ra“lụng thụng” là nói quần áo vừa rộng, vừa dài mới đúng. Nếu chỉ là rộng thôi phải là “thùng thình” chứ không phải“lụng thụng”.
-Quần ống sớ: (Ống sớ là vỏ hình hộp rất phẳng dùng để đựng sớ cúng trước khi đốt) Quần là có nếp rất phẳng.
Không hề có loại quần nào có ống “hình hộp” (lập phương). Giáo sư đã hình dung sai hình dáng cái ống sớ. Bởi gọi “ống sớ” nhưng nó tựa cái phong bì hình chữ nhật bẹt. "Ống sớ" khác phong bì thư ở chỗ một đầu dán kín, đầu kia có miệng bỏ sớ vào và gấp mép lại. Theo daitudien.net “quần ống sớ” là “loại quần dân tộc Việt Nam xưa kia của người đàn ông bằng vải trúc bâu trắng, ống rộng, thẳng, sau mỗi lần giặt phải hồ, là phẳng cho cứng mặt vải. Khi mặc ống thẳng như hai ống đựng sớ”.
-Chằn chặn. Từ dùng sau từ bằng và từ vuông để tỏ ý tuyệt đối: Đôi đũa bằng chằn chặn; Cái bàn vuông chằn chặn.
Không hẳn chỉ đứng sau từ bằng và từ vuông. Vậy đều chằn chặn thì sao ? Mặt khác lấy ví dụ “Cái bàn vuông chằn chặn” là chưa chính xác.Vì từ “chằn chặn” ý chỉ những vật gì đó có cùng hình dáng, kích thước, khi đặt cạnh nhau thì thấy bằng, đều chằn chặn.
-Lây lất: lộn xộn và bừa bãi: sống lây lất ở vỉa hè.
Sống ở nhà đường hoàng, chỉ tội đồ đạc “lộn xộn, bữa bãi” không ai có thể gọi là “lây lất”. TĐTViệt: “Lay lắt như Lây lất: Ở trạng thái tồn tại một cách yếu ớt, mỏng manh, không ổn định kéo dài. Lay lắt như ngọn đèn trước gió; sống lay lắt qua ngày.
-Thúng thắng: Nói ho từng cơn một.
Ho từng tiếng một khác hẳn với “ho từng cơn một”. Chính xác ho“thúng thắng”, hay húng hắng là ho từng tiếng ngắt quãng, lúc nhặt lúc khoan chứ không thành cơn. TĐTViệt: Thúng thắng như húng hắng [ho] từng tiếng nhẹ, ngắn và thưa”.
-Ngắn gọn Nói bài văn không dài và không rườm rà: Văn của người thường ngắn gọn (TrChinh)
Giáo sư quen kiểu giải nghĩa từ vựng rất sai lầm. Đó là chỉ căn cứ nghĩa của từ trong văn cảnh ví dụ cụ thể nào đó. Cách làm này đã triệt tiêu sự phong phú, đa dạng nghĩa của từ. “Ngắn gọn” đâu phải giành riêng để nói về bài văn ngắn gọn ? Vậy cuộc họp “ngắn gọn”, câu chuyện “ngắn gọn”, câu hỏi “ngắn gọn”, câu trả lời “ngắn gọn” thì sao ?
-Nghiện ngập: Nghiện thuốc phiện: vì nghiện ngập anh ta phải bán cả nhà.
“Nghiện ngập” cũng không phải chỉ nói “nghiện thuốc phiện”.Chúng tôi đồng ý với cách giải nghĩa ngắn gọn, chính xác của TĐTViệt: “Nghiện ngập: Nghiện nói khái quát, nghiện ngập rượu chè”.
          -Xâu chuỗi Từ dùng trong phong trào cải cách ruộng đất là bắt liên lạc với nhiều bần cố nông sau khi đã bắt rễ với một người cốt cán.
          Đó là cách hiểu từ “xâu chuỗi” do trải nghiệm nào đó của Giáo sư. Còn “xâu chuỗi” trong tiếng Việt được hiểu là: “tập hợp liên kết lại thành một chuỗi, một tuyến. Xâu chuỗi các sự kiện” (TĐTViệt)
-Cầy Con chó dùng để ăn thịt: Chén một bữa thịt cầy.
“Cầy” không phải “chuyên dùng” để gọi “con chó dùng để ăn thịt”. Cách hiểu của soạn giả xuất phát từ các tấm biển ở cửa hàng “Cầy tơ” hoặc “Thịt cầy 7 món” chăng ? Thế nhưng, người ta vẫn gọi các món từ“con chó dùng để ăn thịt” dồi chó, chả chó, chứ không gọi là dồi cầy, chả cầy. Thực ra cày (cầy) là cách gọi khác chỉ con chó (bất kể để nuôi hay làm thịt) ở nhiều địa phương. Riêng vùng nông thôn Thanh Hóa như các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, người ta gọi con chó là con cày. Mãi đến khoảng vài chục năm gần đây, cách gọi con chó mới phổ biến.
Tất cả những từ, ngữ chúng tôi nêu ra trên đây có tới gần trăm phần trăm là từ thuần Việt hoặc đã Việt hóa hoàn toàn và rất thông dụng trong đời sống hàng ngày. Thế nhưng, sự thiếu hụt về vốn từ tiếng mẹ đẻ không chỉ khiến GS Nguyễn Lân hiểu sai hàng loạt từ ngữ trong “Từ điển từ và ngữ Việt Nam” mà còn trở thành nguyên nhân chính trong việc giải thích sai rất nhiều thành ngữ, tục ngữ trong sách “Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam” mà chúng tôi từng nêu.
 “Một ngàn năm độ hộ giặc Tàu, Một trăm năm đô hộ giặc Tây (7) Tiếng mẹ đẻ của ta mười phần, đã mất tới hơn nửa chẳng còn thuần hậu. Những từ, ngữ ta vừa nói trên thuộc số ít ỏi “đồ tư trang” vô cùng quý báu của Mẹ Việt Nam “thời con gái”. Thế mà Của riêng còn một chút này, Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan (8). Giống như Mẹ, tiếng mẹ đẻ mỗi người chỉ có một. Tiếng mẹ đẻ là nền tảng ngôn ngữ cơ bản, hành trang vô cùng quan trọng để chúng ta bước vào thế giới tri thức, trước khi đến với ngôn ngữ thứ hai. Giáo sư Nguyễn Lân chưa hiểu hết tiếng mẹ đẻ, chưa dùng đúng tiếng dân tộc. Việc GS trong biên soạn ra các loại Từ điển “rất có hại cho tiếng Việt”(9) là điều hoàn toàn dễ hiểu.
                                                                                   HTC
Kỳ sau
Một đời chính tả
Học sai nên hành sai
Một số tài liệu tham khảo và chú thích:
1.Từ điển tiếng Việt-Hoàng Phê chủ biên-NXB Đà Nẵng-2013
2.Từ điển từ láy tiếng Việt-Hoàng Văn Hành chủ biên-NXB khoa học xã hội-2011.
3.Việt Nam tự điển-Hội Khai trí Tiến đức-vietnamtudien.org
4.Từ điển Việt Hán-NXB Giáo dục-2003.
5.Việt ngữ tinh nghĩa từ điển-Long Điền-Nguyễn Văn Minh-NXB Quảng Vạn Thành-1950.
6. Ngữ pháp tiếng Việt-Diệp Quang Ban-NXB Giáo dục 2013.
7. Lời ca khúc: “Gia tài của Mẹ”-Trịnh Công Sơn.
8. Lẩy Kiều: “Chữ trinh còn một chút này, Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan”.
9. Chữ của Lê Mạnh Chiến trong bài Hai quyển từ điển rất có hại cho tiếng Việt



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét