1 thg 4, 2022

GIẤY THÔNG HÀNH CỦA CÁO


Bài tập đọc trong Tiếng Việt 1
                HOÀNG TUẤN CÔNG
     

      TCTP: Sách Tiếng Việt 1 (bộ sách Cánh Diều) sửa truyện ngụ ngôn Quạ và cáo thành Quạ và chó (trang 99):

Quạ đỗ ở mỏm đá, mỏ ngậm khổ mỡ to. Chó nghĩ kế cuỗm khổ mỡ. Nó giả vờ:

- A, ca sĩ quạ! Quạ mà ca thì mê li lắm.

Quạ há to mỏ:

- Quà… quà… Thế là… “bộp”, khổ mỡ của quạ đã nằm kề mõm chó. Chó tợp mỡ tha đi. (Theo Truyện ngụ ngôn Ê-dốp  – Thành Vân kể)”.

LỜI BÀN:

Cùng một loài vật, cỏ cây, muông thú, nhưng với mỗi dân tộc, mỗi quốc gia trên thế giới, chúng lại được con người nhìn nhận, hoặc xây dựng thành những biểu tượng khác nhau. Tuy nhiên, cũng có những biểu tượng chung cho mọi nền văn hoá, những tri thức không biên giới. Ví như: con bướm đa tình; con ong chăm chỉ; con kiến cần cù; con gà báo sáng (tượng trưng cho sự thức tỉnh); con chó trung thành; con sói độc ác,v.v…

Với con cáo cũng vậy. Bằng mấy chữ TINH KHÔN, RANH MÃNH ghi trong "giấy thông hành", nó được “miễn thị thực” để đi xuyên quốc gia, bước vào mọi nền văn hoá trên thế giới!

Nếu như phương Đông có Hồ giả hổ uy, Hồ ly tinh… thì phương Tây có Con cáo và chùm nho hay Quạ và cáo

Truyện Hồ giả hổ uy (Cáo mượn oai hổ):

Hổ đói bắt được một con cáo, định xé xác ăn ngay cho bõ cơn thèm. Dưới nanh vuốt hổ, cáo già run rẩy thầm nghĩ, phen này chắc chết. Nhưng vốn là kẻ thông minh và nổi tiếng tinh quái, cáo cố trấn tĩnh nói cứng: 

-Dĩ nhiên là ngươi không dám ăn thịt ta rồi. Bởi thượng đế vừa phái ta xuống hạ giới để làm đầu lĩnh muôn loài.. 

Con hổ lớn xác, bụng đang rất đói, lại nghe nói vậy thì rất tức giận. Tuy nhiên hổ thừa sức mạnh, nhưng thiếu trí tuệ, nên đành dừng tay, nửa tin nửa ngờ. Cáo không bỏ lỡ cơ hội:  

-Nếu ngươi vẫn chưa tin, bây giờ ta sẽ đi trước, ngươi theo sau, bách thú nhìn thấy ta sẽ hoảng sợ bỏ chạy hết cho mà xem. 

Quả nhiên, cáo đi đến đâu, muông thú đều hoảng hốt, cúp đuôi chạy trốn. Hổ đành phóng thích cáo già, trong lòng thắc mắc khôn nguôi. Hổ không hề biết rằng: các loài thú bỏ chạy là do sợ hổ chứ không phải sợ cáo!

Trong truyện này, người ta có thể thay Cáo tinh khôn, ranh mãnh bằng Chó trung thành tận tuỵ được không? Dĩ nhiên là không!

Truyện Quạ và Cáo có nhiều dị bản, nhiều cách kể, nhưng có lẽ dị bản sau đây thú vị nhất:

Một buổi sáng trong rừng, cáo thức dậy với cái bụng đói meo. Khi nhìn thấy quạ cắp một miếng phó-mát, nó nghĩ rằng không phải tìm bữa sáng ở đâu xa nữa. Cáo bèn dùng lời tán tỉnh quạ rằng: với một bộ lông bóng mượt như vậy, chắc hẳn tiếng hót của quạ sẽ hay lắm! Quạ bị lừa, đắc ý há mỏ cất tiếng kêu, để rơi miếng phó-mát xuống đất. Cáo cắp ngay miếng phó-mát chạy biến, sau khi cười khẩy và để lại một lời khuyên: “Nịnh hót, tâng bốc chỉ đem lại điều không may cho kẻ thích nghe nó mà thôi!”

Dị bản này thú vị bởi:

-Truyện mở đầu bằng câu “Một buổi sáng trong rừng…”. Chỉ một câu thôi, nhưng nó kích thích trí tưởng tượng của người đọc sách về khung cảnh một ngày mới, một bình minh tưng bừng, rộn rã sau một đêm đại ngàn say giấc với muôn loài chim thú.

-Đã là truyện ngụ ngôn, thì nhân vật Cáo phải bắt đầu ngày mới bằng bữa sáng, cho dù nó có “ngủ ngày cày đêm” đi chăng nữa. Mà Cáo và Quạ phải ăn sáng bằng món phó-mát thơm ngon lịch sự, thì chúng mới xứng đáng được cất lên tiếng nói của loài người.

-Dị bản khắc hoạ được tính cách điển hình của nhân vật. Chỉ có Cáo khi nhìn quạ cắp miếng phó-mát mới có thể đoan chắc rằng “không phải tìm bữa sáng ở đâu xa nữa”. Vì sao vậy? Vì chỉ có Cáo mới đủ tinh khôn, ranh mãnh, hiểu lẽ đời để trong chốc lát đã nhìn nhận, đánh giá cực chính xác: Xét về giọng hót, thì Quạ là kẻ “đại bất tài”. Mà phàm những kẻ bất tài đều thích nghe lời tán tỉnh, nịnh hót! Quạ làm sao thoát được?

-Cuối cùng, chỉ có Cáo mới có đủ “tư cách” để đưa ra lời khuyên “chí tình”: “Nịnh hót, tâng bốc chỉ đem lại điều không may cho kẻ thích nghe nó mà thôi!

Như vậy, những lời nịnh hót có thể khiến cho chính kẻ bất tài cũng ngộ nhận về “tài năng” không hề có thật của mình. Và trong thâm tâm, kẻ nịnh bợ luôn cười thầm và khinh bỉ kẻ bất tài, ưa nịnh, cho dù chúng được hưởng lợi từ kẻ ưa nịnh ấy như thế nào.

Chó “tuổi gì” mà định đòi thay Cáo với những lời “minh triết” như vậy?

Thay Cáo bằng Chó không đơn giả chỉ là thay “C” bằng “Ch”, thay “Ao” bằng “O”, hay thay “phó mát” bằng “khổ mỡ", mà là tri thức, nhận thức chung không thể khác được của nhân loại.

Những đứa trẻ được dạy và đọc truyện Quạ và Cáo, thì sau khi ra đời, bằng kiến thức này, chúng cũng được “miễn thị thực” trong cuộc hành trình tiếp nhận tri thức nhân loại.

Ngược lại, khi đổi Cáo thành Chó, thì kéo theo phải đổi “Tán phó-mát” thành “Tán thịt mỡ”(!), và khả năng cao những đứa trẻ kia sẽ bị nghi ngờ về khả năng lĩnh hội tri thức, sẽ bị ách lại ở biên giới nào đó, ngay sau lần đầu “xuất quốc”.

Sai một li đi một dặm là vậy!

 

(Bài đăng ngày 6/11/2020 trên FB Hoàng Tuấn Công)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét