24 thg 12, 2020

CHẠY TRỜI KHÔNG KHỎI NẮNG (Kỳ 39)


Bàn thờ ngày giỗ Tổ họ Hoàng ở Hưng Yên
Nem chua và sen hồng  
đem từ Thanh Hoá
               HOÀNG TUẤN PHỔ
   

      Ngày một buổi, tôi đi bộ qua cầu tre sông Lực Điền, lên Thượng Tài dạy lớp Ba, trường dân lập của xã đặt tại nhà dân. Tối về tôi dạy lớp bình dân cho người lớn tuổi ngay tại nhà thờ họ. Tiền lương trả bằng gạo của cả hai nơi chừng 30-35kg/tháng.

Cuộc sống tạm ổn. Tôi gửi thư về nhà dì dượng nhắn bố mẹ về Hưng Yên quê xưa để lánh nạn một thời gian, chờ “yên hàn” sẽ tính liệu sau. Năm đồng bạc tôi để lại đã hết vèo từ lâu, bố mẹ tôi phải ăn xin dọc đường từ thị xã Thanh Hóa ra Hà Nội, xuống Hưng Yên gần 200km.

 Bố mẹ tôi kể: Chú Thuyết tôi trong quê yếu lắm rồi, có lẽ cũng chết vì ốm nặng, không có tiền mua thuốc, tiền bán bò tiêu hết từ lâu. Nhà không được cứu tế gạo nên đến miếng cháo cũng không, mà củ chuối với cám không ăn được! Trong nhà còn nửa chum thóc, thím tôi bảo phải để dành, lỡ chết còn có bát gạo nấu cơm nhờ người ta đào huyệt! Chú tôi cùng can vụ án với bố tôi, nhưng tội nặng hơn, bị xử 8 năm tù. Tất cả xuất phát từ vụ án mơ hồ có tên “Liên tôn chống (hay diệt?) Cộng” do Tuệ Quang – Tuệ Chiếu cầm đầu. Trong đấu tranh chính trị "phá án", chú tôi bị bắt giam ở vùng thượng du nước độc Nghệ An nên mắc bệnh sốt rét ngã nước, khi được thả về thì đã thân tàn ma dại….

Rồi xã Thanh Long rục rịch cải cách ruộng đất. Trong dân một số người dư luận: Nhà ông Phổ trong Thanh chắc phải giàu có lắm, nếu không, con cái không thể được học hành. Họ nói thế là dựa vào tình hình thực tế địa phương mình. Bố tôi linh cảm thấy mình khó yên ổn, bảo mẹ tôi: “Chạy trời không khỏi nắng, ta nên trở về Thanh Hóa, có chết cũng còn có ông bà, tổ tiên!”.

Bắt đầu CCRĐ, đường sá canh gác nghiêm ngặt đề phòng địa chủ chạy trốn. Đi đâu phải có giấy tờ tùy thân, nếu không sẽ bị bắt. Bác Biển chơi thân với ông Cự chủ tịch xã cấp cho bố mẹ tôi cái giấy chứng nhận ông bà về thăm quê cũ, nay trở về nơi trú quán.

Hai ông bà nhờ có lương thực và mươi đồng bạc mang theo, dọc đường đi khỏi bị đói khát, nhưng cũng phải mất hơn một tuần mới về đến nhà.

Đầu năm 1956, đội cải cách ruộng đất về xã Thanh Long. Họ chọn nhà bác Tống làm nơi đóng trụ sở. Gia đình bác Tiên Vợi Hoàng Xuân Tống lập tức bị đuổi khỏi nhà đầu tiên. Với 80 mẫu ruộng, bác Tống thừa tiêu chuẩn đại địa chủ để Toà án Nhân dân đặc biệt xử tử hình! Người ta không cần biết thành tích kháng chiến của bác Tống ra sao. Lúc này Đội cần một đại địa chủ chứ không cần người hoạt động cách mạng. Có người còn bảo Hoàng Xuân Tống trước đây vào Thanh để hoạt động gián điệp.

Bác Tống bị trói cổ giam lại. Bác bà bị khảo tra tiền của cất giấu ở đâu, vì khổ nhục, uất ức đành thắt cổ chết cho thoát kiếp. Bà hai, cô Phúc, cô Nhẫn không rõ chạy trốn nơi nào. Chị con dâu vợ anh Quán về nhà cha mẹ đẻ bên làng Châu Xá thuộc thành phần trung nông lớp dưới. Nhà bác Giao, Đội tịch thu chia cho bần cố nông, còn gia đình bị đuổi đi đâu tôi cũng không biết. Bác Biển được xem là địa chủ kháng chiến, chỉ bị tịch thu ruộng đất, con trâu và một ít đồ đạc. Ông Cự chủ tịch xã bị cách chức, tra xét về tội tham gia tổ chức Quốc dân đảng, không biết theo căn cứ nào.

          Đoàn uỷ Cải cách Hưng Yên cho cụm mấy xã Thanh Long, Trai Trang, Hưng Đạo, Liêu Xá mở Toà án Nhân dân đặc biệt từ hình, bắn thí điểm Cai tổng Quýnh để rút kinh nghiệm.

          Nhân dân mấy xã kéo đi đông nghịt. Tôi cũng đi để chứng tỏ mình cũng hưởng ứng Cải cách như ai. Chỉ theo người ta đi, tôi không rõ địa điểm mở phiên toà. Đêm tối, đèn đuốc sáng rực trời. Đông người lắm lời nhiều tiếng, cứ ầm ì chuyển động như sóng biển. Chợt nghe tiếng hô “Đả đảo Cai tổng Quýnh”. Cả biển người lập tức vang dậy: “Đả đảo! Đả đảo! Đả đảo!”

          Người ta trói Cai tổng Nguyễn Hữu Quýnh lôi đi. Ông ấy không bước nổi. Chẳng hiểu vì bị giam cầm hành hạ hay bởi quá sợ hãi. Mắt ông bị bịt kín. Miệng ông bị tống đầy giẻ rách, sợi xơ vải toè cả ra quanh mồm.

          Cai tổng Quýnh bị trói nghiến, hai tay hai chân căng ra hai cái cọc dài chôn đứng, khoảng cách độ vài mét. Đội du kích dàn hàng ngang, súng trường trong tay ngắm vào mục tiêu. Anh đội trưởng dõng dạc hô to: “Hai, ba,…Bắn!” Mười nòng súng trường mười viên đạn bay ra toé lửa giữa rừng đuốc sáng như sao sa. Tôi bị biển người chen lấn, xô đẩy, rồi tiến mãi vào gần chỗ Cai tổng Quýnh đền tội. Tội gì? Chỉ cần nghe hai tiếng “Cai tổng” đủ biết! Cai tổng tất phải cường hào gian ác. Đã cường hào gian ác là có nợ máu với nông dân, mà có nợ máu với nhân dân phải trả bằng máu! Cái lý nó đi như thế.

          Không cần hỏi, không cần biết cụ thể tội ác của Cai tổng Quýnh. Mà có hỏi cũng biết được. Đại loại những chuyện như nó cho người ở đợ ăn cháo chim bồ câu vặt không hết lông để sinh bệnh ho lao mà chết,v.v…

          Tôi theo dòng người đến gần chỗ thi hành án. Sau loạt súng nổ vang trời, thân hình Cai tổng Quýnh bị võng dần xuống. Có lẽ ông chết không kịp ngáp! Thiên hạ reo hò vang trời. Còn tôi, tôi sợ chết khiếp, chân tay run lẩy bẩy, suýt bị dẫm đè chết bẹp trong đám người đông như kiến cỏ…

          Đêm hôm ấy tôi không ngủ nổi, trong khi cả làng cả xã đèn đuốc đổ ra đi tìm bác Tống. Bởi chính giữa lúc súng nổ vang trời, bác Tống lừa dịp canh phòng sơ hở, tự cởi được thừng trói chạy trốn, hy vọng thoát khỏi những họng súng trường đang nhắm vào Tiên Vợi Hoàng Xuân Tống, tiếp sau Cai tổng Nguyễn Hữu Quýnh!

          Cả làng cả xã, 4 thôn Nhân Lý, Châu Xá, Thượng Tài, Long Vỹ cùng đốt đuốc đi tìm bắt Hoàng Xuân Tống. Họ đoán phạm nhân lội tắt cánh đồng Nhân Lý qua đồng Liêu Xá lên đường Năm chạy vào Thanh Hoá hoặc ra Hà Nội. Trong Thanh là nơi Tiên Vợi từng "hoạt động gián điệp", còn Hà Nội là nơi có nhà quen chỗ con trai là Hoàng Xuân Quán trọ học, và nghe nói Tiên Vợi còn có một cửa hàng tạp hoá nhỏ ở Hà Thành. Nhưng bác Tiên Vợi bặt vô âm tín, một đi không trở lại từ đêm hôm ấy.

          Sau Cải cách sửa sai, chủ nhà anh Quán trọ học mới tình cờ thấy một mẩu giấy nhét vào bản lề cánh cửa, dòng chữ viết nguệch ngoạc: “Đừng tìm tôi mất công. Hôm nay là ngày giỗ tôi!” Có lẽ bác đã nhảy xuống sông Hồng tự vẫn?

          Bởi họ Hoàng làng Nhân Lý có những ba địa chủ, trong số này Đại địa chủ Tiên Vợi đã trốn thoát. Bản thân tôi, quần chúng dư luận là con địa chủ trong Thanh, nên Đội cải cách xã không cho ở nhà thờ nữa, bắt về giam lỏng tại cái nhà bếp cũ của bác Tiên Vợi vốn để cho người làm thuê tạm trú.


(còn tiếp) HTP/2019

 

2 nhận xét:

  1. Buồn lắm, đau nữa.
    Vậy mà giờ nó cứ nhai nhải vinh quang với đạo đức với văn minh.
    Đua nhau vơ vét của dân của nước đến kiệt quệ xác xơ.

    Trả lờiXóa