Ảnh minh hoạ: ST |
Tục ngữ Việt Nam có câu: “Ăn
chó cả lông, ăn hồng cả hạt”. Sách “Từ
điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương – NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh-2010) tách
làm 2 dị bản và giải thích:
-“Ăn chó cả lông Ăn (thịt)
chó thì đừng ăn cả lông (mà mất ngon đi). Hay dùng để chê những kẻ hà tiện vô lối,
tới độ làm uổng phí cả những thứ ngon”.
-Với dị bản “Ăn chó cả lông; ăn hồng cả hạt”, Nguyễn
Đức Dương diễn giải: “Ăn (thịt) chó thì ăn luôn cả lông; ăn hồng thì ăn luôn cả
hạt (cho đỡ bỏ phí). Hay dùng với ẩn ý: nh. Ăn chó cả
lông”.
Đầu tiên, soạn giả có sự mâu thuẫn trong cách giảng. Theo đây với dị
bản 1, Nguyễn Đức Dương cho rằng tục ngữ khuyên người ta “ăn (thịt) chó thì đừng ăn cả lông (mà mất ngon đi)”; trong khi dị bản
2, lại khuyên ngược lại (rất vô lý): “ăn
(thịt) chó thì ăn luôn cả lông; ăn hồng thì ăn luôn cả hạt (cho đỡ bỏ phí)”,
nhưng cuối cùng soạn giả lại kết luận: “hay dùng với ẩn ý: nh. Ăn chó cả lông”!
Thứ hai, cách giải thích của soạn giả sai hoàn
toàn.
Trong thực tế, không ai dại dột
hoặc “hà tiện” tới mức “ăn chó cả lông”, để rồi dân gian phải
đúc kết, đưa ra lời khuyên “Ăn (thịt) chó
thì (đừng ăn cả lông (mà mất ngon đi)”, hoặc chê “những kẻ hà tiện vô lối” như soạn giả giảng.
Thực ra “Ăn chó cả lông, ăn hồng cả hạt” là cách nói ngoa dụ của dân gian,
ám chỉ những kẻ tham lam, thô bỉ, ăn bẩn
ăn thỉu một cách đê tiện, ăn cả những thứ tưởng chừng không ai dám ăn,
không thể ăn nổi!
Sự việc bà Thứ trưởng Bộ Giáo dục sau khi về hưu còn xin giữ lại nhà công vụ cho con trai sử dụng, được nhiều người ví với cách nói của dân gian "Ăn chó cả lông, ăn hồng cả hạt" Ảnh: Báo Tiền Phong |
Dở dĩ dân gian đem lông chó ra để ví von là bởi chó là loài
ăn tạp, bộ lông của nó cực hôi hám bẩn thỉu. Thế nên khi thịt chó, sau khi cạo
lông, người ta còn phải thui lên để làm sạch hết lông tơ và làm thơm phần da hôi
tanh của nó. Còn hạt quả hồng (cũng như hạt của các loại quả thuộc họ thị, cậy…) thì đã cứng như sừng lại vô vị,
ăn vào chỉ tổ đau dạ dày (có câu “Tiền một
đồng lại muốn ăn hồng không hạt” là vậy). Ấy vậy mà có kẻ vẫn ăn tất!
Trong thực tế cũng có một số câu tục ngữ về kinh
nghiệm ăn uống, như “Ăn cơm lừa/lìa thóc,
ăn cóc bỏ gan” (dị bản “Ăn cóc bỏ gan, ăn trầu nhả bã”). Hạt thóc lẫn vào cơm, hay xơ của quả cau
trong bã trầu có thể gây hại đến hệ tiêu hoá; thịt cóc thơm ngon bổ dưỡng,
nhưng gan cóc thì cực độc. Bởi vậy khi ăn phải lìa ra, bỏ đi những thứ ấy. Tương tự “Ăn cá nhả
xương, ăn đường nuốt chậm”, “Ăn cá bỏ
vây, ăn quả nhả hạt”…
Với câu “Ăn
chó cả lông, ăn hồng cả hạt” lại khác.
“Ăn chó cả lông, ăn hồng cả hạt” gần
nghĩa với “Uống nước cả cặn”, “Uống nước không chừa cặn”, “Ăn cả cứt lẫn đái”,
ám chỉ kẻ tham lam, tồi tệ, cạn tàu ráo máng, ăn hết cả phần người khác. Tương tự, tục ngữ Hán cũng có một số câu đồng nghĩa như: “Ăn
thịt không nhả xương” [Thực nhục bất thổ
cốt đầu - 吃肉不吐骨頭], dị bản “Ăn thịt người
không nhả xương” [Thực nhân bất thổ cốt đầu
- 吃人不吐骨頭], hoặc dị bản thậm xưng: “Ăn
thịt người chết không nhả xương” [Thực tử nhân bất
thổ cốt đầu - 吃死人不吐骨頭]…Tất cả đều không phải kinh nghiệm ẩm thực,
mà là ám chỉ, lên án kẻ cực tham lam, tàn
bạo (極端貪婪,凶惡) sự bóc lột tàn khốc đối với dân nghèo,
ăn của dân không từ thứ gì!(*)
HTC/8/2020
(*)-Trong Hán ngữ, hai chữ “ngật nhân” (吃人) còn được hiểu
là sự “áp bức, bóc lột tàn bạo của giai cấp thống trị đối với dân nghèo.” (吃人: 比喻舊社會剝削階級殘酷地剝削和壓迫窮人-Hán ngữ đại từ điển)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét