Cuốn từ điển sai chính tả của GS.TS. Nguyễn Văn Khang được giới thiệu trên nhiều trang báo điện tử. |
HOÀNG TUẤN CÔNG
Từ điển chính tả tiếng Việt (GS.TS Nguyễn Văn Khang - NXB Đại học Quốc gia Hà Nội
– 2018, 806 trang, khổ 10.5 x 18cm; đơn vị liên kết Công ty TNHH Văn hoá Minh
Tân – Nhà sách Minh Thắng).
Trong phần “Hướng
dẫn cách sử dụng từ điển”, GS.TS Nguyễn Văn Khang cho biết: “Từ điển chính tả tiếng Việt” này được biên
soạn dựa trên cách xử lí chính tả trong “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ
học” (Hoàng Phê chủ biên). Tuy nhiên, thực tế cho thấy GS.TS Nguyễn Văn Khang hoàn toàn không “xử lí chính tả” theo tài liệu đã nêu, mà “xử lí” theo cảm tính, hoặc căn cứ theo một nguồn tài liệu
nào đó, dẫn đến rất nhiều sai sót.
Qua đối chiếu chúng tôi thấy
cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt
(2018) và cuốn Từ điển chính tả tiếng Việt
phổ thông (Nguyễn Văn Khang – NXB Khoa học Xã hội - 2003), gần như giống
nhau hoàn toàn. Nghĩa là có tới gần như 100% số lỗi được bê nguyên xi từ
cuốn trước (2003) sang cuốn sau (2018). Khác nhau có chăng là lỗi văn bản ở cuốn
sau nhiều hơn cuốn trước.
Những sai sót trong cuốn Từ
điển chính tả tiếng Việt của GS.TS Nguyễn Văn Khang, bao gồm rất nhiều mặt,
như: sai chính tả do lẫn lộn CH với TR, S với X; D với R; GI với D; L với N; IU
với ƯU; dấu hỏi ( ̓ ) với dấu ngã (~); sai về thành ngữ tục ngữ, từ ngữ Hán Việt...Nhiều
mục chỉ dẫn chính tả hoàn toàn ngược lại với chuẩn chính tả
hiện hành; chỉ dẫn giữa các mục từ tiền
hậu bất nhất; hướng dẫn viết nhiều dạng
chính tả không chuẩn, và rất nhiều
lỗi văn bản khác.
Để chỉ ra sai sót trong từ điển
của GS. TS. Nguyễn Văn Khang, chúng tôi sẽ căn cứ vào chính Từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học –
Hoàng Phê chủ biên, gọi tắt là Hoàng Phê),
và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ
biên, có sửa chữa bổ sung sau khi GS. Hoàng Phê thành lập Trung tâm Từ điển học
Vietlex, gọi tắt là Hoàng Phê (Vietlex)
để làm chuẩn. Ngoài ra, chúng tôi còn căn cứ vào nhiều cứ liệu trong hàng chục
cuốn từ điển khác. Những mục không có bất cứ cuốn từ điển uy tín nào chúng tôi
có trong tay viết theo dạng chính tả mà GS. TS. Nguyễn Văn Khang hướng dẫn, sẽ
được đánh dấu [K], sau mỗi phần trao đổi:
1. Sai chính tả do không nắm được nghĩa yếu tố cấu tạo từ; do thiếu
tra cứu cẩn thận (phần trong ngoặc kép sau số
mục là nguyên văn của từ điển; phần xuống dòng tiếp theo là trao đổi của HTC):
1-“chầy: chầy chật. → không viết: trầy”.
Viết chuẩn là “trầy trật” (trầy da, trật xương). Hoàng Phê: “trầy trật t. Vất vả,
phải mất nhiều công sức và trải qua nhiều lần vấp váp, thất bại. Trầy trật
mãi mới thi đỗ”. [K].
2-“chẽn: chiếc xe nằm chẽn lối
đi. → không viết: chẹn”.
Viết “chẹn” mới chuẩn. Hoàng Phê (Vietlex):
“chẹn đg. đè nặng hoặc chặn ngang làm cho nghẹt, cho tắc lại. đất đá
chẹn mất cửa hang ~ tức chẹn họng (b)”. [K].
3-“cheo: quắt cheo”.
Chỉ có “quắt queo” (ghép đẳng lập): “quắt” = khô cong, teo lại; “queo”
= cong, co lại. Hoàng Phê: “quắt
queo t. Quắt (nói khái quát). Bị hạn, lúa héo quắt queo. Người gầy
bé quắt queo”. [K].
4-“chéo: chéo ngoe. → không viết: tréo”.
Viết “tréo” mới
đúng (“tréo” = cái nọ quặp, ngoắc, vắt
lên cái kia); trong khi “chéo” chỉ là những đường xiên cắt nhau. Hoàng Phê: “tréo ngoe t. (ph.,
hoặc kng.). Rất ngược đời. Chuyện tréo ngoe”.[K].
5-“chét: Chét cho kín các
khe hở. → không viết: trét”.
Viết “trét” không sai, thậm chí “trét cho kín” mới chuẩn chính tả phổ
thông. Hoàng Phê: “trét đg.
Làm cho kín bằng cách nhét một chất dính vào chỗ hở và miết kĩ. Trét kín các
kẽ hở. Trét thuyền”.[K].
6-“chia: chia xẻ (= chia sẻ)”.
Chỉ dẫn “chia xẻ”
= “chia sẻ” là sai. “Xẻ” trong “chia
xẻ” (chia, xẻ/cắt ra nhiều phần, khiến
cho không còn nguyên vẹn như vốn có nữa), chính là “xẻ” trong “chia năm xẻ
bảy” (tình trạng bị phân tán, chia cắt,
xé lẻ). Còn “sẻ” trong “chia sẻ” (cùng
hưởng, cùng chịu), lại là “sẻ” trong “chia ngọt sẻ bùi” (cùng chung hưởng với nhau, dù ít dù nhiều).
Như vậy, “chia xẻ” và “chia sẻ”
không phải một từ với hai dạng chính tả, mà là hai từ khác nhau.[K].
7-“dặm: Hát dặm. → không viết:
giặm”.
Viết “giặm” không sai. Hoàng Phê (Vietlex): “hát giặm d. lối hát dân gian, nhịp điệu dồn dập,
lời dựa vào thơ năm chữ, hai câu cuối bao giờ cũng lặp lại về âm vận và cao độ,
phổ biến ở Nghệ An, Hà Tĩnh”.
8-“dọi Dọi đèn pha. → không
viết: rọi”.
Viết “rọi” mới đúng. Vì “rọi”
trong “rọi đèn pha” chính là “rọi” trong “soi rọi”. Hoàng Phê: “rọi đg. Hướng luồng ánh sáng chiếu thẳng vào. Rọi
đèn pha. Ánh nắng rọi qua khung cửa”.
9-“giơ: Trục bánh xe bị giơ
(= rơ) // ăn giơ. → không viết: dơ,
rơ”.
Mục này mắc hai lỗi chính tả + hai chỉ dẫn sai:
① Nếu muốn
nói các bộ phận, chi tiết không còn ăn khớp
với nhau, thì phải viết “RƠ” (bị rơ), không viết “GIƠ”. Hoàng Phê (Vietlex): “rơ [Fr: jeu] t. [bộ phận trong máy móc] không còn khớp chặt với chi tiết khác nữa.
trục xe bị rơ ~ bánh xe rơ”. [K]
② Nếu “ăn giơ” với nghĩa “ăn bẩn” (“ăn dơ, ở bẩn”), thì phải viết “dơ” (ăn dơ).
③ Nếu “ăn giơ” với nghĩa “thoả thuận ngầm với nhau, hoặc “hợp
ý nhau, phối hợp ăn ý với nhau, thì phải viết “rơ” (ăn rơ; Pháp: jeu = trò chơi). Hoàng Phê: “ăn rơ đg.
(kng.). Có ý định hợp với nhau, tạo ra sự nhất trí trong hành động;
ăn ý. Các cầu thủ chơi rất ăn rơ”. Hoàng
Phê (Vietlex) chú gốc Pháp: “ăn rơ • [Fr: jeu] đg. [kng] thoả
thuận ngầm với nhau, đi đến sự nhất trí trong hành động [thường dùng với nghĩa
xấu]. kế toán ăn rơ với giám đốc để rút tiền công quỹ • t.[kng] hợp ý
nhau, tạo ra sự phối hợp ăn ý trong hành động, lời nói. hai người diễn rất
ăn rơ với nhau. Đn: ăn ý”.
Tóm lại, dù thế nào thì cũng “không có cửa” cho “bị giơ” và “ăn giơ”.
10-“khuông khuông nhạc // →
không viết: khuôn”.
Thực ra trong tiếng Việt có cả khuông nhạc lẫn khuôn nhạc.
Khuông nhạc là một tập hợp gồm năm dòng kẻ ngang song song đồng
thời cách đều nhau, tạo thành bốn khoảng trống ở giữa gọi là bốn khe nhạc....Còn khuôn nhạc, lại là nét nhạc
hoàn chỉnh về giai điệu, có vế cân đối, có thể được nhắc lại nhiều lần bằng lời
khác. Bởi vậy, từ điển của GS. Nguyễn Văn Khang đưa ra lời khuyên “không viết: khuôn” là sai.
11-“lền: lền trời // → không
viết: nền”.
Không rõ “lền trời” đây nghĩa là gì. Nếu “lền” là cái được trải rộng ra và làm nổi lên những
gì trên đó, thì phải viết là “nền” = nền
trời. Nếu “lền” có nghĩa là nhiều, đông; “lền trời” = đầy trời, thì phải có phụ chú để người
dùng không bị nhầm lẫn (đây chỉ là phỏng đoán, vì không thấy bất cứ cuốn từ điển
nào ghi nhận “lền trời”). Ví dụ, một người
có tật nói ngọng (lẫn lộn N thành L), đang phân vân không biết viết “nền trời” hay “lền trời”, khi giở từ điển chính tả, gặp chỉ dẫn như mục “lền” sẽ bị viết sai.
12-“lợn: lợn nòi, lợn nái, lợn
rừng…”.
Mục này có 2 điểm cần trao đổi:
-Nếu viết “lợn nòi”
thay vì “lợn lòi” là sai. Vì “lòi” trong “lợn lòi” nghĩa là thòi, lòi ra, chỉ giống lợn nanh lòi, chìa ra ngoài, mà Hoàng Phê giảng: “lợn lòi d. Lợn
rừng to, nanh lớn chìa ra khỏi mép”.
Gọi “lợn lòi” cũng như dân
gian gọi “cá thòi lòi”, chỉ giống cá có đôi mắt “thòi”, “lòi” hẳn ra ngoài như
mắt cua. [cập nhật: Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến
đức) có ghi nhận: “lòi • Nơi để cây mọc
mà lấy gỗ lấy củi <> Vào lòi lấy củi”. Cũng có thể “lòi” trong “lợn
lòi” được hiểu theo nghĩa giống lợn sống ngoài cồn cây hoang rậm]. Điều
quan trọng hơn, dù hiểu theo nghĩa nào thì xưa nay cũng không có từ điển chính
tả nào viết “lợn
nòi” để chỉ giống lợn rừng (lưu ý: mục “lợn”, không thấy Từ điển của GS.
TS. Nguyễn Văn Khang thu thập “lợn lòi”).
Cá thòi lòi Ảnh: ST |
-Nếu “lợn nòi” được
hiểu như “gà nòi”, “ngựa nòi”, “chó nòi”, thì khái niệm này cũng hoàn toàn xa lạ.
Người ta không gọi một con lợn thịt ngon là “lợn nòi”, nhưng sẽ gọi con gà chọi, ngựa đua, chó săn…là gà nòi, ngựa nòi, chó nòi…. Vì “nòi” ở đây là chỉ đặc tính di truyền ưu
việt, tố chất vượt trội nào đó. [K].
Lợn lòi Ảnh: ST |
13-“rắn: rắn dọc dừa”.
14-“rắn: rắn dọc dưa”.
Không có loại rắn nào gọi là “dọc dừa”, hay “dọc dưa”,
mà chỉ có “rắn sọc dưa”, còn gọi rắn rồng hay rắn hổ ngựa (tên khoa học: Coelognathus
radiata). Sở dĩ gọi là “rắn sọc dưa” vì rắn có sọc chạy dọc theo thân mình,
giống như sọc của quả dưa.[K].
Rắn sọc dưa |
Sọc của quả dưa Ảnh: ST |
15-“rắt//đái rắt. → không viết:
dắt”.
Viết “đái dắt” mới
chuẩn. Hoàng Phê (Vietlex): “đái
dắt • đg. [bệnh] đái liên tục nhiều lần, nhưng mỗi lần đều đái rất ít. Đn:
đái láu”.
16-“riếc: riếc móc (= nhiếc
móc) → không viết: diếc”.
Viết “nhiếc” mới
chuẩn. Hoàng Phê: “diếc móc • đg. [ph] xem nhiếc móc”.
17-“rò: Rò lan. → không viết:
dò,
giò”.
Viết “dò” mới đúng. Hoàng Phê: “dò • d. nhánh cây
hoa, cây cảnh được trồng riêng [với một số loại cây]. dò phong lan ~ dò
thuỷ tiên”.
18-“rỏ = nhỏ: nhỏ rãi”.
Viết “nhỏ dãi” mới
đúng. Hoàng Phê: “dãi • d. nước
dãi [nói tắt]. “Về đến nhà, con bé khóc hết hơi. Con lớn thì lem luốc, mũi
dãi (…) bôi đầy mặt.” (Nam Cao)”.
19-“ròm: ống ròm. → không viết:
dòm”.
Viết chuẩn là
“nhòm”. Hoàng Phê: “ống
nhòm • d. dụng cụ quang học dùng để quan sát những vật ở xa. quan
sát bằng ống nhòm. Đn: ống dòm”.
20-“ron: Con ron. → không viết:
don”.
Viết “don” mới đúng. Hoàng
Phê: “don d. Loài hến nhỏ, sống ven biển”.[K].
21-“rong rong riềng → không
viết: dong”.
Viết “dong” mới đúng. Hoàng
Phê: “dong riềng d. Cây trồng, thân cỏ, lá to, màu tím nhạt, củ
trông giống củ riềng, chứa nhiều tinh bột, dùng để ăn hoặc chế bột làm miến”.
[K].
Dong riềng Ảnh: ST |
22-“rứt: rứt tình → không viết:
dứt”.
Viết “dứt tình” mới đúng. Vì “dứt” (Hán = đoạn 斷/tuyệt 絕); “dứt tình” = đoạn tình, tuyệt tình. Hoàng Phê: “dứt: 2 Làm cho đứt sự liên hệ,
lìa bỏ hẳn cái gắn bó về tình cảm, về tinh thần. Không thể dứt tình máu mủ.[K].
243“sâm: sâm sấp. → không viết:
xâm”.
Viết chuẩn là “xăm
xắp”. Hoàng Phê: “xăm xắp • t. [nước] ở mức không đầy lắm, chỉ đủ phủ
kín khắp bề mặt. nước xăm xắp mặt ruộng ~ “Nước sông trong veo lặng lẽ
trôi, mùa lũ nước sông dềnh lên xăm xắp đôi bờ cỏ cây xanh tốt.” (Dương Hướng).
Đn: xâm xấp”.
24-“sập: sập sè”.
Viết chuẩn là “xập xoè”.
25-“sè: sập sè: không viết: xè”.
“Xập xè” là dạng ít dùng, viết chuẩn là “xập xoè” (xập lại và xoè ra).
26-“si: nguyên si. → không viết:
xi”.
Viết “xi” mới đúng. Vì “xi” [cire] gốc Pháp, có nghĩa như Hoàng Phê giảng: “xi d. Chất làm bằng
cánh kiến pha lẫn tinh dầu, dùng để niêm phong bao, túi, gắn kín nút chai lọ,
v.v. Xi gắn nút chai. ~ Đóng dấu xi”. Khi ta nói còn “nguyên xi”,
tức còn nguyên dấu gắn xi, chưa mở
ra, với nghĩa rộng như Hoàng Phê giảng:
“nguyên xi t. (kng.). 1
Còn nguyên như mới, như hoàn toàn chưa dùng đến. Chiếc đồng hồ còn mới
nguyên xi. Số tiền còn nguyên xi, chưa tiêu đồng nào. 2 Y như vốn
có, không có sự thay đổi, thêm bớt. Giữ nguyên xi bản thảo. Bắt chước nguyên
xi.”.[K].
27-“siếc: siếc sẫm”.
Viết chuẩn là “siếc sẩm”.
28-“siêu: siêu tán. → không
viết: xiêu”.
Viết “xiêu” mới đúng. Vì “xiêu” có nghĩa là trôi nổi,
lưu lạc (như hồn xiêu phách lạc, xiêu
lạc, xiêu dạt, xiêu lưu…). Hoàng Phê
(Vietlex): “xiêu tán 飄散 [phiêu tán nói trại] đg. [cũ] như phiêu tán. dân phải xiêu tán vì giặc giã”.
[K].
29-“siêu: liêu siêu. → không
viết: xiêu”.
Viết “xiêu” mới
đúng. Nếu xem “liêu xiêu” là từ láy, thì “xiêu” chính là tiếng gốc, có nghĩa là
xiêu vẹo, xiêu đổ. Hoàng Phê: “liêu xiêu t. Ở trạng
thái ngả nghiêng, lệch như muốn đổ. Đi liêu xiêu chỉ chực ngã”.[K].
30-“síu: tí síu. → không viết:
xíu”.
Viết “xíu” mới đúng. Vì “xíu” nghĩa là “nhỏ” (trong “bé
xíu”, “chút xíu”). Hoàng Phê: “tí
xíu I d. (kng.; id.). Như chút xíu.
Còn tí xíu nữa”. [K].
31-“soan: dâu da soan. →
không viết: xoan”.
Viết “xoan” mới
đúng. Hoàng Phê: “giâu gia xoan cv. dâu da xoan d. Cây nhỡ, lá kép lông chim, hoa trắng mọc
thành chùm, quả như quả xoan, ăn được”. [K].
Giâu gia xoan Ảnh: ST |
32-“song: song sóc. → không viết:
xong”.
Viết chuẩn là “xong xóc”.
33-“sói: sỉa sói. → không viết:
xói”.
Viết chuẩn là “xỉa xói” (ghép
đẳng lập): “xỉa” là dùng ngón tay chỉ
thẳng vào mặt người khác mà chửi mắng (như: Chửi
gì thì chửi, đừng có xỉa vào mặt người
ta như thế!); “xói” là hướng trực
diện vào với cường độ mạnh (như Nhìn xói
vào mặt; Nắng xói vào nhà). Hoàng
Phê: “xỉa xói đg. Giơ ngón tay xỉa liên tiếp vào mặt người khác để mắng
chửi”.[K].
34-“sở: xoay sở → không viết:
xở”.
Viết “xở” mới đúng (ghép đẳng lập): “xoay” nghĩa là chạy vạy,
tìm đủ mọi cách cho được, có được
(như xoay tiền); “xở” là làm, sửa soạn, tháo, gỡ (như xở
việc; vội không xở kịp). Người Thanh Hoá nói: Nhà bác xở cơm chưa? = Nhà
bác đã làm cơm chưa? Hoàng Phê:
“xoay xở đg. Làm hết cách này đến cách khác để giải quyết cho được khó
khăn, hoặc để có cho được cái cần có. Xoay xở đủ nghề. Giỏi xoay xở. Xoay xở
tiền mua xe. Hết đường xoay xở”. [K]
35-“sởi: sởi lởi. → không viết:
xởi”.
Viết “xởi” mới
đúng. Nếu xem “xởi lởi” là từ láy, thì “xởi”
chính là tiếng gốc. Tuy nhiên, “xởi lởi” là từ ghép đẳng lập: “xởi” = rời ra, tơi ra; “lởi” là
biến âm của “lơi” = lỏng, không chặt.
Khi hợp nghĩa, “xởi lởi” được hiểu là cởi
mở, rộng rãi (tính xởi lởi), đối
với hẹp hòi, chặt chẽ (như: Xởi lởi thì trời
cởi cho, xo ro thì trời co lại – tục ngữ). Đại Nam quấc âm tự vị: “xởi
lởi: rời rộng”; Hoàng Phê: “xởi lởi • t. [kng] 1. Tỏ ra cởi
mở, dễ dàn trong quan hệ tiếp xúc với người khác. chuyện trò xởi lởi với
nhau.” [K].
36-“quốc: trứng quốc”.
Chỉ có một dạng chính tả duy nhất: “trứng cuốc” (chuối trứng cuốc – chuối tiêu mùa đông khi chín vỏ chuyển sang màu vàng sẫm và lốm
đốm như trứng chim cuốc; cây trứng cuốc
- loại cây có quả hình thù và màu sắc lốm đốm như trứng chim cuốc; hoặc tổ hợp
“trứng cuốc” (trứng chim cuốc); “tổ cuốc” (tổ chim cuốc). Sở dĩ phải viết “cuốc”
là để phân biệt với “quốc”
國 - yếu tố gốc Hán - nghĩa là “nước”, trong các cấu tạo từ: tổ quốc 祖國, quốc gia 國家, quốc kì 國旗…[K].
37-“trản: Đĩa trản lòng. →
không viết: trảng”.
Viết “trảng” mới đúng, vì “trảng lòng” có nghĩa là “cạn
lòng”. “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức):
“trảng lòng tt. Trẹt, cạn lòng, có cái đáy cạn: Dĩa (đĩa) trảng lòng,
sông trảng lòng”.[K].
38-“tràng: tràng dịch. →
không viết tràn”.
Không hiểu “tràng dịch”
đây có nghĩa là gì. Nếu “tràng dịch” với nghĩa một chứng bệnh, thì phải viết “tràn dịch” mới đúng (như tràn dịch khớp gối; tràn dịch màng phổi…).[K].
39-“trói: trăng trói (=trăng
trối)”.
“Trăng trói” nghĩa là gông
và trói. Không hiểu căn cứ vào đâu,
GS. TS. Nguyễn Văn Khang chỉ dẫn “trăng
trói = trăng trối”:
-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “trăng • dt. Gông làm bằng hai tấm ván có khoét lỗ tròn để tròng vào
cổ hay vào chân người có tội: Dện trăng, đóng trăng, mang trăng, ních trăng,
ngồi trăng”; “trói •
đt. Buộc, cột chặt (chỉ dùng cho người và loài vật) : Buộc trói, cột trói,
trăng-trói; Trói voi bỏ rọ (tng)”;“trăng trói • đt. Đóng trăng hoặc
trói lại, tiếng dùng chung cho việc giam giữ người có tội : Ngoá An-nam, lứ
khách-trú, Trăng trói lùm-xùm nhau một lũ...,”.[K].
-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức):
“trăng-trói • Gông cổ và trói tay. Nghĩa
bóng: Bó-buộc hành-hạ người ta <> Dân
nghèo bị kẻ cường-hào trăng-trói đủ đường.”.
40-“trân: trân tráo. → không
viết: trâng”.
Viết “trâng” mới đúng. Hoàng
Phê: “trâng tráo t. Ngang ngược, láo xược, không kể gì đạo lí và dư
luận xã hội, trơ trơ trước sự chê cười, khinh bỉ của người khác. Thái độ
trâng tráo. Trâng trâng tráo tráo, chẳng còn biết xấu hổ là gì”. [K].
41-“trọc: tròng trọc. → không
viết: chọc”.
Viết chuẩn là “chòng
chọc”. Hoàng Phê: “chòng chọc
t. (dùng phụ cho đg.). Từ gợi tả vẻ nhìn thẳng và lâu vào một chỗ mắt không
chớp, biểu lộ sự ham muốn hoặc tò mò. Em bé nhìn chòng chọc vào đồ chơi bày
trong tủ kính”.[K].
42-“trứng: trứng quốc, trứng
sáo”.
Viết “trứng cuốc”
mới đúng (xem lại mục 37).[K].
43-“trừu: trừu mến. → không
viết: trìu”.
Viết “trìu” mới đúng. Vì
“trìu” biến âm của “tríu” nghĩa là thương
mến, không muốn rời ra. Hoàng Phê: “trìu mến đg. (hay t.). Biểu lộ tình yêu thương tha thiết.
Vuốt ve trìu mến. ánh mắt trìu mến. Giọng trìu mến”. [K].
44-“xẩm: xẩm hát dong”.
Viết đúng là “hát rong”, vì “rong” mới có nghĩa là: “Đi đây
đó hết chỗ này đến chỗ khác, không dừng lại lâu ở đâu cả. Suốt ngày chỉ rong
chơi. Đi rong phố. Bán hàng rong. Gánh hát rong.” (Hoàng Phê).[K].
45-“xẻ: chia xẻ. → không viết:
sẻ”.
“Chia xẻ” và “chia sẻ” là hai từ khác nhau. Bởi vậy, không
có chuyện viết “chia xẻ” thay cho “chia sẻ”. (xem lại mục 6).[K].
46-“xỉa: xưng xỉa. → không viết:
sỉa”.
Viết chuẩn là “sưng sỉa” (ghép
đẳng lập): “sưng” = phồng, phù da thịt
lên (như sưng mặt; sưng phù); “sỉa” = sưng phù lên (như Mặt sưng mày sỉa). Hoàng Phê: “sưng
sỉa t. (Mặt) nặng ra, và như sưng lên, lộ rõ vẻ không bằng lòng. Mặt
sưng sỉa như đang chửi nhau”.
[K].
47-“xon: nốt xon (= son)
trong bản nhạc”.
Chỉ có một dạng chính tả chuẩn duy nhất là “nốt son”. “Son”
là từ gốc Pháp, Hoàng Phê (Vietlex):
“son [Fr: sol] d. tên nốt nhạc thứ năm trong gam nhạc, kí hiệu là G”.[K].
48-“xương: xương quai sanh”.
Viết “xương quai xanh”
mới đúng. Vì “xương quai xanh” (còn gọi xương đòn) là cách gọi xương theo hình
dáng quai của cái xanh (“quai xanh, vành
chảo”). Hoàng Phê: “xương
quai xanh d. x. xương đòn”.[K].
HTC/7/2020
(Còn tiếp)
Ít nhất là không mắc lỗi đạo văn, cũng là một sáng tạo.
Trả lờiXóa