7 thg 6, 2020

“TỪ ĐIỂN CHÍNH TẢ” SAI CHÍNH TẢ! (kỳ 1)

Cuốn "từ điển chính tả" sai chính tả
                                 Ảnh: HTC

HOÀNG TUẤN CÔNG

Đó là cuốn “Từ điển chính tả tiếng Việt” (PGS.TS. Hà Quang Năng chủ biên - Th.S Hà Thị Quế Hương - NBX Đại học Quốc gia Hà Nội - 2017). Sách có 718 trang, khổ 14,5 x 20,5cm, in 5000 cuốn, giá bìa 185.000đ; đơn vị liên kết và phát hành: Công ty TNHH 1 thành viên TM và DV Văn hoá Minh Long.
Mặc dù được Nhóm tác giả biên soạn khá công phu, nhưng sách vẫn mắc nhiều sai sót, lầm lẫn rất khó chấp nhận. Ví dụ: nhầm lẫn S với X; X với S; không phân biệt được D hay GI; TR hay CH; N hay NG; IN hay INH, C hay Q, IU hay ƯU, R hay GI, R hay D, ƯU hay IU… Nhầm lẫn giữa cách viết đã từng tồn tại, với chuẩn chính tả hiện hành; giữa từ đồng nghĩa với từ có hai dạng chính tả

Sau đây là một số ví dụ:
A- Sai chính tả do không phân biệt được sự khác nhau giữa phát âm và chữ viết; không hiểu nghĩa từ nguyên, hoặc chưa thật sự nhuần nhuyễn về tiếng Việt (nội dung in đậm trong ngoặc kép, sau số mục là nguyên văn của từ điển. Phần xuống dòng là trao đổi của chúng tôi):

1-BÀN: bàn hoàn (tv. bàng hoàng)”.
          Không phải “bàn hoàn” “tv” (thường viết) là “bàng hoàng”. Đây là hai từ Việt gốc Hán có tự hình và nghĩa khác nhau. Từ điển tiếng Việt của Vietlex (Vietlex):bàn hoàn 盤桓 đg. 1 [cũ, vch] quấn quýt không rời; 2 [cũ, vch] nghĩ quanh quẩn không dứt”; bàng hoàng 徬徨 t. ngẩn người ra, choáng váng đến mức như không còn ý thức được gì nữa”.
          Bài thơ "Đi thuyền trên sông Đáy" (Hồ Chí Minh) có câu: "Lòng riêng riêng những bàn hoàn/Lo sao khôi phục gian san Tiên Rồng". Khi giảng bài này, giáo viên thường lưu ý học sinh phân biệt giữa "bàn hoàn" và "bàng hoàng; nếu lầm "bàn hoàn" thành "bàng hoàng" sẽ bị trừ điểm. Thế nhưng, Nhóm biên soạn từ điển lại lầm lẫn một cách không thể tin nổi.

2-BÁNH: bánh dày”.
Viết đúng là “bánh GIẦY” hoặc “bánh GIÀY” (tên gọi bánh theo cách chế biến “giày”, “xéo” cho nát nhuyễn ra).
Không có sách từ điển tiếng Việt hoặc từ điển chính tả nào trong số hàng chục cuốn chúng tôi có trong tay ghi nhận “bánh dày” (từ đây, với những lỗi “có một không hai” này, sẽ được đánh ký hiệu [K] ở cuối đoạn trao đổi).

3-“BƠI: bơi chải”.
Viết đúng là “bơi TRẢI” (vì “trải” là một loại thuyền nhỏ, dài, dùng trong các cuộc thi bơi thuyền).[K]
4-“CHAI: con chai; canh chai”.
Việt Nam không có “đặc sản” nào như vậy. Phải chăng ý soạn giả muốn nói tới “con trai” (trong “Trai cò tranh nhau, ngư ông đắc lợi”?) mà Từ điển Vietlex giảng là: “động vật thân mềm, có vỏ cứng gồm hai mảnh, sống ở đáy nước, một số loài có thể tiết ra ngọc hoặc vỏ có vân đẹp dùng làm đồ mĩ nghệ: tủ khảm trai ~ nuôi trai lấy ngọc ~ cháo trai”; và món “canh trai” nấu bằng thịt của loài nhuyễn thể này?[K]
Hướng dẫn chính tả của "Từ điển chính tả tiếng Việt"
Ảnh: HTC

5-“CHẦY: chầy chật
Viết chuẩn là “trầy trật” (trầy da, trật xương).[K]

6-“CHÉO: chéo ngoe; bắt chéo chân”.
Viết đúng là “tréo ngoe” (“tréo” = cái nọ quặp, ngoắc, vắt lên cái kia); trong khi “chéo” chỉ là những đường xiên cắt nhau.[K]

7-“CHỈNH: chỉnh chu”.
Viết đúng là “CHỈN chu”. Vì “chỉn” nghĩa là vốn, thật (Đạo trời, báo phục chỉn ghê, Khéo thay một mẻ tóm về đầy nơi – Kiều). “Chỉn chu” = rất/thật chu (đáo). [K]

 8-“CHIỀU: xuôi chiều mát mái”.
Viết đúng là “xuôi CHÈO” (chèo = chèo thuyền), đối với “mát MÁI” (mái = mái chèo). Dị bản: Chèo xuôi mát mái; Êm chèo mát mái.[K]

 9-“CÔNG: xung công”.
Viết đúng là “SUNG công” 充公, vì sung là từ Việt gốc Hán = nhận thêm, nhập vào.[K]

10-“DẰNG: dằng xé; dằng níu”.
Viết đúng là “giằng xé”; “giằng níu”.[K]

11-“DÀY: dày trông mai đợi”.
Viết đúng là “RÀY trông mai đợi” = Nay trông mai đợi. Vì “rày” có nghĩa là “nay”, nên thường thấy mô hình rày/nay … mai như: rày nắng mai mưa; rày đây mai đó;  rày/nay trông mai đợi…[K]
Ở mục “DÀY”, hàng loạt từ như “dày vò”, “dày xé”, “dày xéo”, “dây dày”, “voi dày ngựa xéo” đều sai chính tả. Theo đây, viết chuẩn phải là “GIÀY vò”, “GIÀY xé”, “GIÀY xéo”, “dây GIÀY”, “voi GIÀY ngựa xéo” (đúng ra là “voi giày ngựa ”)[K]
Hướng dẫn chính tả của "Từ điển chính tả tiếng Việt"
Ảnh: HTC

12-“DÃY: dãy nảy”.
Viết đúng là “GIÃY nảy” (“giãy” trong “giãy đạp”, không phải “dãy” trong dãy bàn ghế).[K]

13-“DẪY (cv.dãy) dẫy dụa; dẫy nẩy”.
Viết đúng là “GIẪY giụa”, “GIẪY nẩy”. Soạn giả sai ở cả hai mục “DÃY nảy” và “DẪY nẩy”, chứng tỏ không phải sự cố.[K]

14-“DẤU: dấu diếm”.
Viết đúng là “GIẤU GIẾM” (“giấu” trong “giấu kín”; không phải “dấu” trong “dấu vết”).[K]

15-“DỞ: dở trò”.
Viết đúng là “GIỞ trò” (“giở” trong “giở ra”; không phải “dở” trong “dở dang”).

16-“DỤC: dục dịch”.
Tiếng Việt không có khái niệm này. Không lẽ soạn giả muốn hướng dẫn viết từ “RỤC RỊCH”?[K]

17-“GIÂY: giây dưa”.
Viết đúng là “DÂY dưa” (dây của cây dưa). Vì “dây dưa” bò lan, nhánh nọ đẻ nhánh kia, nên có một nghĩa bóng chỉ “anh em họ hàng xa”. Ví dụ “Hai nhà ấy có dây dưa gì với nhau đâu!” (tương tự “dây mơ rễ má”). Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) ghi nhận: “dây dưa • Dây cây dưa. Nghĩa bóng: Họ hàng xa; lôi-thôi không dứt”.[K]

18-“MA: ma chơi”.
Viết đúng là “ma TRƠI”. “Trơi” ở đây là dối, có mà không thật. Thế nên người Thanh Hoá gọi thằng bù nhìn giữ dưa là “thằng trơi dưa” = thằng người giả giữ dưa. Cũng như “ma trơi” là ánh lửa lập loè thường xuất hiện ở bãi tha ma vào những đêm mưa thâm gió bấc, khi ta đến gần thì vụt tắt tựa như ảo ảnh, có hình sắc mà như không.[K]

19-“QUỐC: trứng quốc”.
Không lẽ soạn giả muốn nói tới trứng của một loài chim có tên là “CUỐC”?[K]

20-“SAO: thôi sao”.
“Thôi XAO” 推敲 mới có nghĩa là đẽo gọt, lựa chọn chữ nghĩa. Nguyên Giả Ðảo đời Đường có câu thơ: Điểu túc trì trung thụ, Tăng xao nguyệt hạ môn 鳥宿池中樹, 僧敲月下門. Vốn Giả Ðảo định dùng chữ thôi = đẩy (cửa), rồi lại định dùng chữ xao = gõ (cửa), băn khoăn mãi mà không biết nên chọn chữ nào. Khi hỏi Hàn Dũ, ông bảo nên dùng chữ xao . Sau này “thôi xao” 推敲 được dùng với nghĩa cân nhắc, lựa chọn chữ nghĩa. Viết “thôi SAO” là vô nghĩa.[K]

 21-“SẺ: sẻ đàn tan nghé”.
Viết đúng là “sẩy/sểnh đàn tan nghé”. Vì “sẩy” hay “sểnh” mới có nghĩa là hụt, lạc, lỡ, mất (như “sẩy/sểnh nạ quạ tha”; “sẩy miệng buột lời”). Viết “SẺ” là vô nghĩa. Duy nhất có “Đại từ điển tiếng Việt” (Nguyễn Như Ý Chủ biên) ghi nhận “sẻ đàn tan nghé” và chỉ dẫn “như Sẩy đàn tan nghé”. Dĩ nhiên, điều này không có nghĩa “Từ điển chính tả tiếng Việt” đã đúng.

22-“SUẤT: chiết suất”.
Ở mục “CHIẾT”, thấy ghi nhận cả “chiết SUẤT” + “chiết XUẤT”, khiến người tra cứu chẳng biết đâu mà lần. Bởi nếu “chiết suất” (vật lí) thì đúng, còn “chiết suất” với nghĩa tách để lấy tinh chất từ thảo mộc hoặc một hỗn hợp chất nào đó thì sai. Kiểu biên soạn thiếu khoa học này còn thấy ở rất nhiều mục từ khác.

23-“SỬ: xét sử”.
Viết đúng là “xét XỬ”. Vì “XỬ” là từ Việt gốc Hán, có nghĩa xử hình án; còn “SỬ” 使 lại có nghĩa là khiến, sai khiến (viết “xét SỬ” có thể bị suy diễn thành: xét hỏi + sai khiến, ép cung). Cũng như phải viết “XỬ án” 處案 chứ không phải “SỬ án”.[K]

                                                   HTC/6/2020
(còn tiếp)

3 nhận xét:

  1. 20. Ở câu thơ này, nhiều bản chép là chữ "biên" (biên thụ-cây bên ao), chứ không phải là "trung" (cây trong ao) - "Ðiểu túc trì biên thụ"/Tăng xao nguyệt hạ môn".

    Trả lờiXóa
  2. "dấu diếm, che dấu, dấu vết" là đúng
    "dông tố" chứ không phải "giông tố"
    "tranh dành, dành phần, của để dành" chứ không phải "giành"
    "dằn mâm xắn chén" chứ không phải "giằng"
    "cướp giật" hay cướp dựt" ?
    "dăng dây" hay "giăng dây" ?

    Trả lờiXóa
  3. trong câu "dằn mâm xán chén" đúng là "xán chén" hay "xắn chén" vậy mng

    Trả lờiXóa