7 thg 7, 2019

NGHĨA CỦA “VẠC” TRONG “VỠ VẠC”

Vạc bờ
Ảnh: Báo Hưng Yên

HOÀNG TUẤN CÔNG

Từ điển từ láy tiếng Việt” (Viện ngôn ngữ-Hoàng Văn Hành chủ biên) thu thập và giải nghĩa: “VỠ VẠC đgt. (kgn.). Vỡ hoang, khai phá đất hoang (nói khái quát). Mỗi vụ trên mảnh đất mới vỡ vạc cũng thu được dăm tạ thóc. 2. Vỡ ra, bắt đầu hiểu ra, nhận biết ra (nói khái quát). Chịu khó dạy nó mấy buổi nó cũng đã vỡ vạc ra. Bây giờ đã vỡ vạc ra nhiều chứ trước kia thì mù tịt”.

-"Từ điển từ láy tiếng Việt dành cho học sinh" (Th.S. Bùi Thanh Tùng-Ngô Thu Phương - Nguyễn Huy Hoàn-NXB Hồng Đức): "VỠ VẠC đgt. 1. kng. Vỡ hoang, khai phá đất hoang nhưng chưa kịp trồng trọt (nói khái quát). 2. Bắt đầu hiểu ra, nhận biết một vẫn đề gì đó (nói khái quát)".
          Có lẽ các nhà biên soạn từ điển cho rằng, “vạc” chỉ là yếu tố láy âm của “vỡ”. Tuy nhiên, “vỡ vạc” là từ ghép đẳng lập: “vỡ” nghĩa là vỡ hoang, khai phá, mở mang (như vỡ đất; vỡ hoang; vỡ ruộng rậm); “vạc” nghĩa là vỡ thêm, khai phá thêm.
Các cuốn từ điển chúng tôi có trong tay chỉ ghi nhận “vạc” với nghĩa là “đẽo bớt”, “vạc bớt”, và lấy ví dụ “vạc gỗ, vạc vỏ”, “Hết nạc vạc xương”:
-Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến Đức): “vỡ 2 Mở ra, khai phá <>Vỡ hoang”; “vạcI Đẽo bớt <>Vạc gỗ. Vạc xương”.
-“Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) “vạc • đt. Đẽo bớt : Vạc gỗ, vạc vỏ; Hết nạc vạc đến xương”.
-“Việt Nam tân tự điển” (Thanh Nghị): “vạc • đt. Đẽo bớt <> Vạc chỗ hư”.
-“Đại từ điển tiếng Việt” (Nguyễn Như Ý chủ biên): “vạc • đgt. Chém nghiêng lưỡi sắc, làm cho lìa, đứt ra: vạc cỏ <> vạc bớt một số cành”.
-“Từ điển Việt Nam phổ thông” (Đào Văn Tập): “vạc • Đẽo bớt đi <> vạc gỗ”.
 Từ điển tiếng Việt (Vietlex) có ghi nhận “vạc bờ”, nhưng với nghĩa giống như “phát”, “xáo bờ” (nghiêng lưỡi cuốc xáo một lớp đất mỏng, đủ để dọn cỏ dại mọc xung quanh bờ ruộng trước khi cấy trồng):vạc • đg. làm cho đứt, lìa ra bằng cách đưa nhanh lưỡi sắc theo chiều nghiêng trên bề mặt: vạc bờ ruộng ~ thân cây bị vạc nham nhở. Đn: phát, phạt”.
Tuy nhiên, như trên đã nói, trong thực tế “vạc” còn có nghĩa là vỡ thêm, khai phá thêm, cuốc xáo thật sâu vào bờ ruộng để mở rộng dần diện tích canh tác.
Một mảnh ruộng "vỡ" có khi diễn ra trong nhiều năm. Khi mới bắt đầu vỡ hoang (khai phá), hoặc vỡ ruộng rậm (vỡ lại ruộng đã từng được canh tác, nhưng đã bỏ hoang nhiều năm), nông dân thường chọn khoảnh đất dễ vỡ nhất để làm trước. Sau đó, mỗi lần làm đất cho vụ mới, người ta lại “vạc” thêm vào phần đất đá sỏi, “xương xẩu”, lấn dần vào bờ hoang, bái rậm. Đất đá sỏi thì bốc bỏ lên bờ, đất mềm thì được cào, tản ra, lấp dần xuống chỗ sâu trũng. 
 Nhiều bờ vùng bờ thửa ban đầu rộng rãi, đủ cho một chiếc xe bò kéo qua lại. Nhưng cứ mỗi vụ cày cấy, hai bên chủ ruộng lại “vạc” vào bờ thêm một ít. Chẳng mấy chốc, bờ ruộng thu hẹp lại đến mức không đủ cho hai chân bước song song. Khi đi lại, gánh lúa, gánh mạ, người ta phải bước chéo chân, dò dẫm tựa như đi trên dây, mà đôi khi vẫn bị trượt chân đánh thụp xuống ruộng.
  Cũng có khi việc lấn vào bờ hoang bái rậm, mở rộng diện tích diễn ra thực sự, nhưng được nông dân nói khiêm tốn là “vạc thêm”. Ví dụ: “Năm nay cha con tôi cũng vạc thêm được mấy hàng lúa”.
 Nhờ kiểu “vỡ ra” và “vạc thêm” này mà nhiều chân đất “thùng đào hộc đấu”, nhấp nhô gò cao bái rậm, dần dần được san phẳng, trải qua nhiều đời trở thành bờ xôi ruộng mật.

Với câu tục ngữ “Hết nạc vạc xương”, thì “vạc xương” ở đây không phải là “vạc bớt”, “đẽo bớt” đi như nhiều nhà biên soạn từ điển giải thích, mà ngược lại, có nghĩa là vạc thêm, sử dụng, khai thác đến phần xương xẩu, sau khi đã hết phần nạc-chính là cùng một kiểu “vạc” như trong “vỡ vạc” ruộng hoang.
Như vậy, vạc” trong “vỡ vạc” không phải là yếu tố láy âm của “vỡ”, mà có nghĩa là cuốc xáo, vạc thêm, lấn dần vào phía bờ hoang, bái rậm để mở rộng diện tích ruộng đã “vỡ” (khai phá) và canh tác được nhiều vụ trước đó. Nghĩa bóng, nghĩa rộng của “vỡ vạc” là bắt đầu vỡ ra, hiểu thêm, hiểu dần vấn đề mà lâu nay còn u mê, chưa hiểu biết gì, hoặc làm thêm, mở rộng thêm, tựa như vỡ vạc, khai phá ruộng hoang qua từng năm, từng vụ vậy.

                                                  HTC/7/2019


1 nhận xét:

  1. Càng đọc càng thấy loạn hết cả lên. Trong kỹ thuật có "san lấp" thì trong nông nghiệp các cụ có "vỡ vạc" "vỡ" là bù vào, đắp vào; "vạc" là hớt đi, bóc đi. "Vỡ vạc" chỉ hành động đào đắp tạo, mở rộng mặt phẳng tốt nhất có thể để canh tác nông nghiệp thời xưa.

    Trả lờiXóa