5 thg 2, 2017

TIẾC THƯƠNG NHÀ NGHIÊN CỨU THÁI KIM ĐỈNH (1926-2017)

        
Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh
Ảnh: Tạp chí VHNT Hà Tĩnh

       HOÀNG TUẤN CÔNG 
Nhà nghiên cứu Văn hoá Thái Kim Đỉnh vừa vĩnh biệt cõi trần (4/2/2017). Sinh thời, trong số những bức thư Nhà nghiên cứu Thái Kinh Đỉnh gửi cho cụ thân sinh tôi - Nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Phổ - có một “mẩu thư” khá đặc biệt. Đó là thư cụ Thái gửi trả lại tiền nhuận bút, với những dòng run run ghệch ngoạc của người cầm bút sau “tai biến”:

           “Anh Phổ thân mến!
          Tôi đã nhận thư và tiền anh gửi. Xin cảm ơn về sự chu đáo của anh. Nhưng anh Phổ ơi, chúng ta đều không dư dật, luôn gặp khó khăn, tôi xin nhận tấm thịnh tình của anh và xin anh cho tôi gửi lại số tiền. Anh coi như tôi đã nhận rồi. Chúng ta hiểu nhau, chắc anh không nỡ trách tôi. Khi nhận thư, tôi rất xúc động anh ạ. Xin anh thông cảm cho nhé. Chúc anh chị chóng khoẻ, cháu chóng lành. Anh cho tôi hỏi thăm và chúc sức khoẻ cháu Tuấn Công.

                                                          ĐỈNH”.


          Thư được viết vào năm 2003.
          Số là đầu những năm 2000, một vài “học giả” họ Nguyễn (vô tình hay hữu ý) đã chủ trương đánh đồng nhân vật Trạng Quỳnh dân gian với Nguyễn Quỳnh (tức Cống Quỳnh) làm một. Thậm chí, người ta đem sự nghiệp, tiếng tăm của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh - ông nội Thi hào Nguyễn Du (Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) gán ghép cho Nguyễn Quỳnh (tức Hương cống Nguyễn Quỳnh, Hoằng Hoá, Thanh Hoá)! Lúc ấy, cụ Phổ đã không vì địa phương Thanh Hoá mà “thấy người sang bắt quàng làm họ”, càng không vì bất cứ sức ép nào mà im hơi lặng tiếng trước việc làm phi học thuật này. Bởi vậy, cụ Phổ đã có nhiều bài viết như: “Trạng Quỳnh, ônglà ai?” (tạp chí Hồn Việt) ; “Ngày xuân nói chuyện Trạng” (tạp chí Xứ Thanh), “Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, ông nội Thi hào Nguyễn Du” (Tạp chí Xưa và Nay-số 143-2003).

          Để có thêm tư liệu viết bài Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, ông nội Thi hào Nguyễn Du”, cụ Phổ đã liên hệ với Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh (qua giới thiệu của PGS Ninh Viết Giao), và nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ chí tình.

          Tuy nhiên, khi viết xong, không có tờ báo hay tạp chí nào ở Thanh Hoá dám đăng. Thậm chí, sau khi tạp chí Xưa và Nay đăng bài Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, ông nội Thi hào Nguyễn Du, thì có người họ Nguyễn đã đâm đơn kiện Hoàng Tuấn Phổ vì dám viết Trạng Quỳnh không phải là Cống Quỳnh; dám viết sự nghiệp Nguyễn Quỳnh (Thanh Hoá) khác với Nguyễn Quỳnh (Hà Tĩnh). Thế nên khi biết chuyện, trong một bức thư gửi Hoàng Tuấn Phổ, Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh đã phải thốt lên: “Tôi không ngờ ở Thanh, bài của anh lại khó lọt đến vậy, thì ra không phải xưa mà nay, đám “học phiệt” cũng chẳng hiếm!”.

          Dù thư từ, điện thoại trao đổi qua lại, nhưng cụ Hoàng Tuấn Phổ và Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh chưa một lần gặp mặt nhau. Tất cả những gì ông cụ thân sinh tôi biết về cụ Thái Kim Đỉnh là qua lời kể vắn tắt của một vài người và sự cảm nhận của riêng mình, để rồi hai người vẫn dành cho nhau sự cảm phục, thân thiết, nghĩa tình. Ví như tôi nghe cụ Phổ nói rằng: cụ Thái Kim Đỉnh cũng làm nghiên cứu, sưu tầm, sống trong hoàn cảnh rất nghèo khổ, thiếu thốn, thậm chí có điều còn khổ hơn ông cụ nhà tôi. Bởi vậy, khi tạp chí Xưa và Nay trả nhuận bút bài Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh, ông nội Thi hào Nguyễn Du, cụ Phổ nghĩ ngay đến cụ Thái Kim Đỉnh. Và tôi (HTC) được cụ Phổ giao nhiệm vụ gửi cả số tiền nhuận bút của bài viết trên tạp chí Xưa và Nay vào Hà Tĩnh cho cụ Thái Kim Đỉnh. (Có lẽ vì thế, nên trong bức thư “gửi trả lại tiền”, cụ Thái có biết và nhắc đến tên tôi, “Tuấn Công”?). 

          Cụ thân sinh tôi thường nhắc đến cụ Thái Kim Đỉnh với lòng cảm  thương, kính phục. Có lẽ ngoài hoàn cảnh nghèo khổ như nhau, cụ Hoàng Tuấn Phổ và cụ Thái Kim Đỉnh còn có điểm giống nhau nữa là say mê nghiên cứu, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ về tư liệu cho những người tìm đến với mình. Người ta hỏi một, nhưng có khi các cụ chia sẻ lên đến mười, không chút tính toán, đắn đo.

          Vào thời điểm 2003, những lá thư của cụ Thái Kim Đỉnh gửi cho cụ thân sinh tôi nét chữ run rẩy, rất khó đọc. Ấy là do hậu quả của lần bị “tai biến”. Ví dụ bức thư dưới đây:

          “Hà Tĩnh 2/8/2003
          Thân gửi anh HT Phổ
          Tôi đã nhận được thư anh và báo anh gửi. Bài ở Xưa Nay tôi đã đọc vì tôi cũng có mua báo. Rất hay là in được ở Thanh [có lẽ ý nói đến bài “Trạng Quỳnh-ông là ai” của Hoàng Tuấn Phổ, in trên Xứ Thanh-HTC]. Tôi cũng đã kiếm được cuốn chuyện Trạng Quỳnh của ô NgĐ.Hiền, trong đó có các tài liệu của anh Hà Văn Tấn, kể cả hai bài phú “Kim bạch tài vật” và “Tìm cung phụ nữ”[?], anh không phải phô tô nữa. Tôi không ngờ ở Thanh, bài của anh lại khó lọt đến vậy, thì ra không phải xưa mà nay, đám “học phiệt” cũng chẳng hiếm!  
          Rất hoan nghênh bài anh viết. Trong này, một số bài viết trong “100 nhân vật lịch sử” của tôi trong đó có bài LNC Nguyễn Quỳnh cũng được anh em đem đọc trên đài hoặc in 1 số- còn sách khó in lắm - mà tính tôi thì khó có thể đi xin hội VN in dùm (Hội VN không tiền).
          Bước đầu  như vậy đã. Chắc bài của anh sẽ có những phản ứng trái. Tháng này tôi cũng đau (viêm phế quản mãn, cơn bão 4 vừa rồi nó quật cho, nay đã đỡ, đang uống thuốc, tuy vẫn còn ho, cũng đã viết được đôi chút, sau mấy tuần nằm).
          Chúc anh chị, cháu gặp thuốc gặp thang, chóng lành-đỡ bệnh. Sinh lão, bệnh tử là chuyện thường tình, nhưng với chúng ta thì căng lắm.
                                                                        Thân ái            
                                                                           ĐỈNH”.


          Với nghị lực sống và làm việc phi thường, sau nhiều năm luyện tập, khả năng vận động của cụ Thái Kim Đỉnh đã được cải thiện rõ rệt. Điều đó được thể hiện phần nào qua thư gửi cụ thân sinh tôi. Nét chữ cụ Thái đã trở nên rắn rỏi, khoẻ khoắn, rõ ràng hơn trước nhiều:

          “Hà Tĩnh 13/3/2009
          Thân gửi anh bạn Hoàng Tuấn Phổ,
          Nhận được thư anh đã hai tháng, nay mới viết trả lời được đây, vì lâu nay, ngoài việc sức khoẻ sút kém lại có nhiều chuyện bấn (việc nhà + nợ đời), mong anh miễn chấp.
          Thư và thơ anh đến cũng như bạn bè khác đã giúp tôi vui nhiều, xin cảm ơn anh đã không quên ông bạn già ở xa xôi này.
          Tôi hiện bị hỏng hẳn mắt phải, mắt trái còn 5/10, nghĩa là chỉ còn 1/2 mắt, tuổi cao (84) nên  sức khoẻ giảm nhiều, may mà còn ăn ngủ được-ăn ít nhưng biết ngon, ngủ cũng đẫy giấc, trừ một số lần nửa đêm thao thức. Tôi vẫn cố viết, vì phải hoàn thành mấy tập sách, một cuốn địa chí huyện (cùng cậu bạn khác) và một cuốn về vùng VHoá Hà Tĩnh cho NXB Trẻ). Ngoài ra, còn nhiều “nợ” khác. Nhưng vì phải giữ sức, nên đọc viết đều hạn chế, hiệu suất thấp.
          Anh dạo này sa sao? sức khoẻ, gia đình, tác phẩm mới. Có gì vui cho biết với. Anh cho tôi hỏi thăm và chúc sức khoẻ Hội HVHNT Thanh Hoá. Tôi có gửi bài “Lăn cái [?] Đỗ Gia” (của vua Lê) cho VHTH có dùng được không? Anh có tài liệu + thơ của Phan Khắc Khoan, cho tôi với. Từ hồi đi học, tôi đã thuộc nhiều đoạn vở kịch Trần Can và Lý Chiêu hoàng của ông ấy, nay vẫn còn nhớ lõm bõm một số đoạn, còn thơ thì tôi không được đọc, vì thơ của ông không in. Chắc ở ngoài ấy có nhiều chuyện mới. Trong này giới nghiên cứu chỉ có một số ít người nên mất vui (số chết, số bỏ). Xin chép gửi anh bài thơ tự ? của anh đầu 2009, cũng là để đáp lại bài thơ của anh, anh đọc cho vui.

Xuân này lên lão tám mươi tư,
Sống được như ri cũng đã cừ
Con mắt dẫu không còn được sáng,
Cái đầu chắc có bớt phần ngu
Chưa quên sự nghiệp bút chưa thả
Chẳng cạn tình đời, chén chẳng từ,
Chín chín ngọn Hồng đi chửa khắp
Có bò cũng níu lấy...mà đu

Chúc anh khoẻ, gia đình vui
Mong viết được nhiều, thật nhiều.
                                   Rất thân

                                       ĐỈNH”.


          Bài thơ của Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh gửi cho cụ thân sinh tôi trên đây, chính là đáp (không phải hoạ) lại bài thơ mừng thọ của cụ Phổ trước đó:

MỪNG THỌ BÁC THÁI KIM ĐỈNH
Mừng bác xuân xanh ngoại bát tuần
Trăm năm tuổi thọ sắc càng xuân
Lam Giang “nết đất” dòng văn cổ,
Hồng Lĩnh “tính trời” nét chữ tân
Túi gạo, mo cơm, chân lóc cóc(1),
Giấy rơm, bút sắt, chữ thằn lằn(2)
Một gian nhà lá đầy kho sách
“Chín chín ngọn Hồng”(3) rợp bóng râm!

                                      Xuân 2009
                               Hoàng Tuấn Phổ

          Xuân 2009, cụ Thái Kim Đỉnh viết: “Xuân này lên lão tám mươi tư, Sống được như ri cũng đã cừ”. “Cừ” hơn nữa là Cụ tiếp tục vượt lên gian khổ bệnh tật sống và viết thêm tám mùa Xuân nữa, để rồi hôm nay,  bước chân “lóc cóc”, nét chữ “thằn lằn” của Cụ đã vĩnh viễn dừng lại nơi trần thế.

          Cụ Thái Kim Đỉnh đã về cõi vĩnh hằng, để lại bao tiếc thương, cảm phục trong giới nghiên cứu, học thuật, cùng sự nghiệp cầm bút với 80 đầu sách đã xuất bản, trong đó có gần 30 cuốn in riêng và chủ biên và hơn 50 cuốn viết chung và in chung. Thư phòng của tôi hiện có cuốn "Từ điển tiếng Nghệ" cụ Thái viết chung với Trần Hữu Thung.

          Cụ thân sinh tôi Xuân này không được khoẻ. Nghe tin cụ Thái Kim Đỉnh thành người thiên cổ, từ xứ Thanh, hai cha con họ Hoàng xin được vọng bái anh hồn Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh!

          Mấy dòng cụ Phổ cảm tác thay lời tiễn biệt Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, cầu mong Cụ tiên cảnh nhàn du!

 “Chúng ta chắp nhặt vốn “dông dài” (4)
Nay bác đi rồi tuổi “chín hai”
Ước chi bác mới chừng “hai chín”
Tôi bác ta cùng dốc cạn chai”.

                                              5/2/2017
                            Người bạn thân vong niên
                               HOÀNG TUẤN PHỔ”.


                                                                          HTC/5/2/2017

Chú thích:

(1) - “chân lóc cóc” ở đây ý nói cuộc đời nghiên cứu, sưu tầm, điền dã của cụ Thái Kim Đỉnh chủ yếu là “lóc cóc” đi bộ, “lóc cóc” xe đạp.
 (2) - “chữ thằn lằn”, ý nói nét chữ run rẩy nghệch ngoạc của cụ Thái Kim Đỉnh, vượt lên khó khăn bệnh tật để sống và viết.
 (3) - “chín chín ngọn Hồng” ở đây nói tên cuốn sách “Chín chín ngọn non Hồng” mà cụ Thái Kim Đỉnh có lần nhắc đến.
(4) - Ý nói công việc nghiên cứu, sưu tầm văn hoá dân gian.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét