Xuyên sơn giáp (Tàu) con trút (ta) Ảnh: ST |
Hoàng Tuấn Công
Trong cuộc gặp gỡ lần hai giữa Quang Trung Nguyễn Huệ
và La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp, “Huệ hỏi:
“nghe thầy học tinh lý-số, lại hay mưu lược. Nay Tôn-Sĩ-Nghị nó sang, thầy nghĩ
chước nào?” Thầy Nguyễn Thiếp thưa rằng: “Quân quý thần tốc”. Huệ nói rằng: “Phải,
phải, tôi nay ra đánh cho nó chết. Tôi mà dẹp được giặc Tầu xong, thì xin rước
thầy ra dạy học. Tôi muốn khí-dụng gì cũng chẳng mua của nước Tàu”. Thầy Nguyễn
Thiếp lại thưa rằng: “Chỉ có thuốc Bắc phải dùng của Tầu mà thôi”.(1)
Cứ theo lời Nguyễn Thiếp, thì nước Nam có thể tự sản, tự
túc được tất thảy “khí-dụng”, trừ “thuốc Bắc”. Nghĩa là thuốc Bắc được Nguyễn
Thiếp đề cao một cách tuyệt đối. Ấy vậy mà dân gian lại có câu “Thuốc Nam đánh
giặc, thuốc Bắc lấy tiền”. Và, cứ theo cách giảng của các nhà biên soạn từ điển,
thì thực tế hoàn toàn ngược lại quan điểm của La Sơn Phu Tử: thuốc Nam mới công
hiệu, còn thuốc Bắc chỉ được cái “đắt tiền”, “lấy tiền các con bệnh” mà thôi:
-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn
Đức Dương) giải thích: “Thuốc nam
đánh giặc, thuốc bắc lấy tiền: Thuốc nam
là thứ vốn dùng để đánh thẳng vào bệnh tật; còn thuốc bắc là thứ được dùng để lấy
tiền các con bệnh mà thôi. Hay dùng để chỉ rõ vai trò hệ trọng của các loại thuốc
nam so với thuốc bắc”.
-“Từ điển thành
ngữ và tục ngữ Việt Nam” (GS
Nguyễn Lân): “Thuốc nam đánh giặc, thuốc bắc lấy tiền Ý nói: Thuốc
nam công hiệu, còn thuốc bắc thì đắt tiền”.
- Sách “1575
câu tục ngữ thành ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia) không đồng ý với cách giảng
như từ điển của GS Nguyễn Lân, và cho rằng, ý câu tục ngữ là: “Hai người cùng một
khả năng, cùng tính làm một việc, nhưng khi người này bỏ nhiều công sức và chịu
đựng nhiều khó khăn gian hiểm và làm nên việc thì người kia lại hưởng mọi quyền
lợi, câu này gần giống câu “Cốc mò cò xơi”.
Theo chúng tôi, chuyện đề cao tác dụng của thuốc Bắc
là một thực tế. Bởi vậy, không có cơ sở nào để nói rằng, thuốc Bắc chỉ là thứ “đắt tiền”, “lấy tiền của các con bệnh”, chứ không “công dụng” hoặc có tác dụng “đánh
thẳng vào bệnh tật như thuốc Nam”. Với Lê Gia, tuy ông làm nhiệm vụ “bàn
thêm”, nhưng cũng chỉ đưa ra cách hiểu theo nghĩa bóng, không ăn nhập gì với tục
ngữ, còn nghĩa đen thế nào, không thấy nói tới.(2)
Chúng
tôi cho rằng, câu tục ngữ phản ánh một thực tế khác: có những vị thuốc Nam vốn
mang tên và có nguồn gốc bản địa (Việt Nam), nhưng được các thầy thuốc Bắc, hoặc thương nhân Trung Quốc khai thác, sao chế,
sử dụng, bán ra với cái tên thuốc Bắc (xuất xứ Trung Quốc) giá đắt gấp nhiều lần.
Phương
Nam và phương Bắc khác nhau về khí hậu, thổ nhưỡng, nên nhiều vị thuốc Bắc chỉ
có ở Trung Quốc. Tuy nhiên, không ít vị thuốc mà cả Bắc và Nam đều có. Có vị
khai thác ở Bắc tốt hơn Nam; có vị khai thác ở Nam tốt hơn Bắc. Xét về đặc điểm sinh học, dược
tính, thì có khi hai vị thuốc (một Nam, một Bắc) hoàn toàn giống nhau, chỉ khác
tên gọi. Ví dụ: binh lang 檳榔 (hạt cau
già), trần bì 陳皮 (vỏ quýt rừng); chỉ xác 枳殼 (quả quýt hôi); long nhãn 龍眼 (cùi nhãn); đại
hồi 大茴 (hoa hồi)(3); quế chi 桂枝 (vỏ cành quế)...
Đại hổi (hoa hổi) Ảnh: ST |
Nhiều
người quan niệm, thuốc Bắc chủ yếu sử dụng thành phần củ, rễ cây cây thuốc; còn
thuốc Nam sử dụng thành phần thân lá. Điều này không hoàn toàn đúng. Vì thực tế,
thuốc Nam hay thuốc Bắc, tuỳ từng vị, từng phương mà sử dụng củ, rễ, thân, vỏ,
lá, hay hoa, quả...thậm chí là những vị có nguồn gốc động vật.(4)
Nhiều vị thuốc (cây cỏ) khai thác ở
các tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam, khí hậu, thổ nhưỡng giống Trung Quốc. Về
mặt dược tính, những cây thuốc Nam này không khác gì thuốc Bắc, nhưng nó chỉ có
giá trị thương mại cao khi khoác lên cái tên thuốc Bắc. Điều này Đỗ Tất Lợi cho
biết rõ: “có tình trạng cùng một vị thuốc,
nhưng ở tỉnh này thì ta xuất sang Trung Quốc với một tên này, ở tỉnh khác ta lại
nhập với tên khác và mang danh thuốc bắc. Ví dụ: Lào Cai xuất củ gấu tàu và
hoàng liên, thì Hải Phòng lại nhập cùng những vị đó với tên ô đầu và hoàng liên
bắc v.v...”; hay: “Xuyên Khung chủ yếu
được trồng tại tỉnh Tứ Xuyên, còn mọc ở Vân Nam, Quí Châu (Trung Quốc) [...]. Tuy
nhiên, tại SaPa (Lào Cai) có đồng bào nói cây đó có sẵn tại tỉnh này từ trước.”
(Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam).
Lại có những vị thuốc có sẵn ở ta,
nhưng chỉ được sử dụng, phối hợp trong đơn (bài) thuốc Bắc. Trong “Đất
lề quê thói”, Nhất Thanh viết: “Ở đất
ta cũng có nhiều thứ cây, lá, củ, rễ, hoa, quả, hạt, là những vị thuốc Bắc, tỉ
như sen, quế, sa-nhân, ý-dĩ, đậu khấu,...mà thuốc Nam không dùng”.
Quế chi Ảnh: ST |
Vì “thuốc Nam không dùng”, người Nam không biết dùng, nên từ
xa xưa, người Bắc (Trung Quốc) đã biết khai thác, mua lại để dùng, sao chế rồi có
khi bán lại cho ta với danh nghĩa thuốc Bắc. Sách “Đàng Trong
thời chúa Nguyễn” cho biết: “Hàng hoá mà
người Trung Hoa mua lại của Đàng Trong gồm có vàng, ngà voi, gỗ quí, đường, cau, gỗ đóng tủ, xạ hương, tiêu, cá
khô, tổ yến và các loại dược thảo mà họ
kiếm được trên núi...” (HTC nhấn mạnh).
Lê Quí Đôn trong “Phủ biên tạp lục” cũng
từng chép về việc người Tàu mua hạt cau già (binh lang 檳榔) của ta: “Gia Định nhất thóc nhì cau”, dân địa phương
thường bỏ không thu, cau già lấy hột bán cho người Tàu”.(4)
Khi điều tra cây thuốc ở vùng Quảng Ninh, Đỗ Tất Lợi còn cho
biết: “vì giao thông thuận tiện, có nhiều người
Trung Quốc đã đến sinh sống từ lâu đời, họ biết khai thác nhiều vị thuốc mà cha
ông họ đã biết khai thác, sử dụng ở Trung Quốc; nay sang đây họ tiếp tục khai
thác để sử dụng hay xuất về nước, trong khi nhân dân ta chưa chú ý khai thác”.
Mà đâu chỉ riêng chuyện các vị thuốc Nam mang tên thuốc
Bắc. “Chế hoá” nguyên liệu của người thành sản phẩm của mình là “nghề” của những
người Tàu làm ăn buôn bán khắp nơi trên thế giới. Trong sách “Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ”,
Đào Trinh Nhất cho biết: “Biên Hoà: tỉnh này giồng nhiều chè (tức chè Huế), Hoa
kiều mua rồi chế hoá thế nào, làm thành như chè của Tầu, mà lại bán cho ta
(...). Nói tóm lại ngay những vật liệu ta thường dùng, trong 100 phần phải ngưỡng
cấp [“ngưỡng cấp: trông chờ người khác cấp cho”- nguyên chú của sách-HTC] ở Hoa
kiều đến 80 phần, chưa kể đến những nguyên liệu của ta mà họ lợi dụng để chế ra
các sản vật đem ra bán ở ngoại quốc nữa, thì đủ biết nghề nghiệp của họ phát đạt
như thế nào”.
Với
nguồn dược liệu dễ lẫn lộn, khó nhận diện như thuốc Nam và thuốc Bắc, lẽ dĩ nhiên,
qua công đoạn bào chế và khoác cái tên cao quý của người Tàu, hạt cau già sẽ trở thành vị “binh lang 檳榔”; củ mài thành “hoài sơn - 淮山”; hạt
bo bo thành “ý dĩ nhân - 薏苡仁”, dây tơ hồng
thành “thỏ ti tử-兔絲子”; củ cây cơm nếp thành “hoàng tinh-黃精”; mằn
năng ón thành “hà thủ ô-何首烏”; đầu vù, rễ kế
thành “tục đoạn-續斷”.v.v...
Ngoài ra, còn vô số vị thuốc có nguồn
gốc động vật ở ta, được khoác cái tên “huyền bí” của Tàu, như: “ô tặc cốt-烏賊骨” (mai mực);
“xuyên sơn giáp-穿山甲” (vảy con tê tê, hay con trút); “thuỷ điệt-水蛭” (con đỉa);
hoà trùng 禾虫 (con rươi);; “địa long-地龍”, hay “khâu dẫn-蚯蚓” (giun đất);
“dạ minh sa-夜明沙”, hay “thiên thử phẩn-天鼠糞” (phân con dơi),v.v...
Cũng cần nói thêm, “Thuốc Nam đánh giặc,
thuốc Bắc lấy tiền” không chỉ phản ánh thực tế khai thác sử dụng vị thuốc nguồn
gốc Nam vào bài thuốc Bắc của thầy thuốc Tàu, mà còn đối với cả người Việt hành
nghề thuốc Bắc. Nghĩa là thầy thuốc Bắc của ta biết rõ các vị thuốc nguồn gốc bản
địa, có cái tên nôm na gần gũi, nhưng trong đơn, thầy vẫn kê với tên thuốc Bắc linh
diệu, như trần bì-陳皮 (vỏ quýt), chỉ xác-枳殼(quả quýt hôi phơi
khô); “quy bản-龜版” (yếm rùa); “miết giáp-鱉甲” (mai con ba ba)... Ngay
cả với những cây thuốc bản địa, nếu so sánh với thuốc Bắc, thì nó hoàn toàn
khác nhau về đặc điểm sinh học, nhưng vì có dược tính gần giống, nên được sử dụng
để thay thế, hoặc sử dụng như thuốc Bắc, nhưng vẫn không mang tên bản địa, mà
là mang tên vị Bắc, ví như: vỏ cây núc nác, được gọi là “nam hoàng bá” 南黃柏; củ súng
gọi là “khiếm thực” 芡實, hay “nam khiếm thực” 南芡實; củ cây vú bò gọi là “bạch
hà thủ ô” 白何首烏,v.v...
Điều này có hai lí do: bản thân các
bài thuốc này được đúc kết, truyền dạy theo y lí của Trung y. Bởi vậy, khi kê
đơn, bốc thuốc, thầy thuốc người Nam hành nghề thuốc Bắc cứ y theo tên chữ
trong sách thuốc của Tàu mà ghi. Thứ hai, bản thân thầy thuốc Bắc cũng không muốn
con bệnh biết rằng, trong đơn thuốc, nhiều vị có thể khai thác ngay trên đất Việt
Nam. Có như vậy, những dược liệu phương Nam ấy mới được bán theo giá thuốc Bắc.
Thế nên trước đây ở thôn quê, mỗi khi đi lấy thuốc Bắc về, trước khi sắc, người
ta thường giở ra xem vị và lượng thế nào. Người thông thạo chút ít về thuốc thường
“giải thiêng” bằng cách chỉ vào từng thứ rồi vanh vách “đọc vị” cả tên Nam lẫn
tên Bắc.
Vậy chẳng phải “Thuốc Nam đánh giặc,
thuốc Bắc lấy tiền” là gì?
Như
vậy, “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lấy tiền” ý nói, các vị thuốc nguồn gốc bản địa
(thuốc Nam), được người Tàu thu mua, bào chế, rồi đưa vào bài thuốc Bắc. Thuốc
chữa khỏi bệnh (“đánh giặc”) thực chất là vị Nam (sẵn có và rẻ), nhưng lại mang
danh thuốc Bắc (giá cao), để tiền thu vào túi thương nhân Tàu, thầy thuốc Tàu.(5)
Hoàng Tuấn
Công/2/2017
Chú thích:
[1]- Theo “La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn”. Không biết thực hư đoạn đối đáp giữa
Nguyễn Huệ và Nguyễn Thiếp đến đâu. Nhưng sau đại thắng quân Thanh (1789), vua
Quang Trung có mở cuộc thi “đối sách” về “Nam dược trị Nam
nhân”. Bài “đối sách” của Nguyễn Hoành hợp ý Quang Trung nên được tuyển làm
Ngự y quan. Nguyễn Hoành chính tên Nguyễn Viết Hoành, tự Văn Đỉnh, (1741-1800),
quê quán thôn Thiên Linh Đông, xã Thiên Linh, tổng Văn Trinh, huyện Quảng Xương
(hiện nay là thôn Yên Đông, xã Quảng Yên, huyện Quảng Xương). Khi triều đình
Phú Xuân lập Nam dược cục (Viện nghiên cứu thuốc Nam), Quang Trung sai
Nguyễn Hoành làm Ngự y chánh Nam dược cục chánh cục. Thời kì này, Nguyễn Hoành soạn một số sách về y dược. Đáng chú
ý nhất là tập “Y học toát yếu quốc ngữ ca” viết bằng chữ Nôm (vua Quang
Trung chú trọng chữ Nôm).
[2] -Tham
khảo thêm một số cách hiểu:
1.Bài “Lịch sử thuốc Nam” (yduocqueviet.com.vn), tác giả Lê Quế Việt viết: "Tiền nhân có câu “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lập công” là chỉ tác dụng của thuốc Nam là công phạt hợp với chứng thực, thuốc Bắc thiên về bổ dưỡng chữa chứng hư”. Cách giải thích này không đúng. Vì ngay cả cách điều trị bằng thuốc Bắc, thì thầy thuốc vẫn phải phân biệt “thực chứng” và “hư chứng” (ví như hàn giả nhiệt, hoặc nhiệt giả hàn) để mà có cách bổ hay tả cho đúng.
2. Bài “Nghề làm thuốc ở nước ta, Sự thực đã chứng minh nước ta có một nền quốc y riêng” (Bắc Hà, Tràng An báo, 1938), viết: “Nhờ thế, dân gian càng ngày càng tìm ra được nhiều vị thuốc Nam hay lắm. “Thuốc nam đánh giặc thuốc bắc lấy tiền”, cây nói ấy xuất phát ra từ đấy”. Ở đây, tác giả cũng chỉ hiểu được vế thứ nhất, còn tại sao “thuốc Bắc lấy tiền” thì không giải thích.
3.Trong “Đất lề quê thói”, Nhất Thanh có viết: “Nói về công hiệu thì thuốc Nam thuốc Bắc đều hay nếu dùng đúng chỗ. Vì thuốc Nam rẻ tiền lại thường được mách bảo không cần thày, mà cũng nên công nhiều khi tuyệt diệu, cho nên dân chúng có câu “Thuốc Nam đánh giặc thuốc Bắc lấy tiền”. Theo đây, Nhất Thanh cũng không giải thích tại sao lại “thuốc Bắc lấy tiền”.
1.Bài “Lịch sử thuốc Nam” (yduocqueviet.com.vn), tác giả Lê Quế Việt viết: "Tiền nhân có câu “Thuốc Nam đánh giặc, thuốc Bắc lập công” là chỉ tác dụng của thuốc Nam là công phạt hợp với chứng thực, thuốc Bắc thiên về bổ dưỡng chữa chứng hư”. Cách giải thích này không đúng. Vì ngay cả cách điều trị bằng thuốc Bắc, thì thầy thuốc vẫn phải phân biệt “thực chứng” và “hư chứng” (ví như hàn giả nhiệt, hoặc nhiệt giả hàn) để mà có cách bổ hay tả cho đúng.
2. Bài “Nghề làm thuốc ở nước ta, Sự thực đã chứng minh nước ta có một nền quốc y riêng” (Bắc Hà, Tràng An báo, 1938), viết: “Nhờ thế, dân gian càng ngày càng tìm ra được nhiều vị thuốc Nam hay lắm. “Thuốc nam đánh giặc thuốc bắc lấy tiền”, cây nói ấy xuất phát ra từ đấy”. Ở đây, tác giả cũng chỉ hiểu được vế thứ nhất, còn tại sao “thuốc Bắc lấy tiền” thì không giải thích.
3.Trong “Đất lề quê thói”, Nhất Thanh có viết: “Nói về công hiệu thì thuốc Nam thuốc Bắc đều hay nếu dùng đúng chỗ. Vì thuốc Nam rẻ tiền lại thường được mách bảo không cần thày, mà cũng nên công nhiều khi tuyệt diệu, cho nên dân chúng có câu “Thuốc Nam đánh giặc thuốc Bắc lấy tiền”. Theo đây, Nhất Thanh cũng không giải thích tại sao lại “thuốc Bắc lấy tiền”.
[3]-“Đại
hồi” thực chất là quả cây hồi, có năm cánh, giống bông hoa, nên dân gian gọi là
“hoa hồi”, sản nhiều ở Cao Bằng, Lạng Sơn.
[4]- Theo “Danh
từ thuật ngữ y - dược cổ truyền” Hạt cau già (binh lang 檳榔) chủ trị: “Thực
tích khí trệ, bụng đầy táo bón, tả lỵ mót rặn, ký sinh vật đường ruột: giun,
sán; Trị sốt rét do muỗi truyền”.
[5]-Một số tài
liệu tham khảo và trích dẫn:
-“La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn” (NXB Giáo dục, 1998).
-“Phủ biên tạp lục” (Lê Quý Đôn-NXB Văn hoá thông tin, 2007)
-“Vân đài loại ngữ” (Lê Quý Đôn-NXB Văn hoá, 1962)
- “Danh từ thuật ngữ y - dược cổ truyền” (NXB Y học, 2016)
- “1575 câu tục ngữ thành ngữ cần bàn thêm” (Lê Gia-NXB Văn Nghệ,
2009)
- “Đất
lề quê thói” (Nhất Thanh-Cở sở ấn loát Con đường sáng, Sài Gòn 1970)
-“Thế lực Khách trú và vấn đề di dân vào Nam Kỳ” (Đào
Trinh Nhất-NXB Hội Nhà văn, 2016).
- “Đàng Trong thời chúa Nguyễn” (Nguyễn Duy Chính-NXB Hội Nhà
văn, 2016).
- “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam” (Đỗ Tất Lợi-NXB Hồng
Đức, 2015).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét