Hai tập sách của GS Võ Quý Ảnh: HTC |
HOÀNG TUẤN CÔNG
TCTP hiện
sở hữu hai tập sách “Chim Việt Nam, hình thái và phân loại” (Võ Quý -NXB Khoa
học và Kỹ thuật). Cảm phục và biết ơn cụ thân sinh, trong hoàn cảnh cơm chẳng
có mà ăn, áo chẳng có đủ mặc, vậy mà vẫn đón mua đủ cả hai tập (tập I ấn hành ở
Hà Nội 1975, giấy khá đẹp; tập II in ở TPHCM năm 1981, giấy nứa đen, xấu). Dĩ
nhiên, tiền mua những cuốn sách như thế này bao giờ cũng có sự đóng góp từ hạt
lúa, củ khoai ở quê nhà.
Cảm phục và
biết ơn hơn hết, là những Nhà khoa học chân chính như GS Võ Quý, trong hoàn
cảnh đất nước cực kì khó khăn thời ấy, vẫn miệt mài, tâm huyết, biên soạn những
công trình để đời như “Chim Việt Nam, hình thái và phân loại”.
Có xem “Chim
Việt Nam” thì mới thấy mức độ công phu, khoa học như thế nào. Từ chiều dài của
lông đuôi, lông cánh, kiểu dáng của móng chân, vảy châm, mỏ chim, màu sắc lông;
tập tính, thức ăn, phân bố...đều cực kì chi tiết. Nhiều thông tin rất thú vị,
như loài chim én có thể vừa bay vừa ngủ; loài Choi choi thuộc bộ Rẽ (hay Dẽ),
có thể bay một mạch trên 3.000 km, với tốc độ 94/km/giờ, để vượt biển di cư...
Trước đây, Cụ
thân sinh tôi sử dụng “Chim Việt Nam” (hay những cuốn như “Cây cỏ Việt Nam
thường thấy”; “Thú miền Bắc”; “Những loài bò sát ở Việt Nam”; “Những loài rắn
độc ở Việt Nam”...) để tìm hiểu, kiểm chứng, khi biên soạn địa phương chí,
hay...viết tiểu thuyết lịch sử. Cụ nói, khi cho một con chim nó hót, một con thú xuất hiện
trong tiểu thuyết cũng phải đảm bảo sự chân thực. Nó hót, nó kêu thế nào, không
thể tuỳ tiện. Hay khi xử lí tư liệu sưu tầm về các địa phương, cũng cần có tài
liệu đáng tin cậy để kiểm chứng.
Bây giờ, hai
tập sách của GS Võ Quý, được ông cụ chuyển giao cho tôi. Tôi dùng “Chim
Việt Nam” để tìm hiểu, kiểm chứng khi giải nghĩa những câu thành ngữ, tục ngữ khó
hiểu, liên quan đến loài chim nào đó. Ví như giải thích thành ngữ “Run như dẽ”,
“Ba hoa chích choè’, hay tục ngữ “Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới biển”,v.v...Ngoài
kiến văn của bản thân, thì “vũ khí nguyên tử”, chính xác, tin cậy, sức "công phá" lớn, được đem ra
sử dụng, kiểm chứng, chính là “Chim Việt Nam, hình thái và phân loại” của GS Võ
Quý!
Ngày trước,
mỗi khi vào mùa mưa bão, nỗi lo lớn nhất là bảo quản sách. Nhà tôi ở quê (cũng
như phòng làm việc của ông cụ trên tỉnh), đều trong tình trạng xập xệ. Cứ qua
một trận bão, là phơi sách cả tuần chưa hết ướt. Thế nên, trải 20-30 năm, chỉ
tính trung bình chừng ấy trận mưa bão, rồi chuột, mối phá hại, đến nay hầu như
chẳng mấy quyển còn nguyên vẹn. Hai tập sách “Chim Việt Nam” của GS Võ Quý là
một ví dụ: tả tơi, mất bìa, long gáy, một số trang có cả bùn đất!
GS Võ Quý đã
vĩnh biệt cõi đời này. Nhưng những công trình khoa học như “Chim Việt Nam, hình
thái và phân loại” của ông sẽ ở lại mãi với trần gian, dù trải qua giông bão thời
cuộc thế nào, dưới triều đại nào!
Xin được kính cẩn vọng bái anh hồn GS Võ Quý giờ đã tiên cảnh nhàn du!
HTC/1/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét