16 thg 4, 2025

“Có đi có lại” và “Có đi có lại mới toại lòng nhau”

 


            HOÀNG TUẤN CÔNG

Vua Tiếng Việt mùa 2 (28/10/2022) yêu cầu “Hoàn thiện cụm từ sau: “_ó đ_ _ó l_i”. Người chơi “bỏ qua” vì không đưa ra được câu trả lời, và đáp án của Vua là “Có đi có lại”.

Kết thúc phần thi, Cố vấn, TS Văn học Đỗ Thanh Nga giảng giải:

Có một câu mà chị không điền từ được, “Có đi có lại mới toại lòng nhau”. Thì người ta nói đó là câu tục ngữ trọn vẹn như vậy, để người ta nói đến cái phong tục văn hoá của người Việt mình, khi mà đối xử tốt với ai đó sẽ nhận được đền đáp xứng đáng. Và thông thường, nó cũng là cái văn hoá ứng xử, khi chúng ta nhận được cái gì đó, ai đó đem đến cho mình cái gì đó tốt đẹp, thì mình cũng phải có ý thức để đền đáp lại họ. Câu đấy thì rất là đơn giản, nếu chị bình tĩnh một chút là có thể điền từ được”.

MC Xuân Bắc tiếp lời “Có đi có lại mới toại lòng nhau, chị đã không trả lời được câu này, và hiện bây giờ chị đang có 6 điểm, xin chúc mừng”.

Thực ra, “Có đi có lại” và “Có đi có lại mới toại lòng nhau” là hai câu khác nhau. Câu đầu là thành ngữ, câu sau là tục ngữ.

1-“Có đi có lại

Có đi có lại” chỉ mối quan hệ dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi; đôi bên đều phải đáp ứng, quan tâm tới lợi ích của nhau, tương tự các câu“Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu”; “Bánh ít trao đi, bánh dì trao lại”; “Bánh ú đi, bánh dì lại”; “Bánh đúc trao qua, bánh đa trao lại”; Quả mơ đi quả mận lại; Đầu đào báo lí-投桃報李 (Quả đào đi, quả mận lại); Lễ thượng vãng lai-禮尚往來 (Lễ vật có đi có lại).

Quan hệ “có đi có lại” mang tính chất đổi chác, sòng phẳng, và nó sẽ không thể hình thành cũng như duy trì nếu một trong hai bên không đáp ứng hoặc vi phạm nguyên tắc ấy.

Không phải bỗng dưng mà có tới 7 cuốn từ điển chúng tôi có trong tay dành một mục riêng cho “Có đi có lại”:

-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Vietlex): “có đi có lại • đối xử tốt lại với người đã đối xử tốt với mình.

-Đại từ điển tiếng Việt (Nguyễn Như Ý): “có đi có lại • Trao đổi, đối xử bình đẳng, ngang bằng trên cơ sở hai bên cùng có lợi”.

-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “có đi có lại • bt. Có qua lại với nhau, theo lẽ phải thế, có chịu ơn phải trả”.

-Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Nhóm Vũ Dung): “có đi có lại: Có sự đền đáp lại khi đã hưởng của người trong quan hệ đối xử với nhau; Ăn ở đầy đặn, có trước có sau”.

Sau đây là một số ngữ liệu minh hoạ cho “Có đi có lại”:

-Trong bài viết “Có đi có lại!”, Báo Nhân Dân có đoạn:“Phát biểu ý kiến tại họp báo hôm đầu tuần ở Tehran, Tổng thống Pezeshkian nêu rõ: “Nếu Mỹ và một số nước châu Âu thực hiện các cam kết của họ, chúng tôi cũng sẽ tuân thủ thỏa thuận. Nếu họ không làm, chúng tôi cũng sẽ không làm.” (Báo Nhân Dân - 2024).

Theo đây, nếu A không “có đi” thì B cũng sẽ không “có lại”.

-“Ông Trump và những người ủng hộ ông đưa ra lập luận rất đơn giản về thuế quan có đi có lại: nếu các công ty Mỹ phải chịu thuế quan và các rào cản thương mại khác khi bán hàng hóa của họ sang một quốc gia khác, hàng hóa từ nước đó vào Mỹ cũng phải bị áp thuế quan tương xứng.” (Thuế quan “có đi có lại” của ông Trump đe dọa kinh tế toàn cầu - vneconomy.vn – 2025).

Như đã viết ở trên, câu “Có đi có lại” tương tự Ông đưa chân giò, bà thò chai rượu,…Ngữ liệu sau đây sẽ chứng minh điều đó:

“Theo ông Chiêm, muốn các nhà tài trợ hỗ trợ các đội bóng thì địa phương cũng phải có chính sách tạo điều kiện, ưu đãi họ, bởi đã làm kinh doanh thì phải có lợi nhuận! Với phương châm “ông có chân giò, bà thò chai rượu”, nhiều địa phương như Thanh Hóa, Quảng Ninh, Hải Phòng... đã tìm cách kêu gọi các nhà đầu tư, đầu tư vào các CLB bóng đá thay vì phải dùng ngân sách tỉnh để hỗ trợ đội bóng.” (Báo Nghệ An – 2017).

Cũng cần nói thêm, “Có đi có lại” có khi ám chỉ mối quan hệ nào đó chỉ đơn thuần vì lợi ích của đôi bên mà gắn bó, dựa dẫm vào nhau chứ không phải xuất phát từ tình cảm. Ví dụ: Chẳng qua họ đến với nhau là có đi có lại, chứ tình cảm gì đâu.

2-“Có đi có lại mới toại lòng nhau

Nếu “Có đi có lại” chỉ mối quan hệ dựa trên nguyên tắc đôi bên cùng có lợi (thiếu đi thiện chí, trách nhiệm của một trong hai bên thì sự hợp tác, mối quan hệ này không thể diễn ra), thì “Có đi có lại mới toại lòng nhau” lại đưa ra một lời khuyên, một kinh nghiệm trong ứng xử: Ai đó làm điều gì đó tốt đẹp cho mình thì mình cũng nên có sự đáp lễ tương xứng, chu đáo thì mối quan hệ đó mới tốt đẹp, bền chặt được. Theo đây, nếu đem câu “Có đi có lại mới toại lòng nhau” để thay vào ngữ cảnh của một số ngữ liệu chúng tôi trích dẫn ở mục 1, sẽ thấy không hợp lí.

Như vậy, thành ngữ “Có đi có lại”, đưa ra nhận xét, hoặc nêu lên một nguyên tắc ứng xử; trong khi tục ngữ “Có đi có lại mới toại lòng nhau” đưa ra kinh nghiệm, lời khuyên trong cách đối đãi, ứng xử với nhau sao cho mối quan hệ đôi bên được tốt đẹp, bền chặt.

Tục ngữ “Có đi có lại mới toại lòng nhau” không mang tính nguyên tắc, không đặt điều kiện ra trước, và không đòi hỏi phải đáp ứng tức thì như thành ngữ “Có đi có lại”. Điểm khác biệt cơ bản ở đây chính là cụm từ “mới toại lòng nhau (lời giảng: “…khi chúng ta nhận được cái gì đó, ai đó đem đến cho mình cái gì đó tốt đẹp, thì mình cũng phải có ý thức để đền đáp lại họ”, của vị cố vấn đã không thể hiện được ý này). Theo đây, mối quan hệ “mới toại lòng nhau” nẩy nở một cách tự nhiên và hai bên dựa trên tinh thần tự nguyện, sự biết điều trong ứng xử, đối đãi. Có thể bên này “có đi” nhưng bên kia không, hoặc ít khi “có lại” thì mối quan hệ đó vẫn được thiết lập. Nếu điều đó cứ liên tục diễn ra thì lâu dần quan hệ đôi bên có thể sẽ bị nhạt phai, hoặc một trong hai bên sẽ cảm thấy không hài lòng, chứ không đến mức chấm dứt ngay lập tức như mối quan hệ dựa trên nguyên tắc “Có đi có lại”.

Tóm lại, một câu là thành ngữ chỉ điều kiện tiên quyết để thiết lập, duy trì mối quan hệ, thường thiên về các vấn đề lợi ích trong hợp tác nói chung; một câu là tục ngữ nhấn mạnh đến cách “đối nhân xử thế”, thường thiên về phẩm chất văn hóa và tình cảm trong quan hệ giữa người với người. Vị cố vấn đã không hiểu chính xác những khác biệt này nên đã đồng nhất hai câu, làm mất đi vẻ đẹp phong phú và tinh tế của tiếng Việt.

                                                            Hoàng Tuấn Công  24/3/2025


Tham khảo: Thành ngữ có chức năng tương đương như từ. Bởi thế, ngoài “Có đi có lại mới toại lòng nhau” chúng ta còn thấy nhiều trường hợp thành ngữ nằm trong tục ngữ. Ví dụ: Đẹp như tiên, lo phiền cũng xấu; Đẹp như rối, không mối không xong; Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng; Cơm hàng cháo chợ ai lỡ mới ăn. Thuận vợ thuận chồng tát bể Đông cũng cạn; Ếch ngồi đáy giếng coi trời bằng vung; Chết sông chết suối, không ai chết đuối đọi đèn; Đừng tham da trắng tóc dài, đến khi nhỡ bữa chẳng mài mà ăn; Khôn ngoan chẳng lọ thật thà, lường thưng tráo đấu chẳng qua đong đầy,…

 

 

7 thg 7, 2024

“CÀN” TRONG “ĂN BẬY NÓI CÀN” NGHĨA LÀ GÌ?



Gánh nước thuê
Ảnh: ST
          HOÀNG TUẤN CÔNG
     

     Độc giả Lê Thanh Hải hỏi: “Tôi đọc cuốn “Thành ngữ bằng tranh” của Nhà xuất bản Kim Đồng thấy tác giả sách giải thích thành ngữ “Ăn bậy nói càn” như sau:

“Ngày xưa, ở các bến đò, cổng chợ, có những người làm thuê, gánh mướn, thường tụ tập đón khách để gánh thuê. Họ mang theo một chiếc đòn càn. Gọi là những người gánh càn. Họ hay cãi cọ, tranh giành việc của nhau, lại có người lừa lọc cả chủ hàng…nên mọi người có ấn tượng không tốt về người gánh càn. Từ đó, từ càn được dùng ám chỉ những hành động thô tục, càn quấy”.

28 thg 6, 2024

TỪ NGUYÊN CỦA “KHĂM” TRONG “CHƠI KHĂM”

 

Đào khăm bắt cá
Ảnh: ST
        HOÀNG TUẤN CÔNG

Trong tiếng Việt, “khăm” được hiểu là hành động ác ngầm, độc ngầm, những mưu mẹo hoặc thủ đoạn kín đáo, nặng thì gây tai hại, nhẹ thì khiến người khác phải lâm vào hoàn cảnh khóc dở mếu dở. Ví dụ: Tôi không ngờ bị hắn chơi khăm, Bị chơi khăm một vố nhớ đời, Lão ta khăm lắm.v.v…

21 thg 6, 2024

Một số điểm không ổn của đề thi Ngữ văn, tuyển sinh vào lớp 10 THPT (tỉnh Thanh Hóa năm 2024)

 

Đề Văn thi lớp 10
(Thanh Hoá 2024)
             HOÀNG TUẤN CÔNG

Hôm trước, khi đọc qua đề thi môn Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 THPT (tỉnh Thanh Hóa, 2024) tôi giật mình vì thấy ngữ liệu có nhiều vấn đề đáng bàn, trong khi những câu hỏi đưa ra với thí sinh cũng không ổn. Thế nhưng đề văn này lại được đánh giá là “ngữ liệu hay”, “gần gũi, hướng đến lẽ sống nhân văn, cao đẹp được nhiều người khen hay”(!)

Xin trích một vài lời “khen hay” của giáo viên Văn dành cho đề thi:

-“Nhận định về đề thi Ngữ văn năm nay, cô giáo Đinh Thị Hoài Anh, giáo viên dạy môn Ngữ văn, Trường THCS Minh Khai cho rằng: Đề thi vào lớp 10 THPT công lập tỉnh Thanh Hoá năm học 2024-2025 đảm bảo cấu trúc, bám sát chương trình sách giáo khoa, cơ bản, vừa sức.

3 thg 5, 2024

“CƠM CHIM” LÀ CƠM GÌ?

 

             
Cơm nắm chim chim

          
HOÀNG TUẤN CÔNG

 
      Tục ngữ Việt Nam có câu “Ai nỡ ăn cướp cơm chim” (Dị bản Ai nỡ ăn cướp cơm chim mắm vét). Ngoài ra còn có thành ngữ “Ăn cướp cơm chim”, được nhiều sách thu thập và xếp vào diện tục ngữ.

Vậy “cơm chim” là cơm gì?

-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) giảng: “cơm chim • Cơm của chim ăn. Nghĩa bóng nói cái mồi nhỏ, cái lợi nhỏ: Ăn cướp cơm chim (hà-hiếp kẻ cô-cùng mà cướp giật lấy của cải không đáng là bao)”. 

-Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “cơm chim • dt. Cơm cho chim ăn. • Mối lợi nhỏ bị giành-giựt, bị chận lấy: Ăn cướp cơm chim”.

13 thg 3, 2024

NHIỀU SAI SÓT TRONG "TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT DÀNH CHO HỌC SINH" (Kì cuối)

 

Một phiên bản từ điển
bán trên Tiki

                               HOÀNG TUẤN CÔNG 

          4. “Đầu Ngô mình Sở

Ở phần Lời giới thiệu, Nhóm HQN cho chúng ta biết cấu trúc của từ điển là một chỉnh thể thống nhất từ đầu đến cuối. Tuy nhiên, trong thực tế, đây là cuốn từ điển không chỉ bị lỗi hệ thống mà còn đầu Ngô mình Sở:

- Phần đầu của từ điển (từ vần A cho đến hết vần M, chiếm ½ nội dung), quy ước đánh số La Mã cho những “từ có quan hệ với nhau về ý nghĩa nhưng thuộc các từ loại khác nhau”, hoàn toàn không thấy ở bất cứ mục từ nào. Bắt đầu từ vần N, quy ước này mới được áp dụng.

12 thg 3, 2024

NHIỀU SAI SÓT TRONG “TỪ ĐIỂN TIẾNG VIỆT DÀNH CHO HỌC SINH” (Kì 1)

          

                          HOÀNG TUẤN CÔNG
    

   Từ điển tiếng Việt dành cho học sinh (Hà Quang Năng chủ biên – ThS Hà Thị Quế Hương – ThS Dương Thị Dung – ThS Đặng Thuý Hằng – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội – 2019, trong bài gọi tắt là Nhóm HQN); đơn vị liên kết xuất bản Công ty Trách nhiệm Hữu hạn một thành viên Thương mại và Dịch vụ văn hóa Minh Long (Minh Long Book).

Lời giới thiệu” cho biết: “Cuốn từ điển tiếng Việt (dành cho học sinh) được biên soạn nhằm phục vụ rộng rãi nhu cầu giảng dạy, học tập và trau dồi tiếng Việt cho đối tượng chính là học sinh, giáo viên và các bậc phụ huynh. Từ điển được biên soạn theo tinh thần chuẩn hoá và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”.

3 thg 2, 2024

CÀ KÊ CHUYỆN RỒNG

Trúc hoá long
Sưu tầm và trưng bày tại TCTP

    HOÀNG TUẤN CÔNG

Con rồng trông như thế nào? Hơn 3000 năm trước, thời nhà Thương đã thấy xuất hiện chữ long . Thuyết văn giải tự khi giảng về chữ long cho ta biết tập tính kì dị của con rồng: “Lân trùng chi trưởng, năng u, năng minh, năng tế, năng trưởng, xuân phân nhi đăng thiên, thu phân nhi tiềm uyên”, nghĩa là: Rồng thuộc loài lớn nhất trong các loài trùng có vảy, vừa có thể ẩn mình chốn thâm u vắng vẻ, vừa có thể vẫy vùng nơi biển rộng trời cao, có thể to, có thể nhỏ, có thể thu ngắn, có thể giãn dài, Xuân phân thời bay lên trời, Thu phân thời ẩn dưới vực sâu.

2 thg 2, 2024

CON RỒNG TRONG NGÔN NGỮ DÂN GIAN

          

Mai hoá long
Khắc gỗ dân gian (tại TCTP)
                   HOÀNG TUẤN CÔNG
     

    Rồng là con vật duy nhất trong 12 con giáp không tồn tại trong thực tế, nhưng nó vẫn mang hình dạng, tập tính của một con vật bằng xương bằng thịt và xuất hiện khá nhiều trong lời ăn tiếng nói dân gian, điển cố, điển tích.

Tương truyền, khi trời sắp mưa, rồng gầm lên thành sấm. Thế nên ví thanh âm gì hùng tráng thì gọi là Long minh sư hống 龍鳴獅吼 (Rồng gầm, sư tử rống). Mây là môi trường sống của rồng. Mây với rồng như nước với cá, nên có thành ngữ Như cá gặp nước như rồng gặp mây; Rồng mây gặp hội; Gặp hội mây rồng; Long vân gặp hội; Long vân khánh hội,...ý chỉ cơ hội may mắn, vua tôi, trai gái gặp nhau, hoặc người đi thi đỗ đạt, vinh hiển.

20 thg 1, 2024

“RÂU” HAY “DÂU”, “CẮM CẰM” HAY “CHĂN TẰM”?

 

Minh họạ Ô đầu bach, mã sinh giác
                     Tranh: ST
   HOÀNG TUẤN CÔNG
     

Độc giả Trần Trọng Nghĩa hỏi: “Bài Chữ và nghĩa: cái phi lý có lý (PGS.TS. Phạm Văn Tình - Báo VHTT – 22/11/2023) viết:

Gần đây, trên một tờ báo điện tử (theo tìm hiểu của tôi đó là VTC) có đưa các câu hỏi trắc nghiệm, yêu cầu độc giả lựa chọn một đáp án (được coi là đúng) cho những biến thể thành ngữ (thường là 2). Thí dụ, câu hỏi: “Theo bạn, đâu mới là thành ngữ đúng: 1. râu ông nọ cắm cằm bà kia; 2. dâu ông nọ chăn tằm bà kia”.