HOÀNG TUẤN PHỔ
Lê Thái tổ thuở sinh thời, theo sử sách có ba bà vợ: Trịnh Thị Ngọc Lữ được phong làm Thần phi; Phạm Thị Nghiêu được phong làm Huệ phi; Phạm Thị Ngọc Trần chức phong Hiền phi. Theo quy định thời bấy giờ, vợ vua ngoài chính cung hoàng hậu có 3 bậc phi, 9 bậc tần.
Sách “Đại Việt thông sử” chép: “Thái tổ không lập chính thất (vợ cả ) chỉ có mấy người là Quận vương mẫu Trịnh Thần phi và Phạm Huệ phi cùng hoàng hậu (bà Ngọc Trần) mà thôi”. Gần đây, một số tài liệu nói rằng Thái tổ còn lấy bà A, bà B nhưng chưa đủ độ tin cậy. Và, dẫu Thái tổ lập đủ 3 bậc phi, 9 bậc tần thì bà Trịnh Thị Ngọc Lữ vẫn là người đứng đầu danh sách với chức phong Thần phi.
Sách “Đại Việt thông sử” chép: “Thái tổ không lập chính thất (vợ cả ) chỉ có mấy người là Quận vương mẫu Trịnh Thần phi và Phạm Huệ phi cùng hoàng hậu (bà Ngọc Trần) mà thôi”. Gần đây, một số tài liệu nói rằng Thái tổ còn lấy bà A, bà B nhưng chưa đủ độ tin cậy. Và, dẫu Thái tổ lập đủ 3 bậc phi, 9 bậc tần thì bà Trịnh Thị Ngọc Lữ vẫn là người đứng đầu danh sách với chức phong Thần phi.
Có lẽ vì con trai là quốc vương Tư Tề bị truất ngôi, rồi phế bỏ làm thường dân, tiểu sử bà Ngọc Lữ ghi chép quá sơ sài, chỉ độ vài ba dòng. Riêng mục “Thế thứ” nhà Lê, nhân vật Tư Tề trong “Đại Việt thông sử”, Lê Quý Đôn chép tương đối rõ ràng: Tư Tề theo vua cha đi đánh giặc Ngô, tính dũng cảm, ham giết giặc. Năm 1426 được trao chức Thị trung. Năm 1427 giao thêm chức Tư đồ. Cuối năm ấy, Tư Tề đi với Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan làm con tin để thực hiện hoà ước với Vương Thông. Năm Thuận Thiên thứ nhất (1428) Tư Tề được phong làm Hữu tướng quốc, tước Quận vương. Kế theo, nhà vua sai Nhập nội kiểm hiệu Bình chương sự Lê Vấn, Nhập nội Đại tư mã Lê Ngân, Nhập nội Thiếu phó Lê Văn Linh, mang kim sách lập Tư Tề làm Quốc vương tạm coi việc nước, và lập con thứ là Nguyên Long làm Hoàng thái tử. Năm 1432, Thái tổ sai Quốc vương Tư Tề đem quân đi đánh châu Mường Lễ (sau đổi Phục Lễ) bức hàng tù trưởng Đèo Cát Hãn và con y là Đèo Mạnh Vượng rồi đem quân về. Lúc bấy giờ nhà vua mệt mỏi vì nhiều bệnh, chính sự lớn của nhà nước đều giao cho Tư Tề quyết định…
Như vậy, TháI tổ sinh năm 1385, lấy bà Ngọc Lữ muộn nhất năm 1405 (20 tuổi) và sinh Tư Tề muộn nhất năm 1410. Những mốc thời gian ấy hết sức quan trọng vì chúng gián tiếp nói lên công lao của bà Ngọc Lữ trong cuộc kháng chiến chống quân Minh xâm lược.
Thái tổ cưới bà Ngọc Lữ đầu tiên, nhưng chưa định bà chính thất. Tuy nhiên với chức phong Thần phi cao nhất trong ba bậc phi, thì bà không phải là chính cũng như chính. Bà Ngọc Lữ là người cai quản mọi việc trong nhà khi chồng làm phụ đạo và cai quản mọi việc trong cung khi chồng lên ngôi vua. Lê Triều ngọc phả cho biết thuở niên thiếu Lê Lợi chăm lo sách đèn, là bạn học với Nguyễn Thận, Lê An, tuổi trưởng thành, vua giữ chức phụ đạo Khả Lam, làm “quân trưởng” một phương. Thơ Nguyễn Trãi hay nhắc tới 10 năm nghiền ngẫm binh thư, binh pháp của Lê Lợi. Tất yếu bà Ngọc Lữ phải lo quán xuyến mọi việc gia đình. Đây là một gia đình đặc biệt lớn: hàng ngàn khoảnh ruộng, hàng ngàn gia nhân. Trong số hàng ngàn gia nhân này, nhiều người vốn là hào kiệt bốn phương trốn tránh giặc Minh hoặc mang chí lớn cứu dân cứu nước tụ họp về đây, núp dưới danh nghĩa làm thuê, tôi tớ, để che mắt địch. Họ ngày cày ruộng, đêm luyện võ. Một trong những địa danh nổi tiếng nhất ghi đậm dấu ấn trong lịch sử là động Chiêu Nghi. Trịnh Khả, Vũ Uy, Trương Lôi, Trương Chiến…được Lê Lợi thu dụng làm con nuôi, nổi danh là những nông phu cày ruộng giỏi, đều là những võ tướng kiệt hiệt đứng dưới cờ nghĩa quân Lam Sơn, chỉ huy đội quân thiết đột xông pha chiến trận, vào sinh ra tử, dũng cảm đi đầu. Những tài danh của đất nước như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Bùi Quốc Hưng, Lê Văn Linh, Lưu Nhân Chú, Nguyễn Xí, Nguyễn Chích..tìm đến tụ nghĩa, việc tiếp đãi không thể tuỳ tiện. Đành rằng nhiều người tự cày ruộng lấy thóc gạo mà ăn nhưng còn trâu bò, cày cuốc, giống má, bão lụt, nắng hạn…Cái ăn lại cái mặc. Nhất là vấn đề lương thực chuẩn bị cho nghĩa quân khi khởi nghĩa. Nhà họ Lê trên đất Lam Sơn phải tích luỹ mấy đời, ít nhất là từ cụ bà Trịnh Thị Ngọc Thương, mẫu thân của đức Thái tổ. Bà Ngọc Lữ được tiếp nhận một gia tư giàu có nhưng miệng ăn núi lở, nếu không biết làm cho của cải sinh sôi, Thái tổ không thể rảnh tay, yên lòng mưu đồ đại sự và phất cờ đại nghĩa dựng nên nghiệp lớn.
Bà Ngọc Lữ xứng đáng là một nội tướng vào bậc tài giỏi nhất trong lịch sử.
Tháng Giêng năm Mậu Tuất (1418) nghĩa quân Lam Sơn khởi binh, tháng tư năm ấy, quân Minh nhờ kẻ phản thần dẫn đường, đánh thẳng vào hậu cứ Lam Sơn, bà Phạm Thị Nghiêu bị nội quan nhà Minh là Mã Kỳ bắt. Theo hầu đức Thái tổ còn lại là bà Ngọc Lữ và bà Ngọc Trần. Năm 1424, bà Ngọc Trần mất ở Nghệ An. Trong nội cung chỉ còn lại bà Ngọc Lữ. Sau mười năm lặn lội núi sông cùng chồng nằm gai nếm mật, năm 1428, cuộc chiến toàn thắng, con trai Tư Tề được sách lập làm quốc vương “tạm coi việc nước”, bà Ngọc Lữ mới được phong chức Quốc thái mẫu. Năm 1433 (năm năm sau) Quốc vương Tư Tề bị giáng xuống Quận vương, bà Ngọc Lữ cũng bị giáng theo làm Quận mẫu. Năm 1438, vua Thái tông phế truất Quận vương Tư Tề làm thứ dân, bà Ngọc Lữ chỉ còn lại chức Thần phi !
Tại sao bà Ngọc Lữ không bị đuổi làm thường dân ?
Vua Thái tông và đám quần thần xu nịnh thương tình bà chăng ? Có lẽ không phải ! Hẳn bởi công lao bà lớn quá, quá lớn mà bản thân không làm điều gì sai trái ? Đáng tiếc cũng đáng buồn là trong số 28 vợ vua thời Lê sơ được Lê Quý Đôn chép vào mục “Liệt truyện” chỉ có bà Ngọc Lữ bị thiệt thòi nhất: Cuộc đời một phụ nữ, công lao dường ấy chỉ được tóm gọn trong vài dòng chữ ! Nhà sử học không có tài liệu chăng, hay ông không dám chép nhiều hơn ?
Bà Ngọc Lữ và con trai Tư Tề là hai tấn thảm kịch, hai số phận, đồng thời là hai nghi án liên quan với nhau trong lịch sử thời Lê sơ.
Cuối đời, đức Thái tổ sinh nhiều bệnh tật nên mệt mỏi, ốm yếu liên miên, quyền giám quốc giao cho Quốc vương Tư Tề, một người khí chất cứng rắn, từng trải chiến trận, lập công nơi chiến trường, lại cùng Lưu Nhân Chú vào ra hang hùm ổ sói khiến tướng giặc Vương Thông thành Đông Quan phải khuất phục. Đám bề tôi cậy công hãn mã muốn lộng quyền, chuyên quyền không nổi, bí mật ra vào tẩm điện, đặt điều nói xấu Tư Tề với vua, nhằm đánh đổ Quốc vương để thay vào Nguyên Long, một chú bé mới mười một tuổi. Quốc sử chép: Bấy giờ nhà vua mệt mỏi vì nhiều bệnh, chính sự lớn đều giao cho Quốc vương quyết định. Nhưng vương mắc chứng điên cuồng, giết bừa các tỳ thiếp, dần dần không hợp ý vua. Năm thứ 6 (1433) vua gọi Thiếu uý Lê Khôi hỏi về việc lập người nối ngôi, Lê Khôi bàn nên lập Nguyên Long. Bấy giờ nhà vua mới quyết. Trong tờ chiếu, Tư Tề bị kết tội: “Không trung hiếu với cha mẹ, ngược đãi quần thần, khinh nhờn trời đất, không theo đạo của các đấng tiên vương”.
Như vậy, tội của Quốc vương Tư Tề quá lớn, vua giáng xuống Quận vương còn là nhẹ ! Nhưng tại sao mới “mắc chứng điên cuồng, giết bừa các tỳ thiếp”, bỗng dưng sinh ra lắm tội to lớn tày trời đến thế ? Phải chăng trong lúc quá mệt mỏi, đầu óc kém sáng suốt, lại luôn bị ám ảnh bởi mộng mị về chuyện bà Hiền phi Ngọc Tần trách móc không thực hiện đúng lời hứa khi bà tuẫn tiết, nên muốn bỏ trưởng Tư Tề thay thế con thứ Nguyên Long ? Tại sao nhà vua muốn phế mà không dám quyết phải nhờ vào ý kiến của Lê Khôi mới dám quyết ? Vì Tư Tề không có tội hoặc không đáng tội. Giả sử Tư Tề mắc những tội tày trời đúng như trên thì vua cần gì phải hỏi ai ? Sự thực, Thiếu uý Lê Khôi đưa đón ý vua, chung quanh vua còn có đám quần thần tài thêu dệt, giỏi nịnh hót như bọn tiểu nhân Lê Quốc Khí, chuyên hãm hại người hiền lương mà chính vua cũng đã nhận ra nên ban lệnh từ nay về sau cấm không được dùng. Sau này, Thủ tướng Lê Sát muốn dùng lại Lê Quốc Khí nhưng vì đã có lệnh cấm của Thái tổ nên đành phải thôi. Tại sao Lê Sát muốn dùng lại Lê Quốc Khí ? Phải chăng bởi “đồng khí tương cầu” ? Ai dám chắc trong vụ giáng truất Tư Tề không có bàn tay Lê Sát ?
Sau khi lên ngôi, Nguyên Long vẫn chưa yên lòng về Tư Tề. Sử chép: “Có 3 người thị nữ chạy đến tâu với vua Thái tông rằng: Quận vương (Tư Tề) nói nhiều điều càn bậy, quái gở, tỏ ra không thuận. Nhà vua nổi giận, bảo các văn võ đại thần và bá quan không được vãng lai tới nơi ở của Quận vương. Còn Quận vương nếu không có người tới gọi thì không được vào triều. Nếu ai dám tư tình dẫn vào cửa hoặc trăm quan có ai dám tự ý đến nhà Quận vương thì bị tội nặng”. Lúc này vua Nguyên Long mới 12 tuổi. Liệu có phải là ý tứ của vua hay do đám bồi thần đứng đầu là Lê Sát, phụ chính Thủ tướng mớm lời ? Tư Tề Quận vương trở thành tên tội phạm bị giam lỏng. Dĩ nhiên lời nói của ba tên thị nữ chưa thể đáng tin. Nhưng đối với người chấp pháp chuyên quyền chỉ cần “chứng”, không cần “cung” mà chứng ở đây, phi lý thay, chỉ là lời nói “khẩu thiệt vô bằng” !
Tuy nhiên, Tư Tề theo danh nghĩa vẫn là Quận vương. Tư Tề chưa chết, họ còn chưa ăn ngon ngủ yên. Nhưng muốn giết Tư Tề cũng khó. Cái khó nhất là họ sợ búa rìu dư luận. Phải giết bằng cách khác. Và năm 1438, Quận vương Tư Tề bị phế bỏ làm dân thường ! Sau đó ông mất ! Ông tự tử ? Ông bị ngộ độc ? Hay ốm bệnh ? Hoặc ông chết đói ? Ai quan tâm đến một gã thường dân tứ cố vô thân, sinh vô gia cư, tử vô địa táng ? Nhưng dù sao đó cũng là giọt máu của Tiên đế, sinh thời ngài có đuổi làm dân thường đâu ? Người ta buộc phải truy phong kẻ thường dân Tư Tề làm Quận Ai vương ! Cũng để che miệng thế gian ! Và biết đâu, cả vì họ sợ cái linh hồn oan khuất Tư Tề sống khôn chết thiêng sẽ báo oán trả thù !
Trong những năm tháng cuối đời mình, bà Ngọc Lữ sống thế nào ? Không có tài liệu ghi chép. Chúng ta có thể hình dung nỗi đau khổ, sự phẫn uất của bà. Tư Tề là con trai duy nhất, rứt ruột đẻ ra của đức Lê Thái tổ và bà. Hai mẹ con bà đều có công đáng kể vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Bà làm gì nên tội ? Con bà cũng làm gì nên tội ? Con bà sống dở chết dở thì bà cũng dở sống dở chết ! Sau khi con bà chết thì bà sống chẳng bằng chết ! Tuy nhiên bà vẫn sống đến niên hiệu Thái Hoà (1443-1453) tức là sau khi xảy ra vụ án Lệ Chi viên (1442) một thời gian. Kể ra ông vua này cũng lạ, lúc sống, nào Quốc vương, nào đại thần phải chịu tội chết, sau khi nhắm mắt xuôi tay, ông còn gián tiếp gây cảnh thảm sát cả ba họ công thần Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ! Vua Nhân tông lên ngôi kế vị, nhưng hy vọng gì ở ở ấu chúa còn bồng bế trên tay một sự thấu tỏ hay giải nỗi oan tình ?!
Vấn đề gần sáu trăm năm sau hậu thế chúng ta đặt ra là “Liệu Tư Tề có bị oan khuất thật không” ?
Có mấy điều đáng chú ý nhất:
1. Sự luận tội “tiền hậu bất nhất”, trước chỉ là “mắc chứng điên, giết bừa các tỳ thiếp, dần dần không hợp ý vua” sau nâng lên “Không trung hiếu với cha mẹ, ngược đãi quần thần, khinh nhờn trời đất, không theo đạo của các đấng tiên vương” để dẫn đến án phế lập ngôi Hoàng đế, phế truất Quốc vương hạ xuống Quận vương.
2. Lịch triều hiến chương, mục Nhân vật của nhà sử học Phan Huy Chú cho biết Tư Tề mắc tội “hoang dâm phóng túng” nên bị truất ngôi.
3. Tư Tề bị quản chế rất ngặt, ba thị nữ hẳn là do vua sai tới, vua muốn bắt nói gì tất họ phải nói, để tạo cái cớ phế bỏ làm dân thường. Ba điều đó nói lên vụ án Quốc vương Tư Tề rất mờ ám, đáng gọi là một nghi án của lịch sử đương thời. Bà Quốc mẫu Trịnh Thị Ngọc Lữ do đó bị liên luỵ theo để chết dần chết mòn tại nơi nào không rõ, đến nỗi cả ngày tháng năm bà từ giã cõi đời oan khuất cũng chẳng được biết đến !
Cuộc Hội thảo này do họ Lê tổ chức dẫu hơi muộn còn hơn không, để trả lại sự công bằng cho một bà mẹ Việt Nam trong lịch sử đã gần 600 năm chịu oan trái, bất công. Hậu thế chúng ta không quên công đức trời cao biển rộng của Lê Thái tổ tất phải biết đến và nhớ công lao vất vả gian nan khôn xiết của Bà. Bà phải được khôi phục chức danh Quốc mẫu như đức Thái tổ đã ban phong và xứng đáng với sự thờ phụng hương khói muôn đời./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét