"Thanh kỳ khả ái" (Đẹp lạ đáng yêu)-bút tích của Chúa Trịnh Sâm [đường lên động Hồ Công-Vĩnh Lộc] Ảnh: Sưu tầm |
HOÀNG TUẤN PHỔ
Người Thanh
Hóa, một đề tài lớn, nghìn năm trước đã bàn nghìn năm sau còn luận. Nhiều nhận
định khách quan khoa học, cũng không thiếu ý kiến chủ quan trái chiều. Chúng ta
không hy vọng giải quyết vấn đề trọn vẹn trong một vài trang viết. Ở đây chỉ là
một Khúc dạo đầu ngày xuân mới.
Trong công
trình lớn Lịch triều hiến chương loại chí - Dư địa chí, nhà sử học uyên bác
Phan Huy Chú viết về đất và người Thanh Hóa:
“Vẻ non sông
tốt tươi nên sinh ra nhiều bậc vương tướng khí tinh hoa tụ họp lại nảy ra nhiều
văn nho. Đến những sản vật quý cũng khác mọi nơi. Bởi vì đất thiêng thì người
giỏi nên sinh ra những bậc phi thường, vượng khí chung đúc, xứng đáng đứng đầu
cả nước”.
Đó là những ý
kiến hoàn toàn xác đáng, khái quát cao, từng lời như được chưng cất từ lịch sử
đất Việt quê Thanh.
Phan Huy Chú
sống trong thời gian đất nước đầy biến động, “Trịnh bại Lê vong”, Tây Sơn ngự
trị ngai vàng chưa ấm chỗ, đã bị Gia Long “nhổ cỏ tận gốc”. Một trăm năm sau,
nhà Nguyễn chao đảo, chế độ phong kiến chỉ còn nước sơn rồng phượng hào nhoáng,
Nguyễn Thượng Hiền tên ghi sáng chói bảng vàng, nhưng chán cảnh quan trường,
xuất dương tìm đường cứu nước, giữa thời kỳ thực dân Pháp chính thức đặt nền đô
hộ Việt Nam. Ông là chí sĩ yêu nước, cũng là nhà thơ tài hoa. Trong bài thơ hát
nói Thanh Hoa cảnh vật, Nguyễn Thượng Hiền ca ngợi cảnh đẹp người tài xứ Thanh;
không riêng ông mà cả người cha, một danh nho đất Hà Đông, Nguyễn Thượng Phiên
đã in sâu vào tâm hồn phong phú, nhạy cảm của mình hình ảnh vùng quê đất thiêng
người tài:
Trăm thức hoa
đua nở mùa xuân
Chữ rằng: Khả
cảnh khả nhân(1)
So kim cổ
thực là đất quý
Ngẫm xem
phong cảnh nhiều nơi thú vị
Tích đời xưa
ghi để rành rành
Kìa chốn tây
giai thành
Nọ nơi Hồ
Công động
Chốn Am Tiên
là cảnh vọng
Hang Từ Thức
lặng như tờ
Trên bàn cờ
vách đá đề thơ
Dấu tích ngàn
năm ghi để
Thơ rằng:
Nhân kiệt địa
linh thiên cổ tại(2)
Cảnh thanh
vật sắc tứ thời tân
Nhớ câu:
Nhân trung
cảnh, cảnh trung nhân(3)
Nhân với cảnh
tứ thời giai sinh sắc
Tam thập lục
động thừa tuyên đệ nhất(4)
Thanh Hoa
nhân vật tối giai
Chữ rằng:
Hà địa bất
sinh tài?(5)
Thời trước,
bài thơ hát nói “Thanh Hoa cảnh vật” được giọng ca oanh vàng nhà trò hát lên
trong tiếng đàn nguyệt réo rắt bay lượn đến cả giới phong lưu công tử lăn lóc
tình trường cũng bừng tỉnh cơn say, tự hào về quê hương xứ sở, vỗ tay tán
thưởng không ngớt.
Đời nay,
thiên hạ thường nói: Thanh Hóa là đất đế vương lắm vua nhiều chúa. Đúng! Nhưng
hoàn toàn sai lầm khi ai đó nghĩ: Vì thế Thanh Hóa đặc phong kiến, bảo thủ, lạc
hậu. Đàn bà đi cày đi cấy ngoài đồng, chồng ở nhà bế con rong chơi, nay đình
đám, mai rượu chè! Thế còn những nơi khác thì sao? Hãy thí dụ Hà Nội chốn ngàn
năm nổi danh văn vật Sách Đại Nam nhất thống chí (Quốc sử quan triều Nguyễn)
chép về Phong tục tỉnh Hà Nội: “Những tháng làm ruộng, đàn ông hay uống chè,
uống rượu ở quán hàng, việc cày cấy đều về tay phụ nữ: (Bản dịch tập 3, tr 165-Nxb Khoa học Xã hội –
1971). Bấy giờ Hà Nội là “tỉnh Hà Nội” rộng lớn bao gồm cả nhiều huyện của Hà
Đông, Hà Nam, Nam Định (nay là đơn vị tỉnh): Phủ Hoài Đức, huyện Từ Liêm, huyện
Thượng Phúc (Thường Tín), huyện Thanh Trì, huyện Phú Xuyên, huyện Sơn Minh (Ứng
Hòa), huyện Chương Đức (Chương Mỹ), huyện Thanh Oai, Phú Lý Nhân, huyện Duy
Tiên, huyện Thanh Liêm, huyện Nam Xang, huyện Bình Lục! Toàn là những huyện,
tỉnh không phải đều là đất đế vương (ngoại trừ Thiên Trường quê gốc nhà Trần)!
Như vậy, đó
là một hiện tượng xã hội không hiếm, tất phải có căn nguyên, phải tìm kỹ nghĩ
sâu, trước khi sắm vai quan tòa đưa ra lời phán xét sắt thép.
Đáng trách,
cả GSTS Khoa học chuyên gia nghiên cứu văn hóa cũng viết: Có phải Thanh Hóa là
đất đế vương, đất địa linh nhân kiệt, ai cũng thích ngoi lên làm lãnh tụ, cứ có
3 người, thế nào cũng có một người đòi làm thủ trưởng. Cho nên tính cố kết địa
phương của người Thanh Hóa bị giảm thiểu so với….
Thiết nghĩ:
Những Bà Triệu, Dương Đình Nghệ, Lê Hoàn, Lê Lợi, Nguyễn Hoàng… tuy sinh ra ở
Thanh Hóa nhưng đấu tranh vì dân tộc, họ đều là người con của cả dân tộc, những
anh hùng dân tộc vĩ đại, niềm tự hào lớn của đất nước Việt Nam, trong đó có
Thanh Hóa, không riêng mình Thanh Hóa. Nói như học giả nọ, chả hóa ra Thanh Hóa
có lỗi đã sinh ra những đế vương minh triết, những anh hùng dân tộc kiệt xuất
ấy sao?
Chúng ta
thường nghe nói: Thanh Hóa là đất Địa linh nhân kiệt có gì sai? Đó là sự thật lịch
sử. Tuy nhiên mệnh đề “Thanh Hóa địa linh nhân kiệt”, không phải do Thanh Hóa tự
mình vỗ ngực xưng danh. Câu nói ấy đã có lịch sử hơn nghìn năm trước, không
phải ở cửa miệng mà trên sách vở lưu truyền.
Năm 1019 Lý
Thái Tông đem quân đánh giặc phương Nam, đêm nghỉ lại Trường Yên mộng thấy thần
nhân ở núi Đồng Cổ xin theo giúp. Vào đến đất Chiêm, địch kéo ra nghênh chiến,
trên trời bỗng nổi lên chiêng trống reo hò, mây đen mù mịt, cuồng phong dữ dội.
Chốc lát, trời quang mây tạnh, giặc đã chạy tan. Thái Tông kéo quân về, vào đền
Đồng Cổ (Yên Định) làm lễ tạ. Mười năm sau, Lý Thái Tổ mất, Thái Tông lúc ấy
đang còn là Thái tử, đêm mộng thấy thần nhân báo cho biết 3 hoàng tử âm mưu
cướp ngôi, phải đề phòng cẩn thận. Ngày hôm sau quả nhiên đúng như lời thần
mộng. Thái Tông đã phòng bị sẵn, 3 hoàng tử bị đánh bại. Thái Tông lên ngôi
hoàng đế, lập đền rước thần núi Đồng Cổ về thành Thăng Long thờ phụng tôn làm
Minh chủ, hàng năm mùa xuân họp bá quan văn võ làm lễ tuyên thệ…
Kinh thành
Thăng Long đã có các vị đại thần linh nổi tiếng thần thông quảng đại như thần
Long Đỗ, thần Tô Lịch, thần Lý Ông Trọng, thần Cao Biền…. nhưng ngôi Minh chủ
phải chịu nhường cho sơn thần Thanh Hóa, giữ luôn vị trí Quốc - đô - đại - thành
- hoàng. Sơn thần Đồng Cổ xưa vẫn được thờ ở núi Đồng Cổ, Đan Nê, vì Thanh Hóa
là nơi địa linh nhân kiệt!
Theo Ngọc Phả
trang Yên Lãng do Hàn lâm viện, Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn [Hoàng Tuấn Công dịch],
niên hiệu Hồng Phúc năm đầu (1572) chép chuyện Linh Quang hiển ứng tôn thần
được thờ ở trang Yên Lãng (huyện Thọ Xuân)
Đời Lý Nam Đế
(544-547) Lý Bí chống giặc Lương (Trung Quốc) dùng thuyền đi khắp nơi trong
thiên hạ để chiêu tập dân chúng. Một hôm vua tiến binh qua địa giới trang Nam
Cai (Thọ Xuân) thấy đây là đất “Địa linh dân quảng”, nhân trời đã chiều tà, bèn
lệnh cho tướng sĩ đồn trú. Đêm ấy Lý Nam đế mộng thấy một quan nhân áo
mũ sáng lóa, tay cầm ngọc bài, đứng trước mặt vua nói rằng: Ta theo sứ mệnh của
thiên đình xuống báo cho vua diệt giặc Lương… Vị thần ấy còn cho biết thần hiệu
của mình là “Linh quang”. Vua Lý Nam đế chuẩn cho trang Nam Cai theo
đó mà thờ phụng.
Năm 1407 giặc
Minh xâm lược nước ta, Thái tổ triều Lê tích trữ binh lương, âm thầm lập kế,
huy động bốn phương chung sức chung lòng cứu nước. Một hôm vua (Lê Lợi) tiến
binh trên sông Lương, bỗng thấy gió nổi đùng đùng, mưa như trút nước, trời đất
tối tăm mù mịt, nước sông dậy sóng, thuyền không thể nào đi nổi. Vua đành cho
quân lên bờ phía tả ngạn lập doanh trại đốt lửa qua đêm. Vua nhìn về vùng đất
phương Nam
(Nam Cai) thấy có ánh lửa huy hoàng và ba tiếng gầm rất lớn, liền hỏi: Tại đất
An Lãng có vị thần thiêng tại sao không thuận giúp việc nước mà lại cản trở?
Đêm hôm đó, vua mộng thấy một người cao lớn cưỡi rồng vàng theo sông Lương
Giang đến, bước lên giữa đàn tế, đọc to một câu: Trang Yên Lãng là nơi “địa
linh nhân kiệt” đọc xong thì biến mất. Hôm sau vua xuống thuyền rồng cùng tướng
sĩ đi khắp thiên hạ chiêu tập nghĩa binh, chẳng nơi nào không quy phục. Sau khi
đánh thắng giặc Minh, vua ban thưởng trang Yên Lãng 70 quan tiền lập đền thờ
cúng, sai đình thần về làm lễ tạ, bao phong mỹ tự và tôn hiệu Linh Quang đại
vương…
Như vậy, mệnh
đề “Địa linh nhân kiệt” được truyền thuyết và lịch sử đề cập đến khá lâu đời,
ít ra từ thế kỷ VI đời vua Lý Nam Đế (544-548), trải qua các đời Dương Ngô,
Đinh, Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… đều được khẳng định. Các bậc đế vương người
Thanh Hóa, đều là những anh hùng cứu nước, minh triết, minh quân, danh vang bốn
cõi, gương sáng ngàn thu. Triệu Thị Trinh, cô gái tuổi 20 hô một tiếng vạn
người theo, giặc Ngô trông thấy bóng cờ vàng liền ôm đầu chạy trốn. Dương Đình
Nghệ đem 3.000 con nuôi đánh tan quân phương Bắc, khôi phục nền tự chủ. Lê Lợi
dấy quân từ nơi thảo dã, dựng gậy trúc làm cờ, họp quân nhân nghĩa, mười năm
chúa tôi gian lao hết mực mới quét sạch giặc Minh. Nguyễn Hoàng hai phen dẫn
đầu đoàn quân Nam
tiến mở đất mở nước để 200 năm sau có thêm gần nửa giang sơn… Hãy tạm kể năm ba
thí dụ trên đã thấy tính cố kết của người Thanh Hóa, tinh thần đoàn kết của
nhân dân Thanh Hóa cùng nhân dân cả nước tạo nên sức mạnh vĩ đại, khó khăn nào
cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng!
(Hết phần I)
Chú thích:
Chú thích:
(1) Có cảnh
đẹp tất có người tài.
(2) Đất
thiêng sinh hào kiệt, nghìn xưa vẫn còn.
(3) Người
trong cảnh, cảnh trong người, cảnh với người bốn mùa đều tươi đẹp.
(4) Tỉnh
Thanh Hóa có nhiều động thần tiên đẹp nhất trong 36 động đẹp cả nước
(5) Lẽ nào
đất này không thể sinh được người tài (để dẹp giặc cứu nước).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét