15 thg 1, 2016

Trở lại Am Tiên núi Nưa

HOÀNG TUẤN PHỔ

Na Sơn – Núi Nưa – Ngàn Nưa, một nguồn đề tài hầu như vô tận. Chúng ta đã ngược dòng thời gian tìm hiểu Am Tiên núi Nưa (*), nhưng chưa đủ, cũng nên “Trở lại An Tiên núi Nưa” để biết thêm chuyện xưa, chuyện nay, chuyện xưa cảnh tiên, chuyện nay đền Mẫu.

Các sử sách cổ như Dư địa chí của Phan Huy Chú, Đại Nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn,...  đều chép thống nhất sự tích người Tiều phu núi Nưa, cũng như trước đó, Nguyễn Dữ đã kể trong sách Truyền kỳ mạn lục:


"Đất Thanh Hoa phần nhiều là núi, bát ngát bao la đến mấy nghìn dặm. Trong đó có một ngọn núi cao chót vót tên gọi là núi Nưa. Núi có động dài mà hẹp, hiểm trở mà quạnh hiu, bụi trần không bén tới, chân người không bước tới. Hằng ngày trong động có người tiều phu gánh củi đi ra, đem đánh đổi lấy cá và rượu cốt được no say chứ không lấy một đồng tiền nào. Hễ gặp ông già, trẻ em dưới đồng bằng lại nói chuyện những việc trồng dâu, trồng gai một cách vui vẻ. Ai hỏi họ tên, nhà cửa, người tiều phu chỉ cười, không trả lời. Mặt trời ngậm núi, người tiều phu lại thủng thỉnh về động, vừa đi vừa gõ đòn gánh mà hát:

Núi Na đá mọc chênh vênh,
Cây tùm um, nước long lanh khói mờ.
Đi về hôm sớm thẩn thơ,
Mình dư áo lá, cổ thừa chuỗi hoa.
Non xanh bao bọc quanh nhà,
Ruộng đem sắc biếc xa xa diễu ngoài.

                             (Trúc Khê dịch)

Đời Hồ Hán Thương (1400 - 1407) nghe tiếng người tiều phu, sai sứ giả mời ra giúp việc. Ông lão mời sứ vào động núi, nhưng chỉ toàn nói chuyện chê trách việc làm của thời bấy giờ chứ không chịu ra làm quan cho tân triều. Sứ giả về tâu với Hán Thương. Hán Thương lại sai sứ đi mời lần nữa. Người tiều phu muốn lánh mặt. Sứ giả chỉ thấy rêu mọc lan khắp cửa động, đường vào khi trước đã bị che lấp mất rồi. Hán Thương cả giận, sai đốt cháy núi Nưa thì thấy một con hạc đen vút lên trên không bay đi...

Tiến sĩ Hán học Phan Huy Ôn quê Hà Tĩnh (thế lỷ XVIII) có lần du ngoạn danh sơn thắng tích núi Nưa, hứng bút đề thơ:

Phiên âm:

Nông Cống chi tây vạn lĩnh hoàn,
Sa nga Na lĩnh bức vân gian.
Thiên lưu dật thú nham khê cổ,
Đạo quýnh tri thần thảo thụ nhân.
Động kính dĩ tùy Tiều ẩn diểu,
Sơn dung bất vị Hán Thương hàn.

                 (Tài liệu thiếu 2 câu)

Dịch thơ:

Trập trùng núi dựng trời tây,
Na Sơn một dải xuyên mây chín tầng.
Thú riêng ai lánh bụi trần,
Đồi cây, khe đá dành phần riêng ai.
Lối Tiều cỏ lấp rêu phai,
Vẫn nguyên dáng núi cợt ngài Hán Thương.

                         (Hoàng Tuấn Phổ)

Người Tiều phu ấy vốn làm quan nhà Trần, khi họ Hồ cướp ngôi, không chịu phò tá tân triều, bỏ vào núi Nưa ở ẩn. Ông lánh đời nhưng vẫn yêu đời, tự kiếm sống bằng việc hái củi đem xuống chợ đổi lấy cá, rượu, không lấy tiền bạc, không tích lũy của cải để dành. Khi gặp nông dân, ông hay nói những chuyện trồng dâu, trồng gai, và chính ông cũng trồng một vườn cây thuốc để chữa bệnh cứu đời. Đến năm 1950, sau gần 600 tuổi, vườn cây thuốc này vẫn xanh tốt, dân chúng thường mách bảo nhau lên Am Tiên núi Nưa xin thuốc tiên những khi mắc phải chứng bệnh đau ốm không rõ nguyên nhân, thầy lang bó tay lắc đầu.

Theo Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam của Nhóm nghiên cứu Lê Quý Đôn, Nguyễn Dữ vì nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê, không làm quan, ở nhà trồng vườn, chép sách, từng vào Thanh Hóa một thời gian thu thập tài liệu, viết những truyện: Người Tiều phu núi Nưa, Từ Thức lấy vợ tiên, Chuyện Lệ nương... Nguyễn Dữ và Trần Na chung bầu tâm sự, hình ảnh Người Tiều phu núi Nưa là giấc mơ lý tưởng của họ Nguyễn, cốt lõi sự thật lịch sử được di tích Am Tiên chứng minh khá rõ.

Nước ta có nền y học dân gian lâu đời, nhân dân ta dù tiếp thụ Bắc dược – thuốc Bắc, vẫn chủ trương “Nam dược trị Nam nhân”, góp phần tích cực xây dựng nền Đông y cổ truyền. Hai ông tổ trồng cây thuốc Nam, Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn với núi Dược Sơn (Kiếp Bạc, Hải Dương), người Tiều phu ẩn sĩ Trần Na ở núi Nưa, Thanh Hóa. Chỗ khác nhau giữa hai ông, Hưng Đạo là thân vương đại quí tộc, trong nhà hàng trăm gia nhân, ngoài cửa hàng nghìn nô tỳ, tùy ý sai khiến, còn Trần ẩn sĩ Tiều phu chỉ có hai bàn tay chai sạn, mọi việc đều tự lo liệu. Cho nên, Tiều phu được nhân dân suy tôn “Ông Tiên núi Nưa”, nơi ông ở, ngôi nhà tranh, cái am cỏ thành Am Tiên, cái giếng ông đào là giếng tiên, phiến đá cuộc cờ được gọi bàn cờ tiên, và vườn cây thuốc ông trồng, từng cái lá cũng hóa phép tiên... Tất cả di vật ấy đều là di tích lịch sử-văn hóa, được sử sách ghi chép, nhân dân bảo tồn, ngành văn hóa cấp bằng chứng nhận.

Rất tiếc, Am Tiên núi Nưa-bức danh họa thiên nhiên tuyệt tác ấy, nay đã bị lu mờ. Chốn thần tiên thanh tĩnh, ngát thơm bích đào, hồng hạnh hóa sắc màu lòe loẹt ngu tối, sặc mùi tiền bạc, đâu còn cây kim tiền xưa trồng hai bên tả hữu giường mây trong nhà tranh, am cỏ... Một ngôi đền “hoành tráng”, sừng sững, kiêu hãnh hiện lên trước sự ngạc nhiên của trời mây, cây cỏ, núi khe! Đền ba gian hai chái, cũng có hai mái, thực chất mái trên chẳng khác cái mũ con chim chào mào! Không còn lối kiến trúc nào “tân kỳ”  hơn, các chi tiết đều đấm đá lẫn nhau đôm đốp, khỏi bàn, tốn giấy mực, chỉ cần tóm gọn một câu: “Phi cổ, phi kim, phi truyền thống” !. Ngôi đền không phải tôn tạo mà tôn tạo này thờ ai? Hay để kỷ niệm vị nào? Nó không thờ tiên, phật, thánh, thần gì, cũng chẳng kỷ niệm nữ anh hùng núi Nưa: “Cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá Tràng kình biển Đông” ... mà thờ Mẫu! Lại thờ Mẫu! Tại sao đâu đâu người ta cũng dùng chiêu bài thờ Mẫu ? Nhưng cụ thể Mẫu nào? Thần linh được thờ phải có tính danh, lai lịch, không thể “hòn đất cất lên ông bụt”. Thấy người vái, mình cũng ly!

Tục thờ Mẫu là tín ngưỡng dân gian nước ta, thuộc thế giới thần linh vô cùng phức tạp, một công trình thần học lớn, đầy khó khăn, không dễ thực hiện. Ở đây, chúng ta khoanh vấn đề trong phạm vi một loại hình tín ngưỡng thời phong kiến độc lập tự chủ, bắt đầu từ lịch sử Trung đại...

Tín ngưỡng thờ Mẫu nước ta ra đời khoảng giữa thế kỷ XVI. Mẫu vốn là Quỳnh Hoa công chúa, con gái Ngọc Hoàng, có lỗi bị vua cha đầy xuống hạ giới, thác sinh vào nhà họ Lê, dòng dõi Lê Thái Tổ. Hết hạn lưu đầy, chúa tiên lưu luyến trần gian, tha thiết xin Ngọc Hoàng cho ở lại giúp đời, cứu người. Lần giáng trần thứ ba, chúa tiên Quỳnh Hoa tức Liễu Hạnh đóng đô phủ tại Phố Cát, Thanh Hóa quê hương. Bấy giờ nhà Mạc lên ngôi vua ở Thăng Long, con cháu họ Lê thất thế chạy vào Thanh Hoa dấy nghiệp Trung hưng, khôi phục đế nghiệp. Hai bên chiến tranh, đất nước điêu linh, xã hội điêu tàn, nhân dân điêu đứng, tạo nên mảnh đất mê tín dị đoan nảy nở. Liễu Hạnh được vua Lê Trung tông phong là Thế Thắng Hòa Diệu đại vương. Đời Nguyễn, vua Gia Long sắc phong bà làm “Mẫu nghi thiên hạ”. Tín ngưỡng thờ Mẫu bắt đầu từ đây. Sau dân gian sáng tạo thêm Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thủy Cung để cai quản cả 3 thế giới: Trời, Đất, Nước, gọi là tam phủ, họp làm bộ ba tam tòa Thánh Mẫu, hình thành Đạo Mẫu, đối lập với Đạo Đông xuất hiện ở vùng quê nghèo đất biển Quảng Xương. Theo cách dân gian gọi: Liễu Hạnh tức Mẫu Thiên. Thượng Ngàn là Mẫu Địa cai quản rừng núi, Mẫu Thủy Cung là Mẫu Thoải (Nước) trông coi các miền sông nước.(**)

Đền Mẫu trên ngọn Am Tiên núi Nưa chắc thờ Mẫu Thượng Ngàn, có thể thờ cả Mẫu Liễu Hạnh, vì là chúa tể đạo Mẫu hay tam phủ (rồi tứ phủ công đồng), gồm Trời, Đất, Nước (vũ trụ) (***)

Tuy nhiên dưới chế độ phong kiến cũng như ở thời đại cách mạng, dù tự do tín ngưỡng, đều phải tuân thủ luật lệ (triều đình hay chính phủ), thần nào được thờ, địa điểm ở đâu, thờ tự thế nào, quy định rõ trong sắc phong, ngọc phả (xưa), quyết định công nhận, bằng chứng nhận di tích (nay). Am Tiên núi Nưa đã được cấp Bằng chứng nhận một di tích lịch sử văn hóa, không thể “sang tên”, “chuyển nhượng” cho bất cứ Mẫu nào hay thần thánh khác, lẽ đơn giản, họ không có di tích, dấu tích gì ở đây. Vậy tại sao Mẫu dám tranh chấp Am Tiên, mưu toan độc chiếm núi Nưa, ngang nhiên xây dựng đền đài trên đất Tiên Ông đã được cấp “Sổ đỏ”! Mẫu coi thường dư luận, bất chấp luật pháp đến thế ư?.


Hoàn toàn không phải! Mẫu đi mây về gió, ngao du cả “thế giới ba nghìn” (Tam đại tam thiên thế giới) đã có hàng trăm đền phủ trong nước được quy định từ thời phong kiến, thiếu gì chốn đô hội mà phải “bành trướng” hết dãy núi Nưa? Chẳng qua bởi trò đời phú quý sinh lễ nghĩa, bị những kẻ nhiễu sự bày đặt ra cả.



Người ta đâu phải xuất phát từ tấm lòng thành kính Mẫu, lạm dụng quyền lực tự do tín ngưỡng, lợi dụng danh nghĩa Mẫu, nếu không vì lợi ích cá nhân thì vì Mẫu chăng? Vô tình hay cố ý, họ đã xúc phạm Mẫu, làm tổn hại danh dự, danh thơm vị tiên chúa “Mẫu nghi thiên hạ”!

Công việc xây dựng đã bất chính lại phi kiến trúc, liệu mục đích sử dụng có hành vi bất minh?

Dư luận du khách gần xa, ngày càng thêm nhiều phản ứng. Đền Mẫu ở đâu sao mà cũng giống ở đâu cả! Thì cũng thầy tướng nói thánh nói tướng, thầy bói, bói ra ma, thầy cúng ê a sớ tấu phô-tô in sẵn, thầy đoán thẻ tán nhăng tán cuội. Lầm tưởng đốt cả nắm hương sẽ được Mẫu thương tình chứng giám, trong đền mù mịt khói tuôn nghẹt thở như đang ở bầu trời Bắc Kinh ô nhiễm. Đồ hàng mã thi nhau dâng cúng nhiều xếp núi, lửa thiêu bốc cháy bùng bùng, chợt nhớ chuyện vua Hồ Hán Thương phóng tay đốt núi!

Giá chầu hầu bóng đúng bài bản truyền thống xưa, điệu múa đẹp, phong phú (****) đã bị Âu hóa thành khoe mông, phô ngực, ưỡn ẹo phong tình. Hát Văn vốn đậm đà sắc thái dân tộc, không khỏi thương mại hóa, bắt chước diễn viên hài, tiếng đàn nguyệt trêu hoa ghẹo nguyệt, giọng chầu thánh sống sượng lẳng lơ...! Luồng gió tiêu cực đã cuốn bay cát bụi mê tín dị đoan lên tận đỉnh Am Tiên thắng tích. Tiếc thay danh tiếng Mẫu Nghi, danh thơm Tiên Chúa bị kẻ phàm tục kinh doanh lợi dụng! Họ nghĩ rằng vô sư vô sách quỷ thần bất trách, nhưng Luật di sản lẽ nào chớp mắt bỏ qua?

Có ý kiến đề nghị Đền Mẫu Am Tiên nên thờ cả Tiên Ông Tiều phu, hai vị đoàn kết một nhà là vui vẻ cả! Không được! Tiên có nhiều loại: Thiên tiên, Địa tiên, Thủy tiên, Hải tiên, Sơn tiên,... và các tông phái: Tịch cốc, Đan đỉnh, Dược sư, Pháp lục... Hai vị ấy đối lập nhau, không thể xe kết một nhà, ngồi chung một chiếu!

 Ai đã dám bày ra tất dám cất đi, hãy trả lại tất cả di tích Am Tiên cho Am Tiên di tích! Cung kính rước Mẫu về Tử phủ Thanh đô, những Phố Cát, Hàn Sơn... Loan giá hồi cung, trong tiếng đàn, câu hát văn cổ truyền du dương, đằm thắm:

Trên đồi ngàn gió thổi rung cây
Dưới khe con cá lội, đàn chim bay về ngàn
Chim bay về đến đền Hàn
Thuyền xô sóng vỗ, hò khoan mái chèo
Hò khoan dô khoan ớ dô ô ô khoan oan...

                                                                              HTP15/1/2016
--------------------

(*) Thanh Hóa hằng tháng – số tháng 5-2015.
(**) Muốn biết rõ, tìm đọc sách Bà Chúa Liễu của Hoàng Tuấn Phổ - NXB Thanh Hóa, 1990.
(***) Tứ phủ: Thiên Phủ, Địa phủ, Thủy phủ. Phủ thứ tư thờ các vị cô, cậu, quan tướng thuộc cấp dưới của Mẫu nên gọi là “Công đồng”.
(****) Xem thêm sách Bà Chúa Liễu của Hoàng Tuấn Phổ - NXB Thanh Hóa, 1990.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét