HOÀNG TUẤN PHỔ
Trên đỉnh ngàn Nưa |
Trong thư gửi bạn đồng
tâm, đồng chí, nhà yêu nước và cách mạng Hoàng giáp Nguyễn Thượng Hiền giới thiệu
danh sơn núi Nưa: "Ở phía tây nam Hạc
Thành (TP Thanh Hóa) có dãy núi đẹp, cao tột trời, cây cối rậm rạp, đó là núi
Nưa...". Nguyễn Thượng Hiền là con trai danh sĩ Nguyễn Thượng Phiên,
quê quán Hà Đông. Ông Phiên thích cảnh trí núi Nưa, đã dựng một ngôi nhà để nghỉ
ngơi, nuôi dưỡng tâm hồn.
Nguyễn Thượng Hiền tuổi trẻ đỗ cao, đường danh vọng
thênh thang mở rộng. Ông đã hứa hôn tại quê nhà nhưng Binh bộ thượng thư Tôn Thất
Thuyết vẫn gả thêm cho cô con gái quý. Tôn Thất Thuyết có hai tư dinh: Huyền Thư
lâu ở Huế và Huyền Hạc lâu ở Thanh Hóa. Nguyễn Thượng Hiền thích lầu Huyền ở Hạc
Thành, thuận lối đi về núi Nưa, có đồi Mai Sơn, mùa xuân hoa mai nở trắng rừng.
Ông lấy tên Mai Sơn làm biệt hiệu và trong Mai
Sơn thi tập, dành nhiều tình cảm cho Na Sơn thắng tích, một địa danh các
nhà địa chí không cưỡng nổi lời ca ngợi. Trong Dư địa chí, sử gia uyên bác Phan Huy Chú viết: "Huyện Nông Cống ở miền thượng du, đất liền với huyện Đông Sơn,
phía tây nam có nhiều ngọn núi chập chồng vòng quanh, một chi nhánh núi Na Sơn
chót vót, đứng thẳng, trong dãy núi này có nhiều ngọn kỳ lạ, động đẹp...".
Sách Dư
địa chí của Nguyễn Trãi (thế kỷ XV) xem "Na Sơn", "Tùng
Lĩnh" là hai ngọn núi tiêu biểu của xứ Thanh trập trùng núi tiếp núi, rừng
liền rừng, không hiếm danh sơn thắng tích.
Núi Nưa dài gần 20
km, đỉnh cao nhất hơn 500m, quanh năm mây trắng dạo chơi, lưng sườn sớm chiều
sương giăng khói lượn, đâu đâu cũng vang vọng tiếng gà rừng gáy gọi bầy trên
cành cây, trong bụi cỏ. Đây là xứ sở của truyền thuyết, dã sử, nơi sinh ra những
người khổng lồ thay quyền tạo tạo hóa, xếp đặt núi sông, kiến thiết đồng ruộng,
tạo điều kiện cho con người sinh sôi, xóm làng phát triển.
Có thể nói, núi Nưa
là núi truyền thuyết. Truyền thuyết chồng lên truyền thuyết, dã sử nối tiếp dã
sử. Ông Nưa khổng lồ quảy núi cày sông, ông Nưa tiều phu cưỡi hạc về trời, ông
Nưa nho sĩ đắc đạo thành tiên Phạm Viên, Rùa Vàng núi Nưa cứu 18 dũng sĩ núi
Nưa thoát nạn giặc Ngô truy sát... Nữ Anh hùng Triệu Thị Trinh cũng là một nhân
vật khổng lồ "Cao một trượng cả mười
vầng" (thơ Lê Thánh Tông):
Đầu
voi phất ngọn cờ vàng
Sơn thôn mấy cõi chiến tràng xông pha....
(Đại Nam quốc sử diễn ca)
Phía đông núi Nưa có đền
Nưa thờ Thượng Ngàn công chúa. Đằng tây núi Nưa là phủ Na, nơi Mẫu Liễu Hạnh hiển
thánh. Nếu đông có ngàn mai thì tây có rừng đào. Tương truyền Tổng đốc Thanh
Hóa Tôn Thất Tĩnh chơi núi Nưa, lạc vào Na Sơn động phủ, nhờ suối hoa đào dẫn lối,
phát hiện một vùng đất màu mỡ. Ông Nưa người Mường và người Việt đến khai hoang
miền đất mới, đặt tên làng Xuân Du. Chữ "Xuân Du" là chữ trong câu
thơ "Xuân Du phương thảo địa" (Mùa xuân chơi chốn cỏ thơm). Làng Xuân
Du phát triển nghề trồng đào. Nay đào Xuân Du tươi tốt đầy vườn đồi phục vụ bà
con xa gần chơi Tết, tô điểm thêm phong cảnh nước non tiên.
Phong cảnh vùng núi Nưa |
Dòng sông Lãng Giang
uốn khúc lượn quanh chân núi Đông Nưa mở ra đôi bờ những làng xóm trù phú, cổ
kính. Nguyên liệu gỗ, nứa tre, mây... ngàn Nưa giàu có là cơ sở những làng nghề
tinh khéo: Bồ làng Vặng, giắng làng Cầu, giành sọt làng Lai, quang mây làng Ngẵn...
những sản phẩm tiêu thụ tận các chợ quê Quảng Xương, Đông Sơn, Tĩnh Gia, Hoằng
Hóa... Dọc chân núi Nưa bạt ngàn tranh, cỏ, khe hón chằng chịt. Giống cá thiêng
hón Nưa đêm đi ăn hướng về sao Bắc đẩu nên mang tên cá triều đẩu. Vì sẵn nguồn
thức ăn, cọp núi Nưa trở nên hiền. Năm 43 (Công nguyên), Hán Mã Viện chỉ huy giặc
Tàu xâm lược truy kích quân Hai Bà Trưng đến tận vùng Nưa (Cư Phong) còn được
chứng kiến đàn voi đông tới trăm con, trước đó cách xa hàng dặm đường đã nghe
tiếng bước chân rung chuyển núi rừng, tưởng chừng tai trời đất sụt. Người dân
đi đêm gặp beo cọp lang thang là chuyện thường. Thực đơn nai, hoẵng, lợn lòi,
bò rừng, trâu nước,... xơi mãi cũng chán, lắm khi phải đổi món cá tươi. Mùa
mưa, khe suối dâng đầy mau hón, người kéo vó bên này, hùm đón cá bên kia, chỉ
cách nhau một dòng chảy hẹp nhưng trời đêm lờ mờ ánh sao, không nhận ra nhau. Một
con cá mè hay gáy lớn nhảy vọt ra khỏi miệng vó, vảy bạc ánh lên đường sao băng
lấp lánh khiến ông kễnh giật mình gầm lên chạy biến vào rừng cỏ tranh. Người
kéo vó đêm có lần dùng sào vó đánh nhau với hổ dữ, bật cười to, rồi thản nhiên
tiếp tục công việc mình.
Năm 1962, khảo cổ học
nước ta ghi nhận một phát hiện quan trọng, trên ngọn đồi Sỏi thôn Định Kim, chỉ
cách núi Nưa khoảng 1 km đường chim bay, phát lộ di tích đồ đồng Đông Sơn, phủ
kín khắp bề mặt gò đồi 910.000m2. Di chỉ khảo cổ học miền núi Nưa
này thuộc loại hình cư trú "lớn chưa
từng thấy trên đất Thanh và cũng hiếm thấy trên miền Bắc nước ta". Giáo
sư Sử học Lê Văn Lan nhận định di tích núi Sỏi có thể là làng quê Bà Triệu, người
con gái anh hùng của Na Sơn hùng vĩ. Di vật khảo cổ bước đầu thu nhận được ở đồi
Sỏi có vũ khí: Giáo, lao, mũi tên, đoản kiếm, dao găm... một ít dụng cụ lao động,
nhạc khí như trống đồng... Tất cả công cụ thuộc văn hóa đồng thau Đông Sơn giai
đoạn cuối, tương ứng thời kỳ lịch sử Bà Triệu thế kỷ đầu Công nguyên.
Cũng năm 1962, công
nhân mỏ crômit Cổ Định, cách đồi Sỏi khoảng 2km đường chim bay, đào tìm được ba
thanh đoản kiếm cũng thuộc văn hoá đông Sơn giai đoạn đồi Sỏi. Cán kiếm là tượng
tròn đúc một phụ nữ với đầy đủ bộ trang phục quý tộc: Khăn, váy, yếm, áo, thắt
lưng, đệm váy, vòng tai, vòng tay... Chỉ có một thanh kiếm độc nhất thể hiện
người phụ nữ đẹp vẻ quý phái nắm trong tay đầy đủ quyền lực của bà nữ chúa.
Thanh kiếm lệnh này khiến chúng ta nghĩ tới chủ nhân của nó nếu không phải Bà
Triệu cũng là một nữ tướng cầm đầu quân đội...
Từ làng Cổ Định, khu
mỏ crômit Cổ Định, xã Tân Ninh có đường đi lên di tích đặc biệt Am Tiên, một địa
danh nổi tiếng đã được Truyền Kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ (hay
Dư) thế kỷ XVI mô tả như là một cảnh tiên nơi trần thế.
Căn cứ gia phả họ Trịnh,
làng Cổ Định được lập trước Công nguyên, do cụ tổ Trịnh Huân, tướng phò tá vua
An Dương Vương. Ban đầu là chạ Ke Nưa, thời Triệu Đà gọi tên chữ Cổ Na, sau đổi
Cổ Ninh, rồi Cổ Định. Chính bà con Cổ Định đã giúp người Pháp phát hiện khoáng
sản crôm trong lòng núi Nưa. Trên ngọn núi khoáng sản quý này là Am Tiên, có vườn
cây thuốc tiên còn quý giá hơn tất cả kim loại do vị Tiên ông ở đây cấy trồng, chăm
sóc. Ông đã cưỡi huyền hạc lên thượng giới, để lại vườn cây thuốc tiên và một
giếng tiên làm thuốc chữa bệnh cứu người trần thế. Ông Tiên núi Nưa là ai? Là
Trần Na ẩn sĩ? Hoàng My tiên sinh? Phạm Viên đạo sĩ? Ông Tu Nưa? Người Tiều phu
đốn củi?
Nhà văn thế kỷ XVI viết
câu chuyện đối đáp của người tiều phu núi Nưa (Truyền kỳ mạn lục), tên
tác giả, bản dịch của Trúc Khê Ngô Văn Triện, ghi là "Nguyễn Dữ". Năm
1944, nhà nghiên cứu văn học sử Dương Quảng Hàm cho xuất bản Việt Nam văn học sử
yếu, căn cứ bản Tân biên truyền kỳ tăng bổ giải âm tập chú in năm 1768, cho rằng
tên tác giả là "Nguyễn Dư". Tác giả Nguyễn Dư viết: "Chống gậy trèo lên thì thấy có một cái
am cỏ, hai bên tả hữu trồng mấy cây kim tiền, chen lẫn vào những cây bích đào,
hồng hạnh đều xanh tốt đáng yêu cả. Trong am đặt một cái giường mây, trên giường
để đàn sáo và chiếc gối dựa. Hai bên bức vách đông tây đều trát keo trắng và đề
hai bài ca, một bài Thích ngủ, một bài Thích cờ...".
Đào Xuân Du |
Am Tiên núi Nưa ngày
nay (đầu thế kỷ XX), am cỏ đã mất, giường mây hoá thành phiến đá, chỉ còn bàn cờ.
Người tiều phu đã mây bay, hạc lánh từ thời Hồ nhưng không quên núi cũ, đêm đêm
vẫn về đây cùng bạn tiên chơi cuộc cờ trần thế chăng?
Bên cạnh Am Tiên là
Giếng Tiên, nước trong nhìn thấu đáy, quanh năm không cạn và Vườn Tiên bạt ngàn
cây thuốc. Thuở Tiên ông chưa cưỡi huyền hạc hay hoá thành huyền hạc bay lên
cõi thượng tiên. Ngoài "thích ngủ", "thích cờ", công việc
hàng ngày đốn củi độ nhật và hái thuốc chữa bệnh cứu người. Xưa kia, núi Nưa là
một biểu tượng thần kỳ của tâm linh, người xứ Thanh ở những nơi mắc bệnh nan giải
nhìn thấy ngọn núi Nưa lờ mờ sương sớm hay tím ngắt chiều tà đều nghĩ đến Am
Tiên và thuốc tiên.
Sau 1945, trong hoàn
cảnh thiếu thuốc chữa bệnh, bà con các huyện Nông Cống, Triệu Sơn (mới), Như
Xuân, Thọ Xuân, Đông Sơn, Quảng Xương, Tĩnh Gia... vẫn phải cất công trèo lên
ngọn núi Am Tiên cầu xin thuốc tiên. Họ thắp ba nén hương, đứng trước am đá,
cúi đầu thành kính, lầm rầm khấn vái cầu Tiên ban thuốc. Người ta bỏ hai đồng
tiền âm dương xuống giếng, tưới rượu lên hòn đá, cầm vỏ chai buộc dây xin nước
tiên, rồi ra vườn cây thuốc. Bàn chân, bàn tay họ tự nhiên có gì xui khiến,
chân bước đến đâu, tay hái lá đến đó, cảm thấy đủ thì dừng lại. Lá thuốc giã
nát hoà với nước giếng tiên, lọc bã, lặng trong, uống ba lần hết, tất khỏi bệnh.
Xin nước giếng Tiên trên đỉnh ngàn Nưa |
Bây giờ vườn cây thuốc
chỉ còn lại đất bằng, Tiên ông không về đánh cờ nữa sao bàn cờ tiên đã bị xoá?
Giếng tiên thiên tạo thiêng liêng là thế, bị lầm tưởng ra "huyệt đạo"
khơi nguồn cho mê tín dị đoan! "Huyệt đạo" chẳng phải tiên, không ra
phật, nó là cái gì? Đó là một khái niệm mơ hồ, một thuật ngữ huyền bí, những
thánh sư địa lý phong thuỷ như Cao Biền, Tả Ao có con mắt tưởng tượng kỳ tài nhìn
vũng nước ra biển cả, thấy hòn đất bảo là non cao... dân gian ta đã chí lý:
"Hòn đất mà biết nói năng...". Bản thân hai ông ấy cũng chưa tìm thấy
cái "huyệt đạo" đế vương để yểm trấn hoặc chôn cất hài cốt. Vì huyệt
đạo đế vương nếu có không dễ bày ra trước mắt như cái thiên tạo - giếng tiên
nghìn năm di tích. Hãy khôi phục một di tích đẹp để phục vụ khách hành hương,
du lịch như vốn nó đã phục vụ nhân dân làm thuốc. Đó là nét đẹp đặc sắc của Am
Tiên núi Nưa.
Hôm nay, tiện đường
ngựa xe, ngắm cảnh Ngàn Nưa hùng vĩ, thuận lối lên Am Tiên, chốn tiên mây khói
hiện lên cảnh phật từ bi cũng là theo luật vô thường, không gì mất, không gì
còn, tiên và phật đều chung một một gốc THIỆN. Và núi Nưa không chỉ có Am Tiên,
còn đền Nưa Cổ Định, phủ Na Xuân Du, di chỉ đồi Sỏi, trên quê hương nữ Anh hùng
Triệu Thị Trinh "Cưỡi cơn gió mạnh,
đạp luồng sóng dữ, chém cá tràng kình biển đông, cứu dân tộc thoát vòng nô lệ...".
Ta nghe trong gió tiếng cồng Bà Triệu vang vọng ngàn Nưa và giọng hát ru ngân
nga quen thuộc điểm nhịp kẽo kẹt võng đưa trong xóm mạc: "Ru con con ngủ cho lành, để mẹ gánh nước rửa bành ông voi, muốn
coi lên núi mà coi, coi bà Triệu tướng cưỡi voi phất cờ...".
H.T.P/5/2015
(*) Ảnh minh họa trong bài của các tác giả: Phạm Thị Thanh, Trịnh Quang Minh, Ngọc Minh, HTC chú thích)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét