HOÀNG TUẤN CÔNG
Ai yêu thích Truyện Kiều hẳn đều nhớ câu: “Ba mươi sáu chước chước gì là hơn” và không ít người muốn biết đầy đủ ba muơi sáu chước ấy là những chước gì?
Trong mục Sổ tay thơ của Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) số ra ngày 27-7-1994 với bài thơ “Tam thập lục kế”, Lê Giảng cho biết: Một học giả thời cổ muốn cho dễ nhớ và nhớ lâu nên chọn cho mỗi kế một chữ và sắp xếp lại thành một bài thơ. Đây quả là một tài liệu mới mẻ, lý thú, đáng ghi vào “sổ tay” để thưởng thức và suy ngẫm.
Trong mục Sổ tay thơ của Tuần báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) số ra ngày 27-7-1994 với bài thơ “Tam thập lục kế”, Lê Giảng cho biết: Một học giả thời cổ muốn cho dễ nhớ và nhớ lâu nên chọn cho mỗi kế một chữ và sắp xếp lại thành một bài thơ. Đây quả là một tài liệu mới mẻ, lý thú, đáng ghi vào “sổ tay” để thưởng thức và suy ngẫm.
Nhưng theo tôi, nhiều “mưu ma chước quỷ” trong “tam thập lục kế” này giải thích còn thiếu chính xác, tối nghĩa hoặc vô nghĩa. Xin được dẫn lại trao đổi cùng người viết:
1.Dĩ dật đãi lao (Vờ lầm lẫm đợi khó nhọc).
Không có cơ sở nào để dịch “dĩ dật” thành “vờ lầm lẫn” được. Hơn nữa nếu dịch vậy thì kế này được hiểu thế nào trong thực tế ? Chữ “Dĩ” ở đây là lấy, “dật” là sự nghỉ ngơi. Câu này phải hiểu là: dùng sự nghỉ ngơi, sung sức để đón đợi (chống lại) sự vất vả khó nhọc (từ xa tới) của đối phương.
2.“Hồn thuỷ mạc ngư” (nhẹ nhàng bắt cá dưới nước)
Chữ “hồn” theo tôi không có nghĩa hoặc hàm ý nào là sự “nhẹ nhàng” “hồn” là đục (trái với trong). Hồn thuỷ: nước đục, dịch cả câu: Lợi dụng nước đục để bắt cá, mới đúng.
3.“Man thiên quá hải” (dối trời để qua biển).
Chữ “Man” (瞞) không thể dịch là man trá dối lừa được. Nó khiến cả câu trở nên vô nghĩa. Mưu lược quân sự tổng kết từ xương máu còn có cả chước “dối trời” ư ? Và cái chước “dối trời” này nó thế nào? “Man miên” nên hiểu là sự mịt mù bao phủ khắp trời. Man thiên quá hải: lợi dụng trời mù sương để vượt biển. Ngày nay vẫn còn thấy bọn hải tặc thường lợi dụng trời mù sương đêm tối, không ai kiểm soát được để hành động gây tội ác.
4.“Phản khách vi chủ” (phản bội khách làm chủ)
Chữ “phản” không thể dịch là “phản bội”, vì ai phản bội khách và ai là chủ. Chẳng nhẽ chủ phản bội khách để làm chủ hay sao? Ý quẩn và vô nghĩa. “Phản” ở đây nghĩa là trái ngược, tức là chuyển đổi vị trí. “Phản khách vi chủ” là đổi khách làm chủ, chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, cũng có nghĩa là chuyển bại thành thắng (Một kiểu lật ngược tình thế trong chiến trường).
5. “Thượng ốc trừu thê” (lên phòng phải tìm thang)
Chữ “trừu” (抽) không có nghĩa là “tìm". Nếu dịch “lên phòng phải tìm thang” thì đây không phải là mưu, cũng chẳng phải kế, chỉ là lẽ đương nhiên như: muốn qua sông phải bắc cầu mà thôi. Chữ “Trừu” phải dịch rút ra, lấy đi. Chữ “ốc” nên dịch là lầu hoặc nhà cao. Dịch là “phòng” không gợi nói được chiều cao của căn nhà (phải dùng thang cao mới lên được kia mà!) “Thượng ốc trừu thê” phải dịch: lên lầu rút thang (gần như kế: “Quá kiều trừu bản”: qua cầu rút ván). Kế này được áp dụng trong chiến thuật bảo tồn lực lượng khi rút lui hoặc tháo chạy. Rút thang hoặc rút ván phá cầu là cách xoá dấu vết, đồng thời ngăn trở bước truy kích của đối phương.
5.“ Thâu lương hoá trụ” (ăn trộm xà ngang đổi cột)
Chữ “thâu” (偷) ở đây không nên dịch là “ăn trộm” mà nên dịch là ngầm thu lấy. “Thâu lương hoán trụ”: lấy rường đổi làm cột. Kế này mục đích làm cho đối phương phải thay binh đổi tướng khiến lực lượng suy yếu do sử dụng người không đúng chỗ.
Ngoài ra còn một số trường hợp như: “Phao chuyên dẫn ngọc (ném gạch đưa ngọc ra)”. Lý đại đào cương (cây mận thay cây đào cứng)”. “Phủ để trừu tân” (để ngọc dưới đáy nồi ý nói giải quyết trên căn bản” “Thượng thụ khai hoa (trên cây nở hoa)” v.v…Cách giải thích của tác giả bài báo cũng chưa thật chuẩn xác và rõ ràng nếu không nói là tối nghĩa.
Về “Tam thập lục kế” theo tôi nghĩ con số bao mươi sáu chỉ có tính chất tượng trưng, ước lệ. Số 36 được coi là con số thiêng, số nhiều, có thể biến hoá khôn lường. Cho nên ta vẫn thường nghe : “Ba sáu điệu cười” “Ba mươi sáu điệu hát”, “Ba mươi sáu giống chim” “Tam thập lục động” (ba mươi sáu động) “Tam thập lục châu (ba mươi sáu châu quận: ý nói đất đai rộng lớn) ngay như “Ba sáu phố phường” của Hà Nội xưa chắc cũng không ai có thể thống kê thật đầy đủ và chính xác để vừa tròn con số ấy được. Hiển nhiên những mưu lược quân sự được đúc kết hàng ngàn năm không chỉ dừng lại ở con số ba mươi sáu. Trong quá trình phát triển của chiến tranh ở một đất nước loạn lạc triền miên như Trung Hoa, những mưu sâu kế độc cũng ngày càng nhiều hơn để bổ sung vào cái kho “mưu ma chước quỷ” truyền thống trở thành “trăm phương ngàn kế”. Do đó, ngoài “Tam thập lục kế”gói gọn trong bài thơ độc đáo trên còn vô số kế hay nữa mà các danh tướng từng sử dụng rất lợi hại trong trận mạc. 1. “Hư trương thanh thế”: phô trương thế lực không có thật của mình. 2. “Sát kê sách hầu”: giết gà để doạ khỉ; 3. “Nhất tiễn song điêu”: một mũi tên bắn rơi hai con chim; 4. “Tiên phát chế nhân”: ra tay trước để áp đảo địch thủ; 5. “Khích tướng kế”: khiêu khích cho đối phương tức giận lên mà trúng kế của mình; 6. “Minh tri cố muội”: biết rõ nhưng vờ ngu muội; 7. “Quá kiều trừu bản”: qua cầu rút ván; 8. “Di thi giá hoạ”: đem xác chết gieo tai hoạ cho người v.v… và v.v…
HTC/1994
(Bài đã đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 7, 12/1994; Tạp chí Văn nghệ Thanh Hoá -1994).
(Bài đã đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 7, 12/1994; Tạp chí Văn nghệ Thanh Hoá -1994).
Chú thích: (1) Kế này có một dị bản: Thượng lâu khứ thê (lên lầu rút thang)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét