MỤC CHỮ CÁI NÀO CŨNG CÓ SAI SÓT
Hoàng Tuấn Công
C
Thực ra câu này ý nói sự việc nào đó đã rồi, đã xong xuôi, không có cách nào thay đổi được nữa.
Cá chép. Cá nước ngọt, thân dày, vảy to, vây và đuôi rộng.
Giải nghĩa như vậy là bỏ mất hai đặc điểm rất quan trọng của cá chép là có râu hai bên mép, vảy và vây có ánh vàng phớt đỏ.
Cá giếc. Loài cá nước ngọt, giống cá chép, nhưng bé hơn nhiều, mắt đỏ.
Cá giếc chỉ gần giống cá chép chứ không "giống cá chép". Ngoài mắt đỏ, điểm quan trọng cá giếc khác cá chép là không có râu hai bên mép.Cho nên mặc dù thân hình cá giếc trông gần giống cá chép con, nhưng ta vẫn phân biệt được dễ dàng, chính xác đâu là cá giếc, đâu là cá chép nhờ đôi “ria mép”.
Cá mè. (...) Phú ông xin đổi một xâu cá mè (ca dao)
Trích dẫn sai. Ca dao nói Phú ông xin đổi ao sâu cá mè, không phải “một xâu cá mè”. Cái "ao sâu" nuôi thả đầy cá mè xưa kia quý giá lắm (cũng như trâu bò, gỗ lim...trong câu ca dao vậy). Nếu chỉ là "một xâu cá mè" như GS viết thì Bờm đâu đến nỗi “bờm” lắm đâu ?
Cá ngựa. Loài cá biển nhỏ, đầu dài, lưng cong, đuôi nhỏ.
Có một đặc điểm rất quan trọng làm nên tên gọi của con cá ngựa không được GS đề cập: đầu giống đầu ngựa. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê) mô tả như sau: “Cá biển, đầu giống đầu ngựa, thân dài, nhiều đốt, đuôi thon nhỏ và cong, có thể dùng làm thuốc”. Và thực tế (cũng như Hoàng Phê đã mô tả), phần cong của con cá ngựa là đuôi chứ không phải "lưng cong" (như GS Nguyễn Lân viết). Ngoài ra, so với Hoàng Phê, “cá ngựa” của GS Nguyễn Lân thiếu hẳn 2 nghĩa thông dụng: “Cá ngựa. Đánh cuộc ăn tiền trong các cuộc đua ngựa” và “Cá ngựa. Trò chơi súc sắc tính điểm để chạy thi quân ngựa gỗ. Chơi cá ngựa”.
Cá nóc. Cá nước ngọt thân tròn và ngắn.Cá nóc đuổi bắt cá con.
Sai nghiêm trọng. Cá nóc là cá nước mặn (cá biển) chứ không phải cá nước ngọt. Từ điển Bách khoa nông nghiệp cho biết "Cá nóc (Tetraodontiformes) bộ cá xương, chủ yếu sống gần bờ biển nhiệt đới và cận nhiệt đới". Mặt khác từ điển thiếu một thông tin quan trọng và bổ ích: cá nóc rất độc, có thể gây chết người khi ăn. Nếu am hiểu, người làm từ điển có thể thay thế ví dụ vô bổ "Cá nóc đuổi bắt cá con" bằng ví dụ: Ăn cá nóc có thể bị ngộc độc gây chết người. Qua đó, người sử dụng từ điển có thêm thông tin cơ bản, hữu ích về loài cá "giết người" này.
Cá sộp. Cá nước ngọt, giống cá quả, mình tròn và dài, da có chấm đen.
Thực ra “cá sộp” chính là một loại cá quả, con cá quả, cá lóc, cá chuối chứ không phải là nhìn“giống cá quả”.
Cá trắm. Loài cá nước ngọt, mình dài và to, nuôi chóng lớn:Con cá trắm to bằng bắp chuối (Tô Hoài).
Thực ra "nuôi chóng lớn" không phải là thuộc tính của cá trắm. Thông tin này bị thừa so với yêu cầu giải nghĩa ngắn gọn, đủ, đúng của từ điển. Trong khi đó, từ điển lại thiếu nét tiêu biểu của cá trắm là “mình tròn”. Đặc điểm này rất quan trọng nên dân gian hay so sánh người phụ nữ có thân hình tròn lẳn, rắn chắc là mình trắm là vậy. Và không phải ngẫu nhiên mà Tô Hoài so sánh con cá trắm với cái “bắp chuối” trong câu văn soạn giả trích dẫn.
Cả cười. Nói mọi người cười đùa vui vẻ. Cùng nhau trông mặt cả cười (K)
“Cả” ở đây là to (trong cả thèm, cả ghen, cả sợ, cả mừng...) không phải "cả" = tất cả. “Cả cười” là cười to chứ không phải cười cả (tất cả đều cười). Có lẽ soạn giả hiểu lầm ý câu Kiều, trong đó "cùng nhau..." có nghĩa là tất cả mọi người...và lấy đó làm căn cứ để giải nghĩa chăng ?
Cao lương mỹ vị (mĩ: đẹp; vị: hương vị)
“Mỹ” ở đây không phải là đẹp mà là ngon. Như “mỹ tửu” = rượu ngon. Trong bài thơ “Nhị vật” nói về việc bỏ thuốc lá và rượu, Bác Hồ viết: “Mộng lý hấp yên, ngật mỹ tửu, Tỉnh lai cánh phấn chấn tinh thần” (Trong mơ thấy hút thuốc lá, uống rượu ngon, Tỉnh dậy càng thêm phấn chấn tinh thần).“Mỹ tửu” ở đây chính là rượu ngon.
Cao minh (minh: sáng) Sáng suốt hơn người.
Chính xác hơn, “cao minh” là người có học rộng.
Cao nguyên (Nguyên: đồng bằng)
“Nguyên” có nghĩa là cánh đồng hoặc chỗ đất bằng phẳng chứ không phải là “đồng bằng”. Cánh đồng có thể nằm ở miền núi, trung du, nhưng còn "đồng bằng" lại không thể ở ngay trong chính khu vực miền núi cao kiểu "hai trong một được".
Cao tốc (tốc: nhanh) nói con đường cho phép xe cơ giới đi nhanh.
Giải nghĩa như vậy là phiến diện. Người ta vẫn nói “tàu cao tốc” đấy thôi. Bằng không soạn giả phải đưa "cao tốc" và mục từ đường cao tốc mới đúng với nội dung giảng giải.
Cầm cương nảy mực (Cầm cương ngựa và nảy mực lên mặt gỗ để cưa). Điều khiển và chỉ dẫn những người dưới quyền làm theo:Trong những năm Hồ Chủ tịch cầm cương nảy mực.
Nhầm lẫn. Cầm cân chứ không phải “cầm cương”. Có lẽ GS cho rằng người cầm cương điều khiển để con ngựa rẽ theo ý muốn, còn người nảy mực nảy lên mặt gỗ để chỉ dẫn thợ mộc cứ thế làm theo ? Thế nhưng người ta dùng chiếc cân để so sánh với công lý, và nảy mực tàu được ví với cách làm thẳng thắn, khách quan, không thiên, không lệch (có câu Thẳng mực tàu làm đau lòng gỗ là vậy). Hai vế của thành ngữ đều nói về sự thẳng thắn, công bằng, không thiên, không lệch, chứ không phải nói về sự dẫn đường chỉ lối. Cũng nên lưu ý soạn giả: người ta chỉ nảy mực lên mặt gỗ để xẻ (dọc) cho thẳng. Còn "cưa" (ngang) không ai nảy mực làm gì.
Câu lạc bộ (Câu: đều; lạc: vui; bộ: bộ phận - Do từ Anh club phiên âm ra tiếng Trung Quốc.
Đã là từ phiên âm thì nó chỉ làm nhiệm vụ ghi âm chứ không ghi nghĩa.Việc giải nghĩa từng từ như trên là không đúng.
Câu thần.Câu thơ mà thi sĩ cho là có thần linh giúp cho.
Thực ra “câu thần” là câu thơ hay, chứa đựng tinh túy, mang tính “xuất thần” của tác giả trong bài thơ chứ không phải thơ do thần linh làm “giúp cho”.
Cầu kiều. Cầu bắc qua sông để tiện việc đi lại.
Nếu chỉ riêng từ “cầu”, cách giải nghĩa như vậy có thể đúng. Còn “cầu kiều” phải hiểu là loại “thượng gia, hạ kiều” - bên trên là nhà, bên dưới là cầu (tức cầu có mái che bên trên). Loại cầu này không đơn thuần bắc qua sông chỉ để “tiện việc đi lại”. Bởi thế mới có câu ca dao: Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy. Sang ở đây là sang trọng, không phải sang (qua) sông.
Cẩu trệ. (cẩu: chó; trệ: lợn)
Chữ “trệ” nghĩa chính xác là con lợn sề, không phải chỉ lợn nói chung.Vì cặp từ này thường nằm trong câu có hàm ý chửi rủa, khinh bỉ.
Cây thế. Cây uốn thành hình đồ vật hay giống vật để làm cảnh.
Cây thế có thể gọi chung là cây cảnh, nhưng không phải cây cảnh nào cũng được gọi là cây thế.Ví dụ cây uốn tỉa giống con hươu thì đó là cây cảnh hình con hươu chứ không phải thế con hươu. Các nghệ nhân cây thế thường bắt chước dáng dấp của cây cối trong tự nhiên rồi khái quát hóa, điển hình hóa, tạo thành thế cây trong chậu tập trung được những nét đẹp nhất, có tính biểu tượng cao. Ví dụ: thế hoành, thế trực, thế bạt phong, thế thác đổ…Rồi thế quần thụ, song thụ, tam đa,v.v…Mỗi thế cây đều có ẩn ý của nghệ nhân tạo tác. Trong khi đó, cây hình con vật (thường là hươu nai, voi, gà trống, hạc...) và hình đồ vật (thường là hình đỉnh đồng, chùa một cột...) lại trần trụi phô bày...
Cầy. Con chó dùng để ăn thịt: Chén một bữa thịt cầy.
Từ“cầy” không phải “chuyên dùng” để gọi “con chó dùng để làm thịt”. Quan điểm của soạn giả xuất phát từ các tấm biển ở cửa hàng “Cầy tơ” hoặc “Thịt cầy 7 món” chăng ? Thế nhưng, người ta vẫn gọi các món từ“con chó dùng để làm thịt” là dồi chó, chả chó, chứ không gọi là dồi cầy, chả cầy. Thực ra cày (cầy) là cách gọi khác chỉ con chó (bất kể để nuôi hay làm thịt) ở nhiều địa phương. Riêng vùng nông thôn Thanh Hóa như các huyện Quảng Xương, Tĩnh Gia, Nông Cống, người ta gọi con chó là con cày. Mãi đến khoảng vài ba chục năm gần đây, cách gọi con chó mới phổ biến. (Có thể cách gọi này phản ánh dấu vết thuần dưỡng vật nuôi của người Việt).
Chả nướng. Thịt lợn hoặc thịt bò thái thành miếng xỏ vào cái xiên tre rồi nướng trên than.
Nói như vậy có nghĩa món chả không làm bằng “thịt lợn hoặc thịt bò”, mà bằng thịt chó, không “xỏ vào cái xiên tre” mà lại xỏ vào cái xiên sắt để nướng sẽ không được gọi là chả nướng hay sao ? Hoặc thịt lợn không “thái thành miếng” mà băm nát, không “xỏ vào cái xiên tre” mà nặn thành miếng tròn bẹt, kẹp vỉ sắt, nướng trên than hồng cũng không thể gọi là chả nướng ? Lưu ý chả nướng bằng kẹp, bằng vỉ hay bằng xiên; dụng cụ nướng bằng tre hay bằng sắt không làm thay đổi khái niệm chả nướng.
Nhìn chung, tính khái quát khi giải nghĩa từ vựng của soạn giả chưa tốt. Bởi thế, nhiều khái niệm đáng lẽ được giải quyết theo hướng mở, bao hàm hơn, vừa đúng, vừa đủ lại bị soạn giả hạn chế đóng chặt, khép kín bằng những ngôn từ quá cụ thể. Ví dụ ở trường hợp này có thể viết: Chả nướng: thịt thái thành miếng hoặc băm nhỏ, ướp gia vị rồi nướng chín trên than hồng.
Cháy cạnh. Nói thức ăn rán vàng đều: thịt gà cháy cạnh.
“Cháy cạnh” là cách nấu thịt ban đầu rang lên (chứ không phải rán) cho miếng thịt cháy sém vàng phần cạnh, chảy bớt mỡ rồi mới cho mắm muối, gia vị nấu lên. Còn "rán" phải hiểu là dùng mỡ để nấu chín vàng món thức ăn nào đó. Và khi đã “rán vàng đều”phải gọi là vàng ruộm chứ, sao còn được gọi là “cháy cạnh” ? Soạn giả nhầm món thịt rang "cháy cạnh" với thịt quay chăng ?
Chằn chặn. Từ dùng sau từ bằng và từ vuông để tỏ ý tuyệt đối: Đôi đũa bằng chằn chặn; Cái bàn vuông chằn chặn.
Không hẳn chỉ đứng sau từ bằng và từ vuông. Vậy đều chằn chặn thì sao ? Mặt khác lấy ví dụ “Cái bàn vuông chằn chặn” là chưa chính xác.Vì từ “chằn chặn” ý chỉ những vật gì đó có cùng hình dáng, kích thước, khi đặt cạnh nhau thì thấy bằng, đều, chằn chặn.
Chắn bùn. Bộ phận đặt trên bánh xe để ngăn bùn bắn lên.
Nếu“đặt trên bánh xe” thì lúc xe chuyển bánh nó sẽ bị văng đi mất. Nói chính xác là: bộ phận ôm vòng, che phía nửa trên bánh xe để ngăn bùn, đất bắn lên khi xe chuyển động.
Châm biếm (châm: chọc bằng kim; biếm: đá để lể) Chế giễu một cách hóm hỉnh.
Chữ “biếm” mà giải nghĩa là“đá để lể’ thì ai biết nó là cái gì ? Cần viết rõ hơn: biếm: cái kim bằng đá, phép chữa bệnh ngày xưa dùng để lể, hoặc châm cứu. Châm biếm vốn là một phép chữa bệnh,. Về sau, từ “châm biếm” không chỉ cách chữa bệnh theo nghĩa đen mà là chữa những căn bệnh vô hình, những thói hư tật xấu trên đời. Như thế, “châm biếm” không đơn giản là“chế giễu một cách hóm hỉnh” mà là đấu tranh, phê phán những hiện tượng tiêu cực, thói hư tật xấu một cách sâu cay, khiến cho đối tượng thấy “đau” mà phải sửa chữa.
Chè liên tử dt Chè khi pha thì nước có màu vàng nhạt.
Chè ô long dt Chè khi pha thì nước có màu hung.
Rất khó để phân biệt rõ ràng giữa “mầu hung” và mầu “vàng nhạt” của chén nước chè.Mỗi một loại chè, (đặc biệt là loại ngon quý) thường có rất nhiều đặc trưng để giới thiệu: ví dụ xuất xứ, cách chế biến, hình dạng, màu sắc cánh trà, hương vị, màu nước khi pha…Giải nghĩa hai loại chè như cách của soạn giả khác nào đánh đố ?
Chỉ đâu đánh đấy (theo câu Thiên lôi chỉ đâu đánh đấy) Cấp trên giao cho nhiệm vụ gì thì quyết thực hành đúng:Tin vào cấp trên sáng suốt nên chỉ đâu đánh đấy.
Câu thành ngữ này chê kiểu hành động, việc làm thiếu sáng tạo lại được GS giải thích và dùng với nghĩa tích cực.
Chỉ thống (chỉ: ngăn cản; thống: đau) Làm cho khỏi đau.
Thực ra “chỉ” ở đây nghĩa là dừng lại chứ không phải “ngăn cản”.
Chiền chiện Loài chim nhỏ màu vàng hay hót.
Chim chiền chiện hót hay chứ không phải "hay hót", có màu lông xám nâu chứ không phải "mầu vàng". Soạn giả nhầm “chiền chiện” với giống chim yến có tên hoàng yến chăng ? Bách khoa toàn thư mở Wikipedia cho biết, chiền chiện "thuộc bộ Sẻ chứa khoảng 110 loài, chim tựa như chim chích (...) với bộ lông màu nâu-xám hay xám...Thông thường rất khó nhìn thấy chúng và do nhiều loài có bề ngoài khá giống nhau nên tiếng hót của chúng có lẽ là chỉ dẫn nhận dạng tốt nhất". Tình trạng "nhìn gà hóa cuốc" xuất hiện khá nhiều trong từ điển của GS mỗi khi nhận diện các đồ vật, sinh vật.
Chiết tự (chiết: bẻ; tự; chữ) Chia chữ Hán ra từng bộ phận nhỏ rồi căn cứ vào đó mà đoán tương lai: Tin vào cách chiết tự là mê tín.
Chữ Hán, đặc biệt là những chữ được tạo nên bởi phép chỉ sự, hội ý, hình thanh, do hai hoặc nhiều chữ (bộ) ghép lại mà thành. Do đó, khi “chiết” thì chia, tách riêng rẽ từng chữ ra. Không phải chia “ra từng bộ phận nhỏ”.Mặt khác, không dứt khoát “chiết” phải là chia ra. Có cả cách “chiết” là ghép thêm vào, hoặc bớt bộ này, rồi lại thay bộ kia vào để tạo ra một tự dạng mới, một nghĩa mới. Ví dụ bài thơ “Chiết tự” của Hồ Chí Minh: Bài thơ này còn có nghĩa đen như sau: chữ tù (囚) bỏ chữ nhân (人), cho chữ hoặc (或) vào, thành chữ quốc (國) - Tù nhân xuất khứ hoặc vi quốc. Chữ hoạn (患) bớt phần trên đi thành chữ trung (忠). Họan quá hoàn đầu thủy kiến trung.Thêm bộ nhân (人) đứng vào chữ ưu (憂) trong “ưu sầu” thành chữ ưu (優) trong “ưu điểm” - Nhân hữu ưu sầu ưu điểm đại. Chữ lung (籠) bỏ bộ trúc đầu (竹) thành chữ long (龍) - Lung khai trúc sản xuất chân long.
Chiết tự là cách chơi chữ độc đáo, tao nhã của người xưa, thể hiện sự uyên thâm chữ nghĩa. Chiết tự có khi để đoán vận mệnh, nhưng cũng nói lên chí khí của người chơi chữ. Người Việt xưa còn dùng cách chiết tự bằng ca dao để ghi nhớ chữ Hán rất độc đáo.Ví dụ: Con gái mà đứng éo le,Chồng con chưa có kè kè mang thai. Ở đây chiết tự chữ thủy 始. Chữ thủy 始 do chữ nữ 女 làm thiên bàng, đứng chếch (éo le) bên cạnh chữ thai 台.Chữ thai 台 có nghĩa là đài trạm, sao thai, chơi chữ đồng âm nôm thành là thai nghén, có chửa.
GS Nguyễn Lân lấy ví dụ “Tin vào cách chiết tự là mê tín” dễ khiến người sử dụng từ điển hiểu sai về ý nghĩa của chiết tự.
Chiêu dân lập ấp (lập: làm nên; ấp: nơi tập trung người lao động). Mộ dân đến một nơi để họ cùng lao động.
Sai ! Ấp không phải "nơi tập trung người lao động" mà là một đơn vị, một tổ chức cộng đồng ăn ở và lao động sản xuất. “Chiêu dân lập ấp” là cách tập hợp, tổ chức cho dân ly tán, dân nghèo không có đất sản xuất đến khai hoang, lập ấp, sinh sống. Giải nghĩa như GS Nguyễn Lân thì ấp đồng nghĩa với trại tập trung lao động mất rồi !
Chiêu mộ1 (Chiêu: sáng; mộ buổi chiều) sáng và chiều: Ba hồi chiêu mộ chuông gầm sóng (HXHương).
Viết sai chính tả “triêu” thành “chiêu”. Chữ “triêu” (朝) mới có nghĩa là buổi sáng. Còn “chiêu” (招) lại có nghĩa là vời, vẫy, tuyển mộ. Chiêu (招) mới chính là chữ có nghĩa như GS đã giảng trong mục Chiêu mộ2 (Chiêu: vời tới; mộ: cầu tìm).Tuy nhiên, việc đặt chiêu mộ1 và chiêu mộ2 là sai.Vì cách trình bày này chỉ đúng khi cả triêu và mộ đều là những cặp từ cùng tự dạng, đồng âm nhưng dị nghĩa. Cuối cùng và tất nhiên, phải trả lại cho câu thơ của Hồ Xuân Hương là "Ba hồi triêu mộ..."
Chim én Loài chim nhỏ, đuôi chẻ đôi, cánh dài, bay nhanh.
Chưa chưa đúng và chưa đủ. Chưa đúng: Đuôi chim én không “chẻ đôi” mà là chẻ hình chữ V, không phải “bay nhanh” mà bay chấp chới (dáng bay rất đặc trưng do chúng có tập tính vừa bay vừa bắt côn trùng, liệng đi, liệng lại như thoi đưa). Chưa đủ: Thiếu thông tin quan trọng: loài chim thường được gắn với hình tượng mùa xuân.(Ngày xuân con én đưa thoi-Kiều)
Chim ưng Loài chim lớn, rất khỏe.
Chưa nêu được đặc điểm của chim ưng. Chim ưng là loài chim dữ, săn mồi, móng sắc, mỏ khoằm, mắt sáng và tinh, có khi được thuần dưỡng để đi săn.
Chĩnh Đồ gốm nhỏ hơn vại và dài.
Ở đây, GS Nguyễn Lân đã vận dụng phương pháp của người làm từ điển là dùng cái đã biết để định nghĩa, hình dung cái chưa biết. Cụ thể ở đây: dùng cái vại để giúp độc giả hình dung ra cái chĩnh. Thế nhưng hình như soạn giả lại chưa nhìn thấy cái vại bao giờ. Hoặc nhìn thấy cái chum nhưng lại đinh ninh đó là cái vại. Thực tế cái chĩnh có hình dáng gần giống cái chum chứ không phải giống cái vại. Cổ chĩnh thắt lại nhiều hơn và cao hơn cổ chum. Còn cái vại thì thành đứng, đáy và miệng có kích thước bằng từ trên xuống dưới. (Thế nên mới có câu Cháy nhà hàng phố bình (bằng) chân như vại là vậy). Ở mục từ vại, chính Giáo sư đã giải nghĩa: “Đồ dùng bằng sành, hình trụ”. Có thể GS Nguyễn Lân đã tham khảo cuốn Việt Nam tự điển“Chĩnh: thứ đồ gốm nhỏ hơn cái vại mà dài. Chĩnh gạo, chĩnh tương” và bê nguyên cái sai của Hội Khai Trí Tiến Đức sang chăng ? Việc tham khảo, kế thừa trong các công trình từ điển là điều thường thấy. Tuy nhiên, tham khảo, kế thừa của người đi trước để tạo ra lợi thế đúng hơn, đủ hơn chứ không phải lập lại cái sai, cái hạn chế của người đi trước. Cũng lưu ý thêm: Dù vại hay chĩnh thì chiều đứng của nó phải được gọi là cao, không ai nói là “dài” (trừ trường hợp các đồ vật chĩnh, vại này sinh ra để sử dụng ở tư thế...nằm ngang !).
Cho chữ Viết giấy cho vợ đi lấy chồng khác (cũ):không khuyên được vợ, anh ấy đành cho chữ.
Ta có thể tạm chấp nhận khái niệm“cho chữ” rất lạ này của GS Nguyễn Lân. Bởi có thể nó là từ địa phương hoặc là từ “cũ” như GS mở ngoặc. Tuy nhiên, soạn giả chỉ đưa ra một nghĩa duy nhất của từ “cho chữ” khiến người sử dụng từ điển (đặc biệt là thế hệ trẻ) có thể lầm tưởng ông đồ “cho chữ” cũng có nghĩa là “viết giấy cho vợ đi lấy chồng khác” (!)
Chó Loài động vật có vú, có bốn chân, thuộc loại ăn thịt, thường nuôi để giữ nhà hay để đi săn.
Chúng ta thường thấy cách mô tả các sự vật hiện tượng của GS Nguyễn Lân rất sơ sài: ví dụ chim cắt là “loài chim bay rất nhanh”; chích chòe là “loài chim nhỏ hay kêu chiêm chiếp” hoặc cây xoan (sầu đông) chỉ vẻn vẹn có 5 chữ “một thứ cây có quả”. Thế nhưng, trong trường hợp này cách mô tả con chó “có bốn chân” lại kỹ lưỡng và số học quá. Dường như nó phù hợp với bài tập làm văn “con bò nhà em có bốn cái chân, một cái đuôi…” của trẻ con hơn là cách mô tả của từ điển.
Cho vay Chuyển tiền hay thóc của mình cho người khác dùng trong một thời gian và đòi phải trả lãi.
Thực ra trong ngôn ngữ hàng ngày, chúng ta vẫn nói đi vay gạo về nấu mà không nói đi mượn gạo. Hoặc nói vay tiền của nhau với nghĩa chỉ phải hoàn trả bằng giá trị tương đương đấy thôi ? Thế nên trong phần lời giới thiệu băng nhạc “Chế Linh Tình bơ vơ” (còn gọi Chế Linh 18 ca khúc) mới có đoạn: “...Tình bơ vơ, một nhạc phẩm của nhạc sĩ Lam Phương được vay làm chủ đề”. Từ vay ở đây là vay mượn, vay đồng nghĩa mượn. Như thế, nội dung giải thích của GS Nguyễn Lân chỉ đúng khi đó là cụm từ cho vay lấy lãi chứ không phải hai từ “cho vay” đơn thuần.
Chó dái. Người đàn ông hay đi lang thang, mất thì giờ vô ích.Vợ thì làm quần quật suốt cả ngày mà anh chồng thì như con chó dái.
Hai chữ “chó dái” chỉ có thể hiểu là con chó đực, hoặc câu chửi (đồ) chó dái mà thôi. Nội dung mà GS giảng phải là nghĩa của cả câu thành ngữ Chạy như chó dái.
Chó má Chó nói chung:Nuôi chó má để giữ nhà.
Giải nghĩa từ như vậy có thể tạm chấp nhận. Nhưng hướng dẫn cách dùng từ lại rất "khó nghe". Người Việt Nam chỉ dùng từ chó má một khi muốn truyền đi một thông điệp xấu đối với chính con chó hoặc ám chỉ một kẻ xấu nào đó, ví dụ “Đồ chó má”. Bởi thế, thường nói nuôi chó để giữ nhà chứ không nói “nuôi chó má để giữ nhà”.
Choe choét Nói tiếng cười không nghiêm chỉnh:Mấy cô thiếu nữ cười đùa choe choét.
Người ta không dùng từ “choe choét” để ví với tiếng cười của bất cứ ai, ở bất cứ cấp độ nào. GS nhầm với kiểu cười toe toét chăng ? Nhưng toe toét lại phải hiểu là kiểu cười vô duyên. Cũng không có khái niệm cười nghiêm chỉnh hay cười không nghiêm chỉnh. Đã cười thì sao còn gọi là nghiêm chỉnh nữa ? Cười là một động thái thể hiện cảm xúc, thái độ của con người. Thế nên người ta nói rằng có tới 36 điệu cười. Con số mang tính ước lệ này phản ánh trạng thái và âm điệu của tiếng cười là vô cùng phong phú. Tuy nhiên trạng thái của tiếng cười cũng rất cụ thể: cười giòn, cười ruồi, cười đáng ghét (khả ố), cười đáng yêu, cười buồn, cười tươi, cười ra nước mắt, cười đau bụng, cười ha hả, cười hì hì, cười không thành tiếng hay cười khó hiểu...
Chôn chặt. Để sâu vào trong đất:Chôn chặt văn chương ba thước đất (HX Hương)
“Để sâu vào trong đất” mà không lấp đất lại thì sao được gọi là chôn ? Như thế gọi là "để" dưới hố sâu thì đúng hơn. Huống gì ở đây là “chôn chặt” cơ mà ? Từ điển cần chính xác đầy đủ: Chôn chặt = chôn sâu và lèn chặt. Ngoài ra từ “chôn chặt” còn được hiểu theo nghĩa bóng “chôn chặt trong lòng” với ý giấu kín, không bao giờ để lộ.
Chôn đứng dựng ngược.
Chôn sấp, liệm ngửa. Như chôn đứng dựng ngược, nhưng có nghĩa mạnh hơn. Kẻ ác đã chôn sấp, liệm ngửa việc ấy hòng làm mất uy tín của ông ấy.
Hai câu này không thể đồng nghĩa với nhau. Vì câu đầu có nghĩa là vu oan, bịa chuyện một cách trắng trợn cho ai đó. Còn câu thứ hai lại có nghĩa là chôn vội, chôn vàng một thi thể nào đó.
Chồng ăn chả, vợ ăn nem Nói cặp vợ chồng không hòa thuận, mỗi người chỉ nghĩ đến lợi ích riêng của mình.
Chưa chính xác. Dân gian không có ý nói chung chung như vậy. Đây còn ám chỉ cả tình trạng hai vợ chồng đều ngoại tình, vụng trộm, đi theo sở thích của mình. Chả và nem là hai món ăn đều khoái khẩu. Tục ngữ có câu: Chồng ăn chả, vợ ăn nem, Đứa ở có thèm mua lấy mà ăn.
Chơi gái. Có quan hệ sinh lý với phụ nữ (thông tục): Hắn có học hành gì đâu, chỉ nghĩ đến chuyện chơi gái mà thôi.
“Gái” ở đây không thể hiểu là “phụ nữ” nói chung mà là hạng gái điếm, kỹ nữ (mà gần đây còn gọi bớp, ca ve, gái gọi, gái bao, v.v...) Còn “quan hệ sinh lý” là nói nhu cầu chính đáng của đời sống tình dục và hàm chứa hoạt động duy trì nòi giống của con người, trong khi từ “chơi gái” lại nói về kiểu chơi bời trác táng, thiên về trải nghiệm nhục dục, thỏa mãn xác thịt, không được xem là hoạt động tình dục có ý thức của con người. Kẻ đi “chơi gái” thì phải có “gái chơi”. Thế nên, gái điếm, kỹ nữ còn được gọi là “gái làng chơi” là vậy.
Chu niên (H chu: đầy đủ; niên: năm) Đủ số năm đã qua:Kỷ niệm đệ ngũ chu niên ngày giải phóng.
Chủ tịch (H. chủ: đứng đầu; tịch: chiếu, chỗ ngồi)
Tịch ở đây phải hiểu là chức vụ.“Ngày xưa giải chiếu để làm việc nên gọi chức vụ là tịch, như hình tịch 刑席, người bàn giúp về việc hình danh” (Thiều Chửu). Giải nghĩa như GS Nguyễn Lân hoá ra “chủ tịch” là đứng đầu chiếu” hay “chỗ ngồi” hay sao ?
Chùa. Nơi dựng lên để thờ Phật.
Chưa đủ nghĩa. Chùa còn là nơi tu hành của người xuất gia, nơi sinh hoạt tín ngưỡng của cộng đồng...
Chung kiếp (chung: cuối cùng; kiếp: thời vận) Cuối đời: đến chung kiếp vẫn còn giữ tròn được nhân phẩm.
GS phát âm sai dẫn đến viết sai chính tả và đưa ra một kết hợp từ hoàn toàn xa lạ và mâu thuẫn. Nếu "kiếp" = "thời vận" như cách giảng của soạn giả thì "chung kiếp" phải hiểu là thời vận cuối cùng, sao lại có nghĩa là "cuối đời" ? Mặt khác, chỉ có khái niệm trung kiếp (中劫), không có “chung kiếp”.“Kiếp” ở đây không phải là "thời vận" mà là số kiếp, đời kiếp, tiếng Phạm là kiếp ba (劫 波). “Tính từ lúc người ta thọ được 84. 000 tuổi, trải qua một trăm năm, lại giảm đi một tuổi, giảm mãi cho đến lúc chỉ còn thọ được có mười tuổi, rồi cứ một trăm năm tăng thêm một tuổi, tăng cho đến 84.000 tuổi, trong một thời gian tăng giảm như thế gọi là một tiểu kiếp小劫. Hai mươi lần tăng giảm như thế gọi là trung kiếp中劫. Trải qua bốn trung kiếp thành, trụ, hoại, không là một đại kiếp大劫 (tức là 80 tiểu kiếp)” (T.Chửu) Theo Phật học từ điển (Đoàn Trung còn): "Trung kiếp: Thường thì kêu kiếp, tức là trung kiếp (kiếp vừa vừa). Một trung kiếp có 20 tiểu kiếp, tính ra có 336.000.000 năm".
Chung lưng đấu cật (Cật là chỗ thắt lưng)
Cật là toàn bộ phía sau lưng chứ không phải là "thắt lưng". Đại nam quấc âm tự vị giải nghĩa đúng: "Cật: lưng (...) sấp cật: sấp lưng"
Chung sống hòa bình Nói các nước có chế đội khác nhau nhưng vẫn có quan hệ bình thường với nhau, không gây chiến tranh.
Không chỉ “nói các nước” mà còn có thể nói các phe phái, tôn giáo cộng đồng dân tộc nào đó trong một nước.
Chung thân (chung: trọn vẹn; thân: thân mình) Suốt đời.
Chữ thân (身)có nhiều nghĩa như: thân mình, bản thân, gốc cây, tuổi, đời... Ở đây, thân không phải là “thân mình” mà là đời. "Chung thân" là hết đời, như “tiền thân 前身 đời trước” (Hán Việt tự điển-Thiều Chửu).
Chuối ngự Thứ chuối quả nhỏ, thịt rắn và thơm.
Từ "rắn" trong “thịt rắn” phải thay bằng chắc (thịt chắc, không nhão). Chuối mà “rắn” (cứng) thì còn gì gọi là chuối.Từ“thơm” nên đi đôi với “ngon” = thơm ngon. Vì thơm nhưng chưa chắc đã ngon. Đây đang nói về giống chuối tiến vua (chuối ngự) thơm ngon nổi tiếng cơ mà ?
Chuồng. Chỗ che kín giành cho việc nuôi súc vật.
Chuồng trại Chỗ nhốt các giống vật: Chuồng trại trong vườn bách thú.
Có sự bất hợp lý trong cách giải nghĩa hai mục từ "chuồng" và "chuồng trại". Nghĩa mà soạn giả giải về từ "chuồng trại" dường như chính xác hơn khi áp dụng cho từ "chuồng". Vì chỉ có chuồng mới có thể hiểu là “nhốt các giống vật”. Còn “chuồng trại” không phải nơi“nhốt” mà là nuôi nhốt và quản lý gia súc, gia cầm. "Trại" ở đây được hiểu là hệ thống hàng rào lớp ngoài để quản lý vật nuôi. Còn "chuồng" lại là hình thức xây dựng có mái che, cửa ra vào để nhốt hoặc nuôi nhốt vật nuôi. Như thế chuồng trại phải được hiểu là nơi quản lý và nuôi nhốt các giống vật nuôi, không phải "chỗ nhốt các giống vật".
Từ điển phải chính xác, không thể đại khái như vậy.
Chuyên canh Chỉ trồng một cây trong một thời gian: Vùng ấy chuyên canh lúa.
"Chuyên canh" là chỉ chuyên trồng một loại cây trên chân đất nào đó.Ví dụ vùng chuyên canh mía thì ngoài mía ra không trồng một cây nào khác. Nếu trồng một loại cây“trong một thời gian”, rồi chuyển sang cây khác thì gọi là luân canh chứ sao gọi là chuyên canh được ?
Chuyên đề (đề: đưa ra)
Nhầm lẫn. Chữ đề trong chuyên đề (專題)là đề mục, luận đề chứ không phải đề nghĩa là “đưa ra”. Chữ đề này có bộ hiệt (頁) tự dạng là (題-đề). Còn chữ đề nghĩa là “đưa ra” có bộ thủ (扌) tự dạng là (提).
Chuyên gia (gia: nhà)
Không đúng ! Mặc dù đều có tự dạng là 家,nhưng chữ gia trong chuyên gia lại không có nghĩa là nhà. Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải nghĩa thứ 4 của chữ gia: “Có cái học vấn giỏi riêng về một môn gọi là gia. Như văn học gia 文學家, nhà văn học, chính trị gia 政治家 nhà chính trị, v.v...” Như vậy “gia” ở đây được hiểu là người (có học vấn, tài năng chuyên sâu).
Chuyên san (san: in ra)
Đúng là từ “san” có một nghĩa là khắc in, như san thạch = khắc chữ vào đá, san ấn = in. Nhưng san trong “chuyên san” lại có nghĩa là một loại báo chí xuất bản theo định kỳ như tuần san, bán nguyệt san...
Chuồng xí Nơi kín đáo dành cho việc đại tiện.
Thực ra“chuồng xí” là chỗ được làm đơn giản để đại tiểu tiện. Còn việc kín đáo, hay không kín đáo, hoặc kín đáo tới mức nào nó vẫn được gọi là chuồng xí. Chính cách gọi chuồng xí, chuồng tiêu, hố xí, hố tiêu, cầu tiêu phản ánh mức độ thô sơ của “công trình” này ở thôn quê ngày trước. Đến mức đôi khi nó lộ thiên hoàn toàn và chỉ là cái hố, vài khúc cây bắc qua để "ngồi" và được quây bằng mấy cái lá dừa cho phải phép. Nếu viết “nơi kín đáo giành cho việc đại tiện” dễ khiến người ta lầm tưởng nó đồng nghĩa với nhà xí, nhà tiêu, nhà vệ sinh, thậm chí là cái toilette trong công trình khép kín - những hình thức tiến bộ và cao hơn “chuồng xí” nhiều.
Chuyển khẩu (...) Sang nước khác:nhiều người Việt Nam đã chuyển khẩu từ Pháp về nước.
Thật khó tin cách giải nghĩa sai hoàn toàn này lại nằm trong một cuốn từ điển có tên Từ điển từ và ngữ Việt Nam . Thứ nhất, ta vẫn nói chuyển khẩu từ địa bàn này sang địa bàn khác, từ tỉnh này này sang tỉnh khác mà không cần phải “sang nước khác” mới gọi là “chuyển khẩu”. Thứ hai, nhập khẩu hay chuyển khẩu là cách quản lý hành chính nội địa của riêng Việt Nam, chỉ áp dụng trên lãnh thổ Việt Nam.Theo Bách khoa toàn thư mở: “Hệ thống hộ khẩu hiện nay chỉ tồn tại ở 3 nước: Trung Quốc, Bắc Triều Tiên và Việt Nam”. Tuy nhiên cách quản lý, các chế độ liên quan đến hộ khẩu của mỗi nước khác nhau. Nếu có việc đi lại trong phạm vi ba nước nói trên cũng không thể gọi là chuyển khẩu được.Việc “đi sang nước khác” được gọi là xuất cảnh,nhập cảnh, và phải đáp ứng một số thủ tục hải quan theo quy định giữa hai nhà nước (cảnh đây có nghĩa là biên giới, bờ cõi). Ví dụ của GS “nhiều người Việt Nam đã chuyển khẩu từ Pháp về nước” có lẽ ý chỉ Việt kiều Pháp hồi hương và sinh sống lâu dài chăng ? Để làm được việc này, Việt kiều sẽ thực hiện một số thủ tục theo quy định của pháp luật Việt Nam . Nhưng dứt khoát không thể gọi là “chuyển khẩu”.
Chuyển khoản (khoản: từng mục chi tiêu)
Không có chuyện chi tiêu hay hạng mục gì ở đây. “Khoản” đơn giản là số tiền, khoản tiền gửi qua bưu điện hoặc ngân hàng...mà thôi. Hán Việt tự điển của Trần Văn Chánh giải nghĩa thứ 2 của “khoản”: “Khoản tiền: 匯款 (hối khoản - H.T.C chú thích) Khoản tiền gởi qua bưu điện hoặc ngân hàng...”
Chữ đinh (chữ Hán có nét ngang và nét sổ dọc)
Cách mô tả trên đích thị là chữ T in hoa chứ không phải chữ "đinh".Vì chữ đinh 丁gồm nét ngang và sổ móc chứ không phải “sổ dọc”.
Chữ triện Lối viết chữ Hán dùng để khắc dấu, khắc ấn, khắc tên hiệu.
Triện thư (篆書), hay chữ triện, là một kiểu chữ cổ của thư pháp Trung Hoa, có nguồn gốc từ chữ giáp cốt thời nhà Chu, sau trở thành chữ viết chính thức dưới thời nhà Tần và tiếp tục được sử dụng rộng rãi để khắc trên trán bia, viết hoành phi, câu đối, các tác phẩm thư pháp, khắc ấn tín qua nhiều triều đại phong kiến Trung Quốc. Ở nước ta, chữ triện cũng được thấy sử dụng để viết tên sách, tên bia, viết hoành phi, câu đối xưa kia. Đến nay, do chữ triện khó đọc nên nó chủ yếu được dùng để khắc con dấu, thể hiện thư pháp hay trang trí bao bì, tem nhãn, đề từ cho các bức thư họa...Cách giải nghĩa như GS Nguyễn Lân có thể khiến người dùng từ điển lầm tưởng, chữ triện sinh ra chỉ có mỗi tác dụng “để khắc dấu, khắc ấn, khắc tên hiệu”.Vậy mục từ chữ triện có thể được giảng: Lối viết chữ Hán cổ, khó đọc, khó viết, có nguồn gốc từ chữ giáp cốt thời nhà Chu, là văn tự chính thức thời nhà Tần, hiện nay dùng để khắc ấn triện, thể hiện thư pháp hay đề từ cho các bức thư họa là chính.
- Chức vị (vị: đơn vị) Đơn vị phù hợp với chức vụ.
“Chức vị” có phải phép tính hay số đếm đâu mà dùng đến khái niệm “đơn vị” ? Hán Việt tự điển của Thiều Chửu giải nghĩa chữ “vị” trong chức vị là: “Ngôi, cái chỗ ngồi của mình được ở gọi là vị, như địa vị 地位, tước vị 爵位, v.v”.
- Con én đưa thoi (Cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn)
Soạn giả giải thích ngược. Đúng ra là con én bay qua, bay lại giống như cái thoi khung dệt mới phải.
- Cộng hòa tư sản (sản: sinh ra)
“Sản” đây là tài sản mới đúng.
- Cu gáy dt Chim cu hay gáy.
Giải nghĩa như vậy, cu gáy không được hiểu là tên một loài chim (danh từ) mà nó chỉ có nghĩa là con chim cu nó hay gáy (động từ). Cu gáy là loài chim hoang dã, nhỏ hơn bồ câu, lông xám nâu, cổ có nhiều cườm trắng, con trống có tiếng gáy rất hay, thường được nuôi làm cảnh.
- Cùi dừa Bộ phận của quả dừa ở dưới vỏ cứng, màu trắng, ăn giòn.
Quả dừa hình tròn, cấu tạo nhiều lớp: vỏ ngoài cùng, sau đến lớp xơ, đến gáo và cùi dừa, nên phải dùng khái niệm bên trong và bên ngoài, tại sao GS nói "ở dưới" ? Từ điển Tiếng Việt - Hoàng Phê không có mục từ riêng cho "cùi dừa". Tuy nhiên, mục "cùi" nghĩa 2 được dùng với khái niệm bên trong, bên ngoài: "cùi: phần dày bên trong vỏ của một số quả. cùi dừa". Trở lại với "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" của GS Nguyễn Lân. Nếu có riêng mục "cùi dừa", chúng tôi đề xuất giải nghĩa: Cùi dừa: miền Nam còn gọi là cơm dừa, màu trắng, nằm ở bên trong gáo dừa, dùng ăn tươi hoặc ép dầu, chế biến thực phẩm.
Củi tạ Củi bằng những thanh gỗ dài gần bằng nhau bán từng tạ.
Thực ra, "củi tạ" là loại củi không bán theo bó mà bán theo khối lượng. Do đó “củi tạ” có thể là một đống hỗn độn gồm các thân gỗ to nhỏ, dài ngắn khác nhau được cân lên bán. Những thân gỗ, cành cây “dài gần bằng nhau” đó là nguyên liệu làm ra củi bó chứ không phải củi tạ.
Cung cầu (cung: cấp cho; cầu: hỏi xin)
Chữ "Cung" ở đây là cung cấp. “Cầu” ở đây nghĩa là nhu cầu chứ không phải “hỏi xin”. Nếu có nhu cầu thì phải đi mua tại nơi cung cấp, còn “hỏi xin” thì lấy đâu ra để “cấp cho” ? !
Cung cúc Nói đi lùi lũi và nhanh.
Nghĩa riêng biệt của hai từ trên: "cung": cung kính tỏ thái độ ra ngoài; cúc: cong, khom. "Cung cúc" không phải chỉ mình dáng đi, mà là đi hoặc làm việc gì một cách ngoan ngoãn, tỏ thái độ khép nép, phục tùng tuyệt đối.
Cùng khổ (cùng: khốn khổ; khổ: khổ sở)
Thực ra “cùng” ở đây có nghĩa là cùng cực, đỉnh điểm, “cùng khổ” là khổ đến mức tột cùng, khổ quá.
Cử tọa (cử: cất lên; tọa: ngồi) Tất cả những người dự một buổi họp:Lời tuyên bố đó khiến cử tọa vỗ tay như pháo nổ.
Ở đây Giáo sư giảng sai nghĩa của cả hai từ "cử" và "tọa". Cho dù đều có tự dạng là 舉, nhưng chữ “cử” trong cử tọa nghĩa là hết thảy, tất cả chứ không phải là “cất lên”. Ví như cử quốc = cả nước (Hán Việt tự điển - Thiều Chửu) Hán Việt tự điển-Trần Văn Chánh giải nghĩa chữ "cử": "Cả, khắp, tất cả đều, mọi, hết thảy mọi người: 舉座 Tất cả những người dự họp; 舉國歡騰 Khắp nước tưng bừng". Thứ hai, chữ "tọa" (座) đây là chỗ ngồi chứ không phải chữ "tọa" (坐) là "ngồi".
Cưa tay Cưa nhỏ một tay có thể sử dụng được.
Thực ra "cưa tay" có nghĩa là cưa thủ công, trái với cưa máy. Còn cưa một tay hay hai tay, hai người hay một người tham gia cưa đều là cưa tay cả.
Cước sắc (cước: cuối cùng; sắc: lệnh vua). Phẩm hàm (cũ) Người có cước sắc ở trong làng.
Sai ! Cước sắc (腳色) có nghĩa là “Nhân vật, vai (trong tuồng kịch, phim ảnh)” (Hán Việt tự điển-Trần Văn Chánh). Soạn giả nhầm với từ chức sắc chăng ?
Cười đứt ruột Cười nhiều quá, không thể nhịn được.
Cười rũ ra, cười bò ra cũng có thể gọi là "cười nhiều quá, không thể nhịn được" chứ ? Chính xác "cười đứt ruột" phải được giảng là: cười đến mức đau cả bụng, ruột thắt lại từng cơn, tưởng có thể “đứt” ruột đi được.
Cương vị (Cương: sườn núi, vị: ngôi thứ).
Giải nghĩa mà như không giải gì. Thực ra “vị” đây là vị trí chứ không phải "ngôi thứ". Thiều Chửu giảng nghĩa ban đầu của “cương vị”: “Chỗ đội xếp đứng gác gọi là cương vị”.
Cương vực. (Cương: đường biên giới; vực: khu vực).
Chữ “vực” đây là bờ cõi, đất đai, lãnh thổ mới chính xác.
Cướp vợ. Dùng mưu mô hoặc sức mạnh để ép vợ người khác lấy mình.
Không phải ép mà là chiếm đoạt. Mặt khác “cướp vợ” còn chỉ phong tục của một vài dân tộc thiểu số, tổ chức cướp cô gái (chưa chồng) mà mình ưng ý về làm vợ.
Cừu địch (cừu: thù hằn; địch: chống cự).
Đúng ra “địch” ở đây cũng có nghĩa là kẻ thù, kẻ địch.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét