20 thg 5, 2023

Lỗi của "Vua tiếng Việt" (1): "chậm chễ"

 

Câu hỏi và đáp án của Vua tiếng Việt
Ảnh chụp màn hình
   HOÀNG TUẤN CÔNG

Sau khi đăng bài “Xe chỉ hay se chỉ…”, bác Nguyễn Phước Hải (Canada) có một bình luận kèm theo bức ảnh chụp màn hình chương trình Vua tiếng Việt. Theo đây, với câu hỏi chính tả “Trậm trễ” hay “chậm chễ”, câu trả lời của người chơi là “chậm chễ”. Đây cũng chính là đáp án của Vua tiếng Việt (VTV).

Tôi nghi là bức ảnh chế, nên xin bác link gốc của VTV. Và, thật bất ngờ! VTV hướng dẫn người ta viết là “chậm chễ” thật!

Có thể nói là những người làm VTV đã sai ngay từ câu hỏi. Trong tiếng Việt không có từ nào viết là “trậm trễ” hay “chậm chễ”, mà chỉ có từ CHẬM TRỄ.

Chậm trễ là từ ghép đẳng lập, trong đó:

- CHẬM nghĩa là muộn, trễ (so với yêu cầu hoặc thời hạn quy định), như “đến chậm nên tàu chạy mất rồi”, “đi chậm 30 phút”;

- TRỄ cũng có nghĩa là chậm, muộn. Ví dụ: “trễ hẹn đến cả tiếng đồng hồ”, “tàu lại về trễ rồi”,…

Như vậy, nghĩa đẳng lập của “chậm” và “trễ” rất rõ ràng. Thế nhưng VTV lại biến “trễ” thành “chễ” một cách rất vô nghĩa.

Cũng nên nói kĩ về từ TRỄ một chút.

TRỄ trong “chậm trễ” gốc Hán do chữ trệ , nghĩa là bất động, dừng lại, không tiến hành nữa (nguyên văn trong Hán ngữ đại từ điển: tĩnh chỉ; đình chỉ - 靜止; 停止). Chữ trệ này chính là trệ trong trì trệ, trệ khí, đình trệ,…

Như vậy, những người làm đề cương, kịch bản, cố vấn của chương trình… đã không hiểu gì về chính cái từ mà mình đưa ra để thử thách người chơi. Điều này cho thấy ê kíp của chương trình (VTV. Mùa 2 - Tập 28) không chỉ chủ quan, kém, dốt, mà còn rất cẩu thả, huy động kiến thức theo trí nhớ. Theo đây, nếu nghiêm túc, người ta hoàn toàn có thể dùng từ điển để tra cứu, đặng bù lấp vào sự thiếu hụt về tiếng mẹ đẻ.

Tiếc thay, Vua tiếng Việt cũng có một cuốn từ điển tiếng Việt dày cộp, nhưng lại trao cho Nghệ sĩ hài Xuân Bắc. Vị này ôm khư khư trong lòng, không phải để tra cứu, mà là làm…đạo cụ!

                                                                         HTC/23/4/2023


Link (Phút 14:33, phần chơi của Đỗ Văn Tăng - Vua Tiếng Việt, Mùa 2 - Tập 28. Ngày 14/4/2023): 

https://www.youtube.com/watch?v=VonbvoYaYiM


 

4 nhận xét:

  1. Tôi rất thích cái cach lập luận của TCTP: ngắn gọn, chặt chẽ và đầy tính thuyết phục. Nghe rất sướng.
    Cám ơn TCTP

    Trả lờiXóa
  2. Thật sự ngạc nhiên. Nhưng nghĩ kỹ, thì cũng không bất ngờ.
    Một lần trên đài truyền hình tỉnh, một giáo viên giỏi tâm sự thật lòng như sau:
    Một học sinh hỏi tại sao đánh vần thêm dấu sắc vào chữ “viết” làm chi khi không có dấu sắc cũng đọc là viết mà. Thầy tâm sự với vẽ mặt rất “có tâm” với nghề là “thật lòng tôi không trả lời được tất cả cá câu hỏi của học sinh của mình”.
    ——
    Chữ viết tiếng Việt có thanh có vần. Phần dấu là thanh, trong chữ tiếng Việt có sáu thanh. Có hai câu lụt bát giúp nhớ cách dùng sáu thanh như sau:
    Đi “ngang”nhà anh “sắc” “hỏi”,
    Chị “huyền” mang “nặng” “ngã” đau.
    —-
    Trong chữ “viết” nói trên, “iết” là vần, dấu sắc là thanh sắc, nếu viết không dấu sắc là sai chính tả do chữ đó thiếu thanh.
    Còn những chữ không có dấu là thanh ngang.
    Vậy ông giáo viên giỏi như trên có tâm với nghề. Nhưng tiếc là học chưa tới.
    Vậy chữ “chậm chễ” là đáp án mà cả người ra đề, người thẩm tra, người phê duyệt, người đọc đáp án, người chơi đều không nhận ra thì … chỉ còn tặc lưỡi mà than: hèn chi người ta minh hoạ 5 - 2 = 3 bằng hình ban tay năm ngón cắt bỏ 2 ngón thì còn hai ngón. Đáp án đúng là bày tay tật nguyền 3 ngón vậy.

    Trả lờiXóa
  3. Người miền ngoài phát âm tr thành ch rất phổ biến. Có thể là âm địa phương nhưng họ điều viết ra như vậy . Chát tường.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Phát âm sai rất phổ biến và có ở mọi nơi, trước đây tôi có một đồng nghiệp người bắc kỳ, trong lúc viết đã hỏi trong chữ “chăm” trong khi viết số tiền bằng chữ là “chăm” nặng hay “chăm” nhẹ. Như vậy phát âm theo giọng vùng miền có thể khác nhau. Nhưng viết sai là …. sai. Trong tự điển không có tự “chậm chễ”… ngay cả khi viết lên đây, chữ “chễ” cũng bị gạch đỏ báo sai chính tả.
      Thật ra là sai chính tả theo tiếng Việt trước 75 thôi, bây giờ cải cách nhiều lần, chữ Việt biếng dạng, nghĩa của chữ cũng lộn tùng phèo.
      Ông Nguyễn Bá Thanh đã từng nói “ …những thứ ngày xưa là không bình thường thì nay trở nên bình thường…”. Trên diễn đàn này cũng có bài viết về câu: “Lộng giả thành chân.” Cho nên đúng sai cũng theo thời thế.
      Thời nay, ma quỷ lên ngôi,
      Cái sai cứ thế nổi trôi bồng bềnh,
      Cái đúng mỗi lúc bấp bênh,
      Đời sau đến lúc nghênh ngang chê đời.

      Xóa