12 thg 3, 2021

GẮP LỬA BỎ TAY NGƯỜI!

             

Minh hoạ: ST
               HOÀNG TUẤN CÔNG


       Nói về việc bị vu oan giá hoạ, thành ngữ Việt Nam có câu “Gắp lửa bỏ tay người” (dị bản Gắp lửa bỏ bàn tay; Bỏ lửa tay người; Gắp than bỏ tay người…).

Cũng ám chỉ chuyện vu oan giá hoạ, thành ngữ Hán có câu gần nghĩa “Di thi giá hoạ” 移屍嫁禍 (Đem xác chết để vu vạ cho người). Khác với “Gắp lửa bỏ tay người”, “Di thi giá hoạ” còn được xem như một mưu kế hãm hại đối phương. Võ Mị Nương (tức Võ Tắc Thiên) từng áp dụng mưu kế độc ác này khi tự tay bóp chết đứa con đẻ của mình để vu oan cho Hoàng hậu.

Đồng nghĩa với “Gắp lửa bỏ tay người” còn có “Ngậm máu phun người” (gốc Hán “Hàm huyết phún nhân” - 含血), chỉ việc đặt điều, vu khống, gieo tai vạ cho người khác một cách đê tiện, độc ác, bất chấp đạo lý. Cái độc ác hơn nữa là chính kẻ ngậm máu kia đã giết người, nhưng lại vấy máu lên người khác để vu oan giá hoạ, phủi sạch tội lỗi.

 Vu oan, giá hoạ cho người khác là tội trời không dung đất không tha. Và dân gian cho rằng, chưa cần đợi đến lúc trắng đen rõ ràng, thì bản thân kẻ vu vạ kia đã tức khắc tự nhuốm sự bẩn thỉu độc ác rồi. Bởi vậy câu “Hàm huyết phún nhân” 含血 còn có một dị bản: “Hàm huyết phún nhân, tiên ô kỳ khẩu” 含血, 其口, có nghĩa: kẻ ngậm máu phun người thì trước tiên chính mồm kẻ ấy đã bị ô uế, vấy máu vậy!

Trở lại với câu thành ngữ Việt “Gắp lửa bỏ bàn tay”, sách “Thành ngữ bằng tranh” (Biên soạn: Nguyễn Thị Hường Lý, tranh: Nguyễn Quang Toàn-NXB Kim Đồng-2020) giải thích nghĩa đen như sau:

Các bà đồng cốt có tiết mục gắp cục than hồng bỏ lên bàn tay mình rồi tung tẩy hát múa nhập hồn. Nhưng lại có những bà đồng giả, bà đồng non gắp lửa không dám bỏ bàn tay mình mà lại bỏ bàn tay người khác. Thế mới có câu thành ngữ: Gắp lửa bỏ bàn tay. Ý nói: Vu khống, bịa đặt một cách độc ác để hãm hại người khác”.

Dễ dàng nhận thấy cách giảng nghĩa đen của Nguyễn Thị Hường Lý theo lối suy diễn, một kiểu gắp lửa bỏ tay … bà đồng!

Vì sao?

Xét lời giảng, nếu “bà đồng giả, bà đồng non gắp lửa không dám bỏ bàn tay mình mà lại bỏ bàn tay người khác”, thì làm sao các bà đánh lừa được mọi người về khả năng chế ngự lửa nóng của mình? Không lẽ trên đời này có chuyện đưa kiếm nhờ người khác múa mà vẫn chứng tỏ được tài nghệ của mình?

Thực ra nghĩa đen của câu thành ngữ được hiểu đơn giản hơn nhiều.

Lẽ thường trên đời này người ta có thể cầm nắm muôn vàn thứ vật dụng hay đồ ăn thức uống trong tay, nhưng không ai cầm và có thể cầm nắm được lửa than cháy bỏng, và cũng không ai trực tiếp cầm nắm lửa than trong tay làm gì. Ấy vậy mà có kẻ đang tâm “gắp lửa”, “gắp than” bỏ vào tay người, biến không thành có, bất chấp luân thường đạo lý!

Dân gian không dùng từ “cầm lửa” hay “cầm than”, mà là “gắp lửa”, “gắp than”. Có nghĩa chính kẻ vu oan kia cũng không thể tay không mà chịu được than nóng lửa bỏng trong tay, mà phải dùng que để “gắp” mới có thể làm được cái việc tày trời là không dưng bỏ than, bỏ lửa vào tay người khác.

Câu hỏi đặt ra là tại sao lại là “gắp than”, “gắp lửa”, chứ không phải một thứ bẩn thỉu hay gai góc nào khác? Là vì than nóng, lửa bỏng như vậy mà bỗng dưng “gắp” bỏ vào tay người khác, làm như người ta vốn đang cầm nắm nó trong tay thì còn gì ngang ngược, đang tâm, độc ác cho bằng! Và còn gì phẫn uất hơn khi bỗng dưng phải chịu nỗi oan khiên đau đớn đến cháy da cháy thịt này?

Ngẫm ra mới thấy sự thâm thuý, tài tình của dân gian khi đặt nên thành ngữ “gắp lửa bỏ tay người”!

                                         HTC/3/2021

 

 

 

         

 

         

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét