18 thg 8, 2020

LÀM GÌ CÓ “THẦN TRỐNG ĐỒNG”?

Đền thờ thần núi Đồng Cổ (Yên Định - Thanh Hoá)
Ảnh tư liệu HTC

HOÀNG TUẤN CÔNG
Sách Di tích núi và đền Đồng Cổ (Lê Ngọc Tạo - Nguyễn Ngọc Khiếu” - NXB Thanh Hoá - 2016) là kết quả đề tài khoa học Sưu tầm, khảo sát và phục dựng nghi lễ của Đền Đồng Cổ, của Ban Nghiên cứu và Biên soạn Lịch sử Thanh Hoá, do Tiến sĩ Lê Ngọc Tạo chủ trì, cử nhân Nguyễn Ngọc Khiếu thực hiện (sau đây gọi tắt là Nhóm Lê Ngọc Tạo).

 Sách báo viết về đền Đồng Cổ thì nhiều, nhưng có lẽ Di tích núi và đền Đồng Cổ là công trình chuyên khảo công phu nhất từ trước đến nay về ngôi đền này. Sách có hai phần: 
I. Núi Đồng Cổ-Tam Thai và vùng thắng tích Đan Nê, công bố kết quả sưu tầm trên thực địa và khai quật khảo cổ học; 
Phần II. Đền Đồng Cổ-Di tích và lễ hội, công bố thần tích, tư liệu, trải qua các thời kỳ Trần - Hồ (1225 – 1407); Hậu Lê (1428 - 1788), khảo về thần điện, quá trình tu sửa, bài trí đồ thờ và hoành phi, câu đối trong đền…
Kết quả đề tài khoa học "Sưu tầm khảo sát và phục dựng nghi lễ của đền Đồng Cổ"
được in thành sách.
Ảnh: HTC

Tuy khảo sát, nghiên cứu công phu là vậy, nhưng sách Di tích núi và đền Đồng Cổ lại mắc phải sai lầm cơ bản khi cho rằng, đền Đồng Cổ thờ “thần Trống Đồng”.
Sử sách và các thư tịch cổ cho thấy, núi Đồng Cổ vốn có tên là Tam Thai, hoặc núi Khả Lao. Sau khi thần núi Tam Thai dùng binh khí là trống đồng phù trợ vua Hùng chiến thắng, vua đã đổi tên núi thành núi Đồng Cổ (núi Trống Đồng) và lập miếu thờ  Đồng Cổ sơn thần 銅鼓山神 (thần Núi Đồng Cổ). Đồng Cổ từ 銅鼓山祠 (đền Đồng Cổ) chỉ là cách gọi tắt của Đồng Cổ Sơn từ 銅鼓山祠 (đền thờ [thần] núi Đồng Cổ). 
Vì có công lớn trong việc giúp vua Lý chiến thắng giặc, nên thần núi Đồng Cổ còn được rước về Thăng Long để thờ (đền ở Kẻ Bưởi - Hà Nội). Sau này thần báo mộng cho vua Lý tránh được loạn “Tam vương” và được phong là “Thiên Hạ Minh Chủ”.
Đền Đồng Cổ ở Kẻ Bưởi (Hà Nội)
cũng thường bị nhầm lẫn là đền thờ "thần Trống Đồng"
Ảnh: ST

          Trong Đồng Cổ miếu bi ký (Bia miếu Đồng Cổ, dựng ở đền Đồng Cổ) viết: “Trong thung lũng núi có miếu cổ, thờ thần núi (nguyên văn: 中有古廟奉事山神 - trung hữu cổ miếu, phụng sự sơn thần). Nội dung tấm bia này còn cho biết “Năm Canh Thân (1800) bỗng ở phía sông Nam Ngạn được một chiếc trống đồng (…) quan đặc sai Đốc trấn Thanh Hoa bèn đem trống đồng mới được tặng lại miếu thần để xuân thu tế tự, để giúp thêm NHẠC KHÍ cho miếu thần.(trích “Địa chí huyện Thiệu Hoá”).
Do không tìm hiểu đúng thần tích, lại thấy bên trong miếu có chiếc trống đồng (vốn được cung tiến để tưởng nhớ năm xưa vị thần núi đã dùng trống đồng để làm vũ khí phù trợ vua chiến thắng), nên Nhóm Lê Ngọc Tạo và rất nhiều sách báo, tài liệu khác nhầm tưởng đền này “thờ thần Trống Đồng”, rồi gán cho “tín ngưỡng thờ thần trống đồng”, cho rằng tục thờ trống đồng đã trở thành tín ngưỡng của người Việt cổ”. Đây là kết luận hoàn toàn suy diễn, bịa đặt.
Đền thờ thần núi Đồng Cổ nhìn từ trên cao
Ảnh tư liệu HTC

Điều đáng ngạc nhiên là dù Nhóm Lê Ngọc Tạo cũng tiếp cận khá nhiều nguồn tài liệu, thư tịch cổ, nhưng lại không nhận ra các sách đều chép rõ ràng: đền Đồng Cổ thờ thần núi Đồng Cổ, chứ không phải thờ “thần Trống Đồng”. 
Cụ thể, sách Di tích núi và đền Đồng Cổ của Nhóm Lê Ngọc Tạo trích dẫn:
-“…Canh ba đêm đó, trong cõi mông lung, Thái tử chợt thấy một dị nhân cao 8 thước mày râu sắc nhọn, khoác chiến bào, tay cầm binh khí đứng trước Thái tử mà tâu rằng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin ngài đi đánh giặc, tôi xin theo giúp.” (tr.42; HTC nhấn mạnh).
          - “Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư – tập II, trang 251 ghi: “Tháng 3: phong tước vương cho thần núi Đồng Cổ, dựng miếu để tuế thời cúng tế và làm lễ thề…” (tr.43).

          Như vậy, dù Nhóm Lê Ngọc Tạo trích dẫn sử liệu chép rõ ràng là đền Đồng Cổ thờ “thần núi Đồng Cổ”, nhưng lại vẫn hiểu lầm thành đền thờ “thần Trống Đồng”. Thậm chí, điều kì lạ hơn, dường như soạn giả không phân biệt được đền thờ thần núi Đồng Cổ, và đền thờ thần Trống Đồng (thực tế không có vị thần này) khác nhau thế nào. Bởi vậy, đầu sách viết “đền Đồng Cổ thờ vị thần Trống Đồng”, nhưng đến giữa và cuối sách lại thành thờ “thần núi Đồng Cổ”. Cụ thể, phần đầu sách, các soạn giả viết:
          -“…đền Đồng Cổ thờ vị thần Trống Đồng” (tr.10).
- “..xứ Thanh (…) là địa phương tìm thấy trống đồng nhiều nhất nước cũng chính là nơi có đền thờ Trống Đồng đầu tiên biểu trưng cho quốc hồn dân tộc. Tục thờ trống đồng đã trở thành tín ngưỡng của người Việt cổ còn lưu lại bên cạnh các tôn giáo Phật giáo, Đạo giáo ngoại lai.” (tr.11).
Đầu trang "thờ thần núi Đồng Cổ"
cuối trang "thờ trống đồng ở Đồng Cổ"
Trang sau khẳng định "thờ thần Trống Đồng"


Đến trang 99 (phần Thay lời kết), đầu trang viết là thờ “thần núi Đồng Cổ”, nhưng đến giữa và cuối trang, lại thành thờ “thần Trống Đồng”.

         Cũng từ sai lầm này mà Hội Cổ vật Thanh Hoa đã từng làm lễ rước 100 cái trống đồng mới đúc lên đền thờ này để xin “thần Trống Đồng” nhập linh, trước khi đem ra Thăng Long cung tiến! Và hằng năm, báo chí vẫn "hồn nhiên" gọi vị thần của "Hội thề trung hiếu" là "thần Trống Đồng"(!)

Thế là thay vì tưởng nhớ công lao phù trợ, đánh đuổi giặc ngoại xâm của thần núi Đồng Cổ Tinh khí chung đúc của núi sông, người ta lại cúi đầu khấn vái và tụng ca cái trống đồng - nguyên là thứ binh khí lúc xung trận của Ngài[*].                                                                                      
                                                               HTC/2020

Chú thích:
[*]-Nếu lần giở lại tất cả các thư tịch cổ ghi chép về đền Đồng Cổ, chúng ta sẽ thấy không hề có bất cứ tài liệu nào nói đền này thờ “thần Trống Đồng”:
Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, biên soạn năm 1329, ghi chép về đền Đồng Cổ với cái tên được sắc phong và gia phong “Minh chủ linh ứng bảo hựu Đại vương”. Sách này viết: “Theo truyện Báo cực chép: Vương là thần núi Đồng Cổ (ở Thanh Hoá tục gọi là núi Khả Phong-HTC). Khi xưa, Lý Thái tông còn là thái tử, phụng mạng vua cha là Thái tổ, đem binh đi đánh Chiêm Thành (1020), đến Trường Châu, đóng quân tạm nghỉ. Canh ba đêm ấy, trong cõi mông lung, nhà vua chợt thấy một dị nhân, thân cao 8 thước, mày râu cứng nhọn, mặc chiến bào, tay cầm binh khí, đến trước cúi đầu tâu rằng: “Tôi là thần núi Đồng Cổ, nghe tin thái tử sang đánh phương Nam, tôi xin theo giúp để phá giặc, lập chút công nhỏ”.(tr. 83- NXB Văn học - 1972).
-Trong Lĩnh Nam chích quái - tập sách ghi chép những truyền thuyết và truyện cổ tích của của Vũ Quỳnh-Kiều Phú, biên soạn từ thời Trần, mục “Truyện thần núi Đồng Cổ” (Đồng Cổ sơn thần) chép: Thần núi Đồng Cổ là linh thần thượng đẳng ở nước ta. Núi ở xã Trì Nê thượng, huyện Yên Định. Khi Lý Thái tông còn là Thái tử đi đánh Chiêm Thành tới Trường Châu, đêm quá canh ba mộng thấy một dị nhân mặc giáp phục, tự xưng là sơn thần nghe vua Nam chinh xin theo quân vua lập chiến công. Vua nhớ rõ những lời nói chuyện trong mộng”(tr.149- NXB Văn học - 1990).
-“Thanh Hóa kỷ thắng của Vương Duy Trinh viết: “Trong đền thờ thần  trống đồng (…). Nguyên thần là tinh khí của trái núi, rất linh ứng (…) Xưa Hùng Vương đi đánh Chiêm Thành trú binh dưới chân núi Khả Lao, đêm mộng thấy thần nhân nói rằng:
- Nguyện được đem trống đồng đi phù trợ vương chiến thắng.
Đến khi lâm trận, cứ nghe trong không trung mơ hồ âm thanh của trống đồng và đao kiếm. Quả nhiên thu được toàn thắng. 
Đến thời Lý Thái tổ, người Chiêm Thành xâm nhập bờ cõi. Khi ấy, Thái tôn đang là Thái tử. (….) Canh ba, vua mộng thấy một người dáng dấp rất to lớn, mình mặc chiến bào, tay cầm bảo kiếm nói rằng:Ta là thần núi Đồng Cổ, nay nghe Thánh giá nam chinh, nguyện đi theo lập công”. Vua đồng ý cho. Đến khi tỉnh dậy, vua lệnh cho viết bài vị để trong kim xa. Bề tôi theo đó mà làm, quả nhiên đến sau thu được toàn thắng.” (Mật Đa tự tàng bản - HTC dịch).  
          Bài minh trong miếu thờ thần núi Đồng Cổ còn ca ngợi:“Có núi thiêng Đồng Cổ/Ở Yên Định, Đan Nê/Dưới giữ gìn cõi đất/Trên chống đỡ cột trời/Cao vượt lên ngàn núi/Thiêng hun đúc muôn đời…”.(Địa chí huyện Thiệu Hoá).
         
             


3 nhận xét:

  1. Trời ơi . Các nghiên cứu tốn bao nhiêu tiền để đến một kết luận vô bổ . Thời gian này các công trình vĩ đại của các TS bị đổ nhiều quá .

    Trả lờiXóa
  2. Buồn cho trí thức của một đất nước bằng cấp đầy người mà kiến thức bị anh khuyến Nông (hay Nông dân) lột truồng

    Trả lờiXóa
  3. Cám ơn anh Hoàng Tuấn Công! Cả một cuốn sách công phu mà nhầm lẫn thần núi ĐỒNG CỔ với thần Trống Đồng!

    Trả lờiXóa