19 thg 7, 2015

KẺ ĂN RƯƠI, NGƯỜI CHỊU BÃO

Vớt rươi
Ảnh:ST
Hoàng Tuấn Công

Tục ngữ có câu "Kẻ ăn rươi, người chịu bão". Câu này thuộc loại khá phổ thông. Các nhà biên soạn từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam giải thích:
-"Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam"[1] (Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào): "Kẻ ăn rươi, người chịu bão (bão: đau bụng bão, đau bụng gió) xem. Kẻ ăn ốc người đổ vỏ: [Kẻ ăn mắm, người khát nước]. Người không được hưởng lại phải gánh hậu quả tai hại do người được hưởng gây ra.”

-"Từ điển tiếng Việt"[2] (Ban biên soạn chuyên từ điển New Era) cũng chú giải: “bão: đau bụng" và hướng dẫn xem giải thích "Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ".
-"Thành ngữ tục ngữ lược giải"[3] (Nguyễn Trần Trụ) giải thích rõ hơn: "Hằng năm đến tháng 9 tháng 10, những ngày dở trời ở các ruộng nước chua mặn miền bể có giống rươi ăn lên mặt đất. Người ta hợt về làm thức ăn. Cũng mùa này dở trời, người ta hay đau bụng, đau bão (gọi là đau bụng gió). Thành ra kẻ được ăn rươi, mà kẻ phải chịu đau bụng. Ý nói kẻ chẳng được ăn gì mà bị họa lây."
Tục-ngữ lược giải” [4] (Lê Văn Hoè): “Kẻ ăn rươi người chịu bão: Hàng năm cứ đến tháng chín tháng mười, trong những ngày dở trời thì các mặt nước chua mặn miền bể hay có giống rươi ăn trên mặt đất. Người ta hớt rươi về làm thức ăn. Mùa rươi là mùa trở trời, người ta thường bị đau bụng đau bão (đau bụng gió). Thành ra kẻ thì được ăn rươi, mà kẻ thì phải chịu đau bụng. Câu này ý nói kẻ được ăn, người chẳng được ăn gì thì lại bị hại lây”.

Như vậy, theo các (1), (2), (3) (4), đã dẫn, câu tục ngữ được diễn giải và hiểu: "Kẻ ăn rươi, người đau bụng".
-"Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam"[4] (GS Nguyễn Lân): "Kẻ ăn rươi, người chịu bão (Mùa rươi là mùa hay có bão) như câu "Kẻ ăn ốc người đổ vỏ" Lời phàn nàn là phải chịu hậu quả một việc làm đem lại quyền lợi cho người khác hưởng".
-"Từ điển tục ngữ Việt" Nguyễn Đức Dương diễn giải: “Kẻ muốn ăn rươi nhưng lại bắt người khác phải dầm mưa bão để vớt về cho mình. Hay dùng với ẩn ý: nh. Ngồi mát ăn bát vàng".
-Bách khoa tri thức (bachkhoatrithuc.vn): "Phản ánh một tình trạng bất công trong xã hội: Người này thì được nhàn nhã sung sướng, trong khi người khác lại phải đương đầu với khó khăn, nguy hiểm mà lại chẳng được gì".

Vậy thực hư thế nào?
Con rươi tên chữ là "thổ hà" 土蝦 (tôm đất), lại có tên "hòa trùng" 禾虫 (sâu lúa) sinh sản tự nhiên ở vùng đồng sác, nơi thủy triều lên xuống. Đại Nam quấc âm tự vị cho rằng đây là "loài trùng ở trong rạ mục mà sinh ra, giống hình con rít nhỏ". Tháng tư, tháng năm có rươi Chiêm; tháng chín, tháng mười có rươi Mùa. Rươi rất nhạy cảm với thời tiết. Những hôm thời tiết lãng đãng như sắp có mưa bão, mỗi khi trên bầu trời trong xanh có đám mây che lừng lững, rươi lại đùn lên lớp lớp. Người xưa gọi bóng mây ấy là “bóng rươi”. Cho nên, dân gian Thanh Hoá mới có câu đố về con rươi:
"Mình thì bằng cái tí ti
Người đi dưới đất, bóng đi trên trời."
          Ngày được rươi, dân đồng sác tưng bừng niềm vui đi vớt của trời. Có khi vớt được rươi lên, hoặc mua rươi về nấu ăn xong, nửa ngày, hoặc một ngày sau đó mới có mưa bão, gọi là “bão rươi” hoặc “mưa lấp lỗ rươi”. 
         “Mưa rươi” hay “bão rươi” chỉ hiện tượng thời tiết bất thường, dễ gây bệnh thời khí cho người mẫn cảm: hen suyễn, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, nhức mỏi mình mẩy... Khổ nhất là những người bị bệnh hen suyễn, lên cơn "rược" tưởng có thể tắc thở mà chết đi được! Rươi giàu đạm, tính hàn nên những người bị hen hoặc dị ứng hải sản mà ăn vào thì phải biết! Bão rươi không lớn, nhưng cũng đủ gây nên "biển động", chài lưới khó khăn. Thế nên dân gian Thanh Hoá còn có câu đố về con rươi: 
                                      "Mỗi năm vài bận ra chơi
                                      Làm cho lở đất, long trời mới nghe!".
        "Lở đất long trời" ở đây vừa chỉ thời tiết mưa bão bất thường, vừa chỉ những cơn đau nhức mình mẩy, lên cơn ho hen của người mẫn cảm với thời tiết "trái gió trở trời". 
          Nói về ảnh hưởng của "bão rươi", người Thanh Hoá còn có câu ca:
"Con ơi nhớ lấy lời cha,
Đôi mươi tháng chín thật là bão rươi.
Bao giờ hai mươi tháng mười,
Thì con đi lộng về khơi mặc lòng".
Chỉ ít dân đồng sác và mấy xã lân cận, những người "ưa rươi" là được ăn rươi, ăn được rươi. Thế nhưng cả tỉnh, cả huyện, thậm chí người lênh đênh chài lưới tận khơi xa cũng phải chịu chung cảnh thời tiết mưa bão bất thường và bệnh thời khí của "cữ rươi" ấy. Dân gian nhắc nhở kẻ đi biển nên dè chừng "bão rươi", biển động vào dịp "đôi mươi tháng chín". Theo đây phải sau "cữ rươi" "hai mươi tháng mười" mới thực sự không còn kiểu thời tiết mưa gió bất thường, lúc ấy mới có thể "đi lộng về khơi mặc lòng".[1]
Nghĩa đen của "Kẻ ăn rươi người chịu bão" là thế.
Như vậy, "bão" trong "Kẻ ăn rươi, người chịu bão" ở đây là gió bão thật. Có chăng được hiểu thêm nghĩa bóng, nghĩa rộng là những cơn đau đầu nhức óc, ho hen của người bị bệnh thời khí vào dịp "bão rươi". Còn chứng đau bụng đau bão thường đến đột ngột, đau quặn lên, và có thể bị bất cứ lúc nào trong năm, không liên quan đến "cữ rươi":
-Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của) mục "bão" giảng: "đau bụng bão: chứng đau bụng nặng, bắt con người phải nhào lộn". 

-Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê-Vietlex): “bão • d. chứng đau bụng xuyên ra sau lưng quặn từng cơn. đau bão”.

-Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức): “bão • Tên chứng đau bụng từng cơn <> Đau bụng đau bão”.

Kiểu đau bụng bão dân gian trị bằng cách cho con bệnh nằm sấp xuống giường rồi nắm lấy 3 điểm ở phần thắt lưng, nhổ lên nghe cái "sật" ba tiếng khắc khỏi, gọi là "nhổ bão"[2]. 
Tuy nhiên, tại sao con rươi lại được đưa vào câu tục ngữ làm điển hình cho nỗi ấm ức của kẻ vô tình phải "chịu trận", trong khi chẳng được hưởng chút lợi lộc nào?
Gia vị món rươi không thể thiếu vỏ quýt phơi khô

                                                  Ảnh: ST trên Internet
Rươi là món đặc sản, mỗi năm mới được thưởng thức một vài lần. Với những người "ưa rươi" thì khoái vô cùng! Gia vị món rươi không thể thiếu vỏ quýt khô. Đến nỗi dân gian có câu “Trời sinh rươi trời sinh vỏ quýt”. Rươi xào, rươi đồ, rươi rán.... kẹp với bánh đa vừng, lạ miệng, ăn đến no mà không chán.
Rươi nổi danh từ ngàn năm trước. Đời vua Trần Nhân tông, Hành khiển Lê Tòng Giáo có mối bất hòa với Hàn lâm phụng chỉ Đinh Củng Viên. Hễ có dịp là hai người lại tìm cách xỏ nhau. Có lần vua dụ: "Củng Viên là sĩ nhân, ngươi là trung quan, sao lại bất hòa đến thế? Ngươi làm lưu thủ Thiên Trường, dùng con rươi, quả quýt đi lại, đưa tặng lẫn nhau thì có việc gì?" (Đại Việt Sử ký toàn thư).
Dùng rươi để giao hảo, mới thấy món rươi khoái khẩu, hấp dẫn biết chừng nào!
Như vậy, câu tục ngữ "Kẻ ăn rươi, người chịu bão": cùng điều kiện hoàn cảnh, kẻ được hưởng lợi, người lại chịu hậu quả. Trường hợp này, những "kẻ ăn rươi" hoàn toàn không có lỗi. Câu tục ngữ đang xét đồng nghĩa với câu "Quạ ăn dưa, bắt cò dãi nắng" mà chúng tôi đã có dịp nói đến. Tuy nhiên, "Kẻ ăn rươi, người chịu bão" không đồng nghĩa với câu "Kẻ ăn ốc, người đổ vỏ" (kẻ không được hưởng lợi phải gánh chịu hậu quả trực tiếp do kẻ hưởng lợi gây ra) như các cuốn từ điển (1), (2), (3) (4) chúng tôi đã dẫn giải thích; càng không thể đồng nghĩa với câu "Ngồi mát ăn bát vàng" (ngồi không hưởng lợi lộc, sung sướng do người khác mang đến) như Nhà ngữ học Nguyễn Đức Dương chú dẫn. Và dĩ nhiên cũng chẳng có chuyện "phản ánh một tình trạng bất công trong xã hội" như "Bách khoa tri thức" giảng giải[3].

                                                     HOÀNG TUẤN CÔNG/7/2015

Chú thích:
[1]-Những "cữ rươi" này chỉ mang tính chất tương đối, không chính xác tuyệt đối hay nhất thành bất biến, mà tuỳ từng vùng miền, tuỳ từng mùa vụ.
(2)-"bão" ở đây vốn từ chữ "bạo" 暴, mà Từ điển Hán Việt của Trần Văn Chánh giảng là: "To và mạnh, mạnh và gấp, chợt đến, đến bất ngờ, đột ngột", ở đây chỉ sự đau mạnh, quặn lên đột ngột của "đau bụng bão", đúng như mô tả của Đại Nam quấc âm tự vị về cơn đau "bắt con người phải nhào lộn" (tức lăn lộn vì đau), không liên quan gì đến câu "Kẻ ăn rươi, người chịu bão". Thế nên, chứng đau quặn thận còn được gọi là "đau bão thận" là vậy.
(3)-Các câu "Kẻ ăn rươi, người chịu bão" và "Quạ ăn dưa bắt cò dãi nắng" (cùng một điều kiện hoàn cảnh, kẻ hưởng lợi, người lại lãnh đủ), gần nghĩa với câu tục ngữ Tày: "Vẳn phân đây kin lẩu tọ xẩu lạo đếnh vài" (Ngày mưa tốt cho người uống rượu, nhưng không hay cho người đi chăn trâu” = Cùng một điều kiện hoàn cảnh, nhưng với người/nghề này thì thuận lợi, với người/nghề kia lại là khó khăn).



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét