16 thg 6, 2015

Bốn Thạc sĩ văn học và những bài văn mẫu đầy sạn (Kỳ 1)

          
          HOÀNG TUẤN CÔNG
               

                  Kỳ I
Sách “Những bài làm văn mẫu" lớp 8 của Nhóm tác giả: ThS Trương Thị Hằng-ThS Nguyễn Thị Tuyết Nhung-ThS Đào Thị Thủy-ThS Nguyễn Thị Dậu. Sách có 2 tập, tái bản lần 2, do NXB Văn hóa thông tin ấn hành quý II và III năm 2014. Trong “Lời nói đầu”, Nhóm tác giả cho biết: "Có thể nói, mục đích cao nhất của cuốn sách này là hướng tới làm sáng rõ các vấn đề văn chương trong chương trình Ngữ văn 8 và gợi ý cách thức làm các dạng bài tập làm văn cho các em. Trọng tâm vẫn là phương pháp làm bài. Đọc một bài văn mẫu là để tìm ra hướng giải quyết một bài làm nào đó hay cách làm các dạng bài tương tự."


Theo chúng tôi, một bài "tập làm văn mẫu", ngoài "mẫu" về phương pháp làm bài, chuẩn về kiến thức, thì câu từ, hành văn nếu chưa được gọi là hay cũng phải đảm bảo rõ ràng, mạch lạc, trong sáng. Tuy nhiên, có lẽ do chỉ chú trọng đến "phương pháp làm bài" nên Nhóm tác giả đã phạm không ít sai lầm về kiến thức phổ thông; hành văn lủng củng, từ ngữ thiếu chính xác. Sau đây là một số dẫn chứng của chúng tôi (phần gạch đầu dòng, chữ nghiêng trong ngoặc kép trích từ "Những bài tập làm văn mẫu 8")

Đề 16: "Thuyết minh về con trâu trong công việc nhà nông."

- Phần "Dàn bài" nhóm soạn giả viết: trâu có “thời gian mang thai 11 tháng.” (tr.58) Phần "Bài làm" (tr.59) lại viết: “Thời gian mang thai của trâu kéo dài 12 tháng.”

Chỉ trang trước, trang sau, cùng nói về thời gian mang thai của trâu nhưng hai số liệu chênh lệch nhau tới 1 tháng. Vậy các em học sinh biết tin vào đâu? Quan trọng hơn, cả hai thông tin này đều không chính xác. Bởi thời gian mang thai của trâu trong khoảng từ 10-11 tháng, tùy giống (giống trâu sông mang thai khoảng 305-307 ngày, trâu đầm lầy 320-325 ngày) Chưa thấy tài liệu nào nói trâu mang thai 12 tháng.

-“Trâu cái mỗi năm có thể đẻ một lần..."

Chuyện hoang đường! 
Trâu không thể đẻ mỗi năm một lần (lứa). Bởi trâu mang thai 10-11 tháng; 06 tháng sau khi đẻ, trâu mới động dục, giao phối trở lại (hiếm những con động dục sớm hơn). Một con trâu nái thuộc loại mắn đẻ cũng phải có thời gian 3 năm mới đẻ được hai lứa. Một đời trâu nái trung bình chỉ đẻ được từ 5-6 nghé. Các vị Thạc sĩ lầm bò ra trâu chăng? Vì thời gian mang thai của bò chỉ 280 ngày, sau khi đẻ 1 tháng, bò cái đã động dục trở lại và có thể đẻ mỗi năm một lứa. Thế nên tục ngữ dân tộc Tày mới có câu "Nuôi trâu còn chậm sinh sôi, nuôi bò đẻ mỗi năm một con" (Liệng vài nhẳng nàn viẻ, liệng mò mẻ pi tua). 
Nếu "trâu cái mang thai 12 tháng” “mỗi năm có thể đẻ một lần" như các soạn giả viết, thì sau khi đẻ xong, trong vòng 24 tiếng đồng hồ, trâu mẹ đã phải giao phối ngay thì mới kịp! Tuy nhiên, trên trái đất này không sinh vật nào giao phối ngay sau khi đẻ xong và có khả năng sinh sản “mắn” đến như vậy.


-Trâu “vừa sinh ra đã biết ăn cỏ ngoài bú mẹ”.

Không thể có  chuyện  đó! 
Trâu thuộc phân bộ nhai lại, thức ăn chính của chúng là cỏ. Tuy nhiên, khi mới ra đời, dạ cỏ (nơi chứa thức ăn, lên men trước khi nhai lại) của nghé chưa phát triển; hệ tiêu hoá của nghé con lúc này gần giống như ở gia súc dạ dày đơn. Nếu "vừa sinh ra" đã ăn cỏ, nghé con sẽ không thể tiêu hóa được. Bởi vậy, theo bản năng sinh tồn, dẫu có nhét cỏ vào mồm, nghé con cũng không ăn. Trong vòng một tháng đầu, nghé con bú sữa mẹ hoàn toàn. Lúc này, sữa mẹ không đi vào dạ cỏ mà được chuyển trực tiếp xuống dạ múi khế thông qua rãnh thực quản. Khoảng 1 tháng sau khi sinh, dạ cỏ phát triển dần và hệ tiêu hoá 4 túi được hình thành, nghé con bắt chước trâu mẹ nhấm nháp vài ngọn cỏ non, từ 2-3 tháng trở đi mới ăn cỏ thực sự. Bởi vậy, nếu tập cho nghé ăn sớm, người ta phải bắt đầu bằng việc cho chúng uống thêm sữa, ăn thêm tinh bột cám ngô, cám gạo trước khi cho chúng ăn cỏ.

Đề 18, "Thuyết minh về cây lúa", các soạn giả vẫn tiếp tục sai lầm về kiến thức phổ thông:

- Phần "Dàn bài": “Cây lúa là loại cây lương thực họ hai lá mầm, thân thảo, sống dưới nước.” (tr.64-tập I). Phần "Bài làm" các soạn giả tái khẳng định: “Đó là loại lúa nước, họ hai lá mầm, thân thảo, thích hợp với khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều...” (tr.65-tập I)

Sai hoàn toàn! 
Cây lúa thuộc họ Hòa thảo, lớp một lá mầm chứ không phải "hai lá mầm". Sách giáo khoa "Sinh học" lớp 6, bài tìm hiểu về thực vật hai lá mầm và một lá mầm kết thúc bằng mục "Em có biết" đã viết như sau: "Cây lương thực chủ yếu của chúng ta (lúa, lúa mì, ngô) thuộc lớp một lá mầm, còn các cây thực phẩm chủ yếu (rau muống, các loại cải, bầu, bí) thuộc lớp hai lá mầm.". 
Như vậy, kiến thức sinh học của các Thạc sĩ còn kém hơn cả học sinh lớp 6. Nói cách khác, nếu cứ tin theo "Những bài làm văn mẫu lớp 8" thì học sinh lớp 8 sẽ rơi vào tình trạng càng học càng dốt.

-"Nó có 4 giai đoạn sinh trưởng, phát triển: thời kỳ mạ, thời kỳ lúa con gái, thời kỳ đứng cái và thời kỳ chín, kéo dài 6 tháng.” (tr64-Tập I). Thông tin này tiếp tục được khẳng định lại: “Cây lúa nước ở Việt Nam có quá trình sinh trưởng và phát triển thông thường kéo dài 6 tháng.”

Viết như vậy là Nhóm soạn giả không hiểu gì, hoặc hiểu rất mơ hồ về cây lúa. Nếu không cũng lạc hậu thông tin khoảng nửa thế kỷ! Bởi cũng là cây lúa nước, nhưng có giống lúa ngắn ngày, giống dài ngày, thời gian sinh trưởng của chúng có thể chênh lệch nhau từ 2-3 tháng, lại còn tùy thuộc vào thời vụ. 
Xưa kia, ở miền Bắc có vụ lúa chiêm, gieo mạ vào tháng 10 đến tháng 12, tháng 1 năm sau và thu hoạch vào tháng 4-5. Thời gian sinh trưởng của lúa chiêm nói chung hoặc một số giống lúa địa phương có thể lên tới 6 tháng. Tuy nhiên, từ 40-50 năm trước, Việt Nam đã có giống lúa sinh trưởng 3 tháng, gọi là lúa Ba giăng. Từ 15-20 năm nay, phần lớn bộ giống lúa ở Việt Nam chỉ có thời gian sinh trưởng từ 90 đến 125 ngày (tùy từng giống và thời vụ gieo trồng) Nếu “thông thường” cây lúa ở Việt Nam vẫn sinh trưởng “kéo dài 6 tháng” ....(tức gieo trồng nửa năm mới cho thu hoạch) thì nước ta may chăng đủ gạo ăn, nói chi đến chuyện có gạo để xuất khẩu?

-"Thời kỳ mạ là lúc cây lúa mới nảy mầm từ hạt thóc đến lâu nhất khoảng 40 ngày, sống trên ruộng tạm.” (tr.65-tập I)

Không rõ nhóm soạn giả đang nói đến thời kỳ mạ của giống lúa nào? Mạ gieo vụ xuân hay mạ vụ mùa? Chu kỳ sinh trưởng của lúa chỉ từ 3 đến 4 tháng mà mất tới 40 ngày (hơn 1 tháng) nằm trên chân ruộng mạ, cây lúa còn đâu thời gian đẻ nhánh, làm đòng, trổ bông, kết hạt và chín? Xin thưa, hiện nay, mạ vụ xuân dài nhất cũng chỉ 25 đến 30 ngày, mạ vụ mùa chỉ 12-18 ngày là phải đưa ra đồng cấy.

-“Khi đã đạt được chiều cao cần thiết, cây lúa bắt đầu ra đòng rồi trổ hoa, nhờ gió thụ phấn để kết hạt. Đó là thời kỳ đứng cái.”

Chỉ với hai câu ngắn nhưng Nhóm soạn giả phạm tới 3 sai lầm về kiến thức cơ bản:
Thứ nhất: Cây lúa làm đòng, trổ bông khi đủ thời gian sinh trưởng, chứ không phụ thuộc vào việc có "đạt được chiều cao cây cần thiết" hay không. Bởi nếu được chăm sóc tốt, cây lúa sẽ đạt chiều cao và đẻ nhánh tối đa khi trổ bông. Tuy nhiên, trong trường hợp chân ruộng ít màu mỡ, chăm sóc kém, lúa xấu, thì bất kể cao hay thấp, bụi to hay bụi nhỏ, đến ngày đến tháng cây lúa vẫn trổ bông như thường (dĩ nhiên năng suất không cao)

Thứ hai: Nhóm soạn giả viết: lúa “nhờ gió thụ phấn để kết hạt” cũng sai hoàn toàn. Sách giáo khoa "Sinh học" lớp 6 đã giảng rất kỹ về sự thụ phấn của các loài hoa. Theo đó, lúa thuộc loại cây tự thụ phấn. Trên một bông lúa có nhiều hoa lúa. Mỗi hoa lúa lưỡng tính có cả nhị và nhụy nên không cần "nhờ gió" hay ong bướm, lúa vẫn thụ phấn, kết hạt như thường. Dĩ nhiên vì lúa cấy dày nên hiện tượng giao phấn giữa bông này với bông kia không thể tránh khỏi. Nhưng đó hoàn toàn không phải là điều kiện để lúa thụ phấn, kết hạt (khác với cây ngô, sự thụ phấn chéo lại rất cấn thiết). Vì hoa lúa lưỡng tính nên khi lai tạo giống lúa, các nhà khoa học phải tìm cách làm mất khả năng tự thụ phấn để tạo ra dòng lúa mẹ “bất dục đực”. Sau đó, người ta trồng lúa bố bên cạnh hàng lúa mẹ, khi lúa trổ bông thì dùng dây thừng kéo trượt qua đầu bông lúa mới trổ để phấn từ dòng lúa bố bay (tung) sang thụ phấn cho dòng lúa mẹ, tạo thành giống lúa lai. Như vậy, chỉ với công nghệ sản xuất lúa lai thì lúa mới thụ phấn nhờ gió, hoặc nhờ tác động của bàn tay con người mà thôi.

Thứ ba: từ lúc "cây lúa bắt đầu ra đòng rồi trổ hoa, nhờ gió thụ phấn để kết hạt" không thể gọi "là thời kỳ đứng cái” được. Bởi "đứng cái" là cách gọi để chỉ một giai đoạn chuyển tiếp khi cây lúa ngừng đẻ nhánh, chuyển sang thời kỳ làm đòng ("đứng cái" tức dừng lại, không đẻ nhánh nữa). Thông thường, người ta phân chia quá trình sinh trưởng của cây lúa thành các giai đoạn: bén rễ hồi xanh; đẻ nhánh; đứng cái, làm đòng; trổ bông, phơi màu; ngậm sữa, vào chắc và chín. Căn cứ vào các giai đoạn sinh trưởng này, nông dân sẽ có các chăm bón hợp lý, đâu phải muốn phân chia thế nào cũng được?



                                                                         HTC/6/2015


(Hết phần I, mời độc giả đón đọc phần II)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét