18 thg 7, 2014

Bỏ cày cầm bút, “treo bút”, cầm dao...

        Hoàng Tuấn Phổ
Tam quan chùa Mậu Xương mới xây dựng

 Năm 1967, tôi được điều từ xã Quảng Hòa lên phòng văn hóa huyện Quảng Xương công tác. Năm ấy tôi đã 32 tuổi, chưa từng qua một ngày huấn luyện chuyên môn, trình độ văn hóa chỉ có lớp 7 trường tư thục, nhưng giấy chứng chỉ đã bị đốt cháy ngay sau khi thôi học (1952). 

Để bù lại, tôi có hơn 10 năm lao động sản xuất tại quê nhà, không quản ngại việc gì, từ cuốc ruộng hoang đến đội đất đắp đê, vác đá xây cống… Đó là trường học vào đời của tôi, là một trong những niềm tự hào của đời tôi. Và, một điều không kém quan trọng có tính quyết định cuộc đời tôi: Tôi không tự ti trình độ văn hóa thấp, bạo gan xông vào lĩnh vực văn hóa phê bình văn học, “nổi sóng” ngay từ bài đầu tiên: “Phê bình cuốn khảo luận về Truyện Thúy Kiều của Giáo sư Đào Duy Anh” đăng trên tập san Nghiên cứu văn học số tháng 10 năm 1960.
          Tôi được Đảng biết đến không phải về lao động cơ bắp mà ở tinh thần vượt khó. Ban ngày trong lúc lao động tôi suy nghĩ những điều cần viết, để buổi tối sung sướng ngồi vào chiếc ghế ọp ẹp, cái bàn xiêu vẹo không ngừng tiếng mọt nghiến gỗ cót két, tay cầm cây bút sắt trước trang giấy nứa, trong ánh sáng ngọn đèn dầu madút “mây khói lờ mờ cảnh ẩn cư”. Anh Lê Hữu Khải, trưởng ban tuyên huấn Tỉnh ủy nghe nói tôi phải viết trên vỏ bao thuốc lá với cái ngòi bút sắt bị cùn cứ mài đi mài lại, cử ban viên Trần Mạnh Cống đem đến tận nhà cho tôi một ít giấy trắng kèm theo một cái bút mới và những dòng thăm hỏi, động viên chí tình.
          Năm 1964, anh Lê Hữu Khải đưa bác Ngô Thuyền, lúc ấy là Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, đọc cuốn Khảo luận truyện Thạch Sanh (NXB Văn học 1962) một số bài nghiên cứu phê bình của tôi (cả hai cuốn truyện mảng về đề tài hợp tác xã nông nghiệp - NXB Phổ thông-Hà Nội). Bác Ngô Thuyền và Anh Lê Hữu Khải nhất trí không nên để Hoàng Tuấn Phổ ở lâu tại địa phương, nhưng cần có xác minh lý lịch. Anh Kính Trưởng ty Công an xem xét mọi việc, thận trọng kết luận: “Không có vấn đề liên quan chính trị”. Việc điều động công tác đối với tôi chỉ còn thời gian. Các Anh: Võ Quyết Trưởng ty văn hóa, Lê Tân – Phó chủ nhiệm phụ trách báo Thanh Hóa đều nhiệt tình ủng hộ. Nhưng, khó khăn thuộc về địa phương: xã không đồng ý. Anh Lê Hữu Hinh – Bí thư Huyện ủy Quảng Xương đề nghị lãnh đạo tỉnh cho Hoàng Tuấn Phổ về phòng văn hóa huyện làm công tác văn hóa quần chúng một thời gian. Và anh Hinh “xắn tay áo” giải quyết đến nơi…
          Hồi đầu (sau 2 năm tách phòng) phòng văn hóa Quảng Xương chỉ có tôi và anh Phạm Văn Hoạt trưởng phòng. Công việc nhiều, chúng tôi thấy cần việc gì làm việc nấy, không ôm đồm làm mọi việc cùng một lúc. Dĩ nhiên chúng tôi luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, UBND huyện và theo chỉ đạo của Ty văn hóa Thanh Hóa.
          Đầu năm 1969, anh Lê Nguyên Thành, Phó trưởng Ty văn hóa xuống huỵên Quảng Xương kiểm tra và chỉ đạo công tác xây dựng Nếp sống Văn hóa cơ sở. Phòng văn hóa cử tôi đi cùng phối hợp công tác với anh Thành. Chúng tôi về xã điểm Quảng Lưu (Quê ông chủ tịch huyện đương nhiệm Nguyễn Đức Nhơm). Qua báo cáo của UB xã chúng tôi được biết một chuyện thương tâm.
          Chị X. có một đứa con trai bị ốm đau quặt quẹo. Ông nội cháu biết nghề thuốc, chữa mãi không khỏi. Bỗng một hôm chị X. vốn hay tin chuyện nhảm nhí, nhảy lên bàn đấm ngực miệng la hét, xưng danh ông nọ bà kia, lấy lá bùa, niệm chú, đốt cháy hòa vào bát nước cúng cho con uống. Vài hôm sau cháu chết ! Gia đình báo cáo chính quyền xã. Chị X. được mời lên xã làm bản kiểm điểm. Chị X. tỏ ý rất hối hận, hứa sửa chữa sai lầm. Nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Xã Quảng Lưu có một ngôi chùa lớn, tục gọi là chùa Mậu Xương, tên chữ Tuyết Sơn Phong tự, liên quan đến tín ngưỡng đạo Đông nổi tiếng trên miền Bắc từ thời phong kiến. Cứ ngày rằm, mùng một hàng tháng, nhà chùa lại nổi chuông trống, lên đồng la hét, vẽ bùa niệm chú, bắt ma trừ tà...toàn chuyện mê tín dị đoan. Cán bộ đề nghị “phá quách cái chùa” đề hết nơi nhảm nhí ! Chính quyền xã đồng ý. Thế là 5 gian tòa bái đường kiến trúc gỗ chạm trổ có giá trị điêu khắc phút chốc hóa thành đống gạch nát !
Chúng tôi đến thăm hỏi, động viên gia đình chị X. rồi lên chùa Mậu Xương. Khuôn viên chùa khá rộng, địa thế đẹp, chung quanh đồng lúa tươi xanh bát ngát. Nhưng cảnh tượng chùa hoang tàn, đổ nát, may mắn còn lại cổng tam quan đứng trơ vơ cô quạnh và ba gian phật điện cửa khóa im lìm. Đúng là không còn cảnh buôn thần bán thánh ! Nhưng vấn đề đâu dễ xóa sạch trong tâm thức con người khi khoa học chưa thật sự làm chủ cuộc sống. Anh Lê Nguyên Thành trên cương vị lãnh đạo ngành văn hóa toàn tỉnh và tôi, trao đổi, bàn bạc khá kỹ với Đảng ủy, UBND xã Quảng Lưu, hướng giải quyết vấn đề chùa Mậu Xương rất cụ thể: Thứ nhất, bài trừ mê tín dị đoan là công tác tư tưởng, phải tuyên truyền, vận động là chính, trừ trường hợp đặc biệt. Tuyệt đối không được triệt phá đình, chùa, nghè, miếu; thứ hai, nên tổ chức đội trồng cây lưu niên, cây ăn quả, gồm một số cụ phụ lão để tạo văn hóa cảnh quan, có thu nhập kinh tế, và bảo vệ phần ngôi chùa còn lại...Đảng ủy và UBND xã Quảng Lưu hoàn toàn nhất trí. (Tuy nhiên, năm 1972, tôi suýt bị kỷ luật vì bảo vệ chùa Mậu Xương là bảo vệ mê tín dị đoan ! Đó là quan điểm của ông G.-Bí thư mới của huyện(1). Nhưng, nếu tôi phải kỷ luật thì ông Lê Nguyên Thành-Phó Trưởng ty Văn hóa lẽ nào trắng án ? Việc này, ông Huy Sanh, Phó trưởng ty cũng biết, chắc phải có ý kiến.)
Năm 1970, Ty văn hóa tổ chức Hội diễn văn nghệ quần chúng tại huyện Quảng Xương. Huyện sở tại đăng cai, không thể vắng mặt trong các tiết mục. Bấy giờ văn nghệ cơ sở diễn chèo là chính. Ba năm chỉ đạo phong trào sáng tác quần chúng, tôi chỉ đào tạo được mấy tay viết văn, làm thơ (Phạm Hữu Tâm, Nguyễn Đình Tuân, Đào Phụng, Hải Minh...sau này đều trở thành hội viên sáng lập Hội văn nghệ Thanh Hóa, năm 1974), nhưng không ai biết cầm bút viết nổi mấy câu độc tấu ! Dĩ nhiên, lĩnh vực nào cũng có cái khó riêng, viết cho hay càng khó bội phần. Còn tôi, tôi cũng không nghĩ có ngày mình sẽ phải sáng tác kịch bản sân khấu, đành cứ viết đại đi cho huyện có tiết mục tự biên tham gia hội diễn !
Nghe người ta hát chèo, tôi cũng biết sơ sơ một số làn điệu cơ bản như: Sắp, Sắp mưa ngâu, Sắp qua cầu, Hát cách, Cách cú, Sa lệch bằng, Sa lệch chênh, Nói sử, Hát sử, Chuồn chuồn, Chức cẩm hồi văn, Hề mồi sư cụ,...Tôi cho là tạm đủ. Chỗ khó là tìm chọn đề tài, phát hiện vấn đề, tạo được mâu thuẫn và cách giải quyết...lại còn xây dựng tính cách nhân vật, phát triển hành động, bố cục màn cảnh, lớp lang...Về lý thuyết, hiểu đại khái vậy, đến thực hành mới hóc búa ! Tôi nhớ lại chuyến đi công tác với anh Lê Nguyên Thành về xã Quảng Lưu kiểm tra, xây dựng Nếp sống văn hóa quần chúng, hình ảnh chùa Mậu Xương với cánh đồng Chùa những vụ đông xuân hạn hán, xã viên làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm...Tôi nghĩ về đội văn nghệ xã Quảng Lưu, anh đội trưởng chưa đến 40 tuổi đã có 8 mặt con, về cô diễn viên Mai chưa chồng mà dáng người tất bật...Sau vài tuần, kịch bản viết xong, tôi đặt tên “Mảnh ruộng đồng Chùa”, giao cho đội văn nghệ Quảng Lưu tập, hai nhân vật chính: Ông Đặc đội trưởng sản xuất do anh Nhung làm đội trưởng văn nghệ đóng, và bà Đặc, người mẹ của đàn con trứng gà, trứng vịt, cô Mai mới 18 tuổi phải đảm nhiệm...Tập đi tập lại cũng khá vất vả. Chưa được, đến ngày hội diễn cũng phải trình làng. Còn tên tác giả, tôi không muốn trương họ tên thật, thay bằng cái tên bất chợt nảy ra: Nguyễn Văn Thời ! Tôi không dám “mạo phạm” đem “chuông rè” sánh với những cây bút “có tiếng” trong làng kịch nghiệp dư xứ Thanh mà tôi biết tên: Tạ Quang (Thiệu Hóa), Nguyễn Đồng (Tĩnh Gia), Hồng Năng (Hoằng Hóa), Mai Văn Thử (Nga Sơn), Phùng Gia Lộc (Thọ Xuân).
Rất bất ngờ, chèo “Mảnh ruộng đồng Chùa” của tác giả mới toanh Nguyễn Văn Thời được khán giả hoan nghênh, đánh giá cao tính văn học của vở diễn. Kết quả tiết mục Quảng Xương: Ban giám khảo trao giải thưởng chính thức (A hay B tôi không nhớ chính xác). Điều không thể tránh, cái tên thật tác giả bị lôi ra, và ai cũng thấy bất ngờ: Một tay chuyên tư duy lý luận cũng viết được một vở chèo thành công như thế ! Ty văn hóa cử hai nghệ sĩ, một già, một trẻ, bác cả Ốn và cô Minh Côi về xã Quảng Lưu tập huấn nâng cao một tuần cho đội văn nghệ để đem diễn báo cáo ở một số hội nghị trên tỉnh. Kịch bản chèo cũng được đưa in, giới thiệu trên tập san Người bạn văn hóa của ngành văn hóa tỉnh nhà. Ông Mai Bình, Trưởng phòng văn nghệ của Ty lúc ấy, không thích tình tiết cảnh đông con của vở diễn: đội trưởng Đặc chạy vội từ ngoài đồng Chùa về nhà, vì có máy bay địch thả đèn dù, phải đưa đàn con xuống hầm trú ẩn, đếm đi đếm lại tưởng đã đủ, sau mới biết còn bỏ sót hai đứa ! Trong khi đó, bà Đặc vẫn mải mê cùng chị em tranh thủ đêm trăng cấy nốt mảnh ruộng đồng Chùa ! Ông Mai Bình bảo “Nhất của nhì con, đông con là tốt, kịch bản phải sửa lại !” Nhưng như thế còn gì là kịch nữa ? (Nghe đâu, ông cũng đông con lắm !)
Anh Võ Quyết, Ủy viên Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ, Ủy viên văn hóa xã hội UBND tỉnh, Trưởng ty văn hóa, chủ tịch Hội văn nghệ tỉnh, mắc bệnh hiểm nghèo. Biết không thể cầm cự mãi, Anh bàn giao công tác chu đáo. Anh nói với các anh Nguyễn Văn Nhã, Minh Hiệu, Hà Khang: “Duy nhất còn lại vấn đề Hoàng Tuấn Phổ, nếu chưa điều được lên tỉnh công tác, tôi sẽ không yên tâm ra đi !) (Trước đây Anh chủ trương giữ tôi ở lại Quảng Xương để giữ phong trào. Nhưng có lẽ tôi ở lâu dưới huyện sẽ thêm “sinh sự, sự sinh” vì sau vụ “Chùa Mậu Xương”, xảy tiếp vụ “Giếng tròn, giếng vuông” (1977) Ty văn hóa phải can thiệp, Hoàng Tuấn Phổ mới khỏi “đuối nước” sông Lý !) (2)
Vấn đề được giải quyết nhanh chóng. Tháng 3 năm 1979, tôi chuyển công tác lên Hội văn nghệ, phụ trách bộ môn Lý luận phê bình. Tuy tôi ở Hội nhưng đồng thời hoạt động cả văn hóa. Đối với tôi, văn hóa văn nghệ là một. Năm 1970 rồi năm 1975, tôi đều được Bộ văn hóa tặng thưởng Huy chương chiến sĩ văn hóa. Rất tiếc, năm 1984, tôi bị kỷ luật: Cơ quan Hội đuổi việc, Hội văn nghệ khai trừ, đồng nghĩa “treo bút” ! Thật đáng để cho thiên hạ chê cười: “Đánh chuột vỡ bình-thơ sứt trán...” Mà đâu chỉ có ‘sứt trán” ? Chính tôi, tôi cũng tự cợt giễu mình: “Sờ râu lão Tý tay còn nhớp-Chạm vía cụ Mèo mạng suýt toi !” Tôi chấp nhận số phận mình, xách khăn gói về làng cũ, dưới mái nhà xưa dột thủng thấy sao trời, bốn vách đất dãi nắng dầu mưa nắng trơ cả xương nứa, nơi hơn 20 năm trước tôi cầm cày và cầm bút...Nhưng tôi đổi nghề, không cầm cày, cũng không cầm bút mà cầm dao, không phải dao bầu mà dao cầu ! Lang vườn tôi được bà con tín nhiệm, đặc biệt môn châm cứu ! Tôi đã có thể gọi là an cư lạc nghiệp được rồi...
Nhưng đời tôi, lắm gian gian, nhiều tai nạn, tôi nghiệm thấy mình luôn có “quý nhân” phù trợ. Quý nhân ấy là Đảng. Đúng như lời ai đó đã nói: “Đảng sinh ra tôi, Đảng định đời tôi” ! Tháng 9 năm 1989 vừa tròn 5 năm, Ông Lê Huy Ngọ Bí thư mới của Tỉnh Đảng bộ Thanh Hóa quyết định trao lại cây bút cho Hoàng Tuấn Phổ. Để tạ ơn Đảng, đến nay, tôi đã xấp xỉ bát tuần vẫn giữ vững cây bút ấy, tiếp tục phục vụ cả ngành văn hóa văn nghệ tỉnh nhà.(3)
                                                                HTP-2014
Chú thích:

(1)- Tức ông Nguyễn Văn Giá, sau làm Tổng biên tập Báo Thanh Hóa, một trong những người “có công đạo diễn” vụ án văn chương “Năm Tý nói chuyện chuột” mà Hoàng Tuấn Phổ có nhắc đến trong bài Minh Hiệu trong ký ức của tôi  (HTC chú thích)

(2)- Ty văn hóa và Hội văn nghệ, các Anh: Võ Quyết, Nguyễn Huy Sanh, Nguyễn Văn Nhã, Mai Ngọc Thanh, Minh Hiệu, Hà Khang...đều đánh giá tốt bài thơ Sông Lý và Giếng tròn giếng vuông, không có ý chống phá việc đào sông Lý như quy kết của chủ tịch Quân.
(3)- Bài này do tập san Văn hóa cơ sở  (Thanh Hóa) đặt Hoàng Tuấn Phổ viết. Nhưng có lẽ do “vấn đề nhạy cảm” nên không sử dụng. Hoàng Tuấn Công “tiếc của” xin lại bản thảo và đăng trên Tuấn Công thư phòng. (Nguyên bài viết có đầu đề: “Tại sao tôi làm  công tác văn hóa quần chúng ?”, đầu đề mới do HTC đặt lại và chú thích).


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét