Hoàng Tuấn Phổ
Năm
1970, tôi gặp Anh Minh Hiệu lần đầu tại Tạnh Xá, nơi Ban vận động thành lập Hội
văn học nghệ thuật Thanh Hóa sơ tán. Anh đang nằm võng xem sách, ngồi dậy tiếp
tôi, chẳng mặn mà, không lạnh nhạt, mặc dù trong danh sách trù bị ban văn xuôi
đầu tiên có ghi tên tôi.
Tháng 3 năm 1979, tôi được điều từ Phòng văn hóa huyện
Quảng Xương lên Hội văn học nghệ thuật tỉnh làm công tác “Lý luận phê bình”. Cơ
quan hội chưa có nhà đất riêng, ở nhờ mấy gian của khu Văn công Nhà hát nhân dân,
Ty văn hóa. Anh làm Phó chủ tịch thường trực Hội, thủ trưởng trực tiếp của tôi.
Anh ở gian đầu, tôi ở gian thứ năm. Ngoài lúc cần gặp Anh vì công việc, tôi
không thăm hỏi, trò chuyện gì với Anh. Tính Anh nghiêm lạnh, còn tôi thích trầm
mặc.
Trong
cơ quan Hội có Lê Hữu Thuấn, một nhà văn tính khí hơi “đặc biệt”. Hồi bấy giờ,
phụ tùng xe đạp rất khan hiếm. Tôi và Thuấn được công đoàn phân phối mua một cái
lốp xe đạp. Nhưng thực tế, xe anh nào cũng rách, lốp trước lốp sau đều phải
quấn dây cao su. Thuấn đề nghị công đoàn cho anh mua riêng một chiếc lốp. Công
đoàn Oanh trả lời: “Cứ kẻ trước người sau chia mà lấy !” Thuấn chửi một hồi rồi
kiện lên Thủ trưởng. Anh Minh Hiệu bảo đó là việc của công đoàn, Anh không thể
giải quyết được. Thuấn tức điên, tuyên bố chặt chiếc lốp làm đôi, anh lấy một
nửa để treo trước cửa phòng! Thuấn ở cạnh phòng tôi, tôi phải nhường anh: “Anh
về Tĩnh Gia xa gấp đôi đường tôi về Quảng Xương, thôi anh lấy lốp trước cũng
được.” Nhưng Thuấn nhất quyết không nghe, vác con dao năm ra nhất định chặt đôi
cái lốp! Oanh sợ Thuấn làm thật, giấu lốp đi, nói dối chưa mua. Thuấn ra ngoài
quán uống mấy chén rượu, có hơi men tăng thêm dũng khí, chửi “vung thiên địa”,
từ Thủ trưởng chí công đoàn. Anh Minh Hiệu nghe biết cả, trước sau đều im lặng,
chỉ khẽ mỉm cười. Tất nhiên, rồi chuyện cái lốp cũng dàn xếp xong. Chờ đến khi
Thuấn nguôi giận, tôi hỏi Anh: “Thế đợt sau được phân phối lốp, anh có “chia
đôi nữa không? Thôi đừng giận cá chém thớt nữa. Lẽ nào tôi cứ phải làm “cái
thớt” cho anh “chém” mãi ! Hoàn cảnh anh
nghèo mà nhà tôi cũng có hơn gì anh đâu?” Thuấn nghĩ ngợi rồi cười, cái
cười của anh rất hiền, lại ngồi vào bàn, tiếp tục “cày” trên trang giấy mênh
mông của người mang nghiệp văn xuôi...
Có
thể kể nhiều chuyện về Minh Hiệu hoặc liên quan đến Anh. Anh được đi Đông Đức
tham quan. Khi về, tôi được nghe Anh kể một chuyện Anh tương đắc lắm: Anh hết
diêm, xin anh bạn người Đức vài que. Anh ta móc túi đưa cho Anh bao diêm dùng
dở, còn lại nửa bao. Hôm sau, thấy Minh Hiệu mua được diêm, anh ta hỏi xin lại
diêm. Anh tặng anh ta cả bao diêm mới mua. Nhưng anh bạn người Đức chỉ lấy đúng
nửa bao, và cười nói: Công tác hay chi tiêu, mọi việc đều phải có kế hoạch và
thực hiện đúng kế hoạch. Ví dụ: Hàng tháng sau khi lĩnh lương, anh đều phải
tính toán cụ thể. Nếu chỉ cần dùng mỗi tuần một bao diêm để hút 3 gói thuốc thì
không nên dùng hơn. Nếu anh nhận cả bao diêm hóa ra quá lãng phí mà lại ảnh
hưởng đến kế hoạch của bạn!
Minh
Hiệu có một chiếc xe đạp cũ, nhãn mác của Pháp, mua từ thời Tây, khi Anh còn đi
học. Hễ đi đâu, dù chỉ ra ngoài phố mấy trăm mét, khi về, Anh đều lau chùi
chiếc xe cẩn thận. Anh được phân phối mua một chiếc xăm Sao Vàng thay thế cho
chiếc xăm cũ đã vá nhiều. Trước khi lắp xăm vào xe, Anh bôi trát lớp phấn rôm
thật dày lên xăm và giải thích rằng để bảo vệ xăm được lâu bền hơn!
Minh
Hiệu ham đọc sách, chịu khó tìm mua sách và giữ gìn sách cẩn thận. Anh bày sách
lên giá rất ngăn nắp, loại nào ra loại ấy. Ai quen, thân mượn sách của Anh, Anh
rút trên giá cho mượn, không quên ghi lên miếng bìa cứng trên cuốn sách và tên
người mượn rồi kẹp vào khoảng trống của cuốn sách đã cho mượn...Tôi cũng mượn
của Anh một cuốn sách, cuốn “Ca dao sưu tầm ở Thanh Hóa”-NXB
Văn học, đóng dấu ấn hình hoa mai khắc tên Minh Hiệu. Trong sách, Anh ghi nhiều
ý kiến bên lề ca dao. Tôi có đóng góp một phần vào cuốn sách đó, nhưng không
giữ được cuốn bản quyền tác giả, nhà xuất bản đã tặng từ năm 1964. Tôi có ý
kiến không tán thành cách làm của Nhóm Lam Sơn, dự định sẽ kết hợp ý kiến Minh
Hiệu thành vấn đề để gửi đăng tạp chí Nguồn sáng dân gian, chưa kịp thực
hiện, có người thường xuyên đến chơi, hỏi mượn xem ít hôm. Thấy lâu không trả,
tôi hỏi sách, người ấy chối phắt: “Không! Anh nhớ sai rồi!” Việc này tôi
không thể nhớ sai. Ấy là nhờ trời phú cho tôi thiếu tài nhưng tạm đủ trí nhớ,
để nhớ những gì đáng nhớ, những gì không cần/không đáng nhớ thì dẫu có nhớ cũng
như quên! Rất tiếc, tôi không học theo người có sách như Anh Minh Hiệu đức
tính cẩn trọng, chu đáo. (Không biết tên tôi Anh có ghi trên giá sách của Anh không?)
Giữa
tháng 12 năm 1983, một số anh em văn nghệ mang đến đưa tôi số Tết âm: Năm Giáp
Tý (1984) của báo Thanh Hóa, muốn tôi tham gia cuộc thi họa thơ “Năm Tý nói chuyện chuột”. Hồi này tôi
đang bận, ngoài công việc cơ quan, viết cuốn truyện lịch sử Mai vàng chùa tháp đã
hợp đồng với Nhà xuất bản Thanh Niên-Hà Nội, nên từ chối. Nhưng anh em cứ bảo:
Bài của Mai Bình-Hà Khang đấy, dở quá, anh không nên im lặng, phải góp một
tiếng cho vui. Tôi nghe bùi tai, ừ thì làm, mất một đêm chứ mấy! Tình cờ gặp
Minh Hiệu, tôi “vận động”: “Anh tham gia
cho vui đi!” Minh Hiệu nói: “Bài thơ xướng, câu kết: Hễ chúng bò ra đánh tiệt nòi!” Đầu xuân năm mới chưa làm gì đã
đánh tiệt nòi thì sái quá, không nên tham gia!” Tôi hơi phân vân, nhưng đã
trót “họa” rồi, tặc lưỡi, thôi cứ cho gửi sang báo. Bài thơ họa được ông Tổng
biên tập cùng Mai Bình chọn trong số mấy chục bài gửi đến Tòa soạn, cho đăng
ngay. Một tuần sau, có tin: Bài thơ Hoạ có vấn đề! Nhưng không ai biết tác giả
Cao Đăng là ai? Hai tác giả bài thơ xướng đang bàn với nhau cách đối phó. Lê
Sĩ Oanh nghe biết chuyện, muốn lấy lòng Thủ trưởng báo cáo ngay: Hoàng Tuấn Phổ!
Sau Tết thì “thơ họa” thành “họa thơ”, tin tức đồn ầm lên: Đó là bài thơ “chống Đảng”! Rồi “đại họa” xảy ra! Tôi bắt đầu phải làm bản kiểm điểm. Kiểm đi, kiểm lại từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1984. Chủ tịch Hội Mai Bình và Phó Hà Khang chỉ xoay quanh vấn đề “Có một nhóm văn nghệ sĩ chống Đảng mà Hoàng Tuấn Phổ là hạt nhân của tổ chức ấy!” Ông Giá(1) còn tố nhà tôi “Ba đời chống Đảng!”. Thế thì đúng trăm phần trăm rồi, còn chối cãi quanh co thế nào được nữa? Nhưng “kim chỉ có đầu”. Kẻ đầu trọc chân lấm tay bùn như tôi làm sao cầm đầu được? Phải có một nhân vật đáng mặt, một tên tuổi trong làng văn. Ai? Họ bảo bài thơ Họa cùng với bài Giếng tròn giếng vuông (chống việc đào sông Lý) năm 1977 (tôi đang ở Phòng văn hóa Quảng Xương) thuộc hệ thống tư tưởng với các bài Cây bàng, Con dao...của Minh Hiệu. Họ đang gợi ý, hướng tới nhà thơ Minh Hiệu, bạn với Minh Huệ (Nghệ An). Họ đe dọa sẽ đưa tôi ra tòa, hoặc đưa về địa phương “đấu tranh”, nếu tôi không thành khẩn trình báo những cuộc tọa đàm tại phòng tôi ở khu tập thể Hội.
Sau Tết thì “thơ họa” thành “họa thơ”, tin tức đồn ầm lên: Đó là bài thơ “chống Đảng”! Rồi “đại họa” xảy ra! Tôi bắt đầu phải làm bản kiểm điểm. Kiểm đi, kiểm lại từ tháng 2 đến tháng 8 năm 1984. Chủ tịch Hội Mai Bình và Phó Hà Khang chỉ xoay quanh vấn đề “Có một nhóm văn nghệ sĩ chống Đảng mà Hoàng Tuấn Phổ là hạt nhân của tổ chức ấy!” Ông Giá(1) còn tố nhà tôi “Ba đời chống Đảng!”. Thế thì đúng trăm phần trăm rồi, còn chối cãi quanh co thế nào được nữa? Nhưng “kim chỉ có đầu”. Kẻ đầu trọc chân lấm tay bùn như tôi làm sao cầm đầu được? Phải có một nhân vật đáng mặt, một tên tuổi trong làng văn. Ai? Họ bảo bài thơ Họa cùng với bài Giếng tròn giếng vuông (chống việc đào sông Lý) năm 1977 (tôi đang ở Phòng văn hóa Quảng Xương) thuộc hệ thống tư tưởng với các bài Cây bàng, Con dao...của Minh Hiệu. Họ đang gợi ý, hướng tới nhà thơ Minh Hiệu, bạn với Minh Huệ (Nghệ An). Họ đe dọa sẽ đưa tôi ra tòa, hoặc đưa về địa phương “đấu tranh”, nếu tôi không thành khẩn trình báo những cuộc tọa đàm tại phòng tôi ở khu tập thể Hội.
Rốt
cuộc, tôi không khai báo gì, vì chẳng có gì để khai báo! Hơn thế, có lúc tôi
bị bức quá, khùng lên: “Chính bài thơ xướng mới là chống Đảng!” Tôi nghĩ, nếu
phải ra tòa càng hay, càng có dịp để phân tích cả hai bài thơ xướng họa!
Ngày
mồng 2 tháng 9/1984, ông Trần Kháng, Chánh văn phòng Hội trao cho tôi quyết
định kỷ luật buộc thôi việc. Quyết định có hiệu lực từ 3/9/1984, nghĩa là tôi
phải rời cơ quan đúng ngày này, không được phép trì hoãn. Trước đó, cuối tháng
8, Ban chấp hành Hội họp, biểu quyết 12/12 khai trừ Hoàng Tuấn Phổ ra khỏi hội.
Trong cuộc họp thường vụ, Lê Xuân Đức nhận xét: “Bài thơ chứng tỏ cái tâm không
sáng!” Ông Huy Sanh phát biểu: “Không nên đánh vào miếng cơm manh áo của anh
em Văn nghệ!” Số phận thảo dân đã do Thiên đình định đoạt rồi!
Thơ
họa thành đại họa. Tôi bị mất cả chì lẫn chài. Cuốn Mai vàng chùa tháp in
xong, bị đình chỉ phát hành vì có công văn của Thanh Hóa gửi ra. Nhà xuất bản
Thanh Niên theo chế độ thù lao cho tôi 1.000 đồng. Nhà thơ Phạm Đức biên tập
viên rất tốt, đã lai xe đạp đưa tôi đi gặp ông Giám đốc đang chữa bệnh tại bệng
viện, ký giấy cấp kinh phí. Lời tục ngữ: “Phù thịnh không ai phù suy”. Nhưng
may phúc cho tôi, ở đâu, lúc nào, tôi cũng gặp được người tốt chìa tay giúp đỡ.
Nhưng vận hạn khó tránh. Từ cày ruộng ra đi, tôi lại trở về ruộng cày với bông
lúa, củ khoai...
Cuối
năm 1989, sau 5 năm kỷ luật, xét kiến nghị của Đại hội Hội văn học nghệ thuật
Thanh Hoá, tôi được Bí thư tỉnh uỷ Lê Huy Ngọ ký Quyết định phục hồi công tác.
Trong
thời gian “dầu sôi lửa bỏng” Anh Minh Hiệu biết gì? Nghĩ gì? Nghe nhà thơ Anh
Tuấn nói: “Minh Hiệu đã nghỉ hưu, không làm gì được cho bạn bè, về phần mình,
Anh vẫn bình chân như vại, chỉ tiếc cho Hoàng Tuấn Phổ chủ quan rơi vào cái bẫy
người ta đã chăng ra!” Vâng, thưa Anh Minh hiệu kính mến, tôi rất tiếc đã
không tỉnh táo ngheo theo lời Anh!
Năm
nay, 2014, nhân tròn 30 năm một “vụ án văn chương” bất thành, dường như đã rơi
vào quên lãng. Nhưng nhớ về Minh Hiệu, tôi muốn “cùng Anh” ôn lại sự kiện “đại
hoạ” đã không thành “đại hoạ”, vì sự sáng suốt của “quý nhân phù trợ”-Anh Lê Huy Ngọ.(2)
Năm
Minh Hiệu thọ 70 xuân (Tết Quý Dậu-1993), tôi đến chúc mừng Anh. Anh ở trên
tầng 3 khu Phan Chu Trinh mới, phòng văn ngăn nắp, sạch sẽ tinh tươm...Minh
Hiệu thích chơi hoa phong lan rừng và trước cửa sổ treo giò phong lan đang nở
như năm xưa Anh ở khu Nhà hát nhân dân. Tôi mừng thọ Anh bài thơ “thất ngôn bát
cú”, chúc Anh còn tiếp “bảy mươi rồi tám, chín mươi...”:
Cụ Đỗ nghe chừng khoái
lắm không?
Làng thơ thất thập đến
là đông!
Câu thơ Mường-Thái còn
dư sức,
Quế ngọc Châu Thường đã
lắm công.(3)
Cửa sổ lan rừng thơm
nét chữ,
Phòng văn quạt gió vắng
hơi đồng.
Bảy mươi sức bút xuân mười
bảy,
Trong hội văn nhà được
mấy ông?
Đúng
là sức bút Minh Hiệu càng già càng khoẻ. Cũng đúng là “văn tức người”. Con người
Minh Hiệu khuôn mẫu quá. Ưu điểm của mặt này lại là nhược điểm của mặt kia. Luật
bù trừ của tạo hoá chăng?(4)
HTP-Tháng
3-2014
Chú
thích của Tuấn Công thư phòng:
(1)-Tức
Nguyễn Văn Giá-Tổng biên tập báo Thanh Hoá-người đã cho đăng bài thơ “chống Đảng”
của Cao Đăng-Hoàng Tuấn Phổ lúc bấy giờ.
(2)-
Tuấn Công thư phòng sẽ đăng lại hai bài thơ xướng hoạ vào dịp khác.
(3)-“Quế
ngọc Châu Thường” là tên một tác phẩm khảo cứu của Minh Hiệu. Ông còn là tác giả
một số cuốn sách sưu tầm, dịch, giới thiệu Tục
ngữ, dân ca Mường-Thái.
(4)-Nguyên
bài viết này Hoàng Tuấn Phổ viết theo lời mời của Nhà thơ Lê Tuấn Lộc (cho kế
hoạch làm sách về Minh Hiệu). Sau đó, không thấy Nhà thơ nhắc đến. Hoàng Tuấn Công
tiếc của, xin phép thân phụ đăng trên Tuấn Công thư phòng, xem như một đoạn
hồi ký về cuộc đời dằng dặc những gian truân của Hoàng Tuấn Phổ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét