13 thg 7, 2014

“Bắt chấy cho mẹ chồng thấy bồ nông dưới biển” là thế nào ?


Bồ nông dưới biển
Ảnh: ST
HOÀNG TUẤN CÔNG

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Bắt chấy cho mẹ chồng thấy bồ nông nông dưới bể”. Các Nhà biên soạn từ điển, nghiên cứu văn hóa dân gian giải thích:
-“Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương-NXB Tổng hợp TPHCM-2012) ghi chú: “Chưa rõ nghĩa”.
-“Tục ngữ Việt Nam (Nhóm Chu Xuân Diên-Lương Văn Đang-Phương Tri - NXBKhoa học xã hội-1975) đưa ra hai dị bản: “Bắt chấy cho mẹ chồng, thấy bồ nông dưới biển (hoặc như bồ nông mò biển).” Vì sách chỉ làm nhiệm vụ sưu tầm, tập hợp nên nhóm tác giả không giải thích. Tuy nhiên, căn cứ việc sách đưa ra dị bản thứ hai: “Bắt chấy cho mẹ chồng như bồ nông mò biển” đủ thấy các tác giả cũng chưa biết nên hiểu thế nào cho đúng.

-“Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào-NXB Văn hóa-2000): “Ng.đen: Hiện tượng nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng cũng hiếm như hiện tượng bồ nông dưới biển. Ng.bóng: Quan hệ mẹ chồng nàng dâu ít khi thành thật thương yêu  nhau.”

-“Giải nghĩa tục ngữ Việt Nam(Nguyễn Cừ-NXB Văn học-2012): “Mẹ chồng nàng dâu có bao giờ yêu nhau, nói chuyện nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng khác nào nói chuyện ngược đời là nhìn thấy chim bồ nông xuống biển mò ăn”.
-“Từ điển tiếng Việt” (Ban biên soạn chuyên từ điển: New Era-NXB Từ điển bách khoa-2013): “Quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng, theo cách nhìn xưa nay, thường là ít gần gũi, ít có tình cảm với nhau nên không có sự chăm sóc, tâm tình và có phần đố kỵ, ví như việc nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng là hiếm hoi như trông thấy bồ nông dưới biển.”
Như vậy, ít nhất có 3 sách thống nhất trong cách giải thích và tưởng như không có gì phải bàn thêm. Tuy nhiên, chúng tôi lại nghĩ khác:
-Bồ nông là loài chim biển. Môi trường kiếm ăn của chúng là các cửa sông, cửa biển, vùng ven biển, biển đảo, các hồ lớn. Bồ nông không những biết mò biển mà còn lặn biển rất giỏi. Bởi vậy, “bồ nông dưới biển” hay “bồ nông mò biển” hoàn toàn không phải là chuyện “hiếm”, “ngược đời” như các nhà biên soạn từ điển giải thích.

 -Cách đây khoảng 20-30 năm trở về trước (tuỳ từng điều kiện sống) chấy rận ký sinh trên người rất nhiều. Rận sống trong quần áo, chăn màn. Chấy sống ký sinh trên đầu, tóc. Chấy mẹ, chấy con, chấy to, chấy nhỏ... Con to, đen, gọi là chấy đực, con nhỏ gọi là chấy mén (chấy mén là loại mới nở, đang “tuổi ăn, tuổi lớn” nên chích hút máu rất hăng, ngứa ngáy vô cùng). Lại có cả trứng chấy màu trắng ngà, hình bầu dục, bé tí như hạt cát ở gần chân tóc. Thế nên có thành ngữ: Từ trứng chí mén (Từ dạng trứng đến con mới nở, ý nói tất thẩy từ nhỏ đến lớn). Cứ có thời gian rảnh rỗi người ta lại bắt rận, bắt chấy cho nhau. Đây không chỉ là công việc mà còn là cách thể hiện tình cảm với nhau. Thế nên, trong bài “Nhớ” (1948), Nhà thơ Hồng Nguyên mới viết: “Có mẹ hiền bắt rận cho những đứa con xa...”. Người chồng trong “Sự tích hòn Vọng Phu” cũng do một hôm bắt chấy cho vợ nên mới phát hiện ra cái sẹo trên đầu của chính cô em gái mình thuở nhỏ.
Con chấy (đặc biệt là chấy mén) rất nhỏ. Chúng có màu đen, lại lủi rất nhanh trong rừng chân tóc. Bởi vậy, khi bắt chấy, dẫu mồm thủ thỉ đủ thứ chuyện trên đời với nhau, nhưng mặt, mắt, đôi tay vẫn luôn phải cắm cúi, tỉ mẩn, rẽ từng “chân tơ kẽ tóc” thật chăm chú mới bắt được chấy. Ấy vậy mà cô con dâu nào đó, “bắt chấy cho mẹ chồng”, mà mắt lại “thấy bồ nông” tận ở “dưới bể” thì còn bắt cái nỗi gì?!
Như vậy, chúng ta có thể hình dung câu chuyện thế này: người bắt chấy thường ngồi ở phía sau; người được bắt không thể nhìn thấy mặt người bắt chấy. Thế là nàng dâu mới có cơ hội lừa mẹ chồng (hay lơ đễnh?): tay thì rẽ tóc, nhưng mắt lại ngóng nhìn tận đẩu tận đâu; nhìn thấy cả những thứ ở xa tít, chẳng liên quan gì đến công việc của mình, đó là con bồ nông dưới biển. Có thể nàng dâu không chủ ý như vậy, nhưng vì việc bắt chấy không xuất phát từ tình cảm thân mật, gần gũi nên cái kiểu “tâm bất tại” nó cứ tự nhiên diễn ra.
Trở lại cách giải nghĩa của nhóm Vũ Dung: “Ng.đen: Hiện tượng nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng cũng hiếm như hiện tượng bồ nông dưới biển. Ng.bóng: Quan hệ mẹ chồng nàng dâu ít khi thành thật thương yêu  nhau.” Cách giải thích nghĩa bóng đúng. Tuy nhiên, cách hiểu nghĩa đen không những sai với thực tế mà còn mâu thuẫn, thiếu lo-gic với nghĩa bóng. Bởi nếu “nàng dâu bắt chấy cho mẹ chồng cũng hiếm như hiện tượng bồ nông dưới biển” thì nghĩa bóng phải là: nàng dâu ít khi quan tâm đến mẹ chồng, chứ không phải: “mẹ chồng nàng dâu ít khi thành thật thương yêu  nhau.” Vì “ít khi” không có nghĩa là không “thành thật”.

Đã chăm chú bắt chấy
Ảnh: ST
Như vậy, hình thức đúng của câu tục ngữ là: “Bắt chấy cho mẹ chồng thấy bồ nông dưới bể” (hoặc biển). Còn có một số dị  bản mang tính địa phương chưa được các nhà biên soạn từ điển ghi nhận như: "Bắt chí (chấy) cho mụ gia (mẹ chồng) chộ (thấy) đa đa trên động”, hoặc "Bắt chí cho mụ gia, chộ ba ba ngoài bể" (Hà Tĩnh); rồi “Con dâu bắt chí mẹ chồng/Ngó ra ngoài đồng thấy ổ le le” (Bình Định);  "Đi cấy đồng Loi thấy đoi đồng Chùa" (Thanh Sơn, Tĩnh Gia, Thanh Hóa).
Con ba ba dưới bể, hay đa đa trên động, le le ngoài đồng có hiếm thấy không? Dĩ nhiên là không! Ngược lại rất sẵn, vì đó là môi trường sinh sống của chúng. Bởi vậy, khi xuất hiện trong câu tục ngữ, chúng chỉ đóng vai trò là hình ảnh, sự vật bất kỳ ở một nơi rất xa nào đó, không liên quan chuyện bắt chấy của cô con dâu mà thôi.

Riêng dị bản của Thanh Hóa “Đi cấy đồng Loi thấy đoi đồng Chùa” còn mang tính hài hước hơn: đi cấy ở xứ đồng Loi, nhưng lại “ngóng trời ngóng đất”, nhìn thấy cả “đoi” (mông, khu, của người đi cấy) mãi tận đồng xứ đồng Chùa. Trong khi cả hai việc “bắt chấy” và “đi cấy” đều buộc người ta phải cắm cắm cúi cúi mới làm được.

Qua một số dị bản địa phương càng có thêm cơ sở để khẳng định cách hiểu "Bắt chấy cho mẹ chồng thấy bồ nông dưới bể" mà chúng tôi đã trình bày(*). Vì không hiểu cách nói hài hước, châm biếm của dân gian, không hiểu tại sao bắt chấy cho mẹ chồng lại nhìn thấy con bồ nông dưới bể, nên người ta mới phỏng đoán, rồi đi đến kết luận chắc nịch rằng: bồ nông hiếm khi xuất hiện ngoài biển. Ai đó còn sáng tác thêm một dị bản để hợp lý hoá nó: “Bắt chấy cho mẹ chồng như bồ nông mò biển”! 

                                                                     HTC/2015

Chú thích: (*) Một số dị bản: Bắt chí (chấy) cho mụ gia (mẹ chồng) chộ (thấy) đa đa trên động”"Bắt chí cho mụ gia, chộ ba ba ngoài bể" (Hà Tĩnh); “Con dâu bắt chí mẹ chồng/Ngó ra ngoài đồng thấy ổ le le” (Bình Định), do bạn đọc cung cấp, chúng tôi xin phép được cập nhật trong bài viết.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét