3 thg 4, 2014

PHÉP VUA CÓ THUA LỆ LÀNG ?

  Hoàng Tuấn Công                                              

Không ít người cho rằng, câu ngạn ngữ “Phép vua thua lệ làng” (dị bản "Luật vua thua lệ làng; Lệ làng hơn phép nước), khẳng định một thực tế trong xã hội phong kiến, lệ làng đủ mạnh để chống lại phép vua, hoặc có thể làm trái những điều phép vua quy định. Theo đó, ngày nay "xây dựng quy ước Làng văn hóa không nên giống như lệ làng, bởi xưa kia “phép vua còn thua lệ làng”!

Sự thực, phép vua có thua lệ làng không ?

Dưới chế độ phong kiến, luật nước (phép vua) do Nhà nước đặt ra và thi hành trong phạm vi cả nước (trừ một số dân tộc thiểu số ở vùng xa xôi hẻo lánh có thể theo chính sách “kimi”, nhu viễn để đoàn kết, thu phục các thổ tù). Còn lệ làng (hương ước, khoán ước) không thể trái ngược trên căn bản với phép nước. Lệ làng là những điều khoản chi tiết (nặng về phong tục địa phương) chỉ có tác dụng trong một làng và ít nhiều đóng góp cho việc thi hành luật nước. Từ thời Hồng Đức, pháp luật đã quy định chặt chẽ như: lệ làng phải do những người có chức quan trong làng soạn; lệ soạn, giao ước xong phải trình lên quan địa phương duyệt. 

Sách “Việt Nam phong tục” của Phan Kế Bính cho biết: “Khoán ước định xong, dân làng ký kết, có nơi đem trình quan xin chữ phê để làm luật nhất định cho làng”;  “trong khoán ước có thưởng, có phạt, trừ các việc lớn đã có phép của Nhà nước, còn việc nhỏ trong dân thôn thi hành lẫn nhau”. 

Trong Lời tựa của Hoàng Việt luật lệ, vua Gia Long viết: "Trẫm tự thân sửa chữa để ban hành cho thiên hạ, khiến người trong nước biết được phép lớn cần ngừa, sáng rõ như mặt trăng không thể ẩn giấu. Điều cấm răn dạy nghiêm ngặt như sấm sét khiến cho không thể xâm phạm." (Đại Nam thực lục).

Như vậy, có thể nói như cách nói ngày nay, lệ làng là những “văn bản dưới luật”. Ví dụ Khoán ước có thể quy định những người nào được miễn sưu dịch, nhưng mỗi suất đinh hàng năm phải đi phu mấy ngày đã có luật của Nhà nước. Dân làng, dù người nghèo kiết xác, kẻ cùng đinh thế nào cũng mặc, đến kỳ nộp thuế phải lo đóng đủ cho Nhà nước. Dù làng đang có lễ hội, hay việc hiếu, việc hỉ, nhưng có trát quan trên sức đắp đê, mở mang đường sá, đón tiếp thượng quan hay bất kỳ công việc gì, làng đều phải cắt cử người đi ngay. Không đời nào ỷ vào “lệ làng” mà chống đối được. Do đó, luật nước và lệ làng trong xã hội phong kiến có tác dụng hỗ trợ và bổ sung cho nhau.

Vậy tại sao có câu “Phép vua thua lệ làng”?

Thực tế một số “điều ước” của lệ làng như “lệ khao vọng, hương ẩm, lệ kính biếu, phạt vạ, lệ cưới cheo”... trong điều luật của “phép vua” không đề cập đến, hoặc có nói tới chỉ là chung chung. Dần dần chúng trở thành những hủ tục rất nặng nề, phiền hà. Nhưng vua quan đều không can thiệp tới. Vua chỉ cần dân ngoan ngoãn, không chống đối. Quan chỉ cần thu sưu thuế, bắt phu đầy đủ. Do đó mới có tệ cường hào, lý dịch mặc sức áp bức, bóc lột, đè đầu cưỡi cổ dân làng. Chỉ ở thời kỳ chiến tranh, loạn lạc, tùy lúc, tùy nơi, “phép vua” mới ít có hiệu lực hoặc không có hiệu lực. Song, nhân dân lại ly tán, khổ cực, còn làng đâu mà giữ lấy lệ? 

Đến thời phong kiến suy tàn và thực dân thống trị, nhiều thứ lệ làng trở thành tệ nạn. Ví như chè chén, lễ lạt, biếu xén, khao vọng, phạt vạ...lại rất được chính quyền khuyến khích. Mục đích để người dân quanh năm chúi mũi vào lệ làng, ra sức tranh giành, sát phạt lẫn nhau. Đó là khoảng trời riêng giành cho làng, để làng quên đi “quốc sự”. Làng bị đẩy vào con đường bần cùng, tha hóa, lại tưởng được tự chủ (dân chủ) đến vua cũng không dám can thiệp! Câu ngạn ngữ “Phép vua thua lệ làng” rất có cơ sở để đoán định nó xuất hiện trong hoàn cảnh lịch sử xã hội đó.

 Mặc khác cũng cần xem xét ngạn ngữ hay tục ngữ, phương ngôn là một thể loại văn học dân gian. Mỗi câu thường mang nhiều ý nghĩa khác nhau, có nghĩa đen, nghĩa bóng, nghĩa rộng. “Phép vua thua lệ làng” xét về tính đa nghĩa: Nhà nước (vua) phải tôn trọng phong tục, tập quán tốt đẹp của từng vùng, lãnh thổ (làng); Nhập gia tùy tục, đến nơi nào phải tuân theo phong tục, luật tục nơi ấy; Một cách nói tỏ ý bất bình, phê phán những kẻ dám xem thường phép nước.

                                                                                     HTC/2014



                                                                                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét