25 thg 4, 2014

Hai lần gặp tác giả "CHÂN TRỜI CŨ"

                    Hoàng Tuấn Phổ
Sông Yên bến Ghép
                                         Ảnh: Báo Thanh Hóa
Năm 1947-1948, tôi học năm thứ nhất trung học trường tư thục Hoài Văn do ông Trần Thanh Mại làm hiệu trưởng. Trường này không có cơ sở riêng, phải mượn tạm mấy phòng của trường tiểu học Pháp-Việt cũ, địa điểm tại thôn Tam UY, bên cạnh chợ Hội, xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa. Một buổi chiều đầu năm 1948, đang giờ học sinh ra chơi, có một người đàn ông cao gầy, trạc 30 tuổi, địu con nhỏ đi ngang qua cổng trường. Bỗng thầy giáo Trần Thanh Địch từ trong lớp học chạy ra vẫy gọi rối rít. Người đàn ông địu con ấy liền rẽ vào cổng trường cùng thầy giáo chúng tôi tay bắt mặt mừng...

Chúng tôi vào lớp sớm hơn quy định mấy phút. Người lạ mặt đang đứng nói chuyện với mấy thầy giáo của chúng tôi, đứa bé vẫn ngủ say trên lưng ông.

-Các anh, chị có biết đây là ai không ? Tác giả "Chân trời cũ", văn sĩ, kiêm thi sĩ Hồ Dzếnh đó !

Chúng tôi bị bất ngờ đến nỗi cả lớp đều trố mắt, ngây người ra nhìn nhà văn. Chúng tôi vừa học xong mấy đoạn trích trong tác phẩm "Chân trời cũ". Thầy Trần Thanh Địch dạy Việt văn bắt học sinh phải học thuộc lòng tất cả bài giảng văn dù là thơ hay truyện. Thông thường, chúng tôi ít khi nhớ tên tác giả, vì khi lên bảng đọc bài, thầy giáo không hỏi tới. Nhưng đối với tác giả "Chân trời cũ" có lẽ chúng tôi ít ai quên, bởi chữ Dzếnh viết rất lạ, đã "d" lại thêm "z"; hơn nữa thầy Trần Thanh Địch còn chu đáo dạy chúng tôi cả cách phát âm chữ "Dzếnh" thế nào cho đúng. Riêng tôi, tôi nghĩ tên nhà văn, nhà thơ phải hay, phải đẹp, nên chẳng mấy cảm tình với cái tên nghe kém thuận tai đó. Tuy nhiên, đối với văn Hồ Dzếnh, tôi rất thích, và học thuộc mau chóng, mặc dù tôi chúa ghét tất cả những gì phải học thuộc lòng.

Loại trò bé nhỏ, quê mùa như tôi chẳng nói làm gì, chứ lắm anh lớn cao hơn cả thầy giáo, cũng ấp úng chẳng nên câu trước một tác giả bằng xương bằng thịt, mình vừa học với sự thích thú, say sưa qua lời thầy giảng. Cuộc tiếp xúc khá ngắn ngủi, chưa đầy năm phút sau, tác giả "Chân trời cũ" gật đầu chào chúng tôi để ra đi với đứa con đã có vẻ nặng ghì sau lưng.

Tôi nhìn theo ông qua cửa sổ. Cho đến tận bây giờ, gần nửa thế kỷ trôi qua, tôi vẫn còn nhớ như in dáng đi hơi lom khom của ông và đôi chân dài sải những bước vội vã trong nắng chiều vàng nhạt trên khoảng sân trường cỏ gấu xanh xanh.

Thầy giáo Trần Thanh Địch kể lại: Thủa thiếu thời văn sĩ kiêm thi sĩ Hồ Dzếnh có học L'ecole de Uy Hội, cũng chính là ngôi trường hiện chúng tôi đang ngồi nhờ. Vợ ông mới mất. Ông đưa con về thăm quê ngoại ở Hòa Trường, cách đây chừng 2km. Quê ông bây giờ không còn u buồn, cơ cực như cái thời ông miêu tả trong "Chân trời cũ", nhưng vẫn chưa thoát cảnh nghèo khó. Bà con bên ngoại rất thương quý cha con ông mà không nuôi nổi đứa bé giúp ông rảnh tay công tác. Ông đành lại địu con trên lưng tiếp bước theo đường dài kháng chiến...

Thì ra văn sĩ hay thi sĩ cũng có niềm vui, nỗi buồn, thậm chí cũng tủi nhục, đắng cay như ai ! Lần đầu tiên tôi hiểu nhà văn cũng là người thường tình, chẳng khác bao con người thường tình chung quanh mình, nhưng chưa biết họ làm thế nào để trở thành văn nhân, thi sĩ khiến nhân dân phải ngưỡng mộ...

Trong kháng chiến chống Mỹ, tôi làm công tác Văn hóa thông tin huyện Quảng Xương, thường xuyên đi cơ sở. Nhiều lần đứng trên bờ sông Ghép, tôi cố hình dung túp lều tranh của hai mẹ con chị lái đò năm xưa của "Chân trời cũ", và chỗ bến đò người mẹ nhà văn Hồ Dzếnh thời chưa lấy chồng, ngày ngày cắm sào đợi khách sang ngang. Song thời gian cộng thêm chiến tranh đã xóa sạch mọi dấu tích. Ở Ngọc Giáp không ai biết gì về câu chuyện tình duyên của chị lái đò tên Văn với khách giang hồ họ Triệu. Điều dễ hiểu là bến đò Ghép thuộc địa phận thôn Ngọc Giáp lại cách làng khá xa và mẹ con chị lái đò cũng không phải gốc gác ở đây. Hình ảnh ngôi làng nghèo với dòng sông nhỏ trong "Chân trời cũ" không phải là Ngọc Giáp. Đó là một làng cũ trong xã Hòa Trường xưa, và con sông Ghép (Ngọc Giáp) mở ra "mênh mông bể sở" không thể lẫn lộn với dòng sông quê hương của Hồ Dzếnh "một dòng sông nhỏ, êm kín với hai bờ lau xanh". Sự thực đây chính là đoạn cuối của con sông Lý chảy ra sông Yên, khúc trên sông Ngọc Giáp. Một dòng sông nhỏ, vốn là kênh đào thời Lý, không có gì đặc sắc, nhưng là dòng sông của quê hương, của tuổi ấu thơ đầy kỷ niệm, đối với Hồ Dzếnh suốt đời vẫn là dòng sông mong nhớ, yêu thương.

Những lần về xã Quảng Trường công tác, tôi hay ra bến Hòa Trường. Trước cảnh một khúc sông quê thanh bình, đôi ba thuyền chài giăng câu, thả lưới, một con đò ngang nho nhỏ, lưa thưa khách, lòng tôi lại ngân lên những câu văn "Chân trời cũ" du dương điệu hát ru buồn buồn mình đã học, đã nhớ nhập tâm từ thuở mười ba.

Năm 1977, người chị dâu mà Hồ Dzếnh rất mực ca ngợi trong tác phẩm của mình qua đời. Bà là mẫu thân anh Hà Thành Xương, cán bộ cùng phòng với tôi. Đám ma thuê ô tô từ thị xã Thanh Hóa xuống nghĩa trang chợ Nhàng. Tôi ở Quảng Xương đi lên đến cầu Quán Nam thì gặp và đạp xe theo sau. Người chú ruột Hà Thành Xương nghe tin chị dâu mất, vội vàng từ Hà Nội vào, và thật bất ngờ, tôi lại được gặp tác giả "Chân trời cũ". Giữa đám đông đúc, lộn xộn người đưa tang, may nhờ được Hà Thành Xương nhanh ý giới thiệu, tôi mới nhận ra ông. Vẫn dáng cao cao gầy gầy như năm xưa, ông già đi nhiều, nhưng rắn rỏi, khỏe khoắn.

-Lâu nay bác có về thăm quê ngoại ?
-Với quê ngoại, tôi vẫn đi về trong tâm tưởng.
-Tôi thấy bác tại trường Trung học Hoài Văn cách đây đã gần 30 năm. Rồi nghe tin bác "về thành" trước khi cuộc kháng chiến chống Pháp kết thúc, nhưng tôi tin bác trước sau vẫn là nhà văn yêu Tổ quốc Việt Nam. Anh Hà Thành Xương có nói với tôi rằng: tác giả "Chân trời cũ" đang chuẩn bị viết tiếp "Chân trời mới" đúng không, thưa bác ?

-Tôi có ý định như thế thật. Nhưng "Chân trời mới" mắt già như tôi nhìn bị lóa thành ra không viết nổi. Có lẽ phải là thế hệ các anh mới làm được.

-Thưa bác, riêng tôi, tôi tự biết mình không đủ thực tài để làm công chuyện to lớn đó. Tôi chỉ thầm nghĩ mình cũng có một "Chân trời cũ", rất muốn viết về nó, cho nó, song lại không dám cầm bút vì đã có một "Chân trời cũ" hay và nổi tiếng của Hồ Dzếnh rồi !

Để minh họa cho lời nói của mình, tôi đọc thuộc lòng đoạn văn tôi thích nhất trong tác phẩm "Chân trời cũ", trước tác giả của nó-ông Hồ Dzếnh-như năm xưa tôi đọc bài trước thầy giáo Trần Thanh Địch, cũng là một nhà văn...

6-1994

                                                                                    (Đặc san Văn nghệ 1994)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét