11 thg 3, 2014

Thử lý giải những sai sót để đời


của Nhà biên soạn từ điển-GS Nguyễn Lân Kỳ 5
Hoàng Tuấn Công                             Kỳ 5
Tư duy logic
Nếu "Từ điển từ và ngữ Việt Nam" của GS Nguyễn Lân giống như một cái “kho” khổng lồ chứa muôn hình vạn trạng sự vật hiện tượng, thì các đơn vị từ, ngữ, khái niệm...chính là những sự vật hiện tượng được sắp xếp có hệ thống khoa học trong cái kho ấy. Bằng tư duy logic, Nhà biên soạn từ điển phải mô tả chính xác từng sự vật hiện tượng tương ứng với từ ngữ đó. Căn cứ mô tả này, người ta có thể “vào kho”, nhận diện và tìm thấy sự vật, hiện tượng (từ, ngữ) cần tìm một cách nhanh chóng, chính xác và sử dụng đúng mục đích.

 Tuy nhiên, khi thực hiện quy trình này, bạn đọc thấy xuất hiện một kiểu tư duy lạ của Nhà biên soạn từ điển: Tư duy “ảo thuật” ! Tức phân tích, mô tả, suy luận không theo quy luật khách quan; thiếu chặt chẽ; thiếu hệ thống, nhất quán, khiến các sự vật, hiện tượng bị đảo lộn, méo mó, sai khác, mâu thuẫn; cái nọ bỗng biến thành cái kia một cách phi lý.

1. biến thành rùa:
-         Lò dò như cò phải bão. Chế người đi quá chậm.
Đây là loại thành ngữ so sánh, A giống như B. Nếu căn cứ vào miêu tả, giải thích của GS Nguyễn Lân “Chế người đi quá chậmđể đi tìm từ, ngữ tương ứng, người ta sẽ vào trong "kho" lấy ra con rùa, hoặc con ốc sên chứ không phải con "cò phải bão" ! (Lưu ý, câu “Chậm như rùa”, GS Nguyễn Lân giải thích chậm quá”)
Trong thành ngữ đang xét, "lò dò" là nghĩa gốc; "như cò phải bão" là nghĩa biểu trưng cho thuộc tính "lò dò", dân gian so sánh để làm tăng thêm giá trị nghệ thuật của từ, ngữ. “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê chủ biên) giải nghĩa: lò dò: “đi lần từng bước ngắn một cách chậm chạp, như thể vừa đi vừa dò đường”. “Việt Nam tự điển” (Hội Khai Trí Tiến Đức) “Lò dò: đi dò từng bước: Lò dò như cò bắt tép”. Như thế, ngay cả khi chỉ có hai từ “lò dò”, sự “chậm chạp” cũng chỉ là một biểu hiện, chứ không phải nghĩa đặc trưng, bao hàm của “lò dò”. Huống gì, sự “lò dò” ở đây đã được tăng thêm hai cấp độ: được ví “như cò”, mà lại “cò phải bão” !
Trong tiếng Việt, con cò là hình ảnh hay được ví von, liên tưởng đến sự gầy gò, ốm yếu, mảnh khảnh: trông như con cò hương; lử cò bợ; giống như con cò ngàng; ngẳng như cổ cò...Ngược lại, cò chưa bao giờ là hình ảnh khiến chúng ta liên tưởng ngay đến sự chậm chạp. Theo nghĩa đen: tạo hóa ban cho con cò cặp chân dài, cổ và mỏ dài, cái đuôi ngắn để nó dễ bề lặn lội kiếm ăn trong môi trường nước. Khi rình bắt mồi, đôi chân cao của nó thận trọng đi từng bước một. Để làm gì ? Để không làm xao động mặt nước hay lá cây, ngọn cỏ. Lò dò đến gần mấy ả tôm tép đang tung tăng bơi lội, hay bọn châu chấu còn mải mê nhấm nháp cỏ non... Nhanh như chớp, cò “tung” cái cổ dài, mỏ dài của nó ra bắt gọn con mồi. Bình thường, ngoài tập tính phải lò dò khi rình bắt mồi, do chân dài, cổ dài, đuôi cộc nên cò bước đi khá vụng về. Sức mạnh, sự nhanh nhẹn, linh hoạt của con cò không phải ở đôi chân mà là cái cổ dài ngẳng với “sức bật” như tên bắn khi bắt mồi và đôi cánh có khả năng bay cao, bay xa ngàn dặm. Chỗ ở của cò là các ngọn cây cao. Mưa bão buộc nó phải rời bỏ bầu trời và ngọn cây xuống tá túc ở các bờ bụi. Có những con không kịp tìm nơi tránh trú, bị mưa bão thổi bạt xuống đồng không mông quạnh. Cò vốn đã mảnh khảnh, yếu ớt, đi lò dò từng bước, nay lại bị gió dập, mưa vùi, lông cánh ướt sũng, đói rét,càng trở nên lò dò, run rẩy, liêu xiêu. (Tục ngữ còn có câu Trai phải hơi vợ như cò bợ phải trời mưa. Con cò bợ thường đứng rụt cổ, co ro, nay bị mưa ướt, trông càng rũ rượi, ốm yếu thảm hại).
Vậy chỉ cần nói lò dò như con cò, hoặc "Lò dò như cò bắt tép" cũng được, sao dân gian lại nói “Lò dò như cò phải bão” ? Ấy là dân gian muốn nâng thêm một cấp độ, tạo thêm hình ảnh gợi tả, sinh động của từ, đẩy sự “lò dò” lên đỉnh điểm: lò dò từng bước run rẩy, liêu xiêu tựa hồ không bước nổi. Ấy chính là “Lò dò như cò phải bão”.
2. "Hô biến" con chuột chù. Đang lù rù khói bỗng co ro rét.
-Lù rù như chuột chù phải khói Chê người cứ co ro ngồi một chỗ. Trời có rét lắm đâu mà lù rù như chuột chù phải khói thế kia !
Cách giải thích “Chê người cứ co ro ngồi một chỗ” của GS Nguyễn Lân khiến ta chẳng còn thấy bóng dáng con “chuột chù phải khói” đâu cả.
Xét về nghĩa đen. Chuột chù (chuột chù nhà) là con vật chân ngắn, không hề biết leo trèo. Mắt chuột chù ti hí, cái mũi dài nhọn một cách bất thường. Dường như khứu giác của nó phải làm việc cật lực để bù cho thị giác. Thế nên, giống chuột này đi chẳng ra đi, bò chẳng ra bò, cái đuôi kéo lê thê trên đất. Cứ mấy bước lại dừng, hít hít, ngửi ngửi lần đường, bộ dạng chậm chạp, lờ đờ như con chuột ốm. Nếu gặp kẻ thù, nó cũng chẳng nhanh hơn. Bởi lẽ, vũ khí của nó không phải ở đôi chân mà nằm hết trong cái túi xạ lợi hại. Khi gặp nguy hiểm, nó tiết ra một mùi hôi khét nồng nặc, cực kỳ khó chịu, khiến kẻ thù dù đói bụng và phàm ăn đến mấy cũng phải ngán ngẩm mà bỏ đi. Bởi thế, lúc nào chuột chù cũng cứ lù đà lù đù. Nó không thể (hay không thèm ?) nhanh hơn chút nào. Trở lại chuyện “chuột chù phải khói”. Đối với chuột cống, chuột nhà, chuột đồng...bình thường nhanh nhẹn, khoẻ mạnh là thế. Nhưng khi bị hun khói, đầu óc choáng váng do thiếu oxy, mắt mờ đi vì khói, chúng cũng trở nên lờ đờ, chậm chạp, đâm quàng đâm xiên, mất hết phương hướng. Huống hồ đối với con chuột chù vốn đã lù đù, chậm chạp, yếu ớt, nay lại thêm “phải khói” nữa thì nó còn lù đù đến mức nào ? Mặt khác, xét theo nghĩa đen, sự phản ứng của người và vật khi bị khói rất khác với bị rét. Thành ngữ đang so sánh nhận xét ai đó giống như con chuột chù phải khói (lù đù, hoặc lù rù) sao Giáo sư lại đem chuyện bị rét (co ro) ra để giải thích ? Lù đù với co ro là một khác biệt rất lớn về ngữ nghĩa. Lù đù, hay lù rù, trong đó hàm ý sự dịch chuyển một cách chậm chạp, ốm yếu. Còn co ro lại được hiểu là trạng thái ngồi, nằm, đứng một chỗ, chân tay co lại vì giá lạnh. Giả sử vừa đi vừa co ro thì nói đến co ro, người ta nghĩ ngay đến rét chứ không phải do khói. “Từ điển tiếng Việt” (Hoàng Phê) giải nghĩa “lù rù: từ gợi tả dáng vẻ chậm chạp, lờ đờ như người đau yếu”;lù đù: từ gợi tả dáng vẻ ngờ nghệch, chậm chạp, không lanh lợi”, “co ro: co người, thu nhỏ người lại cho đỡ rét”. “Việt Nam tự điển” (Hội Khai trí Tiến Đức): “Lù đù. Ngờ nghệch, chậm chạp: Trông người lù đù không làm được việc gì: Lù đù như chuột chù phải khói”; “Co ro. Cúm rúm, không được chững chạc: Trời rét ai cũng co ro, không muốn làm gì”.
Chúng ta đặt câu hỏi: phải chăng GS Nguyễn Lân không phân biệt được nghĩa của hai từ “lù rù”, “lù đù” với từ “co ro” ? Thưa không phải ! Ở ngay trên mục “Lù rù như chuột chù phải khói” là từ “lù rù”, GS Nguyễn Lân đã giải thích đúng: “lù rù - Có vẻ ngù ngờ, không lanh lẹn: Người có vẻ lù rù nhưng gan góc lắm”; “lù đù - Chậm chạp, không lanh lẹn, ngờ nghệch”“co ro Thu mình lại vì rét”. Như vậy, tư duy của GS Nguyễn Lân đã không kết nối được “lù rù” nghĩa gốc đứng độc lập, với nghĩa tăng thêm trong thành ngữ “Lù rù như chuột chù phải khói”. Nhân tiện cũng nên nói thêm. Ví dụ về cách dùng từ “lù rù” của GS Nguyễn Lân không ăn nhập. Bởi bộ dạng lù rù hay nhanh nhẹn không chứng tỏ gan góc hay hèn nhát. Nên lấy ví dụ sát đúng hơn: "Người có vẻ lù rù nhưng lúc cần cũng nhanh nhẹn, được việc lắm". (Đại khái, xem từ điển của GS Nguyễn Lân, bạn đọc cứ có cảm giác cái sai, cái không chính xác xuất hiện ở khắp mọi nơi, thuộc nhiều kiểu, nhiều cấp độ).
Tham khảo: Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam (chọn lọc giành cho học sinh) giải thích ngắn gọn và chính xác: "Lù rù như chuột chù phải khói: Bộ dạng chậm chạp ngờ nghệch, lúng túng, không biết đường nào mà lần (Nguyễn Bích Hằng tuyển soạn-NXB Văn hóa thông tin-2011)
3. “Chai sang cốc, cốc sang chai”:
- Con én đưa thoi (Cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn) Ví thời gian đi nhanh như thoi đưa trên khung cửi: Tiết vừa con én đưa thoi (Kiều)”
Không đúng ! Con én bay qua, bay lại giống như cái thoi khung dệt chứ không phải “Cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn”. Theo nghĩa đen, chim én có tập tính bay qua, bay lại như dệt, như đan trên bầu trời để bắt côn trùng làm mồi (gần giống kiếu bay bắt muỗi của dơi dơi). Mùa xuân ấm ám cũng là thời điểm nhiều loại côn trùng sinh sôi, nguồn thức ăn dồi dào của chim én. Hình ảnh chim én bắt mồi được ví với cái thoi dệt vải. Mà cái thoi dệt vải lại được ví như thời gian trôi qua rất nhanh. Ở đây, GS Nguyễn Lân mắc lỗi hai lần: Một: không phân biệt được cấu trúc câu tiếng Việt: “con én đưa thoi” khác với thoi đưa con én chứ ? Hai: về ngữ nghĩa, con thoi mới là hình ảnh tượng trưng cho thời gian trôi nhanh. “Hán Việt tự điển”-Thiều Chửu: “cái thoi nó đi lại rất nhanh, nên nói đến thì giờ nhanh chóng gọi là Nhật nguyệt như thoa (Dị bản: Tuế nguyệt như thoa (hoặc toa)-HTC chú thích) nghĩa là ngày tháng như thoi đưa”. Trong câu Kiều: “Tiết vừa con én đưa thoi, Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi”, Đào Duy Anh giải thích: “Thiều quang: ánh sáng đẹp của mùa xuân...tức ngày xuân là 90 ngày mà đã ngoài 60 ngày rồi, tức là sang đầu tháng ba” (Từ điển Truyện Kiều). Con én là biểu tượng mùa xuân. Nó bay qua, bay lại tựa con thoi trên bầu trời, khiến “tấm vải thời gian” ba tháng mùa xuân thấm thoắt đã gần “dệt” xong. Một sự ví von tuyệt vời ! GS nói “cái thoi khung dệt đưa đi đưa lại như chim én bay lượn” thì còn gì gọi là văn chương nữa ?
4.Dân định cư bỗng thành khách vãng lai.
- Đất lành chim đậu. Nói chung những nơi hiếu khách, ai cũng muốn đến thăm. Khách du lịch thích đến đó vì đất lành chim đậu mà.
Hai từ “chim đậu” khiến GS Nguyễn Lân không tư duy gì thêm mà nghĩ ngay đến “vụt đỗ, vụt bay” và giải thích sai cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Xin hỏi, nếu chỉ “đến thăm”, đến “du lịch” thì đất lành hay đất dữ đâu có quan trọng lắm ? Từ “đậu” ở đây có nghĩa là ở lại chứ không phải “đến thăm” hay “du lịch”. Có câu “Đất lành chim đỗ, đất ngỗ chim bay”(“đất ngỗ” tức là đất nghịch, đất không tốt). Về nghĩa đen: Tuy cuộc đời chim là cánh bay, nhưng mỗi loài đều biết chọn cho mình một môi trường sống ổn định. Nếu không bị đe dọa (kẻ thù, săn bắn) lại có khí hậu ôn hòa, nguồn thức ăn dồi dào, chim sẽ chọn đất ấy làm nơi trú ngụ, sinh sôi. (Cò vạc kiếm ăn từng thung-tục ngữ). Các vườn cò, vườn chim đông đúc đã chứng minh điều đó. Mảnh đất hấp dẫn muông thú đến trú ngụ, sinh sôi tất là mảnh đất hiền hòa, tốt tươi. Nơi đó cũng chính là môi trường sống lâu dài, lý tưởng của con người. "Đất lành chim đậu" thoạt nghe đầy vẻ huyễn hoặc. Tuy nhiên, đó là tư duy locgic, biện chứng của dân gian, phản ánh mối quan hệ chặt chẽ giữa con người-môi trường-thiên nhiên-vạn vật.
Tham khảo: Tương truyền, cụ Tổ bốn đời của Lê Lợi là Lê Hối, nhà vốn ở thôn Như Áng. Một hôm đi chơi, thấy đàn chim bay lượn vòng quanh trên khoảng đất dưới núi Cham (tức Lam sơn, nay thuộc huyện Thọ Xuân-Thanh Hóa), giống như đám người tụ hội. Cụ nghĩ “Chỗ này tất là nơi đất lành” bèn dời nhà đến ở, khai phá ruộng vườn, được ba năm thành sản nghiệp. Từ đó họ Lê đời đời hùng trưởng một phương.
Kiểu “tư duy xiếc”, “tư duy ngược” chúng ta bắt gặp khá nhiều trong từ điển của GS Nguyễn Lân:
5. Gối lên thành lấn sang, vụ sau thành vụ trước:
-Gối vụ Nói nhà nông làm lấn sang vụ sau, trong khi chưa xong hẳn vụ này. Nông dân phải gối vụ để tăng sản lượng.
Phải hiểu ngược lại: vụ sau gối vào vụ trước mới đúng. Nghĩa là khi vụ trước (vụ 1) chưa xong thì đã triển khai vụ sau (vụ 2). Như chuẩn bị cây giống, phân bón, nhân lực để khi vụ trước vừa xong thì gối ngay vào. Ví như để trồng ngô đông trên đất hai lúa, người ta gieo sẵn hạt ngô vào bầu trước khi trồng tới hàng tuần. Đến khi gặt mùa, thu hoạch lúa phía trước, cày ngay đất phía sau, rải phân bón đã chuẩn bị sẵn đầu bờ ruộng và đưa bầu ngô ra trồng (Sáng lúa, chiều ngô). Như thế cây ngô đông đã gối lên vụ trước được tới cả chục ngày.
Ở đây GS Nguyễn Lân đã không hiểu về sản xuất nông nghiệp lại mắc thêm lỗi dùng từ, diễn đạt. Bởi, “gối” khác với “lấn”. Gối là trong cùng một khoảng diện tích (hữu hình), thời gian (vô hình), một phần cái này gối, gác lên cái kia. Trong khi “lấn” lại là cái này chiếm chỗ của cái kia, một mất một còn, có cái này thì không có cái kia. Nếu nói vụ trước “lấn sang vụ sau” có nghĩa thời gian của vụ trước bị kéo dài, gây ảnh hưởng đến kế hoạch triển khai vụ sau, sao gọi là “gối vụ để tăng sản lượng” được ?
Cách diễn đạt này là kết quả của một tư duy thiếu chặt chẽ, mạch lạc.
6. Máy thu hình thành đài truyền hình:
-Màn hình. Bề mặt của đài truyền hình hoặc máy tính.
Phải hiểu ngược lại mới đúng: “màn hình”bộ phận hiển thị hình ảnh của máy tính hoặc máy thu hình chứ không phải "đài truyền hình". “Truyền hình” khác với hiển thị chứ ? Và nó không chỉ là “bề mặt” mà là một vật, một bộ phận. Ấy là chưa kể ngôn ngữ hàng ngày, màn hình còn được dùng để chỉ cái Ti-vi, máy thu hình.
7.Đi qua thành đi lại.
- Lai vãng (vãng: đi đến) Qua lại một nơi nào đó.
Vẫn là kiểu "tư duy ngược". Vãng”đi, đi qua chứ không phải "đi đến"; “lai” mới là đi lại, đi đến. Nên “lai vãng” mới có nghĩa là“qua lại một nơi nào đó” như GS đã giảng chứ ?
8. Đưa, rước thành đón rước:
-Đón người cửa trước, rước người cửa sau. Nói kẻ chuyên nghề mại dâm: Công an săn lùng những kẻ đón người kẻ trước rước người kẻ sau (Từ điển thành ngữ tục ngữ Việt Nam)
Đúng ra là “Đưa người cửa trước, rước người cửa sau”. Nếu cửa trước cũng đón, cửa sau cũng rước thì “mại” sao cho kịp ? Vả lại cùng đón, rước vào nhà cả, thà đi hết đằng trước cho xong ! Đây vốn là câu Kiều (Tin nhạn vẩn lá thư bài, Đưa người cửa trước rước người cửa sau”) GS Nguyễn Lân “lẩy” ra làm “thành ngữ, tục ngữ” nhưng đã chép sai, giải thích bừa, bất chấp phi logic. Nếu GS không khẳng định thêm lần nữa bằng ví dụ: “Công an săn lùng những kẻ đón người kẻ trước rước người kẻ sau”, bạn đọc sẽ nghĩ do lỗi in nhầm: đưa thành “đón”. Nhân tiện, lại xin nói thêm: GS Nguyễn Lân ví dụ “Công an săn lùng” những kẻ làm nghề mại dâm là hơi quá, bởi đây không phải tội phạm hình sự.
Tham khảo: Đào Duy Anh giải thích: Đưa người cửa trước, rước người cửa sau, Hình dung tình hình nhà thanh lâu tấp nập, mới đưa khách ra ở cửa trước, thì đã đón khách vào ở cửa sau, để họ khỏi gặp nhau(Từ điển Truyện Kiều).
9.Lỗi tư duy logic hệ thống, tiền hậu bất nhất:
Hình như có tình trạng “cát cứ” trong tư duy khiến GS Nguyễn Lân không thống nhất, kết nối được chuỗi các dữ liệu do chính soạn giả đưa ra trong cùng một cuốn sách:
-Đăng khoa (đăng: ghi tên; khoa: khoa cử).
-Kế thế đăng khoa (đăng: trèo lên).
Đều là “đăng khoa” cả, lý gì một “đăng” là "ghi tên", một “đăng” là "trèo lên" ? Thực ra chữ “đăng” trong hai trường hợp trên đều có nghĩa giống nhau: ghi danh khoa cử.
-Hiệu trưởng (...trưởng: người đứng đầu)
-Hiệu phó (…phó: người giúp đỡ) Người trong ban giám hiệu một trường học, có  nhiệm vụ phụ trách một số công tác và thay mặt hiệu trưởng khi cần thiết.
Giải thích từ, ngữ nhưng GS Nguyễn Lân không căn cứ vào nghĩa của từ ngữ mà lại dựa vào công việc hàng ngày của “Hiệu phó” để giải thích nôm na. Mặt khác GS cũng không nhớ hay liên hệ trước đó đã giải thích từ “trưởng” trong “Hiệu trưởng” thế nào. Chữ “phó” ở đây có nghĩa là thứ, thứ hai, thứ nhì chứ không phải là "người giúp đỡ". Thế nên Thứ trưởng còn được gọi là Phó bộ trưởng (bên Tàu). Chính Nguyễn Lân đã giải nghĩa chữ “trưởng” trong hiệu trưởng“người đứng đầu” đấy thôi. Sau người đứng đầu phải là người thứ hai, người đứng sau chứ ?
-Khí tượng thủy văn (văn: vẻ ngoài)
-Kính thiên văn (văn: văn vẻ)
Hai chữ “văn” này đều có nghĩa giống nhau, nhưng GS Nguyễn Lân giải thích một "văn""vẻ bề ngoài", một “văn” lại là "văn vẻ". Thực ra “văn” ở đây nghĩa là những hiện tượng thiên nhiên. Nên có thiên văn, địa văn, thủy văn là vậy. Kính thiên văn là kính quan sát những hiện tượng thiên nhiên trên bầu trời (trăng sao, nhật thực, nguyệt thực…)
-         Run như dẽ (Dẽ là một con chim hay ăn giun, nên cũng gọi là dẽ giun. Dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này).
-         Sợ run như dẽ (Dẽ là loài chim hay ăn giun, nên gọi là dẽ giun. Ở đây, với mục đích chơi chữ, đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”).
Hai câu này xuất hiện trong hai mục từ “R” và “S” của cuốn sách. Tuy nhiên, cùng trong một cuốn sách nhưng GS giải thích “tiền hậu bất nhất”. Ban đầu thì cho rằng “Dân gian lẫn lộn từ giun và từ run nên mới đặt ra câu này”, đến sau lại giải thích “với mục đích chơi chữ đã đồng nhất từ “giun” và từ “run”. Và điều quan trọng là cả hai cách giải thích đều sai.
10.Tư duy khái quát:
-Ướt đẫm Nói mồ hôi thấm đầy vào quần áo: Tay mang khăn gói sang sông, Mồ hôi ướt đẫm, thương chồng phải theo (ca dao).
Từ “ướt đẫm” không chỉ dùng riêng để “Nói mồ hôi thấm đầy vào quần áo”. Người ta vẫn viết và nói ướt đẫm mưa, ướt đẫm nước mắt, ướt đẫm sương v.v... Ví dụ: Tàu chuối ướt đẫm sương đêm. Soạn giả mới giải nghĩa từ “ướt đẫm” trong văn cảnh cụ thể của  câu ca dao, chưa phải giải nghĩa từ vựng độc lập. Từ ướt đẫm có thể được dùng trong các trường hợp chỉ ướt đều, ướt hết, ướt mà thấm. Nghĩa từ vựng phải là nghĩa tổng quát, bao hàm để từ đó người nói, người viết có thể vận dụng vào nhiều trường hợp khác theo cách mà từ điển đã chỉ dẫn.
-Đồng ruộng. Nông thôn nói chung: Trở lại đồng ruộng xí nghiệp, công trường (PVĐồng)
“Nông thôn nói chung” có nghĩa rộng hơn“đồng ruộng” nhiều. Nó bao gồm cả cảnh quan, đường sá, ruộng đồng, làng mạc, nhà cửa....Trong khi  "đồng ruộng" chỉ là khu ruộng, mảnh đất phục vụ cho việc cấy cày, trồng trọt mà thôi. Giống như "xí nghiệp, công trường" không phải thành thị nói chung mà là nơi làm việc của công nhân.
-Mật ít ruồi nhiều: nói tình trạng việc thì ít mà người xin làm lại nhiều.
Thực ra không chỉ nói chuyện xin việc mà là cách nói ẩn dụ, chỉ chung tất cả những tình huống cầu vượt quá cung.
-Chả nướng. Thịt lợn hoặc thịt bò thái thành miếng xỏ vào cái xiên tre rồi nướng trên than.
Nói như vậy có nghĩa món chả không làm bằng “thịt lợn hoặc thịt bò”, mà bằng thịt chó, không “xỏ vào cái xiên tre” mà lại xỏ vào cái xiên sắt để nướng sẽ không được gọi là chả nướng hay sao ? Hoặc thịt lợn không “thái thành miếng”băm nát, không “xỏ vào cái xiên tre” mà nặn thành miếng tròn bẹt, kẹp vỉ sắt, nướng lên cũng không thể gọi là chả nướng ? Soạn giả nên hiểu: chả nướng bằng kẹp, bằng vỉ hay bằng xiên; dụng cụ nướng bằng tre hay bằng sắt, nướng “trên than” hay bếp điện không làm thay đổi khái niệm chả nướng. Trường hợp này có thể giải nghĩa: Chả nướng: thịt thái thành miếng hoặc băm nhỏ, ướp gia vị rồi nướng lên.
Nhìn chung, tư duy khái quát khi giải nghĩa từ vựng của soạn giả chưa tốt. Bởi thế, nhiều khái niệm đáng lẽ được giải quyết theo hướng mở, bao hàm hơn, vừa đúng, vừa đủ lại bị soạn giả hạn chế đóng chặt, khép kín bằng những ngôn từ quá cụ thể.
11.Tư duy logic có vấn đề của GS Nguyễn Lân còn thể hiện bằng hàng loạt từ Hán Việt đã bị chọn nghĩa sai khi giải thích từng từ:
-Nhan sắc (Nhan: mặt; sắc: màu - Nghĩa đen: màu mặt) Vẻ đẹp của phụ nữ.
Chữ sắc đúng là có  một nghĩa là màu sắc. Thế nhưng trong văn cảnh này sắc lại được hiểu là sắc đẹp. Thiều Chửu giải nghĩa: “Sắc: Sắc đẹp, gái đẹp. Như hiếu sắc 好色 thích gái đẹp”. Chính GS Nguyễn Lân cũng giải thích “nhan sắc”“vẻ đẹp của phụ nữ” đấy thôi, tại sao khi giảng nghĩa lại cho rằng “sắc: màu” ?
-Hành quyết. (Quyết: phán xử) Thi hành án tử hình: tên giết người đã bị hành quyết.
Chuyện “phán xử” chỉ diễn ra ở pháp đình. Khi đã ra tới pháp trường với hai từ “hành quyết” làm gì còn chuyện phán với xét nữa ? Chữ “quyết” (決)ở đây có nghĩa là xử chém.“Hành quyết” là thực hiện việc xử chém. “Hán Việt tự điển” của Thiều Chửu: “Quyết: Khơi, tháo. Vỡ đê. Xử chém (trảm quyết). | Quyết đoán. | Nhất quyết, như quyết ý 決意, quyết tâm  決心, v.v. Cắn. Dứt, quyết liệt”. Chính GS Nguyễn Lân đã giải thích “hành quyết”“thi hành án tử hình” cơ mà ? Nghĩa thứ 3 của “quyết”, Thiều Chửu cũng đã chỉ ra rành rành. Ngay một người không được học chữ Hán, bằng tư duy logic của mình sẽ biết chọn nghĩa thứ 3, ghép cho từ “hành quyết”. Vậy mà GS Nguyễn Lân, một Nhà biên soạn từ điển lại không tiếp cận được, kể cũng là điều kỳ lạ !
Ta lấy ví dụ thế này: giải thích từ Ấm chén: Ấm và chén, dụng cụ pha trà, uống ước nói chung. Từ "chén" tiếng Việt có 4 nghĩa: 1.ăn; 2.cái chén uống nước, 3.cái bát ăn cơm; 4.thang thuốc đông y... Vậy tìm nghĩa từ "chén" trong "ấm chén" tất phải chọn nghĩa thứ 2.cái chén uống nước. Nếu có người chọn nghĩa thứ 1, hoặc thứ 3, thứ 4 cho từ chén trong "ấm chén" đó là sản phẩm của một tư duy phi logic ! (Trong các bài “Hai cuốn từ điển rất có hại cho tiếng Việt”“Đọc lướt Từ điển từ và ngữ Việt Nam” tác giả Lê Mạnh Chiến và An Chi đã chỉ ra hàng trăm lỗi giải nghĩa từ Hán Việt, trong đó phần lớn GS Nguyễn Lân mắc lỗi bởi tư duy kiểu này).
Đến đây, bạn đọc đã đi cùng chúng tôi qua 5 kỳ “Thử lý giải ...”. Sai sót của GS Nguyễn Lân do nhiều nguyên nhân. Trong đó có tư duy, một tư duy phi logic. Tuy nhiên, tại sao một “Giáo Sư, Nhà giáo nhân dân, Nhà biên soạn từ điển, học giả nổi tiếng của Việt Nam” (đánh giá của  Bách khoa toàn thư mở Wikipedia) lại có kiểu tư duy như vậy, mắc những sai sót như vậy ? Điều này chúng tôi không lý giải được !
                                                                                              H.T.C
Kỳ sau
Tiếng mẹ đẻ




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét